Trả tiền dịch vụ là nghĩa vụ chính, quan trọng của bên sử dụng dịch vụ đối với bên cung ứng dịch vụ. Quy định về trả tiền dịch vụ trong quá trình thực hiện dịch vụ được quy định tại Điều 519 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 519. Trả tiền dịch vụ
1. Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ theo thỏa thuận.
2. Khi giao kết hợp đồng, nếu không có thỏa thuận về giá dịch vụ, phương pháp xác định giá dịch vụ và không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định căn cứ vào giá thị trường của dịch vụ cùng loại tại thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng.
3. Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ tại địa điểm thực hiện công việc khi hoàn thành dịch vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt được như thỏa thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên sử dụng dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
1. Cách xác định tiền dịch vụ
Tiền dịch vụ được xác định theo các cách sau:
– Theo thỏa thuận của bên sử dụng dịch vụ với bên cung ứng dịch vụ: Hai chủ thể này có thể thỏa thuận giá tiền dịch vụ theo con số cụ thể hoặc phương pháp tính giá dịch vụ hoặc chỉ dẫn giá dịch vụ. Khi các chủ thể lựa chọn phương thức nào thì tiền dịch vụ sẽ được tính theo phương thức đó. Thông thường giá dịch vụ được các bên thỏa thuận dựa trên tính chất của công việc dịch vụ (dễ, khó, vừa phải), thời gian, công sức bỏ ra để thực hiện công việc dịch vụ, uy tín, danh tiếng của bên cung ứng dịch vụ…
– Giá thị trường của dịch vụ cùng loại: Trong trường hợp các chủ thể không có thỏa thuận thì giá thị trường là một cơ sở để tính tiền dịch vụ. Tuy nhiên, khi áp dụng cách thức tính giá dịch vụ này yêu cầu phải thỏa mãn các điều kiện:
Một là, có dịch vụ cùng loại được cung ứng cùng một thời điểm trên cùng một khu vực với điều kiện tương ứng nhau. Trường hợp này dễ áp dụng với các dịch vụ mang tính chất phổ biến và được nhiều chủ thể sử dụng trong đời sống hàng ngày.
Hai là, giá dịch vụ phải đảm bảo tính phù hợp với điều kiện thực hiện dịch vụ mà các chủ thể thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ. Điểm khác biệt lớn nhất giữa dịch vụ với hàng hóa ở tính chất vô hình, khó định lượng chính xác giá trị của dịch vụ. Do vậy, cùng một dịch vụ nhưng mỗi nhà cung ứng dịch vụ khác nhau tạo nên sự sai số khác nhau trong giá trị của dịch vụ. Từ đây đòi hỏi giá dịch vụ của dịch vụ cùng loại phải tương đồng với dịch vụ mà nhà cung ứng thực hiện cho bên sử dụng.
2. Phương thức trả tiền dịch vụ
Phương thức trả tiền dịch vụ là cách thức bên sử dụng dịch vụ thanh toán tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Số tiền dịch vụ được xác định dựa trên giá dịch vụ. Khi so sánh với giá dịch vụ, số tiền dịch vụ mà bên sử dụng dịch vụ phải thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ thường rơi vào một trong hai trường hợp sau: Thứ nhất, số tiền dịch vụ bằng với giá cả của dịch vụ. Các chủ thể thường thống nhất phương pháp này để tính tiền dịch vụ; Thứ hai, số tiền dịch vụ ít hơn hoặc nhiều hơn so với giá cả của dịch vụ. Trường hợp số tiền dịch vụ khác với giá dịch vụ được áp dụng trên cơ sở thỏa thuận của các bên trong hợp đồng dịch vụ hoặc trong phần sửa đổi nội dung hợp đồng. Sự thỏa thuận của các bên là cơ sở để tính tiền dịch vụ.
Phương thức thanh toán số tiền dịch vụ được xác định dựa trên các căn cứ sau:
– Theo thỏa thuận của bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ: Thỏa thuận của các bên về phương thức trả tiền dịch vụ là cơ sở quan trọng nhất trong quá trình thực hiện việc thanh toán. Các chủ thể thỏa thuận lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp với tính chất dịch vụ, điều kiện của từng bên của chủ thể. Phương thức thanh toán do các bên lựa chọn tương đối đa dạng. Bên cung ứng dịch vụ có thể thanh toán bằng tiền mặt, chuyển khoản hoặc tiến hành ủy nhiệm chi cho ngân hàng… Việc thanh toán tiền dịch vụ có thể thanh toán một lần hoặc chia thành nhiều lần tương ứng với từng giai đoạn thực hiện công việc. Pháp luật cho phép các chủ thể có quyền tự do lựa chọn phương thức thanh toán nhưng phải tuân thủ quy định pháp luật về tài chính kế toán.
– Trả tiền tại địa điểm thực hiện công việc khi hoàn thành dịch vụ: pháp luật chỉ quy định về địa điểm thực hiện việc trả tiền dịch vụ khi các bên không có thỏa thuận. Tuy nhiên, để thực hiện việc thanh toán tại địa điểm thực hiện công việc thì thanh toán phải được thực hiện bằng tiền mặt. Các phương thức thanh toán khác như chuyển khoản, ủy nhiệm chi… thực hiện bằng nghiệp vụ tại các tổ chức tín dụng do các bên lựa chọn.
3. Các trường hợp giảm tiền dịch vụ
Giảm tiền dịch vụ: Giảm tiền dịch vụ chỉ được áp dụng trong một số trường hợp nhất định như dịch vụ cung ứng không đạt được như thỏa thuận hoặc dịch vụ không hoàn thành đúng thời hạn. Việc giảm tiền dịch vụ là quyền của bên sử dụng dịch vụ và khi chủ thể này yêu cầu, bên cung ứng dịch vụ phải chấp nhận, đồng thời đưa ra mức tiền dịch vụ phải giảm.
Theo quy định tại Điều 519 Bộ luật dân sự 2015:
Trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt được như thỏa thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên sử dụng dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
4. Nghĩa vụ trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ
Một trong các nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ được quy định tại Điều 515 Bộ luật dân sự 2015 là “Trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận.”
Như vậy, bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ trên cơ sở nội dung của thỏa thuận. Bên sử dụng dịch vụ phải thực hiện nghĩa vụ theo các nội dung sau:
Trả tiền đúng thời gian: Việc trả tiền dịch vụ có thể thực hiện một lần hoặc theo từng đợt thanh toán theo sự thỏa thuận của bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ. Do đó, tương ứng với sự thỏa thuận của các bên, bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ trả một lần hoặc từng phần theo đúng thời hạn các bên thỏa thuận. Thời hạn các bên thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ có thể là mốc thời gian cụ thể hoặc theo sự kiện pháp lý.
Trả tiền đúng địa điểm: Bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ thỏa thuận địa điểm thanh toán tiền dịch vụ. Thông thường, các bên chỉ thỏa thuận địa điểm thanh toán nếu việc thanh toán diễn ra bằng tiền mặt. Tuy nhiên, nếu các bên trong hợp đồng dịch vụ lựa chọn phương thức thanh toán đặc thù như các dịch vụ của ngân hàng thì các bên chỉ có quyền lựa chọn địa điểm thanh toán phù hợp với phương thức đó.
Trả tiền đúng phương thức: Phương thức thanh toán tiền dịch vụ đa dạng được xác định trên cơ sở điều kiện của các bên cũng như giá trị sổ tiền dịch vụ phải thanh toán. Bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ có thể lựa chọn theo các phương pháp như ủy nhiệm chi, chuyển khoản, tiền mặt…
Nghĩa vụ trả tiền dịch vụ của bên sử dụng dịch vụ đối với bên cung ứng dịch vụ cần tuân thủ các yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự nói chung cũng như quy định riêng biệt về trả tiền dịch vụ trong Điều 519 Bộ luật dân sự năm 2015 và các quy định khác của luật riêng.
5. Quyền yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ
Theo Điều 518 Bộ luật dân sự 2015 có quy định một trong các quyền của bên cung ứng dịch vụ là “Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ.”
Bên cung ứng dịch vụ có quyền yêu cầu trả tiền dịch vụ trong các trường hợp sau:
– Yêu cầu trả toàn bộ tiền dịch vụ: về nguyên tắc, quyền yêu cầu thanh toán của bên cung ứng dịch vụ áp dụng với toàn bộ tiền dịch vụ. Thời điểm yêu cầu thanh toán có thể trước khi thực hiện hợp đồng dịch vụ hoặc sau khi hợp đồng dịch vụ hoàn thành. Đối với một số dịch vụ riêng biệt hoặc theo tập quán trong hoạt động cung ứng, bên sử dụng dịch vụ thanh toán toàn bộ số tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ thì chủ thể này mới bắt đầu thực hiện công việc. Tuy vậy, về nguyên tắc, quyền yêu cầu thanh toán tiền dịch vụ áp dụng sau khi bên cung ứng dịch vụ hoàn thành nghĩa vụ của mình.
– Yêu cầu trả phần tiền dịch vụ tương ứng với phần công việc đã hoàn thành: Trong quá trình thực hiện công việc, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên bên cung ứng dịch vụ có thể không hoàn thành công việc trong thời hạn. Theo như quy định tại Điều 516, Điều 520 Bộ luật dân sự năm 2015, trường hợp công việc không hoàn thành theo thời hạn hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng, các bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Do đó, bên cung ứng dịch vụ có quyền yêu cầu thanh toán phần tiền dịch vụ tương ứng với phần công việc mình đã hoàn thành.
Điều 516. Quyền của bên sử dụng dịch vụ
…
2. Trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Điều 520. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ
1. Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
….
Quy định về trả tiền dịch vụ tại Điều 519 Bộ luật dân sư 2015 là cơ sở pháp lý mang tính định hướng cho các chủ thể trong quá trình đàm phán, giao kết hợp đồng dịch vụ. Đồng thời, các quy định này cũng là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp trong trường hợp các bên có phát sinh tranh chấp về vấn đề này.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng./.