Điều đáng nói, họ đều là người đứng đầu trong bộ máy hành pháp, hơn nữa lại có chân cả trong bộ máy lập pháp, nhưng lại vô cùng “hồn nhiên” làm những điều mà hơn ai hết họ phải là người biết chắc việc làm đó là sai với luật pháp. Vậy mà, khi giải thích việc làm sai lè lè của mình họ cứ tưng tửng trả lời như không, có người lại viện ra cả lý do là đã được cấp cao hơn cho phép…

>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191

Cho đến lúc này, những vụ việc đó chưa có sự can thiệp của pháp luật, chưa thấy ai nhắc đến một tội danh nào. Đó mới là những hiện tượng được phát hiện, ban đầu tưởng như mang tính cá biệt. Nhưng người ta đã bắt đầu nghĩ đến cái gì đó không phải là đơn lẻ. Nó là một căn bệnh dễ mắc đối với một đối tượng nào đó. Ví như bệnh “gút” đối với người thừa dinh duỡng lại kém rèn luyện. Ở đây là những người có quyền cao chức trọng…

Cách đây một vài kỳ họp Quốc hội, khi có đại biểu nêu vấn đề về việc nguời sắm phương tiện làm việc, chi phí vượt quá tiêu chuẩn của mình thì có gọi là tham nhũng không. Cử toạ xì xào, nhiều người coi đó chỉ là lãng phí thôi vì xe vẫn là tài sản công. Nhưng nhiều người lại coi là tham nhũng vì tham nhũng đâu chỉ là bỏ tiền vào túi, sự sung sướng cũng có thể quy thành tiền được.

Vả lại, kẻ sử dụng có thể không tham nhũng thì kẻ đi mua sắm sẽ tham nhũng, kể cả tham nhũng lòng tin bằng cách nịnh bợ cấp trên… Nói cho cùng thì tham nhũng với lãng phí luôn là cặp bài trùng, có chung hậu quả là gây thiệt hại cho công quỹ, cũng có nghĩa là mang hại cho dân. Ngay trong khi thảo luận quanh cái ôtô, đã nhiều ý kiến báo trước là sau cái ôtô chắc sẽ đến cái nhà công vụ, các chuyến du ngoạn… Thì sự việc đã diễn ra đúng như vậy.

Nhưng ngẫm kỹ, thì những chuyện tương tự ở ta cũng vẫn còn là “chuyện thường ngày” của thiên hạ. Chuyện các quan chức cấp tối cao mượn máy bay nhà nước chở vợ con đi du hý, việc sử dụng nhà công vụ cao hơn tiêu chuẩn, việc để con cái hư hỏng lợi dụng chức quyền của cha mẹ đến nỗi người thân sinh dù đã làm đến chức nguyên thủ phải ra đứng trước dân chúng gạt nuớc mắt mà xin lỗi…, hay mới đây nhất ông Thủ tướng Thái Lan bị lật đổ…, mới thấy việc nhà mình có vẻ còn ấu trĩ mà lo không biết đến bao giờ mới tiệt tận gốc như mong muốn từ người lãnh đạo cho đến dân thường. Mà cái gốc lại chính là con người, cũng từ người lãnh đạo cao nhất đến người dân thường nhất.

Vì nghĩ ngợi cuối một tuần sôi nổi những vụ việc e chừng sẽ làm tổn hại đên thanh danh một số quan chức mà chợt nhớ đến một quan chức sống cách ta đến một thế kỷ rưỡi. Ông quan đó tên là Đặng Huy Trứ (1825-1874), làm một chức quan không lớn trong triều nhưng nổi tiếng là người liêm khiết và có tư tưởng canh tân. Nhà yêu nước Phan Bội Châu gọi cụ là người “vun mầm khai hoá”.

Cuối đời làm quan, cụ Trứ chỉ băn khoăn một điều là làm sao giữ được phẩm chất thanh liêm cho người làm quan. Cụ nhận rằng lương thưởng nhà nước ban cho quả là không đủ sống nên việc có những thu nhập ngoài lương là điều khó tránh. Do vậy, cụ nghiệm thấy rằng: Cái khó nhất của người làm quan là “nhận”(thụ) hay “không nhận” (từ) trước những món tiền bạc hay quà cáp đến với mình khi đương chức. Suốt 10 năm cuối đời đọc sách, thu thập và nghiền ngẫm, Đặng Huy Trứ viết một cuốn sách lớn có đầu đề là “Từ thụ yếu quy” (tức là những quy chuẩn chủ yếu cho việc nhận hay không nhận).

Sách dày cả ngàn trang chia làm 2 phần. Từ thực tiễn rất sống động rút ra trong các dẫn chứng từ sách vở kinh điển của Trung Hoa từ quan sát trong đời sống quan trường VN và từ chính trải nghiệm của mình, tác giả khái quát thành 104 trường hợp các khoản tiền hay quà gửi tạ quan chức thực chất là hối lộ không thể nhận (từ)… Ngoài ra Đặng Huy Trứ cũng nêu ra 5 trường hợp có thể nhận được, lấy tiêu chí đó là cách tỏ đạo nghĩa hay hiệu quả công việc do mình có góp phần sinh lợi trong khi điều hành chức trách… Đương nhiên, quan niệm mỗi thời một khác và chính cụ Trứ cũng nhận rằng mình viết “chỉ để dạy dỗ con cháu trong nhà coi như gia huấn của dòng tộc để giữ tròn danh tiết, khiến cho nếp nhà mãi trong sáng”.

Không bàn đến cách nhận dạng của người xưa còn đúng với thực tiễn đời nay hay không, nhưng quan điểm của người xưa lấy việc tu thân làm mẫu mực để tề gia rồi mới mong trị quốc và góp sức bình thiên hạ… không phải không còn ý nghĩa. Và việc nhận dạng những cạm bẫy trong đời làm quan, tạo nên những nguyên lý hành xử “làm khuôn phép cho bản thân và con cháu” đáng được nhắc lại vào lúc này.

Dương Trung Quốc

Nguồn:  Lao Động cuối tuần

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)