1. Một số khái niệm cơ bản

Hiện trường, thuật ngữ “hiện trường”từ lâu đã được dùng trong đời sống xã hội, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực và đã trở thành một thuật ngữ khoa học.

Từ điển Tiếng Việt – Nhà xuất bản khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội năm 1997 viết: “Hiện trường là nơi xảy ra sự việc”. Đây là một khái niệm có tính khái quát chung nhất cho các loại hiện trường.

Điều 210 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định:

1. Điều tra viên tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm nhằm phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án…

Theo quy định này, hiện trường được hiểu là nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm.

Hiện trường theo quan điểm của khoa học điều tra hình sự mang tính bao quát và toàn diện hơn, cụ thể: “Hiện trường là nơi xảy ra, nơi phát hiện các vụ phạm tội hoặc vụ việc mang tính hình sự”. Khái niệm này bao hàm hai nội dung sau:

Thứ nhất, hình thức tồn tại của hiện trường. Hiện trường với tư cách là một địa điểm cụ thể có một khoảng không gian xác định và tồn tại trong khoảng thời gian nào đó.Hiện trường gồm hai loại địa điểm đó là nơi xảy ra và nơi phát hiện ra vụ phạm tội hoặc vụ việc mang tính hình sự.

Nơi xảy ra vụ việc là nơi mà quá trình diễn biến của các vụ phạm tội hay vụ việc mang tính hình sự đã để lại những dấu vết, vật chứng trên đó. Nơi xảy ra vụ việc có thể là: nơi chuẩn bị, nơi tiến hành, nơi che giấu hành vi phạm tội

Nơi phát hiện vụ việc có thể chính là nơi xảy ra tội phạm hay các vụ việc mang tính hình sự hoặc không là nơi xảy ra nhưng có thể là nơi tìm thấy được các dấu vết, vật chứng có liên quan đến vụ việc đó. Trong trường hợp nơi phát hiện vụ việc khác nơi xảy ra vụ việc, đó có thể là:

– Nơi phát hiện ra dấu vết trong vụ phạm tội hoặc vụ việc mang tính hình sự.

– Nơi phát hiện ra công cụ, phương tiện phạm tội.

– Nơi bắt giữ tội phạm đang trên đường vận chuyển: tức là hành vi được quy định trong cấu thành tội phạm đã hoàn thành rồi nhưng trên đường lưu thông vận chuyển thì bị phát hiện, bắt giữ.

Thứ hai, hiện tượng vật chất xảy ra trong không gian hiện trường là các tội phạm hoặc những vụ việc mang tính hình sự.

Tội phạm được định nghĩa tại Điều 8 Bộ luật Hình sự như sau:

1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

Những vụ việc có tính hình sự là những hành vi có dấu hiệu của tội phạm nhưng chưa xác định được đầy đủ bốn yếu tố cấu thành tội phạm. Ví dụ những sự cố kỹ thuật bất thường, những vụ chết người không tự nhiên.v.v…, những trường hợp này vẫn cần tiến hành khám nghiệm hiện trường để xác định đúng nguyên nhân của sự việc, từ đó quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.

Như vậy, khoa học điều tra hình sự đã xây dựng được một khái niệm về hiện trường tương đối hoàn chỉnh, đảm bảo khoa học. Điều này rất có ý nghĩa đối với công tác khám nghiệm hiện trường, giúp cơ quan điều tra thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu phục vụ cho các bước điều tra tiếp theo.

2. Cách phân loại hiện trường thứ nhất – phân loại dựa vào địa điểm xảy ra vụ việc.

Căn cứ vào địa điểm xảy ra vụ việc, hiện trường được chia thành hiện trường trong nhà, hiện trường ngoài trời và hiện trường trên các phương tiện giao thông

Nếu là hiện trường trong nhà thì các dấu vết ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tự nhiên, sinh vật nhưng lại bị ảnh hưởng rất nhiều bởi yếu tố con người, đặc biệt là thủ phạm và người thân thủ phạm do họ tìm mọi cách để xóa dấu vết và phi tang vật chứng hoặc do chính nạn nhân do không biết đã làm xáo trộn hiện trường. Do vậy, khi nhận được thông báo, cơ quan điều tra cần đến ngay hiện trường, yêu cầu mọi người không ra khỏi khu vực hiện trường không cho ai ra vào đó cho đến khi lực lượng khám nghiệm tiến hành khám nghiệm xong.

Ví dụ: Vụ án A và B giết người giấu xác

Nội dung vụ án: Ngày 20/4/2017 tại nhà ông A có xảy ra mâu thuẫn vợ chồng trong gia đình. Nguyên nhân được cho là do vợ chồng con gái  mâu thuẫn cãi nhau về việc con rể đòi đưa con trai 2 tuổi về quê nội sinh sống, nhưng bên phía nhà vợ không đồng ý. Sau đó con rể bị bố vợ là ông A và con trai ông A là anh B đánh chết. Sau khi gây án A và B đã đưa xác nạn nhân lên khu đồi cách nhà khoảng 1km để chôn giấu nhằm phi tang.

Trong vụ án trên, cơ quan điều tra xác định được hai hiện trường vụ án, hiện trường trong nhà là nơi xảy ra hành vi tước đoạt tính mạng nạn nhânvà hiện trường ngoài trời là nơi hung thủ phi tang xác nạn nhân. Sau khi xác định và phân loại hai hiện trường nêu trên, điều tra viên sẽ tiến hành điều tra bằng các biện pháp nghiệp vụ thích hợp cho từng loại hiện trường.Khác với hiện trường trong nhà, đối với hiện trường ngoài trời, các điều tra viên cần tiến hành thêm hoạt động phân tích ảnh hưởng của thời tiết đến hiện trường vụ án, những tác động bất lợi của thời tiết làm thay đổi các dấu vết chứng cứ hung thủ để lại hiện trường như mưa, gió, động đất.v.v.

Chẳng hạn, mưa lớn làm dịch chuyển xác nạn nhân ra khỏi vị trí ban đầu, độ ẩm không khí và nhiệt độ làm đẩy nhanh hoặc chậm đi quá trình phân hủy xác, các vết rách trên thi thể nạn nhân tạo môi trường thuận lợi cho ấu trùng ruồi nhặng và vi sinh vật hiếu khí phát triển làm biến dạng vết thương gây khó khăn cho việc xác định hung khí,… Từ những phân tích đó, điều tra viên có thể thu thập dấu vết, đánh giá chứng cứ một cách chuẩn xác hơn.

Ý nghĩa của việc phân loại:

Từ ví dụ nêu trên có thể thấy, cách phân loại này có ý nghĩa rất lớn trong việc xác định các đặc điểm về sự hình thành, tồn tại và biến đổi của dấu vết trên mỗi loại hiện trường. Nếu là hiện trường ngoài trời thì hệ thống dấu vết sẽ biến đổi rất nhanh bởi các yếu tố tự nhiên như mưa, nắng, gió, độ ẩm, thời gian… các yếu tố sinh vật và con người. Loại hiện trường này cần được bảo vệ chu đáo, cẩn thận bằng các biện pháp thích hợp tránh để hiện trường không bị xáo trộn. Có thể khoanh vùng không cho mọi người đi lại tại khu vực đó hoặc dùng bạt, hay vải che để che đậy hiện trường.

3. Cách phân loại hiện trường thứ hai – dựa vào nội dung và tính chất của vụ việc xảy ra

Các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự xảy ra ở các hiện trường khác nhau có thể có nội dung và tính chất khác nhau. Chính vì vậy, dựa vào căn cứ này hiện trường có thể được chia thành nhiều loại khác nhau, phù hợp với nội dung cũng như tính chất của vụ việc đã diễn ra và dấu vết để lại đó, cụ thể là: Hiện trường có người chết; hiện trường cướp; hiện trường trộm; hiện trường cháy, nổ, sự cố kỹ thuật…

Ví dụ: Ngày 24/1/2016, tại ngôi biệt thự số X, quốc lộ Y, phường A, thị xã B, tỉnh TG, một người làm công của gia đình ông chủ cà phê H.K đã phát hiện ông L.V.Đ và vợ là bà V.T.N đã tử vong trong phòng ngủ. Trên thi thể của hai nạn nhân có nhiều vết đâm ở cổ. Trong khi đó, cháu nội của ông Đ đang học lớp 8 thì ngủ ở phòng bên cạnh và đã may mắn thoát chết. Tại hiện trường, trên tủ sắt trong phòng nạn nhân chỉ có vết máu chứ không có dấu hiệu bị cậy phá nhiều đồ đạt bị xáo trộn.Từ những dữ kiện trên có thể thấy đây là hiện trường giết người và có thể là cướp tài sản. Dấu vết đâm ở cổ cho thấy nạn nhân đã bị hung thủ dùng vật sắc nhọn đâm, dấu vết cậy phá nhiều đồ đạc bị xáo trộn cho thấy có thể hung thủ đã cướp tài sản.

Ý nghĩa của việc phân loại:

Việc phân loại này có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động bảo vệ và khám nghiệm hiện trường.Bởi lẽ, với những hiện trường có nội dung và tính chất khác nhau thì cách xác định phương tiện, lực lượng để thực hiện việc khám nghiệm là khác nhau.Từng loại hiện trường thì việc tiến hành bảo vệ, khám nghiệm hiện trường là khác nhau, điều tra viên sẽ cần áp dụng các biện pháp bảo vệ và khám nghiệm phù hợp để đạt được hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, sự phân loại này giúp cơ quan điều tra phần nào xác định được những loại dấu vết có thể để lại hiện trường, xác định được loại dấu vết nào cần được thu lượm kịp thời. Bởi dấu vết luôn được hình thành theo quy luật nhất định, phù hợp với nội dung, tính chất vụ việc đã xảy ra. Ví dụ: trong hiện trường giết người có xuất hiện vết máu, thì từ vết máu có thể đưa ra một số giả thuyết là nạn nhân bị giết do dùng hung khí như dao, gậy gộc…, từ đó cơ quan điều tra có thể tìm kiếm phương tiện gây án tại hiện trường.

4. Cách phân loại hiện trường thứ ba – Phân loại hiện trường dựa vào diễn biến của sự việc xảy ra

Một hiện trường có thể được quy tụ lại ở một địa điểm, nhưng cũng có thể có nhiều địa điểm khác nhau, đó chính là những bộ phận của hiện trường. Số lượng những bộ phận của hiện trường nhiều hay ít phần lớn phụ thuộc vào diễn biến hành vi của kẻ phạm tội, do đó được chia thành: nơi chuẩn bị thực hiện hành vi phạm tội, nơi thực hiện hành vi phạm tội, nơi che giấu hành vi phạm tội.

– Nơi chuẩn bị thực hiện hành vi phạm tội: Là nơi người phạm tộicó những hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện hành vi phạm tội ở đó.

– Nơi thực hiện hành vi phạm tội: Là nơi mà tội phạm thực hiện hành động phạm tội của mình. Trong một vụ án nơi thực hiện phạm tội là quan trọng nhất vì nó là bước đầu để điều tra vụ án, việc điều tra một vụ án thường bắt đầu từ nơi thực hiện hành vi phạm tội sau đó tìm nơi chuẩn bị phạm tội và nơi che giấu hành vi.

– Nơi che giấu hành vi phạm tội: Nơi che giấu hành vi phạm tội là nơi sau khi thực hiện phạm tội, tội phạm che giấu các dấu vết, tang vật phạm tội,ẩn náu,lẩn tránh khỏi sự truy lùng của cơ quan chức năng,tìm địa điểm bỏ trốn hoặc xóa cất giấu tang vật vụ án.

Ví dụ Vụ án giết tài xế taxi chôn xác

Ngày 22/3/2016, H ngồi xe taxi 4 chỗ, do anh V là tài xế xe, trên tuyến đường từ thành phố X đến thành phố Y hai người có dừng lại uống nước, nói chuyện chừng 30 phút. Chính trong lúc ngồi uống nước với anh V, H đã tính toán kỹ lưỡng về kế hoạch thực hiện tội ác của mình, hỏi thêm anh V một số điều để sau này dễ đối phó với cơ quan điều tra, hợp thức hóa việc chiếm đoạt xe ô tô 4 chỗ mà hắn sẽ cướp. Theo đó, điều tra viên xác định quán nước nơi hai người dừng lại nghỉ ngơi chính là nơi chuẩn bị thực hiện hành vi phạm tội của hung thủ.

Khi xe chạy đến ngã ba đường vào thành phố y H giả vờ nói anh V rẽ vào trang trại của đối tác để ký hợp đồng. Khi đi vào đường đê vắng H đã dùng súng giảm thanh bắn vào đầu anh V, sau đó kéo xác nạn nhân xuống sàn xe, sau ghế lái xe, hạ ghế phụ để che lại. Thấy anh V chưa chết, H dùng dao tiếp tục đâm đến chết. Từ đó, xác định nơi thực hiện hành vi phạm tội là trên xe taxi.

Khi lái xe đến bãi bồi ven đê, kẻ sát nhân này dừng xe, dùng xẻng đào hố rồi kéo xác anh V xuống hố, lấp đất lên sau đó lái xe về nhà. Tuy nhiên, ngày hôm sau có trận mưa to, đất xói mòn nên tóc anh V trồi lên và người dân phát hiện báo cho cơ quan chức năng.

Như vậy, hố đất tại bãi bồi ven đê mà hung thủ đã đào để chôn xác nạn nhân chính là nơi che giấu hành vi phạm tội.

Với mỗi hiện trường vụ án nêu trên, cơ quan điều tra sẽ phân công điều tra viên đến từng địa điểm và tiến hành các hoạt động nghiệp vụ cần thiết như lấy lời khai của người làm chứng (chủ quán nước); thu giữ hung khí gây án bao gồm: khẩu súng và con dao; thu thập vết máu, dấu vân tay, sợi tóc, lấy dữ liệu âm thanh từ hộp đen trên ô tô.v.v.

Ý nghĩa của việc phân loại:

Việc phân loại hiện trường dựa vào diễn biến của sự việc xảy ra giúp cơ quan điều tra và cán bộ điều tra dễ dàng thực hiện được công tác khám nghiệm hiện trường cũng như công tác bảo vệ hiện trường bởi vì căn cứ vào từng giai đoạn phạm tội, cơ quan điều tra sẽ phân công công việc cho những người có khả năng chuyên môn ở từng địa điểm… Từ đó, không bỏ sót lại các dấu vết cũng như các chứng cứ quan trọng góp phần cho việc điều tra án nhanh chóng và hiệu quả hơn.

5. Cách phân loại hiện trường thứ thứ 4 – phân loại dựa vào tình trạng của hiện trường

Căn cứ vào tình trạng của hiện trường, có thể chia hiện trường thành hai loại: hiện trường còn nguyên vẹn và hiện trường bị xáo trộn.

Hiện trường còn nguyên vẹn là hiện trường mà sau khi các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự đã xảy ra, các dấu vết, vật chứng do nó để lại không bị các yếu tố khác nhau như con người, sinh vật, thời tiết, khí hậu…tác động và làm biến đổi.

Ví dụ: Đối với hiện trường có người chết như bị giết do hung khí sắc nhọn, cần giữ nguyên vị trí tư thế, dáng điệu và trạng thái ban đầu của xác chết. Ngoài ra cần phải bảo vệ tốt những dấu vết, vật chứng như: máu, lông tóc…

Hiện trường bị xáo trộn là hiện trường mà sau khi các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự xảy ra, các dấu vết, vât chứng do nó để lại đã bị các yếu tố khác nhau tác động lên và làm biến đổi ở mức độ nhất định.

Ví dụ: Hiện trường cháy nổ có phạm vi, quy mô rộng chịu rất nhiều ảnh hưởng của điều kiện môi trường, thời tiết, nắng mưa, thường bị xáo trộn do hoạt động cứu chữa hoặc người có mặt tại hiện trường gây ra, tiềm ẩn các mối nguy hiểm như tiếp tục cháy nổ, khí độc, chất ăn mòn, sập tường… Bên trong hiện trường cháy nổ có thể có những hiện trường khác như giết người, trộm cắp tài sản… nên quá trình khám nghiệm cần chú ý tìm kiếm dấu vết theo kiểu lần từng phần, từng lớp mỏng của tàn tro, vật liệu theo chiều từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, khi phát hiện dấu vết phải truy nguyên trạng thái, vị trí của nó để chụp ảnh, vẽ sơ đồ, ghi nhận vào biên bản và thu lượm dấu vết. Hiện trường cháy chú ý xác định vùng cháy đầu tiên, điểm xuất phát cháy và nguồn nhiệt gây cháy, người, tác nhân và điều kiện gây ra vụ cháy. Với hiện trường nổ chú ý xác định điểm nổ, loại vật liệu nổ, loại thuốc nổ, phương tiện gây nổ căn cứ vào các loại dấu vết tro bụi, vết thổi quét được hình thành trên mặt đất, trên tường, trên trần nhà, trên bề mặt các vật thể xung quanh…

Ý nghĩa của việc phân loại:

Cách phân loại này có ý nghĩa chủ yếu trong việc đánh giá các dấu vết thu được trên mỗi loại hiện trường khác nhau, từ đó nhận định về đối tượng gây án. Đặc biệt đối với những dấu vết thu được ở hiện trường bị xáo trộn cần phải được phân tích thận trọng và chính xác trong khi sử dụng chúng làm chứng cứ.

Trân trọng!