Luật sư tư vấn:

1. Căn cứ pháp lý về những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm. như vậy nhằm thực hiện quyền tự do kinh doanh thì doanh nghiệp cần lưu ý một số ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh được quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020 với 8 ngành, nghề cấm kinh doanh như sau:

Thứ nhất, kinh doanh các chất ma túy quy định.

Pháp luật quy định một số danh mục chất ma túy và tiền chất, trong đó có các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng và được dùng hạn chế. Căn cứ Khoản 2 Điều 6 Luật đầu tư năm 2020; Điều 1 Nghị định số 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Luật Đầu tư quy định cấm đầu tư kinh doanh với danh mục 47 chất ma túy, căn cứ Phụ lục I ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020.

Có 12 hành vi liên quan đến ma túy bị nghiêm cấm theo quy định của Luật phòng, chống ma túy, căn cứ theo Điều 5 Luật phòng, chống ma túy năm 2021.

Thứ hai, kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật.

Các hành vi bị nghiêm cấm đối với các loại hóa chất, khoáng vật được quy định cụ thể gồm 4 nhóm theo Điều 7 Luật Hóa chất năm 2007 và 14 nhóm tại Điều 12 Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008.

Luật đầu tư quy định cấm đầu tư kinh doanh đối với 18 loại, nhóm hóa chất, khoáng vật theo Phụ lục II ban hành kèm theo Luật đầu tư năm 2020.

Thứ ba, kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã đã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên.

Các hành vi bị nghiêm cấm đối với động vật, thực vật hoang dã được quy định cụ thể gồm:

– 9 nhóm theo Điều 7 Luật đa dạng sinh học năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2018.

– 9 nhóm theo Điều 9 Luật lâm nghiệp năm 2017.

Luật đầu tư quy định cấm đầu tư kinh doanh đối với 258 loại thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Luật đầu tư năm 2020.

Thứ tư, kinh doanh mại dâm.

Có 9 hành vi mại dâm bị nghiêm cấm theo Điều 4 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003 gồm: mua dâm, bán dâm. chứa mại dâm, tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức bán dâm, môi giới mại dâm, bảo kê mại dâm, lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm, các hành vi khác lên quan đến hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật.

Thứ năm, mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực này được quy định cu thể như sau:

– 10 nhóm quy định tại Điều 11 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006. Luật đầu tư năm 2020 bổ sung thêm việc cấm mua bán “xác và bào thai người” so với Luật đầu từ năm 2014.

– 12 nhóm quy định theo Điều 3 Luật phòng, chống mua bán người năm 2011.

Thứ sáu, hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.

Đây là hành vi bị cấm theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, căn cứ điểm g Khoản 2 Điều 5 quy định về Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Đồng thời đây cũng là một trong những thực tiễn trái với nhân phẩm của con người căn cứ theo Điều 11 Tuyên bố toàn cầu về Gen người và các quyền của con người đã được Đại hồi đồng của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) nhất trí thông qua và tuyên bố tại phiên họp lần thứ 29 ngày 11/11/1997.

Thứ bảy, kinh doanh pháo nổ.

Tất cả các loại pháo nổ đã bị nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ ngày 01/01/1995, căn cứ Chỉ thị số 406-TTg ngày 08-8-1994 của Thủ tướng cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo.

Từ ngày 01/7/2015, “kinh doanh các loại pháo” thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật đầu tư năm 2014. Từ ngày 01/01/2017 trở đi, kinh doanh pháo nổ lại bị cấm theo quy định tại Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2016.

Nếu pháp luật chỉ cấm kinh doanh pháo nổ theo quy định dưới luật thì sẽ không xử lý được về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm theo quy định tại điều 190 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Thứ tám, kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Luật đầu tư năm 2020 đã bổ sung ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào những ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Xét thấy đây là một bổ sung cần thiết bởi hệ lụy mà ngành nghề này mang lại trong thời gian quan có ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến trật tự, an toàn xã hội.

 

2. Quy định ngoại lệ về các ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh:

Tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư có quy định về ngoại lệ như sau:

Trường hợp sản xuất, sử dụng chất ma túy, các loại hóa chất, khoáng vật; mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên theo điểm a,b,c khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư với mục đích phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh phải được thực hiện như sau:

– Các chất ma túy được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sản xuất, sử dụng theo quy định của Chính phủ về danh mục chất ma túy, tiền chất và Công ước thống nhất về chống ma túy năm 1961, Công ước Liên hợp quốc năm 1988 về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần;

– Các loại hóa chất, khoáng vật bị cấm theo quy định của Luật Đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sản xuất, sử dụng theo quy định của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa hoạc và các văn bản hướng dẫn Công ước Rotterdam về thủ tục thỏa thuận có thông báo trước đối với một số hóa chất nguy hại và thuốc bảo vệ thực vật trong buôn bán quốc tế.

– Mẫu các loài thực vật, động vật hoang dã bị cấm theo quy định của Luật Đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép khai thác theo quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rùng nguy cấp, quý, hiếm và Công ước về buôn bán quốc tế các lòa động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES).

Như vậy, những doanh nghiệp thực hiện kinh doanh đối với những ngành, nghè kinh doanh bị cấm sẽ không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tức là không có quyền thực hiện hoạt động kinh doanh theo nhu cầu của mình.

Căn cứ theo Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định về chế tài xử phạt đối với việc kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật cấm, cụ thể mức phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề cấm đấu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Khoản 4 Điều 16 Nghị định cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung là áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể là buộc chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do đầu tư kinh doanh ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 16 của Nghị định.

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi: CÔNG TY LUẬT LVN GROUP, Hãy liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật đầu tư nước ngoài , gọi: 1900.0191 hoặc Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email:  [email protected] Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng! Trân trọng./.