Một nền văn học nghiêm chỉnh của một quốc gia bao giờ cũng bao gồm cả văn học sáng tác và văn học dịch. Vậy nền dịch thuật của chúng ta hiện là đang như thế nào?

Còn nhớ thời bao cấp, chúng ta đã từng có ý thức, và đã thực sự thiết kế và bắt đầu thực hiện mọi kế hoạch dịch thuật có tính chiến lược đối với văn học thế giới. Đã bắt đầu vạch ra những chương trên dịch 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm đối với một nền văn học lớn trên thế giới, kế hoạch đó được nhà nước giao cho một số nhà xuất bản lớn, và cũng đã bắt đầu thực hiện được trong một số năm. Nhưng rồi kinh tế thị trường đã đánh nát tất cả. Tất cả các dự định và kế hoạch tốt đẹp đều bị xếp xó. Một thị trường dịch mênh mông, tràn lan đã nhanh chóng hình thành, lúc đầu quả có đem lại sự cởi mở hơn nhưng rồi về sau ngày càng hỗn loạn, tạp nham, lạ không thể không nói là ngày càng xuống cấp nghiêm trọng hơn.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:   1900.0191

(Dịch vụ dịch thuật pháp luật – Ảnh minh họa)

Hiện nay còn có những quyển sách tốt được dịch và được dịch tốt không? Vẫn còn. Vẫn còn những người dịch tốt, những người thật sự có văn hóa, trình độ và có nghề, mong muốn đóng góp một điều gì đó đích đáng, có ích vào sự phát triển văn hóa văn học, tâm huyết đi tìm và cặm cụi dịch một cách có chất lượng những tác phẩm thật sự cần thiết và chất lượng. Họ làm việc thật sự hy sinh quên mình, bị các khâu dữ tợn trong thị trường xuất bản sách mà nhà nước thả rông ra như một đàn thú hoang ra sức bóc lột, và bị lọt thỏm vào giữa thị trường sách dịch tạp nham nhấn chìm đến gần như biệt tăm tích. Tôi biết ở nước nào cũng vậy thôi, ở đâu cũng có những quyển sách tạp nham thường xuyên được viết, được in ra, và được dịch, bán trên thị trường. Nhưng ở đấy chúng là thiểu số, chúng công khai được coi là hàng thứ cấp, chúng gần như không được coi là văn học, chúng không đánh bạt được những sách tốt, đứng đắn, thật sự có văn hoá. Ở ta hiện nay thì ngược lại. Khống chế tuyệt đối trên thị trường sách bây giờ là sách best-sellers, sách “văn học đại chúng”, văn học hàng chợ, văn học giải trí, sách “văn hóa quà vặt”, nói một cách vắn gọn thì có thể so sánh với dòng phim thương mại Hàn Quốc liên miên đến chừng bất tận đang chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ Việt Nam hiện nay (trong khi Hàn Quốc có một nền điện ảnh nghệ thuật khác hẳn, có thể đứng cạnh những nền điện ảnh lớn trên thế giới, mà người xem trong nước chúng ta hoàn toàn không hề hay biết). Cũng như vậy chẳng hạn về nền văn học Mỹ, một trong những nền văn học lớn và rất năng động trên thế giới hiện nay, người đọc chúng ta biết được gì qua các sách Mỹ la liệt trên các quầy cách? Một số ít tác giả cách đây ít nhất cũng nửa thế kỷ, và vô số tác giả best-sellers. Tức là một nền văn học hiện đại Mỹ bị giới thiệu một cách hoàn toàn méo mó… Tình hình đối với nhiều nền văn học lớn khác cũng hệt như vậy.

Có một quan niệm sai lầm trong những người có trách nhiệm quản lý văn hóa của chúng ta có lẽ cũng đã đến lúc cần nói thẳng ra: sách dở, sách tầm thường cũng chẳng sao, dở, tầm thường thì có chết ai đâu miễn là đừng sai (chủ yếu là về chính trị). Họ không biết rằng trong nghệ thuật cái dở, cái tầm thường cũng tai hại như cái sai, thậm chí có khi còn hơn. Cái dở, tầm thường kéo dài, tràn lan, khống chế, mài mòn và làm chai lỳ thị hiếu của công chúng, dần dần khiến người ta không còn nhạy cảm được với cái hay cái đẹp cái tinh tế, cái cao cả nữa. Thị hiếu ngày càng bị hạ thấp đến lượt nó lại đòi hỏi cái tầm thường cuối cùng đưa đến một công chúng chỉ còn biết thích cái dễ dãi, tầm thường, dung tục. Và thị hiếu dung tục phổ biến cũng chính là môi trường tốt cho cái ác nảy mầm và phát triển. Dung túng cho cái dỡ, tầm thường phát triển thì cũng chẳng khác gì dung túng cho cái ác phát triển.

Mặt khác, một công chúng quen đòi hỏi những tác phẩm dễ dãi, dung tục cũng không thể không tác động ngược trở lại đến người cầm bút. Tác động xấu đến sáng tác văn học như thế nào thì đã rõ.

Tôi biết cũng không thể hoàn toàn trách người dịch đổ xô vào các sách best-seller và dịch ẩu, năm ba bữa đã dịch xong một cuốn sách, một cuốn tiểu thuyết một nhóm người chia nhau mỗi người dịch một văn chương rồi cứ thế tập họp lại, thậm chí cũng chẳng cả người đọc và duyệt chung. Họ rất khó làm khác: nhuận bút dịch quá thấp. Không ai sống được bằng nghề dịch nghiêm túc, tìm sách nghiêm túc mà dịch và dịch một cách nghiêm túc. Người viết, người dịch một cuốn sách thu nhập chỉ bằng một phần ba hay một phần năm người bán chính quyển sách ấy là thực tế sờ sờ mà chắc chắn những người quản lý văn hóa của chúng ta không thể không biết nhưng vẫn không hề bận tâm. Một nền dịch thuật, một thị trường sách dịch ngày càng tồi tệ là kết quả đương nhiên của cách quan niệm và quản lý đó. Một nền dịch thuật nghiêm túc, những người dịch thuật nghiêm túc đang bị đánh tơi tả và thua liểng xiểng trước cuộc tấn công ồ ạt của thị trường dịch hoàn toàn theo quan điểm thương mại hung dữ mà nhà nước thả rông ra cho tự do hoành hành.

Đã đến lúc phải báo động đỏ về tình hình dịch thuật của chúng ta. Đã đến lúc phải đặt lại một cách nghiêm túc vấn đề văn học dịch trong sự phát triển của văn học chúng ta. Đã đến lúc cần có một kế hoạch quốc gia có tính chiến lược về dịch thuật, và nhà nước phải nắm lấy công việc chỉ huy, tổ chức công cuộc có ý nghĩa chiến lược đó. Trong lĩnh vực này đừng sợ mang tiếng bao cấp. Cần có chẳng hạn một kế hoạch 50 năm làm thay đổi căn bản các tủ sách của người Việt Nam, làm cho bất cứ một người trí thức Việt Nam nào, một người Việt Nam nào mong muốn có tri thức, một người Việt Nam có văn hóa, một nhà văn trẻ Việt Nam nào cũng đều có thể có trong tủ sách bằng tiếng Việt của mình những tài sản văn hóa và văn học quan trọng nhất và cập nhật nhất của nhân loại. Đó là điều kiện sơ đẳng mà bất cứ một quốc gia có nền văn học và văn hóa lành mạnh nào cũng cần phải có.

Cần khôi phục lại một nền dịch thuật lành mạnh. Cần kiên quyết và kiên trì cải thiện thị hiếu của người đọc đã bị vô số sách dịch tạp nham lâu nay mài mòn và làm suy thoái. Cần khuyến khích thỏa đáng những người dịch có trình độ, có tâm huyết, và phát triển đội ngũ đó để đủ sức đảm nhiệm nhiệm vụ dịch thuật nặng nề mà chúng ta đã bỏ dở bao nhiêu năm nay. Để làm việc này, nhà nước không thiếu tiền, nếu thẳng thắn và kiên quyết dẹp bỏ đi không biết bao nhiêu món tiêu tốn không hề nhỏ hiện nay trong các thứ hoạt động gọi là văn hóa hay văn học hết sức hình thức, ồn ào, thậm chí lừa bịp, mà vô bổ.

Nguyên Ngọc –  Nghĩ dọc đường- Nhà xuất bản Văn nghệ

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)