Với lệnh cấm này, những người bán rượu, thuốc lá từ nay phải cảnh giác khi đứng trước một khách hàng trẻ tuổi: tốt nhất là kiểm tra chứng minh thư để xem khách có đủ năng lực để mua những thứ cấm kỵ đó hay không, trước khi tiến hành giao dịch. Nhà chức trách, về phần mình, phải thiết lập một hệ thống kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện vi phạm. Có vẻ như bảo đảm tính hữu hiệu của lệnh cấm này sẽ là chuyện rất tốn kém và không đơn giản.
Thực ra, người ta không hề ảo tưởng về việc cách ly tuyệt đối thiếu niên, nhi đồng với những chất kích thích độc hại ấy chỉ bằng một lệnh cấm. Vả lại, luật cấm mua bán đối với người chưa thành niên, nhưng không cấm người này tiêu dùng. Nói khác đi, miễn là không tự mình đi mua, trẻ em, thiếu niên, về mặt lý thuyết, vẫn có thể uống rượu, hút thuốc thoải mái, và điều đó hoàn toàn hợp pháp.
Song, không nên vội từ đó kết luận rằng, luật pháp quá sơ hở trong vụ này, và coi chừng, không khéo với lệnh cấm, nhà chức trách chỉ đi làm trò cười cho thiên hạ. Nếu cho rằng, người làm luật nhắm đến mục tiêu ngăn chặn sự cám dỗ của tệ nạn nghiện ngập đối với thế hệ trẻ, thì có thể thấy ngay vấn đề bật ra: trong hoàn cảnh nào, mà người chưa thành niên có khả năng tiếp xúc với rượu, thuốc lá?
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Theo các kết quả điều tra trong khuôn khổ đánh giá tác động xã hội của điều luật, đa số những người chưa thành niên ở Pháp sống dưới sự chăm sóc, quản lý của cha mẹ, nói chung, của người thân thuộc đã trưởng thành. Nếu không được phép tự mình mua rượu, thuốc lá, họ hầu như chỉ có thể có được những thứ ấy thông qua vai trò của những người có quyền quản lý đối với mình.
Trong điều kiện người quản lý trẻ em, thiếu niên sở hữu nhiều rượu, thuốc lá, thì có hai con đường dẫn người được quản lý đến chỗ tiếp cận được với những thứ ấy: hoặc họ được người quản lý cho phép, hay làm lơ để họ làm việc đó; hoặc, không được phép, họ làm việc đó một cách lén lút, nghĩa là trộm rượu, thuốc lá của cha, mẹ, anh, chị đế uống, để hút.
Tất nhiên, chẳng có bậc phụ huynh nào tỉnh táo và có trách nhiệm mà lại đẩy con em mình vào tình cảnh của một kẻ ăn cắp, dù là vô tình. Vậy là cuối cùng, trong khung cảnh của lệnh cấm, việc trẻ em và thiếu niên có điều kiện uống rượu, hút thuốc thường là kết quả của sự đồng loã, hoặc thái độ thờ ơ, thả lỏng của phụ huynh đối với sự phát triển thói hư, tật xấu của con em. Việc con em uống rượu, hút thuốc lá, trước hết là dấu hiệu của sự thiếu trách nhiệm ở phụ huynh.
Một lệnh cấm, thoạt trông chỉ nhằm tác động vào môi trường giao tiếp xã hội, rốt cuộc lại cho thấy, có tác dụng chính là thúc đẩy, kích thích các ứng xử tích cực trong quan hệ gia đình. Những người bảo vệ điều luật lập luận rằng, để tránh cho con em sa vào chỗ nghiện ngập, cách tốt nhất đối với bậc phụ huynh là tự mình biến thành tấm gương về không nhậu nhẹt, không hút thuốc. Bằng lệnh cấm đó, người làm luật dùng lợi ích của trẻ em để tạo sức ép đối với người lớn trong việc tự hoàn thiện về lối sống, nhân cách. Sự cưỡng bách ứng xử vừa nhẹ nhàng, không cần đến vai trò của công lực, vừa có hiệu quả.
Cần có thời gian để kiểm chứng lý lẽ của người làm luật. Nhưng ngay từ bây giờ, đã có thể rút ra bài học quý từ câu chuyện: trước khi áp đặt một quy tắc ứng xử lên xã hội, người làm luật cần suy nghĩ sâu và rộng đến mức có thể được, nhằm dự kiến những tác động khả dĩ của quy tắc đối với đời sống xã hội. Muốn làm được điều đó, người làm luật phải lắng nghe các ý kiến phản biện đa chiều: từ việc thu thập thông tin, hình dung các tình huống đa dạng trong thực tiễn mà quy tắc được áp dụng, người làm luật có điều kiện hoàn thiện quy tắc theo hướng bảo đảm tính khả thi và tác dụng tích cực của nó đối với sự phát triển xã hội.
SOURCE: SÀI GÒN TIẾP THỊ – TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trích dẫn từ: http://www.sgtt.com.vn