1. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài

Nhãn mác và chỉ dẫn địa lý khác biệt ở chỗ một bên là tài sản doanh nghiệp, một bên là tài sản của cộng đồng. Trước vấn đề tên địa lý Phú Quốc và Buôn Ma Thuột bị các công ty nước ngoài đăng ký sở hữu trí tuệ, chúng ta cần bình tĩnh cân nhắc các khía cạnh của bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Nhãn mác và chỉ dẫn địa lý

Thông thường có hai cách để nâng cao giá trị gia tăng các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản. Cách thứ nhất là tăng cường chế biến, với các sản phẩm phổ thông, là đóng gói để xuất khẩu sản phẩm cuối cùng đến tận người tiêu dùng trong và ngoài nước với số lượng lớn. Với loại chuỗi thương mại này, nhãn mác thương mại (trade mark) của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để xây dựng thị trường.

Một doanh nghiệp nông sản, thực phẩm chỉ thành công về xây dựng thương hiệu qua nhãn mác có bảo hộ của mình, khi có sản phẩm phân phối đến tận người tiêu dùng. Còn nếu chỉ dừng ở khâu cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến quốc tế như phần lớn các công ty chè, cà phê, gạo, thủy sản… của Việt Nam hiện nay, thì việc xây dựng thương hiệu có nhãn mác bảo hộ đến người tiêu dùng là rất khó khăn, không khả thi.

Cách hai, chỉ dẫn địa lý (GIS), được định nghĩa trong điều 21 của WTO về thỏa thuận TRIPs (thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ) năm 1995, có thể tóm tắt là sự kết hợp giữa chất lượng, sự nổi tiếng, những đặc tính đặc trưng của sản phẩm gắn với vùng địa lý nào đó. Châu Âu đi đầu trong xây dựng các chuỗi ngành hàng riêng biệt có bảo hộ chỉ dẫn địa lý, với sản phẩm đóng gói cho người tiêu dùng, có nhãn mác ghi tên địa phương sản xuất. Nhiều nước đã xây dựng logo quốc gia về chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm có sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Để sản phẩm được sử dụng chỉ dẫn địa lý trên nhãn mác, nhà sản xuất phải tuân thủ điều kiện nhất định, đảm bảo sản xuất ra sản phẩm đúng với yêu cầu bảo hộ, nhất là tính đặc trưng, nguồn gốc bản địa. Tên chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, trở thành tài sản chung của cộng đồng, vùng, thậm chí quốc gia, là di sản văn hóa nếu sản phẩm đó gắn với các truyền thống văn hóa. Do đó, tất cả mọi nhà sản xuất, tuân thủ điều kiện sản xuất và phân phối của yêu cầu chỉ dẫn địa lý, đều có quyền đề nghị được sử dụng tên chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm của mình. Đây là điểm khác biệt giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý: một bên là tài sản doanh nghiệp, một bên là tài sản của cộng đồng.

>> Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số: 1900.0191

Tên địa lý Phú Quốc và Buôn Ma Thuột có thể mất không?

Trước vấn đề tên địa lý Phú Quốc và Buôn Ma Thuột bị các công ty nước ngoài đăng ký sở hữu trí tuệ, chúng ta cần bình tĩnh cân nhắc các khía cạnh của chỉ dẫn địa lý.

Tùy thuộc hệ thống bảo hộ. Việc một doanh nghiệp đăng ký tên nhãn mác trùng với tên địa lý được bảo hộ đã diễn ra cả ở Việt Nam cũng như nước ngoài, và xử lý vấn đề này phức tạp, tùy hệ thống bảo hộ tại từng nước. Nhìn chung, hệ thống bảo hộ sử dụng chỉ dẫn địa lý và nhãn mác thương mại có quan hệ chặt chẽ, nhưng khác biệt.

Nếu giữa hai nước, ví dụ Việt Nam và Trung Quốc, có hiệp định công nhận bảo bộ chỉ dẫn địa lý lẫn nhau, như Việt Nam và Pháp đã làm, thì dù có nhãn mác thương mại đăng ký tên Buôn Ma Thuột, thì sản phẩm có bảo hộ chỉ dẫn địa lý Việt Nam vẫn có thể được lưu hành ở Trung Quốc dưới dạng sản phẩm chỉ dẫn địa lý. Tất nhiên lúc này người tiêu dùng sẽ bị lẫn lộn và sản phẩm chỉ dẫn địa lý thật sẽ thiệt thòi. Hiện nay, trừ Pháp, Việt Nam chưa xúc tiến các hiệp định song phương về công nhận hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý của nhau và bảo hộ sản phẩm trên thị trường của nhau.

Tùy thuộc vào luật pháp và nhận thức của người tiêu dùng ở quốc gia đăng ký nhãn mác. Trong hầu hết luật về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trên thế giới và trong những thỏa thuận TRIPs của WTO, mà cả Trung Quốc và Việt Nam là thành viên, đã chỉ ra rằng việc đăng ký một nhãn hiệu bao gồm hay chứa đựng dấu hiệu địa lý đối với hàng hóa không có nguồn gốc tại nơi địa lý được nêu, sẽ bị từ chối hoặc không có hiệu lực, nếu việc sử dụng nhãn hiệu có thể làm cho công chúng hiểu sai về xuất xứ thực sự của hàng hóa.

Nguyên tắc quan trọng là người tiêu dùng sẽ không bị nhầm lẫn về xuất xứ của hàng hóa. Nếu luật của Trung Quốc, Hồng Kông tuân theo những nguyên tắc chung này, có nghĩa rằng, nhãn hiệu Buon Ma Thuot và Phu Quoc của Trung Quốc không thể được sử dụng đối với cà phê, nước mắm không phải xuất xứ và tuân thủ điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ Việt Nam.

Trong trường hợp này, người tiêu dùng Trung Quốc có thể hiểu nhầm về xuất xứ thực sự của sản phẩm. Việc sử dụng nhãn hiệu này cho cà phê, nước mắm không phải xuất xứ từ Việt Nam sẽ bị cấm. Sự ngăn cấm chỉ có thể được quyết định bởi tòa án Trung Quốc, vì không tòa án quốc tế nào có thẩm quyền đối với vấn đề này. Để chứng minh rằng người tiêu dùng hiểu sai, điều quan trọng là nâng cao nhận thức người tiêu dùng tại Trung Quốc là Buon Ma Thuot là một chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Việt Nam.

Tùy thuộc vào bảo hộ quốc tế về chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Nếu Việt Nam muốn ngăn chặn đăng ký nhãn hiệu bao gồm cả dấu hiệu địa lý cho các sản phẩm không phải của Việt Nam, cần nâng cao nhận thức về sự tồn tại của dấu hiệu nhận biết vùng địa lý của mình ở nước ngoài.

Ví dụ trao đổi ký các hiệp định công nhận lẫn nhau, vì hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý các nước rất khác nhau, hoặc thông báo chính thức cho cơ quan quản lý Trung Quốc, các nước khác về các chỉ dẫn địa lý Việt Nam. Khi có thể, Việt Nam nên bảo hộ chỉ dẫn địa lý của mình, không chỉ đăng ký tại Việt Nam mà còn đăng ký tại những nước xuất khẩu chính (thông qua Luật Chỉ dẫn địa lý nếu có hoặc qua Luật Nhãn hiệu thương mại). Cách khác cho Việt Nam là đẩy mạnh bảo hộ quốc tế về chỉ dẫn địa lý ngay tại các cuộc thương thảo đang diễn ra tại WTO.

Với thị trường Trung Quốc, thật sự cà phê có nhãn hiệu Buôn Ma Thuột cũng chưa phân phối đến tay người tiêu dùng Trung Quốc, mà chủ yếu dùng làm nguyên liệu cho các công ty quốc tế. Với Trung Quốc, nơi dùng nước chấm hơn nước mắm, liệu có phải là thị trường chiến lược của nước mắm Phú Quốc không? Do đó các doanh nghiệp, hiệp hội cần cân nhắc trước khi hành động.

>> Tham khảo dịch vụ pháp lý liên quan: Tư vấn thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

2. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý Vĩnh Bảo cho sản phẩm thuốc lào

Ngày19 tháng 8 năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3349/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00050 cho sản phẩm thuốc lào Vĩnh Bảo.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý Vĩnh Bảo cho sản phẩm thuốc lào

Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Vĩnh Bảo nằm ở phía Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, phía Tây Nam của thành phố Hải Phòng, cách trung tâm thành phố 40km, nằm trên vùng hạ lưu và cửa sông Thái Bình đổ ra biển Đông, được bao bọc bởi sông Luộc, sông Hóa. Địa danh Vĩnh Bảo gắn liền với sản phẩm thuốc lào nổi tiếng. Thuốc lào được trồng ở Việt Nam từ năm 1660 vào đời vua Lê Thần Tông. Trải qua hàng trăm năm phát triển, cây thuốc lào vẫn được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ tại Vĩnh Bảo.

Thuốc lào Vĩnh Bảo 1 được sản xuất từ giống Ré đen, sợi thuốc có màu nâu đậm đến màu hạt cau, mùi thơm dịu, độ dầu dẻo của sợi thuốc cao, sợi dẻo không bung, khi hút êm, không sốc, dịu, không nóng cổ, hậu vị chua, không ngái. Hàm lượng nicotin: 5,46 – 8,95%. Hàm lượng đường tổng số: 1,32-4,30%. Hàm lượng nitơ-protein: 2,12-3,61%. Hàm lượng Clo: 1,42-3,92%.

Thuốc lào Vĩnh Bảo 2 được sản xuất từ giống Báng hoặc giống Ré trắng. Màu sắc sợi thuốc từ vàng đến vàng đậm, mùi thơm dịu. Độ dầu dẻo của sợi thuốc trung bình. Khi hút khá êm đến nặng, hơi sốc, hơi nóng đến nóng cổ, hậu vị chua nhẹ, không ngái. Hàm lượng nicotin: 2,69 – 4,95%. Hàm lượng đường tổng số: 5,20 – 10,60%. Hàm lượng nitơ-protein: 1,80 – 2,83%. Hàm lượng Clo: 0,84 – 3,15%.

CDĐL Thuoc lao Vinh Bao

Các đặc tính của thuốc lào Vĩnh Bảo có được là nhờ các điều kiện địa lý đặc thù bao gồm:

– Đặc thù về địa hình: Khu vực địa lý có địa hình đồng bằng, bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch, không bằng phẳng tuyệt đối, có khu vực thấp trũng và khu vực gò cao hơn so với địa hình chung, bao gồm cả 4 loại hình đất là vàn cao, vàn, vàn thấp và trũng.

– Đặc thù về khí hậu: Khu vực địa lý có nhiệt độ trung bình là 23,29oC; biên độ nhiệt dao động từ 16,89oC đến 17,9oC; tổng lượng mưa dao động từ 1268mm đến 2263mm, phân bố tập trung từ tháng 6 đến tháng 9; tổng số giờ nắng trung bình/tháng là 122 giờ, tổng số giờ nắng trung bình/năm là 1469 giờ/năm, số giờ nắng tăng đột biến trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 6; độ ẩm trung bình của khu vực đạt 86,79%; lượng nước bốc hơi tổng số trung bình 59mm/tháng, 706mm/năm.

– Đặc thù về thổ nhưỡng: Đất trồng thuốc lào Vĩnh Bảo 1 là đất có thành phần cơ giới trung bình đến nặng, đất thịt nặng đến thịt trung bình hoặc thịt pha sét, độ chua từ trung bình đến chua. Đất có độ phì cao, hàm lượng dinh dưỡng của đất từ trung bình đến khá, khả năng điều hòa dinh dưỡng tốt, đặc biệt là đất không mặn hoặc mặn ít. Đất trồng thuốc lào Vĩnh Bảo 2 là đất có thành phần cơ giới trung bình, bao gồm các loại đất thịt trung bình, thịt pha cát, đất có độ chua từ trung bình đến ít chua, chất lượng dinh dưỡng của đất ở mức độ trung bình và thấp, độ mặn từ mặn ít đến không mặn. Khả năng hấp thu của đất khá, hàm lượng cát cao nhưng độ phì của đất và khả năng điều hòa dinh dưỡng của đất ở mức khá và tốt.

Ngoài ra, quy trình sản xuất truyền thống của người dân địa phương ở nơi đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên tính chất đặc thù của sản phẩm.

Khu vực địa lý: xã Lý Học, xã Hòa Bình, xã Liêm Am, xã Tam Cường, xã Cổ Am, xã Vinh Quang, xã Thắng Thủy, xã Vĩnh An, xã Dũng Tiến, xã Trấn Dương, xã Vĩnh Tiến, xã Cao Minh, xã Giang Biên, xã Tân Liên, xã Tam Đa, xã Nhân Hòa, xã Tân Hưng, xã Việt Tiến, xã Trung Lập, xã Hùng Tiến, xã Vĩnh Long, xã Hiệp Hòa, xã An Hòa, xã Hưng Nhân, xã Đồng Minh, xã Thanh Lương, xã Tiến Phong, xã Vĩnh Phong, xã Cộng Hiền và thị trấn Vĩnh Bảo, thuộc huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

Theo phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế noip.gov.vn

3. Kon Tum đón nhận giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh

Tới dự, về phía Bộ KHCN có ông Trần Việt Thanh – Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ KH&CN.

Về phía tỉnh Kon Tum có ông: Y Mửi – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hòa – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Lãnh đạo HĐND – UBND – UBMTTQVN tỉnh; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Kon Tum; UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo Sở KHCN tỉnh Quảng Nam và Gia Lai; các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học, nhà sản xuất Sâm Ngọc Linh.

Ảnh: Lãnh đạo Bộ KHCN trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” với sản phẩm sâm củ cho lãnh đạo tỉnh Kon Tum

Cây Sâm Ngọc Linh là loài cây thuốc “giấu” của đồng bào Xê Đăng, được Đoàn điều tra dược liệu của Ban dân y Khu V phát hiện năm 1973 tại núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Đến năm 1985 hai nhà khoa học (TS.Hà Thị Dụng và TS. Grushvitsky) xác định sâm Ngọc Linh là một loài mới, đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam, thuộc chi Panax L., họ nhân sâm (Araliaceae) và đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv (Theo Trung tâm Sâm Việt nam – 1993), thuộc 250 loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam.

Nhận thức đúng đắn về giá trị kinh tế, xã hội, khoa học và môi trường của cây sâm Ngọc Linh, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã xác định đây là cây hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp các ngành liên quan, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Đến nay, tỉnh Kon Tum đã bảo tồn và phát triển được trên 300 ha sâm Ngọc Linh được trồng trên núi Ngọc Linh, chủ yếu thuộc địa phận xã Măng Ri, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) trên độ cao 1.800 – 2.500 m.

Để phát triển sâm Ngọc linh trên cơ sở bảo tồn nguồn gen, nhằm xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu và mở ra triển vọng to lớn về phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Nhằm xây dựng sâm Ngọc Linh thành thương hiệu Quốc gia, tỉnh Kon Tum, tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 17/4/2013 Quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025, theo đó, vùng quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh có diện tích 31.742 ha, thuộc 03 xã: Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (Đăk Glei) và 05 xã: Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi (Tu Mơ Rông).

Theo kế hoạch, đến năm 2020, diện tích trồng Sâm Ngọc Linh đạt 1.000ha, với sản lượng ước tính 190 tấn; tạo thương hiệu Quốc gia về Sâm Ngọc Linh; đến năm 2025, trồng hết diện tích khoảng 9.343,6 ha theo quy hoạch với quy mô công nghiệp, hàng năm khai thác bình quân 800 ha và thực hiện trồng mới trên toàn bộ diện tích đã khai thác, đưa cây Sâm Ngọc Linh trở thành cây mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế của tỉnh; đa dạng hóa sản phẩm tinh chế từ Sâm Ngọc Linh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Qua hơn 4 năm nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục, ngày 16/8/2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã ký Quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh tại các xã Măng Ri, Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Cùng ngày, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 3239/QĐ-SHTT cấp phó bản số 01 của Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lí số 00049 cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam.

Như vậy, Ngọc Linh là địa danh đầu tiên của tỉnh Kon Tum được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh trở thành chỉ dẫn thứ 49 mà Việt Nam đã bảo hộ và chỉ dẫn địa lý thứ 45 của Việt Nam được bảo hộ.

Theo Thanh Hoa – Vietq.vn

4. Lễ đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Vinh” dùng cho sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An

Sau hơn 3 năm tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tổ chức quản lý việc sử dụng chỉ dẫnđịa lý “Vinh” dùng cho sản phẩm cam quả, Ngày 17/11/2010, tại Công ty Nông nghiệp Xuân Thành, Quỳ Hợp, Nghệ An, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Vinh” dùng cho sản phẩm cam quả.

Tham dự buổi Lễ có Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, ông Hồ Ngọc Sỹ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An, ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ông Trần Xuân Bí, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An và đại diện các ban, ngành trung ương và địa phương cùng đông đảo các hội viên Hội Sản xuất và Kinh doanh cam Vinh của tỉnh Nghệ An. Sau khi đón nhận Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An công bố Quyết định trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý này cho Hội Sản xuất và Kinh doanh cam Vinh.

Lễ đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Vinh” dùng cho sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An

Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số: 1900.0191

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trao cho Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý “Vinh” dùng cho sản phẩm cam quả được ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về chỉ dẫn địa lý (số đăng ký 000012) theo Quyết định số 386/QĐ-SHTT ngày 31/5/2007 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ. Có ba giống cam quả ở tỉnh Nghệ An được mang chỉ dẫn địa lý “Vinh”. Đó là cam Xã Đoài, cam Vân Du và cam Sông Con trồng trên địa bàn các xã Nghi Diên, Nghi Hoa (thuộc huyện Nghi Lộc), Hưng Trung (thuộc huyện Hưng Nguyên), Nghĩa Bình, Nghĩa Hiếu, Nghĩa Hồng, Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn (thuộc huyện Nghĩa Đàn), Minh Hợp (thuộc huyện Quỳ Hợp) và Tân An, Tân Long, Tân Phú (thuộc huyện Tân Kỳ).

Trải qua rất nhiều thế hệ, nhân dân Nghệ An đã chọn lọc và gieo trồng nên một loại đặc sản của xứ Nghệ, nổi tiếng cả nước. Đó là cam Vinh. Đặc trưng của cam Vinh là ở vị ngọt thanh, dịu, hương thơm bên cạnh mẫu mã đẹp. Hương vị tuyệt vời đó là sự kết tinh của ba yếu tố thiên- địa-nhân trên đất Nghệ An.

Những đặc điểm nêu trên được xác định với sự hỗ trợ của dự án “Xây dựng các điều kiện để xác lập quyền chỉ dẫn địa lý”, là cơ sở để xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý “Vinh” dùng cho sản phẩm cam quả. Tuy nhiên, để tổ chức khai thác chỉ dẫn địa lý một cách có trật tự và đem lại hiệu quả thực tế, cần thiết phải có cơ chế quản lý việc sử dụng chỉ dẫn địa lý. Chính vì vậy, thời gian qua, chính quyền tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện nhiều dự án phục vụ việc quản lý hiệu quả chỉ dẫn địa lý, nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó phải kể đến hai dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (Chương trình 68) đang được triển khai, đó là Dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm cam quả của tỉnh Nghệ An” và Dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học để quản lý và nâng cao năng suất, chất lượng của cam Vinh”. Với kết quả của các dự án này, đến nay sản phẩm cam mang chỉ dẫn địa lý “Vinh” đã được đưa vào bán ở các siêu thị của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh rằng việc xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý là rất quan trọng, nhưng có quản lý và khai thác, phát triển được chỉ dẫn địa lý thì mới phát huy ý nghĩa, giá trị của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên thực tế. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để những người tiêu dùng ưa chuộng cam Vinh có thể mua được quả cam chính hiệu Vinh, với chất lượng đúng là chất lượng cam Vinh. Để đạt được điều đó đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp các ngành, và đặc biệt là sự nỗ lực của từng thành viên Hội Sản xuất và Kinh doanh cam Vinh.

Nguồn: Trung tâm Hỗ trợ tư vấn

Theo: http://noip.gov.vn

5. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Văn yên” cho sản phẩm quế

Ngày 07 tháng 01 năm 2010, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định số 01/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00018 cho sản phẩm quế Văn Yên nổi tiếng. Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý “Văn Yên” cho sản phẩm Quế này.

Cây quế có tên khoa học là Cinnamomum cassia.BL, thuộc giống Cinnamomum, họ Lauraceae. Sản phẩm chính của cây quế là vỏ quế và tinh dầu quế được sử dụng nhiều trong công nghiệp y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, hương liệu và chăn nuôi. Cây quế đã gắn bó với người dân ở Văn Yên, đặc biệt là đồng bào người Dao ở đây từ hàng trăm năm nay. Huyện Văn Yên hiện có khoảng gần 20.000 ha quế và có sản lượng vỏ quế chiếm khoảng 70 % tổng sản lượng của cả tỉnh và là địa phương có diện tích và sản lượng quế lớn nhất cả nước. Cây quế là một sản vật quý của vùng đất Văn Yên.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Văn yên” cho sản phẩm quế

Luật sư tư vấn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Gọi: 1900.0191

Quế Văn Yên nổi tiếng bởi chất lượng đặc thù có được do điều kiện địa lý mang lại.

Về mặt cảm quan: vỏ quế Văn Yên có các nốt sần nhỏ, bên ngoài có màu xám xanh, có các vết loang địa y màu xám sáng, bên trong lòng vỏ quế có màu vàng nhạt đến vàng sậm.

Về mặt chất lượng: quế Văn Yên có sự khác biệt rõ ràng so với các loại quế trồng ở vùng khác thông qua chỉ tiêu về chất lượng tinh dầu được biểu hiện bằng hàm lượng ẩm thấp (14,06 – 15,74%), chỉ số khúc xạ của tinh dầu vỏ quế cao (1,6025 – 1,6048nD25), hàm lượng tinh dầu (4,38 – 6,07%,v/w) và hàm lượng Aldehyt cinnamic trong tinh dầu (84,93 – 90,10%,v/w) cao.

Chính những điều kiện đặc thù về mặt tự nhiên và kỹ thuật canh tác quế có từ lâu đời ở nơi đây đã đem lại cho vùng đất này sản vật quý là quế Văn Yên.

Vùng trồng quế có nhiệt độ trung bình năm từ 22,5 – 26,0 OC, lượng mưa trung bình năm 1.800 – 2.200mm, lượng bốc hơi trung bình năm 700 – 900mm, độ ẩm trung bình năm 80,5 – 86,0 %. Quế Văn Yên được trồng trên đất có thành phần cơ giới từ thịt pha cát và sét đến thịt pha sét, đất chua đến rất chua, giá trị pHH2O dao động trong khoảng 4,2 đến 4,7. Đất tại vùng trồng quế có hàm lượng cacbon hữu cơ và đạm trung bình. Lân tổng số trung bình, lân dễ tiêu dao động từ nghèo đến rất nghèo. Kali tổng số nằm trong mức nghèo đến rất nghèo, kali dễ tiêu đạt mức trung bình. Đất có tổng các cation kiềm trao đổi đạt mức thấp đến rất thấp. Dung tích hấp thu trong đất cũng đạt mức thấp. Độ no bazơ đạt thấp. Khu vực địa lý có địa hình bị chia cắt tạo thành các thung lũng với độ dốc cao trên các dãy núi và thoải dần về phía chân đồi có lượng nước ngầm lớn.

Quy trình canh tác cây quế bao gồm các công đoạn truyền thống như: lựa chọn giống, bảo quản hạt và ươm trồng, lựa chọn đất gây trồng… Quế Văn Yên thường được trồng vào các tháng đầu xuân bằng cây con, mật độ dày trên 10.000 cây/ha ở các nương bỏ hóa hoặc mật độ thưa 1.000 – 2.000 cây/ha theo hình thức Nông – Lâm kết hợp với các loại cây trồng hằng năm.

Quế Văn Yên được thu hoạch vỏ theo hai vụ là vụ Xuân (tháng 3) và vụ Thu (tháng 8), bằng kỹ thuật dùng dao sắc khoanh vòng trên thân quế, sau đó dùng một thanh tre mỏng tách nhẹ vỏ quế ra khỏi thân để hai đầu và mép của thanh quế hạn chế dập nát khi khai thác. Vỏ quế sau khi thu hoạch được bảo quản bằng cách phơi khô tự nhiên dưới bóng râm hoặc dưới nắng nhạt, tránh nắng gắt. Ban đêm phơi sương cho quế được mềm dịu dễ uốn. Quế sau khi phơi khô được bó lại thành bó và bọc vào lá chuối khô bên ngoài hoặc cho vào gùi để nơi thoáng mát.

Khu vực địa lý bao gồm các xã Châu Quế Hạ; xã Xuân Tầm; xã Phong Dụ Hạ; xã Phong Dụ Thượng; xã Tân Hợp; xã Đại Sơn; xã Mỏ Vàng; xã Viễn Sơn thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Liên hệ sử dụng dịch vụ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam:

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi: CÔNG TY LUẬT TNHH LVN GROUP

Điện thoại yêu cầu dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn luật Sở hữu trí tuệ, gọi: 1900.0191

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: [email protected]

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng./.

Bộ phận Luật sư sở hữu Trí tuệ – Công ty luật LVN Group