Khách hàng: Xin chào Luật sư. Luật sư cho tôi hỏi dựa vào những căn cứ nào để đánh giá hiệu quả giải quyết khiếu nại hành chính?
Cảm ơn!
Trả lời:
1. Mối quan hệ giữa hoạt động chấp hành, điều hành và hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính
Quản lý hành chính nhà nước là hoạt động chấp hành và điều hành được thực hiện bởi các cơ quan hành chính nhà nước nhằm thi hành pháp luật và tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của nhà nước. Hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính là một hoạt động bảo đảm pháp chế trong quản lý nhà nước, bảo vệ các quyền lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, bảo vệ lợi ích nhà nước, xã hội, bảo vệ trật tự kỷ cương, trật tự pháp luật, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật. Trong nền hành chính quốc gia hoạt động chấp hành, điều hành và hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính có mối quan hệ qua lại, gắn bó hữu cơ với nhau thể hiện ở những nội dung sau đây:
– Hoạt động chấp hành, điều hành là hoạt động tổ chức thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sông, dùng pháp luật để quản lý, tổ chức các quá trình hoạt động của xã hội. Sự phản ứng của xã hội qua hoạt động khiếu nại là nguồn thông tin quan trọng để các cơ quan hành chính nhà nước kiểm tra tính đúng đắn, hợp pháp, hợp lý và sự phù hợp với thực tiễn của các quyết định quản lý, từ đó có cơ sở để hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật và hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước.
– Tình hình khiếu nại phản ánh thực trạng nền hành chính quốc gia, phản ánh hoạt động thi hành công vụ của cán bộ, công chức nhà nước. Thông qua hoạt động giải quyết khiếu nại cơ quan hành chính nhà nước cấp trên kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của cấp dưới, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém và xử lý hành vi vi phạm pháp luật để xây dựng một nền hành chính vững mạnh, trọng sạch.
– Khiếu nại là quyền dân chủ của công dân, là công cụ pháp lý để công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm, là hình thức để công dân tham gia quản lý nhà nước, là một nội dung quan trọng của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Do đó, thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại hành chính không chỉ bảo đảm quyền khiếu nại của công dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh, trí tuệ của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước, mà còn bảo đảm kỷ cương, kỷ luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quản lý hành chính nhà nước. Giải quyết khiếu nại thực chất là giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, là đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Để xây dựng Nhà nước pháp quyền, các cơ quan hành chính nhà nước phải làm tốt công tác giải quyết khiếu nại hành chính. Khi những khiếu nại hành chính được giải quyết tác động trở lại đối với hoạt động chấp hành và điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước.
2. Hiệu quả hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính
Giải quyết khiếu nại hành chính là một hoạt động của cơ quan quan hành chính nhà nước, do đó, hoạt động này phải có hiệu quả như những hoạt động khác. Hiệu quả quản lý hành chính nói chung và hiệu quả giải quyết khiếu nại nói riêng là yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng hoạt động quản lý, được xác định bằng cách so sánh kết quả đạt được với các nguồn lực bỏ ra để đạt được kết quả đó. Hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước là mối tương quan giữa kết quả thực hiện mục tiêu và nguồn lực để đạt mục tiêu.
Việc đánh giá hiệu quả giải quyết khiếu nại hành chính không chỉ đơn thuần là về mặt kinh tế, mà quan trọng hơn là hiệu quả về chính trị – xã hội. Do đó, việc đánh giá hiệu quả này chủ yếu là định tính, còn việc định lượng về vật chất, tiền bạc là yếu tố phụ, không mang tính quyết định đến hiệu quả. Việc đánh giá hiệu quả giải quyết khiếu nại hành chính là khó khăn, phức tạp, thể hiện ở những nội dung sau:
– Không phải lúc nào cũng lượng hóa được lợi nhuận do hoạt động này mang lại, mà chủ yếu đánh giá hiệu quả qua việc xác định mức độ đạt được mục tiêu đề ra. Mục tiêu của hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính rất đa dạng: từ việc duy trì trật tự, kỷ cương, bảo đảm pháp chế trong quản lý nhà nước đến việc khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức bị vi phạm và củng cố uy tín của chính quyền.
– Kết quả hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau: kết quả trực tiếp qua số lượng vụ khiếu nại phát sinh được giải quyết trong một khoảng thời gian nhất định vối chi phí cụ thể về các nguồn lực; việc tác động của việc giải quyết khiếu nại đến nhà nước, chính trị- xã hội, đến người khiếu nại, đến nhóm người có liên quan hay đến cả cộng đồng,…
– Các nguồn lực bỏ ra cho hoạt động giải quyết khiếu nại như: công sức, tiền bạc, thời gian, các điều kiện vật chất… không thể tính toán được như hiệu quả như hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều trường hợp vì để bảo đảm sự ổn định chính trị – xã hội, uy tín của chính quyền, cơ quan nhà nước phải bỏ ra chi phí lớn về tiền bạc, điều kiện vật chất, thời gian, công sức để giải quyết ổn thỏa, chấm dứt được một vụ việc khiếu nại như việc giải quyết các vụ việc khiếu nại nhạy cảm, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận…)
Hiệu quả hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính là sự tổng hợp, toàn diện các yếu tố về kình tế, chính trị – xã hội, từ đó so sánh, đánh giá mối tương quan giữa kết quả đạt được về các mặt với mục tiêu đặt ra và nguồn lực đã sử dụng.
3. Những tiêu chí đánh giá hiệu quả giải quyết khiếu nại hành chính
Từ quan niệm về hiệu quả giải quyết khiếu nại hành chính, có thể đưa ra những tiêu chí sau đây để đánh giá hiệu quả giải quyết khiếu nại hành chính:
– Số lượng vụ việc khiếu nại được giải quyết đúng pháp luật
Quy định pháp luật là chuẩn mực cho hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính nói riêng. Khi vụ việc khiếu nại được giải quyết đúng chính sách, pháp luật thì mục tiêu bảo đảm trật tự, kỷ cương, công lý, pháp chế xã hội chủ nghĩa, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, củng cố lòng tin của nhân dân đối với chính quyền của việc giải quyết cơ bản đã đạt được. Để xác định việc giải quyết khiếu nại thông qua quyết định giải quyết khiếu nại có đúng pháp luật không cần căn cứ vào các tiêu chí sau đây:
4. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại
Quyết định giải quyết khiếu nại phải được ban hành đúng thẩm quyền. Quyết định giải quyết khiếu nại phải được ban hành trong phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền do pháp luật quy định cho cơ quan, cá nhân trong bộ máy nhà nước. Văn bản chỉ được ban hành bởi cơ quan, cá nhân được pháp luật trao quyền ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Việc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại còn đòi hỏi người có chức vụ, quyền hạn không được lạm quyền hoặc lẩn tránh trách nhiệm.
5. Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại
Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại phải phù hợp và đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của quy phạm pháp luật được chọn để áp dụng. Trong trường hợp cùng một vấn đề mà các văn bản có hiệu lực pháp lý khác nhau quy định khác nhau thì phải chọn văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Trong trường hợp do cùng một cơ quan ban hành có hiệu lực pháp lý ngang nhau thì phải căn cứ vào văn bản ban hành sau để đánh giá, áp dụng.
6. Hình thức quyết định giải quyết khiếu nại
Quyết định giải quyết khiếu nại phải tuân thủ quy định về hình thức văn bản, thể hiện trên những nội dung sau: quyết định giải quyết phải đúng tên, loại văn bản, phù hợp với nội dung văn bản; quyết định ban hành phải tuân thủ thể thức và bố cục loại văn bản đó.
7. Thủ tục ban hành quyết định giải quyết khiếu nại
Quyết định giải quyết khiếu nại phải được ban hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định nhằm bảo đảm tính đúng đắn, thống nhất trong quản lý nhà nước. Khi đánh giá tính hợp pháp thủ tục ban hành quyết định giải quyết khiếu nại cần căn cứ vào ba nội dung: việc ban hành văn bản phải tuân thủ đầy đủ các hoạt động, các giai đoạn cần và đủ do pháp luật quy định; hoạt động ban hành văn bản phải tuân thủ đúng trình tự của các giai đoạn, các bước mà pháp luật quy định; việc ban hành văn bản phải tuân thủ đúng thời hạn, thời hiệu mà pháp luật quy định cho loại văn bản đó. Thủ tục ban hành quyết định tuy chỉ là hình thức phản ánh hoạt động ban hành văn bản nhưng việc tuân thủ nó có ảnh hưởng đến chất lượng văn bản.
Để xác định vụ việc có được giải quyết đúng pháp luật cần thông qua việc xem xét:
+ Thái độ nhất trí, đồng tình của người khiếu nại, người bị khiếu nại và những người khác có liên quan;
+ Dư luận xã hội, quần chúng nhân dân;
+ Kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền,..
– Thái độ của những người tham gia quan hệ pháp luật khiếu nại và dư luận xã hội đối với việc giải quyết khiếu nại
Thái độ ở đây được xác định bằng mức độ hài lòng, đồng tình ủng hộ của: Người tham gia khiếu nại như: người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại và những người khác có liên quan…; Những người biết về vụ việc khiếu nại, quần chúng nhân dân, dư luận xã hội đổi vối việc giải quyết khiếu nại.
Việc giải quyết khiếu nại không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những người tham gia quan hệ pháp luật khiếu nại, mà còn ảnh hưởng nhất định đến những người có liên quan, đến toàn xã hội. Các quyết định giải quyết khiếu nại đúng pháp luật, hợp lý không những khôi phục được quan hệ xã hội bị xâm phạm, mà còn mang lại lợi ích cho xã hội, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, củng cố lòng tin của nhân dân với Nhà nước.
Để xác định được mức độ hài lòng, đồng tình ủng hộ cần thông qua các kênh thông tin phản hồi, phản ánh qua mối liên hệ ngược của việc giải quyết khiếu nại. Khi việc giải quyết khiếu nại được những người tham gia nhất trí, dư luận xã hội đồng tình sẽ đạt được mục tiêu của việc giải quyết khiếu nại.
– Vụ việc khiếu nại được giải quyết dứt điểm, chấm dứt khiếu nại
Đánh giá hiệu quả giải quyết khiếu nại cần căn cứ vào một tiêu chí không chính thức đó là vụ việc khiếu nại được giải quyết dứt điểm, chấm dứt được khiếu nại. Cơ quan có thẩm quyền có thể giải quyết vụ việc khiếu nại đúng pháp luật, nhưng người khiếu nại không nhất trí (do mục đích chưa đạt được) họ vẫn tiếp tục khiếu nại, thậm chí gay gắt, bức xúc, có thể gây hậu quả phức tạp, nhất là những vụ việc khiếu nại đông người. Để giải quyết dứt điểm được những vụ việc này các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xem xét đầy đủ các khía cạnh pháp lý và thực tế của vụ việc, xem xét tính hợp lý của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại, nhất là những vụ việc khiếu nại về đất đai.
Khi đã xem xét đầy đủ tính hợp pháp, hợp lý nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm được vụ việc, các cơ quan nhà nước còn phải vận dụng cả chính sách xã hội để có biện pháp cụ thể giải quyết quyền lợi cho người khiếu nại để ổn định tình hình, chấm dứt được khiếu nại.
Trên đây là nội dung Luật LVN Group sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group (Sưu tầm và Biên soạn).