Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191
1. Tư pháp quốc tế của Liên minh châu Âu là gì?
Tư pháp quốc tế Liên minh châu Âu là tổng thể các nguyên tắc và quy phạm pháp luật do Liên minh châu Âu xây dựng và ban hành, nhằm điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, có hiệu lực áp dụng thống nhất và trực tiếp đối với các thể nhân, quốc gia thành viên và các cơ quan, thiết chế của Liên minh châu Âu.
2. Xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài
Liên quan đến những quy định về cách xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài, phải kể đến Quy định Rome I.
Theo Quy định Rome I, pháp luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài được xác định trong hai trường hợp cụ thể.
+ Trường hợp thứ nhất là khi các bên trong quan hệ thỏa thuận lựa chọn pháp luật để áp dụng;
+ Trường hợp thứ hai là khi các bên trong quan hệ không lựa chọn pháp luật để điều chỉnh quan hệ của mình. Trong trường hợp thứ hai này, pháp luật nước ngoài sẽ được áp dụng theo sự dẫn chiếu của các quy phạm pháp luật xung đột.
3. Khi các bên trong quan hệ thỏa thuận lựa chọn pháp luật để áp dụng
3.1. Pháp luật của Liên minh châu Âu
Với cách quy định của Quy định Rome I, nguyên tắc đầu tiên để xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng đó là nguyên tắc tự do thỏa thuận chọn luật của các bên trong hợp đồng. Điều này được thể hiện ngay ở tên gọi của Điều 3 “Quyền tự do lựa chọn”. Theo đó, điều luật này khẳng định: “Một hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật do các bên lựa chọn”. Rất nhiều bình luận đã khẳng định đây là nguyên tắc nền tảng, là trọng tâm của Quy định Rome I, để xây dựng khung pháp lý điều chỉnh cho các hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Nguyên tắc này được kế thừa từ các quy định trong pháp luật Anh, cũng như Công ước Rome 1980 và nó được áp dụng rất phổ biến trong nhiều án lệ của Tòa án Anh.
Bên cạnh đó, Điều 3 cũng đưa ra những quy định chi tiết liên quan đến việc lựa chọn pháp luật của các bên. Theo đó, các bên có thể thể hiện sự thỏa thuận của mình bằng một điều khoản rõ ràng trong hợp đồng hoặc các bên cũng có thể thỏa thuận ngầm với nhau theo từng trường hợp cụ thể. Tòa án khi xét xử vụ việc sẽ có thể chấp nhận sự thoả thuận ngầm này nếu như nó có thể được chứng minh thông qua những điều khoản trong hợp đồng hoặc bằng các tình tiết của vụ việc. Đây là một quy định khá hay của Quy định Rome I và phù hợp với thực tiễn các giao dịch liên quan đến hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Bởi lẽ không phải trong trường hợp nào các bên trong hợp đồng cũng thể hiện minh bạch, cụ thể việc lựa chọn pháp luật cho hợp đồng của mình. Và với cách quy định “thoáng” như vậy, thêm một lần nữa Quy định khẳng định mục tiêu đề cao nguyên tắc tự do trong việc lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng của các bên.
Không chỉ dừng lại ở đó, các bên trong hợp đồng còn có thể thoả thuận lựa chọn luật để điều chỉnh một phần hoặc toàn bộ hợp đồng.
Về thời điểm chọn luật áp dụng, Quy định Rome I cho phép các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận và thay đổi sự thỏa thuận của mình bằng một hệ thống pháp luật khác vào bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp các bên có sự thay đổi sự lựa chọn luật áp dụng khác với hệ thống pháp luật ban đầu sau khi hợp đồng đã được ký kết thì sự thay đổi đó chỉ được chấp nhận khi thỏa mãn điều kiện không làm phương hại đến hiệu lực về hình thức của hợp đồng hoặc không gây ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của bên thứ ba.
Quy định Rome I cũng không giới hạn phạm vi áp dụng của luật do các bên lựa chọn để điều chỉnh hợp đồng. Điều này được hiểu là luật do các bên lựa chọn sẽ được áp dụng để điều chỉnh tất cả các vấn đề liên quan đến việc giải thích hợp đồng, thực hiện hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, hệ quả của việc vi phạm hợp đồng… Bên cạnh đó, hiệu lực về hình thức của hợp đồng cũng được điều chỉnh bởi luật do các bên lựa chọn.
Tuy nhiên, bên cạnh việc thừa nhận quyền tự do của các bên tham gia quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài trong việc chọn luật điều chỉnh hợp đồng, Quy định Rome I cũng đưa ra những quy định hạn chế quyền tự do thoả thuận chọn luật của các bên trong những trường hợp nhất định.
Thứ nhất, việc thoả thuận chọn luật của các bên không được ảnh hưởng đến việc áp dụng các “quy phạm bắt buộc”
Các quy phạm pháp luật bắt buộc là những quy phạm được xem là vô cùng quan trọng đối với một quốc gia nhằm bảo vệ những lợi ích công của quốc gia đó, chẳng hạn như những quy định liên quan đến tổ chức chính trị, xã hội hay kinh tế của quốc gia. Những quy định này sẽ được áp dụng trong mọi tình huống thuộc phạm vi điều chỉnh của nó, không ngoại trừ pháp luật nào khác áp dụng cho hợp đồng theo quy định của Quy định Rome I. Sẽ không có quy định nào trong Quy định này có thể hạn chế việc áp dụng các quy phạm pháp luật bắt buộc của nước có Tòa án giải quyết vụ việc.
Theo Quy định Rome I, sự thoả thuận chọn luật của các bên sẽ có thể bị từ chối nếu nó ảnh hưởng đến những quy phạm pháp luật bắt buộc trong pháp luật của nước có Tòa án hoặc pháp luật của nước có mối liên hệ chặt chẽ với hợp đồng, cụ thể đây có thể là quốc gia nơi các bên thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Trên thực tế đã có một số phán quyết do các Tòa án của các nước thành viên Liên minh châu Âu đưa ra liên quan đến việc áp dụng các quy phạm pháp luật bắt buộc.
Thứ hai, việc thỏa thuận chọn luật của các bên không được trái với trật tự công cộng của quốc gia có Toà án xét xử vụ việc
Cho đến thời điểm hiện nay, các học giả ghi nhận không nhiều những vụ việc thực tiễn liên quan trực tiếp đến các phán quyết của Tòa án các nước châu Âu về bảo lưu trật tự công cộng trong các hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, có thể xem qua một vụ việc đã được ECJ giải quyết, như một điển hình cho việc gián tiếp áp dụng bảo lưu trật tự công cộng. Trong vụ tranh chấp giữa Ingmar GB Ltd. (được thành lập tại Anh) và Eaton Leonard Technologies Inc. (được thành lập tại California), ECJ đã đưa ra phán quyết cho một điều khoản chọn luật áp dụng áp dụng cho hợp đồng đại lý giữa hai công ty nói trên. Theo thỏa thuận hợp đồng, bên đại lý (Ingmar GB) sẽ thực hiện các hoạt động thương mại tại châu Âu và luật áp dụng cho hợp đồng này là luật của California (Hoa Kỳ). Tuy nhiên theo ECJ thì thỏa thuận này của các bên có khả năng vi phạm những tiêu chuẩn được đưa ra bởi Chỉ thị của Hội đồng (EEC) số 86/653 về việc áp dụng pháp luật của các nước thành viên châu Âu liên quan đến hoạt động của các đại lý tại các nước thành viên châu Âu. Và ECJ đã quyết định Chỉ thị nói trên sẽ phải được áp dụng khi đại lý thương mại tiến hành hoạt động của mình tại châu Âu mặc dù bên giao đại lý được thành lập tại một nước không phải thành viên của Liên minh châu Âu và hai bên đã có thỏa thuận chọn luật áp dụng. Phán quyết này của ECJ được xem là đã áp dụng bảo lưu trật tự công cộng trong trường hợp này.
3.2. Pháp luật Việt Nam
Tại Việt Nam, quyền thỏa thuận chọn luật của các bên trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài được ghi nhận ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Cụ thể, khoản 1 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng”. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực thương mại, khoản 2 Điều 5 Luật Thương mại 2005 cho phép các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế để điều chỉnh hợp đồng của mình. Trong lĩnh vực hàng hải, Điều 5 Bộ luật Hàng hải 2015 cũng ghi nhận các bên có quyền thoả thuận áp dụng luật nước ngoài hoặc tập quán hàng hải quốc tế trong các quan hệ hợp đồng để giải quyết tranh chấp. Trong hoạt động đầu tư nước ngoài, quyền thỏa thuận lựa chọn pháp luật nước ngoài và tập quán đầu tư quốc tế cũng được quy định tại khoản 5, Điều 4 Luật Đầu tư 2020.
Những quy định trên cho thấy, pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do thỏa thuận chọn luật của các bên là một nguyên tắc nền tảng, được ưu tiên áp dụng trong việc giải quyết xung đột pháp luật về hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Quy định này là hợp lý bởi dưới góc độ lý luận, nguyên tắc tự do ý chí là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt, đóng vai trò quan trọng được pháp luật dân sự Việt Nam thừa nhận trong các giao dịch dân sự nói chung. Và đây cũng là nguyên tắc tương đồng với quy định của pháp luật Liên minh châu Âu trong việc xác định luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài.
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam cũng đặt ra những giới hạn cho việc thỏa thuận chọn luật của các bên để điều chỉnh hợp đồng có yếu tố nước ngoài, cụ thể:
– Việc chọn luật phải được quy định bởi điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
– Hậu quả của việc áp dụng pháp luật được chọn không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
– Pháp luật mà các bên lựa chọn là quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ, không bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng (chỉ được áp dụng các quy phạm thực chất trong hệ thống pháp luật được các bên lựa chọn).
Ngoài những nguyên tắc chung này, tùy vào từng loại hợp đồng đặc thù, pháp luật Việt Nam cũng xây dựng những quy định riêng nhằm hạn chế thỏa thuận chọn luật. Chẳng hạn, đối với hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì pháp luật áp dụng đối với việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có bất động sản, các bên không được quyền chọn luật áp dụng. Hay như những hợp đồng mang tính chất gia nhập như hợp đồng lao động hay hợp đồng tiêu dùng thì các bên chỉ có thể thỏa thuận chọn luật áp dụng với điều kiện pháp luật do các bên lựa chọn không ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Có thể thấy so với những quy định trước đây, Bộ luật Dân sự 2015 đã có những bước tiến rõ rệt trong việc xây dựng các quy định liên quan đến việc xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài trong trường hợp các bên có thỏa thuận chọn luật. Nhiều quy định liên quan đến vấn đề này khá giống với những quy định trong pháp luật Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, bên cạnh một số điểm nổi bật mà Bộ luật Dân sự 2015 đã xây dựng được, liên quan đến các điều kiện áp dụng pháp luật nước ngoài đối với hợp đồng có yếu tố nước ngoài, vẫn còn tồn tại những quy định chưa được triển khai cụ thể. Vì vậy, để quyền chọn luật của các bên thực sự phát huy hiệu lực trên thực tế và để pháp luật nước ngoài có khả năng cao được các thẩm phán Việt Nam áp dụng thì cần phải xây dựng các quy định chi tiết về điều kiện chọn luật đối với các bên trong quan hệ hợp đồng. Với sự hiện diện của các quy định chi tiết này, Tòa án sẽ có cơ sở để áp dụng pháp luật nước ngoài trong những trường hợp đáp ứng được các điều kiện đặt ra, cũng như có thể từ chối áp dụng pháp luật nước ngoài một cách minh bạch và hợp lý nếu pháp luật được lựa chọn không đáp ứng được điều kiện chọn luật. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng đa số Thẩm phán đều tránh né việc xem xét các tình tiết thể hiện yếu tố nước ngoài trong vụ việc cũng như bỏ qua việc áp dụng pháp luật nước ngoài khi xét xử như hiện nay.
Các điều kiện liên quan đến việc chọn luật nước ngoài để áp dụng cho hợp đồng được pháp luật Liên minh châu Âu quy định khá rõ ràng và cụ thể. Pháp luật Việt Nam có thể học tập những mô hình này để xây dựng những quy định tương tự.
4. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận chọn luật
4.1. Pháp luật Liên minh châu Âu
Trong các trường hợp khi các bên không có thoả thuận chọn luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài thì vẫn có thể xác định được áp dụng theo sự chỉ dẫn của các quy phạm pháp luật xung đột trong từng trường hợp cụ thể, được quy định tại Điều 4, Điều 5 của Quy định Rome I.
Theo đó, tại khoản 1, Điều 4 Quy định đưa ra những nguyên tắc chung để xác định pháp luật áp dụng, căn cứ theo từng loại hợp đồng, như sau:
– Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa được điều chỉnh bởi pháp luật của quốc gia nơi cư trú thường xuyên của bên bán.
– Đối với hợp đồng cung cấp dịch vụ được điều chỉnh bởi pháp luật của quốc gia nơi cư trú thường xuyên của bên cung cấp dịch vụ.
– Đối với hợp đồng nhượng quyền thương mại sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật của nước nơi cư trú thường xuyên của bên nhượng quyền.
– Đối với hợp đồng phân phối sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật của nước nơi cư trú thường xuyên của nhà phân phối.
Mặc dù những quy định trên đã liệt kê khá nhiều các nguyên tắc áp dụng pháp luật cho từng loại hợp đồng cụ thể nhưng nhằm mục đích xây dựng một khung pháp lý linh hoạt, thích ứng với mọi tình huống phát sinh trên thực tế, Điều 4 tiếp tục đưa ra những nguyên tắc thay thế mang tính khái quát: “Nếu một hợp đồng không thể xác định được luật áp dụng theo các trường hợp trên hoặc các yếu tố trong hợp đồng phù hợp với nhiều căn cứ quy định tại khoản 1 thì pháp luật được áp dụng cho nghĩa vụ trong hợp đồng là pháp luật nơi cư trú thường xuyên của bên phải thực hiện nghĩa vụ”. Đây là một cách quy định rất hay, bao quát mọi trường hợp phát sinh trên thực tiễn, giúp các bên tham gia quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài lẫn các cơ quan có thẩm quyền có cơ chế để xác định pháp luật cho hợp đồng trong tất cả các bối cảnh thực tế.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 4 của Quy định tiếp tục đưa ra thêm nguyên tắc xác định pháp luật thay thế khác, được xem là thể hiện rõ “mối quan hệ gắn bó nhất” với hợp đồng: “Khi xác định rõ ràng rằng các yếu tố liên quan đến hợp đồng có mối quan hệ mật thiết với một quốc gia khác không phải là quốc gia được xác định ở trên thì pháp luật được áp dụng cho hợp đồng là pháp luật của quốc gia có mối liên hệ mật thiết đó”.
Nhìn chung, nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài trong trường hợp thiếu vắng sự thoả thuận chọn luật của các bên được nêu tại Điều 4 được xây dựng dựa trên nền tảng tìm kiếm pháp luật có mối liên hệ gắn bó với hợp đồng. Yếu tố mối liên hệ gắn bó được xác định dựa vào nơi cư trú thường xuyên của bên phải thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng hoặc nơi thực hiện hành vi hoặc nơi có tài sản tùy vào từng loại hợp đồng cụ thể.
Việc xác định nơi cư trú thường xuyên căn cứ vào Điều 19 của Quy định, nếu như chủ thể của hợp đồng là doanh nghiệp hay tổ chức khác, có hay không có tư cách pháp nhân thì nơi cư trú thường xuyên được hiểu là nơi có cơ quan quản lý chính, nơi thường trú của cá nhân hoạt động kinh doanh là nơi người đó tiến hành hoạt động kinh doanh chủ yếu. Nếu hợp đồng được ký kết bởi một chi nhánh, đại lý hay là một cơ sở kinh doanh khác mà theo đó việc thực hiện hợp đồng là nghĩa vụ của chi nhánh, đại lý hay cơ sở kinh doanh khác thì nơi cư trú thường xuyên được hiểu là nơi cư ngụ của chi nhánh, đại lý hay cơ sở kinh doanh đó. Trong tất cả các trường hợp trên, thời điểm để xác định nơi cư trú thường xuyên là thời điểm hợp đồng được ký kết.
Bên cạnh những nguyên tắc chung để xác định pháp luật áp dụng cho các loại hợp đồng thì Quy định Rome I cũng đưa ra những quy định cụ thể hơn cho một số loại hợp đồng đặc thù. Có thể kể đến như quy định dành cho loại hợp đồng vận chuyển. Đối với hợp đồng vận chuyển hàng hóa, pháp luật áp dụng sẽ là pháp luật của nước nơi thường trú của bên vận chuyển, miễn sao nơi nhận hoặc là nơi giao hàng hoặc nơi cư trú thường xuyên của bên được vận chuyển nằm trên quốc gia đó, nếu không đáp ứng được tiêu chí trên thì pháp luật của nước nơi giao hàng do các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Đối với hợp đồng vận chuyển hành khách, pháp luật được áp dụng là pháp luật của nước nơi thường trú của bên được vận chuyển miễn sao hoặc là nơi đến hoặc nơi đi được xác định là ở tại quốc gia đó, trong trường hợp các yêu cầu trên không thoả mãn thì pháp luật của nước nơi thường trú của bên vận chuyển sẽ được áp dụng.
Trong trường hợp xác định pháp luật cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài theo các nguyên tắc xung đột được phân tích ở trên, pháp luật nước ngoài sẽ chỉ được áp dụng nếu không trái với trật tự công cộng của quốc gia có Tòa án và không rơi vào trường hợp phải áp dụng các quy phạm pháp luật bắt buộc.
4.2. Pháp luật Việt Nam
Đối với quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, về nguyên tắc nếu các bên không có thỏa thuận chọn luật hợp pháp thì việc xác định pháp luật áp dụng điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng sẽ căn cứ vào sự chỉ dẫn của quy phạm xung đột.
Theo quy định của Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 thì trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng. Và điều luật này cũng liệt kê pháp luật của nước sau đây được coi là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng:
– Pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng mua bán hàng hóa;
– Pháp luật của nước nơi người cung cấp dịch vụ cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng dịch vụ;
– Pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ;
– Pháp luật của nước nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc đối với hợp đồng lao động. Nếu người lao động thường xuyên thực hiện công việc tại nhiều nước khác nhau hoặc không xác định được nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng lao động là pháp luật của nước nơi người sử dụng lao động cư trú đối với cá nhân hoặc thành lập đối với pháp nhân;
– Pháp luật của nước nơi người tiêu dùng cư trú đối với hợp đồng tiêu dùng.
Tuy nhiên trong trường hợp chứng minh được pháp luật của nước khác với pháp luật được nêu ở trên có mối liên hệ gắn bó hơn với hợp đồng thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước đó.
Có thể thấy, hiện tại Bộ luật Dân sự 2015 xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng trong trường hợp các bên không chọn luật, dựa vào nguyên tắc nơi có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng. Tại khoản 2, Điều 683 đã đưa ra dấu hiệu xác định mối quan hệ gắn bó nhất bằng cách liệt kê các nguyên tắc phù hợp với từng loại hợp đồng cụ thể như: hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ. Đây là các nguyên tắc tương đồng với cách quy định trong pháp luật các nước trên thế giới. Cách quy định liệt kê như trên có ưu điểm là rõ ràng, dễ áp dụng cho các hợp đồng chuyên biệt, nhưng có nhược điểm là không đầy đủ và khó áp dụng cho các hợp đồng phức tạp có bản chất hỗn hợp. Ngoài ra, việc liệt kê như vậy chắc chắn sẽ không bao trùm được hết các quan hệ hợp đồng trên thực tế, như hợp đồng phân phối chẳng hạn.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập