1. Đối tượng hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm là khoản phụ cấp được chi trả cùng với tiền lương và khoản này được hưởng khi làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có điều kiện làm việc độc hại, nguy hiểm cao hơn bình thường.

* Phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho cán bộ, công chức, viên chức

Theo Thông tư 07/2005/TT-BNV ngày 05 tháng 01 năm 2005 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức; phụ cấp độc hại nguy hiểm được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi độc hại nguy hiểm mà yếu tố độc hại nguy hiểm cao hơn bình thường chưa được tính vào hệ số lương, gồm có:

+ Cán bộ, công chức (kể cả công chức dự bị), viên chức hay những người đang trong thời gian tập sự, thử việc thuộc biên chế trả lương của các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

+ Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cử đến làm việc tại các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.

* Phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và người lao động ký hợp đồng lao động:

Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động làm những công việc độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc trực tiếp ở nơi độc hại, nguy hiểm trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và người lao động ký hợp đồng lao động thì phụ cấp độc hại, nguy hiểm (nếu có) được thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

 

2. Mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức

Mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm gồm 04 mức: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4 so với mức lương tối thiểu chung.

Theo mức lương tối thiểu chung thì các mức tiền phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 01/01/2023 đến ngày 30/06/2023 được quy định (trong đó: mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng/tháng theo quy định tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang) như sau:

Mức Hệ số Mức phụ cấp
1 0,1 149.000 đồng
2 0,2 289.000 đồng
3 0,3 447.000 đồng
4 0,4 596.000 đồng

Mức tiền phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 01/07/2023 được xác định (trong đó: mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng khi Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 được thông qua) như sau:

Mức Hệ số Mức phụ cấp
1 0,1 180.000 đồng/tháng
2 0,2 360.000 đồng/tháng
3 0,3 540.000 đồng/tháng
4 0,4 720.000 đồng/tháng

Sau đó cần xác định mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm theo Thông tư 07/2005/TT-BNV:

Mức 1: có hệ số 0,1 và áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có một trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm sau:

+ Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc, làm việc ở môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc bệnh truyền nhiễm.

+ Làm việc trong môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh.

+ Những công việc phát sinh tiếng ồn lớn hoặc làm việc ở nơi có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép.

+ Làm viêc ở môi trường có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Mức 2: có hệ số 0,2 và áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có hai trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm (các yếu tố được quy định như ở mức 1)

Mức 3: có hệ số 0,3 và áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có ba trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm (các yếu tố được quy định như ở mức 1)

Mức 4: có hệ số 0,4 và áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp ở nơi có bốn trong các yếu tố độc hại, nguy hiểm (các yếu tố được quy định như ở mức 1)

Cách tính trả phụ cấp độc hại, nguy hiểm được quy định tại Thông tư 07/2005/TT-BNV:

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Nếu làm việc dưới 04 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, còn trong trường hợp làm việc từ 04 giờ trở lên thì được tính cả ngày làm việc. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không để dùng tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

 

3. Mức phụ cấp đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và người lao động ký hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về vấn đề công việc, tiền lương, điều kiện lao động, thời gian làm việc,…. Các bên giao kết trong hợp đồng lao động cần thực hiện một cách tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và tự do nhưng vẫn đảm bảo không trái với quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

Nội dung của hợp đồng lao động có một số nội dung chủ yếu như sau: (1) tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động; (2) họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động; (3) công việc và địa điểm làm việc; (4) thời hạn của hợp đồng lao động; (5) mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; (6) chế độ nâng bậc, nâng lương; (7) thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; (8) trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; (9) bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp; (10) đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề;…

Do đó, các bên ký kết trong hợp đồng lao động có thể thỏa thuận với nhau về phụ cấp độc hại, nguy hiểm (nếu có).

 

4. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm có chịu thuế thu nhập cá nhân hay không?

Thu nhập tiền lương, tiền công gồm có: tiền lương, tiền công; các khoản phụ cấp, trợ cấp và một số khoản bổ sung khác.

Theo quy định tại điểm b.4 khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 08 năm 2013 hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân: 

Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

b, Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:

b.4) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.”

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân mà trong thu nhập từ tiền lương, tiền công có phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm và khoản phụ cấp này thuộc trường hợp không phải tính thuế thu nhập cá nhân nên khoản phụ cấp độc hại, nguy hiểm không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết “Cách tính mức hưởng phụ cấp độc hại theo quy định mới nhất” mà Luật LVN Group muốn gửi đến bạn đọc. Nếu bạn đọc có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hay vấn đề khác thì vui lòng liên hệ tới bộ phận tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của Luật LVN Group qua số: 1900.0191 để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!