1. Cách đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trên thế giới?

Nhãn hiệu là một trong những thành tố quan trọng trong bất kỳ chiến lược tiếp thị của DN thành đạt vì chúng cho phép nhận diện, xúc tiến và chứng nhận các hàng hoá và dịch vụ của họ trên thị trường và phân biệt rõ so với sản phẩm của doanh nghiệp này với sản phẩm của doanh nghiệp khác. Và đăng ký tại nước ngoài là phương thức hữu hiệu tránh tình trạng… mất nhãn hiệu của doanh nghiệp.
Những dấu hiệu nhận biết của một nhãn hiệu nói lên chất lượng sản phẩm và trong bối cảnh toàn cầu hoá và thương mại điện tử đang gia tăng thì nhãn hiệu là một trong những cách thức để khách hàng nhận diện các sản phẩm và dịch vụ của Công ty. Sự bảo hộ nhãn hiệu loại bỏ sự cạnh tranh không công bằng đối với những sản phẩm và dịch vụ tương tự không bảo hộ. Những hành vi gây tổn thất, làm giảm uy tín hoặc xâm phạm giá trị của nhãn hiệu đã được bảo hộ có thể gây hại lớn đến hoạt động kinh doanh của DN. Từ khi VN gia nhập WTO, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài đang được các DN ngày càng quan tâm nhằm đảm bảo vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế. Xu thế chung hiện nay của các DN là không đơn thuần làm gia công cho các Công ty nước ngoài mà chủ động xây dựng thương hiệu riêng của mình với tham vọng phát triển ngang tầm với các DN nước ngoài.

>> Luật sư tư vấn bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại Việt Nam1900.0191

Tạo lập thương hiệu tại nước ngoài: có quá sức?

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất về top 200 doanh nghiệp (DN) VN của UNDP thì: “Phần lớn các DN VN được hỏi đều cho rằng tạo dựng thương hiệu ở nước ngoài là việc làm tốn kém và khó khăn. Phần lớn các DN VN thâm nhập thị trường quốc tế thông qua các tập đoàn phân phối toàn cầu dưới thương hiệu của họ. Những tập đoàn này không sẵn sàng chấp nhận việc các DN VN tạo dựng thương hiệu độc lập. Dù sao, làm như vậy vẫn còn là điều vượt quá năng lực và nguồn lực của phần lớn các DN lớn của VN”.

Mặc dù có những khó khăn nhất định về tài chính và thủ tục khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài, tuy nhiên nhiều DN VN đã quan tâm đăng ký nhãn hiệu từ khá sớm và đã có những thành công đáng kể trên thị trường quốc tế. Trong số các DN đã đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid, không chỉ các DN lớn với những nhãn hiệu đã được khẳng định vị trí trên thị trường trong nước như: Vinamilk cho sản phẩm sữa, Sài Gòn cho sản phẩm bia, Minh Long cho sản phẩm gốm sứ, Vinataba cho sản phẩm thuốc lá, Kymdan cho sản phẩm đệm mút, Biti’s cho sản phẩm giày, dép, Miliket cho sản phẩm mì tôm, Thiên Long cho các sản phẩm bút, Hồng Hà cho các loại văn phòng phẩm, PetroVietnam cho dầu khí và các dịch vụ liên quan đến dầu khí, Vinacafe cho sản phẩm cà phê, Vinatea cho sản phẩm chè, Traphaco cho các sản phẩm dược… mà còn có những nhãn hiệu dường như chưa được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến như: cà phê Mỹ Lệ của Công ty TNHH Mỹ Lệ (tỉnh Bình Phước), giày dép Tân Tuấn Kiệt của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Tuấn Kiệt (TP HCM), trà Trâm Anh của DN Trâm Anh (tỉnh Lâm Đồng), nhãn hiệu Lekima của DN tư nhân Hương Nam Phương (TP HCM).

Một trong những ví dụ điển hình về sự nỗ lực tạo dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế là thương hiệu “Minh Long” của Công ty gốm sứ Minh Long I. Hiện tại, sản phẩm gốm sứ Minh Long không chỉ chinh phục được người tiêu dùng trên thị trường trong mà còn chiếm lĩnh được các thị trường lớn như Pháp, Đức, Thụy sĩ, Anh và Mỹ…

Nhận thấy ý nghĩa quan trọng của việc bảo hộ thương hiệu tại thị trường nước ngoài, ngay từ năm 2000, Công ty Minh Long đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Thoả ước Madrid cho các sản phẩm gốm sứ và chỉ định đăng ký tại 16 quốc gia chủ yếu là các nước có nền công nghiệp gốm sứ phát triển của Châu Âu như Pháp, Đức, Cộng hoà Séc, Nga, Hungary… Chính nhờ ý thức tạo dựng và bảo vệ tài sản trí tuệ cũng như sự quyết tâm của DN mà Công ty gốm sứ Minh Long không gặp phải những thua thiệt khi thâm nhập thị trường nước ngoài mặc dù các loại sản phẩm của Công ty là nhóm sản phẩm rất dễ bị làm giả, làm nhái.

Đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài: Cách thức nào ?

Việc đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài có thể được thực hiện bằng cách nộp đơn đăng ký đơn lẻ tại từng quốc gia nơi doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng hoá/dịch vụ hoặc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid.

Trong trường hợp nộp đơn đăng ký tại từng quốc gia, trình tự, thủ tục nộp đơn sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật quốc gia đó. Thông thường, DN sẽ phải thực hiện việc nộp đơn thông qua một tổ chức dịch vụ sở hữu trí tuệ tại nước sở tại.

Trong trường hợp DN tham gia vào thị trường của một số quốc gia và cần đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia đó thì việc đăng ký nhãn hiệu theo hệ thống Madrid là lựa chọn tốt nhất cho DN. VN đã gia nhập Thoả ước Madrid từ năm 1949. Ngày 11/7/2006 VN tiếp tục trở thành thành viên chính thức tham gia Nghị định thư Madrid về nhãn hiệu hàng hoá. Đây là cơ hội để nhãn hiệu của các nước trong hệ thống Madrid được bảo hộ ở VN và hàng hoá trong nước vươn ra thị trường quốc tế vì so với Thỏa ước, Nghị định thư có nhiều ưu điểm và tạo thuận lợi hơn cho các chủ đơn của các quốc gia thành viên.

Hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Thoả ước Madrid được quản lý bởi WIPO cho phép DN khả năng bảo hộ một nhãn hiệu ở 77 quốc gia và Cộng đồng Châu Âu (EC) bằng cách nộp một đơn với một trong những ngôn ngữ (Anh, Pháp hoặc Tây Ban Nha) và một khoản lệ phí bằng đồng Francs Thụy sĩ. Người nộp đơn muốn sử dụng hệ thống Madrid phải nộp đơn bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở một cơ quan đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của quốc gia hay vùng lãnh thổ trước khi đăng ký bảo hộ quốc tế. Từ đó, việc đăng ký quốc tế có thể được duy trì và đổi mới thông qua một thủ tục đơn giản tại WIPO.

Do Viêt Nam là thành viên của cả hai văn kiện quốc tế là Thỏa ước và Nghị định thư Madrid, do vậy, các cá nhân, pháp nhân, tổ chức của VN có thể tiến hành đăng ký đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo quy định của cả hai văn kiện này.

Theo quy định của Thỏa ước Madrid:

Để được đăng ký nhãn hiệu theo thỏa ước Madrid, nhãn hiệu nhất thiết phải đã được đăng ký bảo hộ. Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu phải được làm bằng tiếng Pháp, trong đó chỉ rõ các nước thành viên mà DN muốn nhãn hiệu được bảo hộ. Đơn được nộp cho Văn phòng quốc tế thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Ngày nộp đơn được quy định là ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được Đơn nếu đơn được gửi cho Văn phòng quốc tế trong vòng 2 tháng. Sau khi Đơn được nộp cho Văn phòng quốc tế, mọi giao dịch giữa người nộp đơn và Văn phòng quốc tế đều phải thông qua Cục Sở hữu trí tuệ kể cả việc sửa đổi tài liệu, hạn chế danh mục sản phẩm, chuyển giao quyền đã đăng ký.

Thủ tục xét nghiệm đơn đăng ký theo Thoả ước Madrid được tiến hành độc lập tại mỗi nước thành viên, việc từ chối bảo hộ của một nước thành viên không làm ảnh hưởng đến hiệu lực bảo hộ ở các nước còn lại. Theo quy định trong vòng 12 tháng kể từ khi đơn được nộp hợp lệ, nhãn hiệu đăng ký quốc tế sẽ được chấp nhận bảo hộ ở nước chỉ định trong đơn nếu đơn không bị nước chỉ định từ chối bảo hộ.

Theo quy định của Nghị định thư Madrid:

Trình tự, thủ tục nộp đơn và quá trình xét nghiệm đơn theo nghị định thư cũng tương tự như nộp đơn theo thoả ước Madrid, tuy nhiên, thời gian để nhãn hiệu được coi là chấp nhận bảo hộ tại nước chỉ định trong trường hợp nước đó không từ chối bảo hộ là 18 tháng. Việc đăng ký nhãn hiệu theo Nghị định thư có những thuận lợi hơn so với đăng ký theo Thỏa ước, như: việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế có thể thực hiện ngay sau khi nhãn hiệu đó được nộp đơn ở VN; Đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế có thể được làm bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh…

Để có thể bơi ra biển lớn WTO, các con thuyền nhỏ – DN VN cần phải có ý thức và biết cách tự bảo vệ mình, tự làm cho mình lớn mạnh. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài chính là một trong những biện pháp nhằm tạo dựng sự lớn mạnh cho DN. Có như vậy mới có thể trụ vững và khẳng định vị thế của mình trên thương trường quốc tế.

2. Cách đăng ký nhãn hiệu ở Cam-pu-chia

Để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cam-pu-chia, người nộp đơn phải cung cấp thông tin về việc đăng ký đầu tiên tại một quốc gia khác. Trong trường hợp đơn nộp tại Cam-pu-chia là đơn đầu tiên, người nộp đơn phải tuyên bố “ý định sử dụng” trong đơn. Người nộp đơn có thể xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris.

Cam-pu-chia cũng áp dụng Bảng phân loại hàng hoá và dịch vụ quốc tế theo Thoả ước Ni-xơ. Cả hàng hoá và dịch vụ đều có thể được đăng ký tại Cam-pu-chia, tuy nhiên mỗi đơn đăng ký nhãn hiệu chỉ dùng để đăng ký cho 01 nhãn hiệu với một nhóm hàng hoá dịch vụ.

Tất cả các đơn đăng ký nhãn hiệu nộp tại Cam-pu-chia đều phải được xét nghiệm về cả nội dung và hình thức. Xét nghiệm nội dung nhằm xác định xem nhãn hiệu đăng ký có trùng hoặc tương tự với những nhãn hiệu đã được bảo hộ trước đó. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thường được cấp trong vòng 5-6 tháng kể từ ngày nộp đơn.

>> Luật sư tư vấn bảo hộ nhãn hiệu quyền tại Việt Nam1900.0191

Thông tin và tài liệu cần thiết cho việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cam-pu-chia

(i) Tên đầy đủ và địa chỉ của người nộp đơn;

(ii) Mẫu nhãn hiệu (20 mẫu) kích thước không quá 80mm x 80mm, không dưới 50mm x 50mm;

(iii) Danh mục hàng hoá/dịch vụ được phân nhóm theo Bảng phân loại quốc tế từng nhóm hàng hoá/dịch vụ (nếu biết);

(iv) Thông tin về việc đăng ký nhãn hiệu đầu tiên tại một quốc gia trên thế giới gồm số đăng ký, ngày nộp đơn và quốc gia nộp đơn đầu tiên. Nếu nhãn hiệu chưa được đăng ký ở quốc gia nào, người nộp đơn phải tuyên bố “ý định sử dụng đầu tiên tại Cam-pu-chia” trong đơn đăng ký nhãn hiệu.

(v) Tài liệu xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris (nếu có), gồm có số đơn, ngày ưu tiên, quốc gia. Bản sao đơn yêu cầu hưởng quyền ưu tiên và bản dịch tiếng Anh có thể nộp sau sau đó;

(vi) Giấy uỷ quyền được công chứng của người nộp đơn. Giấy uỷ quyền phải được công chứng tại Phòng công chứng của nước sở tại. Giấy uỷ quyền này không cần phải hợp thức hoá lãnh sự. Một giấy uỷ quyền có thể được dùng cho nhiều nhãn hiệu nếu trong Giấy uỷ quyền không đề cập cụ thể một nhãn hiệu nào cả. Để tiến hành nộp đơn sớm, người nộp đơn có thể gửi Giấy uỷ quyền qua fax/email trước, sau đó gửi bản gốc giấy uỷ quyền qua đường bưu điện.

Thời hạn bảo hộ và gia hạn

Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu tại Cam-pu-chia là 10 năm kể từ ngày nộp đơn (hoặc từ ngày ưu tiên, nếu có). Giấy chứng nhận Nhãn hiệu có thể được gia hạn hiệu lực nhiều lần, mỗi lần 10 năm.

Chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ buộc phải sử dụng nhãn hiệu tại Cam-pu-chia. Hết 5 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu , chủ sở hữu nhãn hiệu phải nộp “Bản tuyên thệ về việc sử dụng nhãn hiệu”, nếu nhãn hiệu được sử dụng tại Cam-pu-chia, hoặc “Bản tuyên thệ về việc không sử dụng nhãn hiệu”, nếu nhãn hiệu không được sử dụng tại Cam-pu-chia cho Cục nhãn hiệu Cam-pu-chia. Nếu chủ sở hữu nhãn hiệu không nộp Bản tuyên thệ, nhãn hiệu sẽ bị đình chỉ nếu có người thứ 3 yêu cầu.

HƯỚNG DẪN NỘP ĐƠN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU Ở CAM-PU-CHIA

Thông tin cần cung cấp:

1. Tên, địa chỉ đầy đủ và quốc tịch của người nộp đơn;

2. Bản mô tả nhãn hiệu: ý nghĩa, màu sắc. Nếu nhãn hiệu có chứa các chữ thuộc ngôn ngữ nước ngoài, phải cung cấp phần dịch và phiên âm của các chữ nước ngoài đó;

3. Danh mục hàng hoá/dịch vụ sử dụng Nhãn hiệu này và nếu có thể, các nhóm hàng hoá/dịch vụ của các hàng hoá/dịch vụ tương ứng theo bảng phân loại quốc tế (nếu biết); Quốc gia, số đơn và ngày nộp đơn của đơn ở nước ngoài nếu xin hưởng quyền ưu tiên.

Tài liệu cần cung cấp:

– 01 Giấy uỷ quyền được công chứng từ người nộp đơn (như mẫu đính kèm);

– 20 mẫu nhãn hiệu (kích thước không dưới 15m x 15mm và không quá 80mm x 80mm);

– Tài liệu xin hưởng quyền ưu tiên và bản dịch sang tiếng Anh của tài liệu đó (nếu có).

Thông tin chung:

1. Một đơn đăng ký Nhãn hiệu tại Cam-pu-chia chỉ dùng để đăng ký cho một Nhãn hiệu với một nhóm hàng hoá/dịch vụ;

2. Thời gian từ khi nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu đến khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tại Cam-pu-chia là 5-6 tháng;

3. Thời hạn bảo hộ Nhãn hiệu tại Cam-pu-chia là 10 năm kể từ ngày nộp đơn
(hoặc từ ngày ưu tiên nếu có). Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần 10 năm;

4. Chủ sở hữu Nhãn hiệu sẽ buộc phải sử dụng Nhãn hiệu đã đăng ký của mình tại Cam-pu-chia. Hết 5 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu, chủ Nhãn hiệu phải nộp “Bản tuyên thệ về việc sử dụng Nhãn hiệu” hoặc “Bản tuyên thệ về việc không sử dụng Nhãn hiệu” cho Cục Nhãn hiệu hiệu Cam-pu-chia. Nếu chủ sở hữu Nhãn hiệu không nộp Bản tuyên thệ, Nhãn hiệu sẽ bị đình chỉ nếu có người thứ 3 yêu cầu.

3. Đăng ký độc quyền nhãn hiệu hàng hóa tại Philippines

Theo Luật của Philippines, nhãn hiệu là bất kỳ dấu hiệu nào nhìn thấy được có khả năng phân biệt hàng hóa (gọi là nhãn hiệu hàng hóa) hoặc các dịch vụ (goi là nhãn hiệu dịch vụ) của một doanh nghiệp và bao gồm cả bao bì của hàng hóa sản phẩm. Như vậy, tất cả các dấu hiệu có khả năng phân biệt các hàng hóa hoặc dịch vụ đều có thể đăng ký là nhãn hiệu tại Philippines

3.1. PHẦN CHUNG

Nhãn hiệu hàng hóa là gì?

Theo Luật của Philippines, nhãn hiệu là bất kỳ dấu hiệu nào nhìn thấy được có khả năng phân biệt hàng hóa (gọi là nhãn hiệu hàng hóa) hoặc các dịch vụ (goi là nhãn hiệu dịch vụ) của một doanh nghiệp và bao gồm cả bao bì của hàng hóa sản phẩm. Như vậy, tất cả các dấu hiệu có khả năng phân biệt các hàng hóa hoặc dịch vụ đều có thể đăng ký là nhãn hiệu tại Philippines.

Các dấu hiệu nào không được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Philippines?

Các dấu hiệu không được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Philippines bao gồm:

1. Dấu hiệu có nội dung trái với đạo đức xã hội và trật tự công cộng, lừa dối hoặc gây phản cảm đối với xã hội;

2. Dấu hiệu có chứa đựng hoặc bất kỳ sự mô phỏng nào giống với hình quốc kỳ, huy hiệu hoặc phù hiệu của Philippines, hoặc của bất kỳ nước nào;

3. Dấu hiệu mang tính chất mô tả hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu;

4. Dấu hiệu chứa đựng tên, hình ảnh hoặc chữ ký của một cá nhân nào đó còn sống, trừ khi được phép của người đó, hoặc tên, hình ảnh hoặc chữ ký của Tổng thống Philippines đã qua đời nhưng trong thời gian vợ góa của tổng thống còn sống, trừ khi được người vợ góa đó đồng ý;

5. Dấu hiệu trùng lặp hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký hoặc nhãn hiệu của người khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn được dùng cho hàng hóa hoặc dịch vụ cùng loại hoặc có liên quan với nhau;

6. Dấu hiệu trùng lặp hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới và Philippines;

7. Dấu hiệu có khả năng lừa dối công chúng, đặc biệt là về bản chất, chất lượng, đặc tính hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ;

8. Dấu hiệu hoặc chỉ dẫn đã trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa hoặc dịch vụ theo ngôn ngữ thông dụng và được dùng trong thực tế thương mại;

9. Dấu hiệu hoặc chỉ dẫn dùng trong thươngmại chỉ chủng loại, chất lượng, số lượng, mục đích, giá trị, nguồn gốc địa lý, thời gian hoặc việc sản xuất các hàng hóa hoặc cung cấp các dịch vụ, hoặc các đặc tính khác của hàng hóa hoặc dịch vụ;

10. Hình dáng bắt buộc phải có do các yếu tố kỹ thuật hoặc do bản chất của bản thân sản phẩm hoặc các yếu tố tác động đến giá trị bên trong của chúng;

11. Chỉ có riêng màu sắc, trừ khi được định dạng theo mẫu nào đó;

>> Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số: 1900.0191

Có bắt buộc phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở Philippines để được bảo hộ không?

KHÔNG. Pháp luật Philippines thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với các nhãn hiệu chưa đăng ký trong một thời gian không xác định chừng nào nhãn hiệu vẫn được chủ sở hữu sử dụng liên tục tại Philippines, và công chúng phân biệt được hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu đó với hàng hóa hoặc dịch vụ của người khác. Chủ sở hữu những nhãn hiệu không đăng ký này có thể bảo vệ quyền của mình thông qua luật về cạnh tranh không lành mạnh.

Tuy nhiên, chỉ có chủ sở hữu nhãn hiệu đã được đăng ký tại Philippines hoặc người được chủ sở hữu cấp lixăng sử dụng nhãn hiệu mới có quyền khởi kiện bên thứ ba sử dụng trái phép nhãn hiệu của mình theo thủ tục tố tụng hình sự. Ngoài ra, quyền khiếu nại vi phạm nhãn hiệu và các chế tài theo luật nhãn hiệu hàng hóa của Philippines chỉ có hiệu lực đối với những nhãn hiệu đã được đăng ký tại Philippines.

Philippines có áp dụng nguyên tắc “nộp đơn dầu tiên” hay không?

CÓ. Quyền độc quyền đối với nhãn hiệu được cấp cho người nào nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trước trong số những đơn đăng ký cùng một nhãn hiệu cho một nhóm sản phẩm tại Cơ quan đăng ký nhãn hiệu Philippines.

Bạn có thể xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris khi đăng ký nhãn hiệu vào Philippines hay không?

CÓ. Philippines và Việt Nam đều là thành viên Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, vì vậy doanh nghiệp Việt Nam có thể xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu vào Philippines với điều kiện đơn phải được nộp ở Philippines trong vòng 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên cho cùng một nhãn hiệu ở Việt Nam hoặc ở bất kỳ một nước thành viên Công ước Paris hoặc kể từ ngày hàng hóa mang nhãn hiệu đó được trưng bày đầu tiên tại triển lãm quốc tế chính thức tại một trong những nước thành viên Công ước Paris. Trong trường hợp xin hưởng quyền ưu, ngày nộp đơn tại Philippines sẽ được tính theo ngày nộp đơn đầu tiên hoặc ngày nhãn hiệu được sử dụng đầu tiên tại triển lãm quốc tế.

Bạn có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trực tiếp với cơ quan đăng ký ở Philippines được không?

Nếu người nộp đơn không phải người cư trú hợp pháp hoặc không có cơ sở kinh doanh hợp pháp ở Philippines thì phải nộp đơn qua đại diện tại Philippines.

3.2. THỦ TỤC NỘP ĐƠN

Ai có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ở Philippines?

Bất kỳ cá nhân hay pháp nhân nào sản xuất hoặc kinh doanh hàng hóa hợp pháp, người tham gia hoạt động kinh doanh hợp pháp, hoặc người cung cấp dịch vụ trong thương mại, có sử dụng trong thực tế nhãn hiệu hàng hóa hoặc dịch vụ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ cho khách hàng thì đều có quyền đăng ký nhãn hiệu hàng hóa hoặc nhãn hiệu dịch vụ ở Philippines.

Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa vào Philippines tại đâu?

Để đăng ký nhãn hiệu vào Philippines, người nộp đơn phải nộp các tài liệu theo yêu cầu tại Phòng Nhãn hiệu hàng hóa thuộc Cơ quan Sở hữu trí tuệ của Philippines. Phòng Nhãn hiệu chịu trách nhiệm tra cứu, xét nghiệm và xử lý các đơn nhãn hiệu.

Để đăng ký nhãn hiệu vào Philippines bạn phải nộp các tài liệu và thông tin gì ?

Cá nhân, pháp nhân Việt Nam muốn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa vào Philippines cần cung cấp cho đại diện được ủy quyền các tài liệu và thông tin sau:

+ Giấy ủy quyền có công chứng;

+ Tên, địa chỉ và quốc tịch của người nộp đơn.

+ 20 mẫu nhãn hiệu;

+ Mô tả nhãn hiệu và dịch nghĩa của nhãn hiệu nếu là nhãn hiệu từ ngữ;

+ Danh mục sản phẩm và/hoặc dịch vụ;

+ Giấy đăng ký kinh doanh (nếu người nộp đơn là pháp nhân);

+ Tuyên bố về tài sản của công ty (khai rõ tài sản nhỏ hơn 15 triệu Pêso hay bằng hoặc lớn hơn 15 triệu Pêso)

+ Tài liệu về đơn ưu tiên (nếu đơn xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris)

+ Lệ phí nộp đơn

Lưu ý: Trong vòng 3 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu vào Philippines, người nộp đơn hoặc người đăng ký phải nộp một số bản tuyên bố sử dụng nhãn hiệu trong thực tế ở Philippines kèm theo các bằng chứng sử dụng, nếu không – đơn nhãn hiệu sẽ bị từ chối hoặc đăng ký nhãn hiệu sẽ bị loại khỏi đăng bạ quốc gia.

Lệ phí quốc gia đăng ký nhãn hiệu vào Philippines là bao nhiêu ?

Philippines áp dụng hai mức lệ phí quốc gia khác nhau cho hai loại doanh nghiệp nhỏ và lớn. Doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp có tài sản dưới 15 triệu pêsô, doanh nghiệp lớn là những doanh nghiệp tuyên bố tài sản bằng hoặc lớn hơn 15 triệu pêsô.

Phí nộp đơn tương ứng cho doanh nghiệp nhỏ là 830 pêsô/nhóm sản phẩm hoặc dịch vụ và doanh nghiệp lớn là 1660 pêsô/nhóm sản phẩm hoặc dịch vụ.

Tương tự, lệ phí cấp bằng tương ứng cho công ty nhỏ và công ty lớn là 140 pêsô và 280 pêsô.

3.3. XỬ LÝ ĐƠN

Đơn nhãn hiệu được xử lý như thế nào và thời hạn xét nghiệm là bao lâu?

Đơn đăng ký nhãn hiệu được xét nghiệm về hình thức xem có đầy đủ những thông tin và tài liệu theo yêu cầu hay không. Nếu đáp ứng đầy đủ, cơ quan đăng ký sẽ thông báo cho người nộp đơn trong đó nêu rõ số đơn và ngày nộp đơn. Sau đó đơn được chuyển sang giai đoạn xét nghiệm nội dung, tức là xem xét dấu hiệu hàng hóa theo luật nhãn hiệu hay không. Thời hạn xét nghiệm đơn nhãn hiệu ở Philippines khoảng từ 15-20 tháng. Những đơn nhãn hiệu được chấp nhận đăng ký sẽ được công bố trên Công báo trong vòng 3 tháng để bên thứ ba có cơ hội phản đối.

Nếu hết thời hạn công bố mà không có bên thứ ba phản đối thì cơ quan đăng ký sẽ cấp Giấy đăng ký nhãn hiệu.

Nếu muốn phản đối đơn nhãn hiệu ở Philippines thì phải làm thế nào?

Bất kỳ bên thứ ba nào nếu có căn cứ cho rằng nhãn hiệu được đăng ký sẽ gây thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng của mình có thể nộp đơn phản đối lên Cơ quan sở hữu trí tuệ Philippines trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố đơn nhãn hiệu trên công báo. Người phản đối phải nêu rõ lý do kèm theo các tài liệu chứng minh lý do phản đối của mình (ví dụ bản sao đăng ký nhãn hiệu đã được đăng ký tại các nước khác hoặc các bằng chứng khác bằng tiếng Anh).

Có thể khiếu nại quyết định của Cơ quan đăng ký nhãn hiệu được không?

CÓ. Nếu sau khi xét nghiệm đơn nhãn hiệu, người nộp đơn bị từ chối vì bất kỳ lý do nào. Cơ quan đăng ký sẽ thông báo lý do cho người nộp đơn và người nộp đơn có thời hạn 4 tháng để trả lời hoặc sửa đổi đơn của mình, và sau đó đơn sẽ được xét nghiệm lại. Người nộp đơn có thể nộp đơn khiếu nại lên người đứng đầu Cơ quan sở hữu trí tuệ Philippines để khiếu nại quyết định từ chối cuối cùng của trưởng phòng đăng ký nhãn hiệu.

3.4. THỜI HẠN BẢO HỘ VÀ GIA HẠN HIỆU LỰC ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU

Thời hạn bảo hộ đăng ký nhãn hiệu ở Philippines là bao nhiêu lâu và duy trì hiệu lực như thế nào?

Đăng ký nhãn hiệu ở Philippines được bảo hộ trong thời hạn 10 năm, với điều kiện người đăng ký phải nộp bản tuyên bố sử dụng kèm theo bằng chứng sử dụng, hoặc nộp tuyên bố không sử dụng nhãn hiệu trong đó nêu rõ lý do chính đáng ngăn trở việc sử dụng nhãn hiệu. Những tuyên bố trên phải được nộp trong vòng 1 năm sau 5 năm kể từ ngày đăng ký nhãn hiệu. Nếu không nộp bằng chứng sử dụng, đăng ký nhãn hiệu sẽ bị loại bỏ khỏi Đăng bạ quốc gia.

Hiệu lực đăng ký nhãn hiệu tại Philippines có thể được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm. Chủ sở hữu nhãn hiệu phải nộp đơn xin gia hạn hiệu lực trong vòng 6 tháng trước khi hết hạn hoặc 6 tháng sau khi hết hạn với điều kiện phải trả thêm phí gia hạn muộn. Lệ phí gia hạn quốc gia trước thời hạn là 2.070 pêsô/nhóm sản phẩm hoặc dịch vụ (đối với doanh nghiệp nhỏ) hoặc 4.140 pêsô/nhóm sản phẩm hoặc dịch vụ (đối với doanh nghiệp lớn).

Nhãn hiệu được đăng ký có thể bị hủy bỏ vì những lý do nào?

Bất kỳ ai cũng có thể nộp đơn tại Văn phòng giải quyết khiếu nại để yêu cầu hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu của người khác ở Philippines với một trong các lý do sau:

+ Nhãn hiệu được đăng ký không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ;

+ Nhãn hiệu đã trở thành tên gọi thông thường của sản phẩm hoặc dịch vụ;

+ Nhãn hiệu đã bị từ bỏ;

+ Nhãn hiệu được sử dụng nhằm chỉ dẫn sai nguồn gốc sản phẩm hoặc dịch vụ;

+ Nhãn hiệu không được chủ sở hữu sử dụng liên tục tại Philippines hoặc không được li-xăng cho người khác sử dụng liên tục trong thời gian 3 năm hoặc lâu hơn kể từ ngày được đăng ký mà không có lý do chính đáng.

Đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc đăng ký nhãn hiệu có thể được chuyển nhượng cho người khác được không?

CÓ. Người nộp đơn hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu có thể chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu cho người khác. Việc chuyển nhượng phải được lập bằng văn bản và đăng ký tại Cơ quan đăng ký nhãn hiệu và nộp phí chuyển nhượng thì mới có hiệu lực pháp luật.

Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể cấp lixăng sử dụng nhãn hiệu của mình được không?

CÓ. Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể cấp lixăng cho người khác sử dụng nhãn hiệu của mình đối với toàn bộ hoặc một phần hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu đó, kèm theo các yêu cầu về chất lượng của hàng hóa hoặc dịch vụ mà người được cấp li-xăng phải tuân theo.

3.5. THỰC THI QUYỀN

Bạn phải làm gì khi nhãn hiệu của mình bị vi phạm ở Philippines?

Chủ sở hữu nhãn hiệu là cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài không có hoạt động kinh doanh tại Philippines có quyền khởi kiện người vi phạm nhãn hiệu hoặc có hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp hành chính đối với người vi phạm theo luật pháp của Philippines. Đối với nhãn hiệu đăng ký, hành vi xâm phạm có thể bị xử lý theo trình tự hình sự.

4. Quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam

Nhãn hiệu là những dấu hiệu để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

Sau đây là quy trình đăng ký bảo hộ để hiểu rõ thêm về trình tự đăng ký bảo hộ sáng chế kiểu dáng công nghiệp.

1. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu được gọi là “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu ”. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ, và có thể được gia hạn liên tiếp nhiều lần, mỗi lần là 10 năm.

2. Quyền đăng ký nhãn hiệu

Tổ chức hoặc cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá hoặc dịch vụ do mình sản xuất hoặc kinh doanh.

Tổ chức hoặc cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu do mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm tương ứng và không phản đối việc nộp đơn nói trên.

Đối với nhãn hiệu tập thể, quyền nộp đơn thuộc về tổ chức, cá nhân đại diện cho tập thể các cá nhân hoặc chủ thể khác cùng tuân theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tương ứng.

Quyền nộp đơn, kể cả đơn đã nộp, có thể được chuyển giao cho cá nhân hoặc các chủ thể khác thông qua văn bản chuyển giao quyền nộp đơn.

3. Cần làm gì trước khi đăng ký nhãn hiệu

Nhãn hiệu sẽ bị từ chối đăng ký nếu không có khả năng thực hiện chức năng phân biệt của Nhãn hiệu

Nhãn hiệu sẽ bị từ chối đăng ký nếu đã thuộc quyền của người khác :

Trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được đăng ký hoặc nộp đơn đăng ký sớm hơn, hoặc được coi là nổi tiếng hoặc được thừa nhận rộng rãi.

Trùng hoặc tương tự với những đối tượng đã thuộc quyền của người khác, gồm tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả.

Trùng với tên riêng, biểu tượng, hình ảnh của quốc gia, địa phương, danh nhân, tổ chức của Việt và nước ngoài (trừ trường hợp được phép của các cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền).

Mỗi một nhãn hiệu dùng cho một sản phẩm, dịch vụ nhất định chỉ thuộc về một chủ thể duy nhất – là người nộp đơn đăng ký đầu tiên. Vì vậy, để tránh đầu tư công sức và chi phí vô ích trước khi nộp đơn đăng ký, doanh nghiệp cần biết chắc nhãn hiệu mà mình muốn đăng ký chưa thuộc về người khác hoặc chưa có người nào khác nộp đơn đăng ký. Người nộp đơn có thể tự tra cứu thông tin về các nhãn hiệu đã có chủ sở hữu hoặc đã được nộp đơn đăng ký từ các nguồn sau đây:

Công báo Sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ phát hành hàng tháng;

Đăng bạ quốc gia và Đăng bạ quốc tế về nhãn hiệu hàng hoá (lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ);

Cơ sở dữ liệu điện tử về nhãn hiệu hàng hoá công bố trên mạng Internet

Người nộp đơn cũng có thể sử dụng dịch vụ tra cứu thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ, với điều kiện phải nộp tiền phí dịch vụ theo quy định của Bộ Tài chính.

Người nộp đơn cũng có thể sử dụng dịch vụ điều tra nhãn hiệu hàng hoá trên thị trường Việt Nam của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương tại 46 Ngô Quyền, Hà Nội.

4. Hồ sơ đơn đăng ký nhãn hiệu

– Hồ sơ đơn đăng ký nhãn hiệu phải bao gồm các tài liệu sau đây:

Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (Tờ khai), làm theo Mẫu do Cục Sở hữu trí tuệ ban hành.

Quy chế sử dụng nhãn hiệu, nếu nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ là nhãn hiệu tập thể.

Mẫu nhãn hiệu (12 mẫu nhãn).

Tài liệu xác nhận quyền nộp đơn hợp pháp, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền nộp đơn của người khác (Chứng nhận thừa kế, Chứng nhận hoặc Thoả thuận chuyển giao quyền nộp đơn, kể cả đơn đã nộp, Hợp đồng giao việc hoặc Hợp đồng lao động,…).

Giấy uỷ quyền (nếu cần)

Bản sao đơn đầu tiên hoặc Giấy chứng nhận trưng bày triển lãm, nếu trong đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo Điều ước quốc tế, gồm một (1) bản.

Tài liệu xác nhận về xuất xứ, giải thưởng, huy chương, nếu trên nhãn hiệu có chứa đựng các thông tin đó.

Chứng từ nộp phí nộp đơn.

Bản gốc Giấy uỷ quyền;

Bản sao đơn đầu tiên hoặc Giấy chứng nhận trưng bày triển lãm, nếu trong đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo Điều ước quốc tế, kể cả bản dịch ra tiếng Việt.

– Phần mô tả nhãn hiệu trong Tờ khai phải làm rõ khả năng phân biệt của nhãn hiệu, trong đó phải chỉ rõ từng yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu. Nếu nhãn hiệu có chứa từ ngữ không phải là tiếng Việt thì phải ghi rõ cách phát âm (phiên âm ra tiếng Việt) và nếu từ ngữ đó có nghĩa thì phải dịch nghĩa ra tiếng Việt.

– Nếu các chữ, từ ngữ yêu cầu bảo hộ được trình bày dưới dạng hình hoạ như là yếu tố phân biệt của nhãn hiệu thì phải mô tả dạng hình hoạ của các chữ, từ ngữ đó.

– Nếu nhãn hiệu có chứa chữ số không phải là chữ số ả-rập hoặc chữ số La mã thì phải dịch ra chữ số ả-rập.

– Nếu nhãn hiệu gồm nhiều phần tách biệt nhau nhưng được sử dụng đồng thời trên một sản phẩm thì phải nêu rõ vị trí gắn từng phần của nhãn hiệu đó trên sản phẩm hoặc bao bì đựng sản phẩm.

– Danh mục hàng hoá và dịch vụ mang nhãn hiệu trong Tờ khai phải phù hợp với phân nhóm theo Bảng Phân loại Quốc tế về hàng hoá và dịch vụ (Ni-xơ 9).

– Mẫu nhãn hiệu gắn trong Tờ khai cũng như các Mẫu nhãn hiệu khác được trình bày rõ ràng với kích thước không được vượt quá khuôn khổ (80 x 80) mm và khoảng cách giữa hai điểm gần nhau nhất không được nhỏ hơn 15 mm.

– Nếu yêu cầu bảo hộ màu sắc, thì Mẫu nhãn hiệu phải được trình bày đúng màu sắc cần bảo hộ.

– Nếu không yêu cầu bảo hộ màu sắc thì tất cả các Mẫu nhãn hiệu đều phải được trình bày dưới dạng đen trắng.

5. Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu

Cục Sở hữu trí tuệ địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi,Thanh Xuân, Hà Nội

6. Quá trình thẩm định đơn nhãn hiệu

– Thẩm định hình thức

Đơn yêu cầu cấp Giáy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá phải được xét nghiệm hình thức nhằm xác định xem đơn có đáp ứng các yêu cầu của đơn hợp lệ hay không. Nếu đơn đáp ứng các yêu cầu của đơn hợp lệ thì Cục Sở hữu trí tuệ xác nhận ngày nộp đơn hợp lệ, số đơn hợp lệ, ngày ưu tiên của đơn và thông báo cho người nộp đơn quyết định chấp nhận đơn.

Các yêu cầu của đơn hợp lệ gồm có: Các yêu cầu chung, các yêu cầu cụ thể về hình thức và yêu cầu về tính thống nhất của đơn sở hữu công nghiệp.

Thời hạn xét nghiệm hình thức là 01 tháng kể từ ngày đơn đến Cục Sở hữu Trí tuệ.

– Công bố đơn

Các đơn nhãn hiệu hợp lệ đều được Cục Sở hữu trí tuệ công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp. Công báo này được ấn hành hàng tháng. Bất cứ ai có nhu cầu có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp bản in Công báo và phải trả tiền mua Công báo.

– Thẩm định nội dung

Việc thẩm định nội dung được tiến hành khi đơn đã được chấp nhận là đơn hợp lệ và người nộp đơn đã nộp lệ phí xét nghiệm nội dung theo quy định. Thời hạn thẩm định nội dung đơn nhãn hiệu là 06 tháng tính từ ngày công bố.

Mục đích của việc thẩm định nội dung đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ là để xác định đối tượng nêu trong đơn có đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ mà luật pháp quy định hay không.

– Cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, đăng bạ

Căn cứ vào kết quả thẩm định nội dung, nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ thì Cục Sở hữu trí tuệ thông báo cho Người nộp đơn kết quả thẩm định và yêu cầu nộp lệ phí đăng bạ, lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, lệ phí công bố Văn bằng bảo hộ .

Nếu Người nộp đơn nộp các lệ phí nêu trên thì Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành các thủ tục cấp Văn bằng bảo hộ cho Người nộp đơn, đăng bạ và công bố Văn bằng bảo hộ. Nếu Người nộp đơn không nộp lệ phí theo yêu cầu thì đơn coi như bị rút bỏ.

7. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến việc cấp Văn bằng bảo hộ

– Người có quyền khiếu nại:

Người nộp đơn có quyền khiếu nại việc từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, từ chối cấp Văn bằng bảo hộ;

Bất người thứ ba nào cũng có quyền khiếu nại quyết định cấp Văn bằng và phải nộp lệ phí khiếu nại theo quy định.

– Thủ tục khiếu nại:

Nội dung khiếu nại phải được thể hiện bằng văn bản,trong đó phải nêu rõ họ, tên và địa chỉ của người khiếu nại; số, ngày ký, nội dung Quyết định hoặc Thông báo bị khiếu nại; số đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ liên quan; tên đối tượng cần được bảo hộ nêu trong đơn; nội dung,lý lẽ,dẫn chứng minh hoạ cho lý lẽ khiếu nại; đề nghị cụ thể về việc sửa chữa hoặc huỷ bỏ Quyết định hoặc kết luận liên quan;

Đơn khiếu nại phải được nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ trong thời hạn quy định.

Đơn khiếu nại nộp sau thời hạn nêu trên không được xem xét.

Trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày nhận được khiếu nại,Cục Sở hữu trí tuệ phải có ý kiến trả lời bằng văn bản cho Người khiếu nại.

Nếu không đồng ý với ý kiến trả lời của Cục Sở hữu trí tuệ,Người khiếu nại có quyền khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính. Trường hợp khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phải thông báo kết quả giải quyết khiếu nại cho Người khiếu nại. Nếu không đồng ý với giải quyết của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, người khiếu nại coa quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính.

5. Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu độc quyền.

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi: CÔNG TY LUẬT TNHH LVN GROUP

Điện thoại yêu cầu dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn luật sở hữu trí tuệ, gọi: 1900.0191

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: [email protected]

Rất mong nhận được sự hợp tác của Quý khách hàng!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn luật Sở hữu Trí tuệ – Công ty luật LVN Group

———————————————–

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT LIÊN QUAN:

1. Bảo hộ nhãn hiệu độc quyền;

2. Đăng ký nhãn hiệu độc quyền;

3. Tư vấn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu;

4. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Hoa Kỳ;

5. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Singapore;

6. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại EU;