1. Thờ cúng là gì?
Thờ cúng tổ tiên là phong tục đã có từ rất xa xưa của người Việt và hiện nay vẫn được coi trọng. Việc thờ cúng tổ tiên được thực hiện trên cơ sở của quan niệm mang tính chất đạo đức và văn hoá: tôn trọng và biết ơn công sinh thành, dưỡng dục; con người có nguồn cội, tổ tông vì vậy con, cháu phải tôn trọng và biết ơn những thế hệ cha ông đã sinh ra mình. Thờ cúng tổ tiên, di sản thờ cúng có ý nghĩa quan trọng, nó không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn có giá trị về mặt tinh thần. Vì vậy, đối với di sản dùng vào việc thờ cúng có những quy ước rất chặt chẽ của gia đình, dòng tộc, đồng thời Nhà nước cũng cũng có những quy định pháp luật cụ thể công nhận và bảo vệ quyền của cá nhân được để lại di sản dùng vào việc thờ cúng.
Hiểu một cách tổng quát: “Thờ cúng là việc thực hiện một lễ nghi nhất định để tôn kính thần thánh, vật thiêng hoặc linh hồn người chết” (Từ điển Tiếng Việt, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 1994). Về mặt ngữ nghĩa thì thờ cúng là sự cúng bái theo phong tục hoặc tín ngưỡng đối với tổ tiên, thần thánh và những người đã khuất. Việc để lại di sản thờ cúng có từ rất lâu trong nếp sống và pháp luật Việt Nam. Các quy định của pháp luật về di sản thờ cúng đã phản ánh rõ nét bản sắc dân tộc và phong tục cổ truyền của mỗi gia đình Việt Nam.
2. Di sản dùng vào việc thờ cúng theo pháp luật thời thực dân – phong kiến
Di sản dùng vào việc thờ cúng theo quy định của pháp luật thời thực dân – phong kiến “là phần động sản hay bất động sản trong gia tài dùng vào việc cúng giỗ một người vợ hoặc người chồng người ấy và việc cúng giỗ tổ tiên bên nội người ấy”. Thông thường, di sản dùng vào việc thờ cúng được chuyển giao cho người nối dõi hay được coi là nối dõi người đã chết để sử dụng thu hoa lợi dùng vào việc thờ cúng cho người để lại hương hoả và những người theo quan hệ huyết tộc của người đó. Phần tài sản dùng vào việc thờ cúng không quá 1/5 tổng giá trị tài sản của người để lại di sản đó. Di sản dùng vào việc thờ cúng được coi như trường tồn, do vậy không thể chia thừa kế. Tuy nhiên, di sản dùng vào việc thờ cúng có thể bị mất đi ngoài ý chí của cá nhân do bị tiêu huỷ hay bị trưng dụng do hội đồng gia tộc quyết định hoặc theo quy định của pháp luật. Luật pháp của chế độ thực dân – phong kiến còn quy định trong trường hợp một người vì không có con, cháu hoặc không có con trai thì việc thờ cúng người đó vẫn được thực hiện theo một trong hai hình thức xác lập, chuyển giao ruộng đất dùng vào việc thờ cúng người đó sau khi qua đời, được gọi là hậu điền và kỵ điền.
Hậu điền và kỵ điền khác nhau về căn cứ xác lập và đều khác hương hoả, mặc dù chúng đều được dùng vào mục đích thờ cúng người đã chết và tổ tiên của người đó. Nếu người hưởng hương hoả là con trai, cháu trai của người để lại hương hoả thì đối với người được chuyển giao hậu điền hay kỵ điền lại là người có thể thuộc dòng họ bên nội hoặc chỉ là người cùng làng (thôn) của người đó.
Đối với hậu điền, trong trường hợp một người vì không có con, cháu, khi còn sống đã hiến ruộng đất cho dòng họ hoặc cho làng để làm công ích với mục đích khi người hiến ruộng đất chết thì dòng họ hoặc làng sẽ cúng giỗ người này. Hình thức xác lập và chuyển giao tài sản dùng vào việc thờ cúng trong trường hợp này gọi là “hậu điền”.
Kỵ điền là tài sản dùng vào việc thờ cúng, được hình thành do một người không có con trai nên con gái mua ruộng để hiến cho dòng họ của người cha hoặc cho làng với mục đích dòng họ hoặc làng có nghĩa vụ cúng giỗ cho cha, mẹ của người con gái đã hiến ruộng đó.
3. Di sản dùng vào việc thờ cúng theo pháp luật sau năm 1945
Từ sau năm 1945, việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ của công dân được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Quy chế pháp lý cũng như các quy ước từng gia đình dòng họ đổi với loại di sản này càng ngày càng đơn giản hoá. Mặc dù nó luôn được xác định như một giá trị đạo đức truyền thống về đạo hiếu về người Việt Nam. Từ sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950 cho đến trước ngày Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư số 81, ở nước ta không có một văn bản pháp luật nào quy định về di sản thờ cúng. Trong Thông tư số 81 chỉ hướng dẫn giải quyết tranh chấp nhà thờ họ mà chưa đề cập đến những vấn đề cụ thể của di sản thờ cúng.
Pháp lệnh thừa kế được ban hành đã quy định về di sản thờ cúng một cách cụ thể hơn: “Nếu người lập di chúc có để lại di sản dùng vào việc thờ cúng thì di sản đó được coi như di sản chưa chia. Khi việc thờ cúng không được thực hiện theo di chúc thì những người thừa kế của người để lại di sản dùng vào việc thờ cúng có quyền hưởng di sản nếu người thừa kế đó đều đã chết thì di sản đó thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong sổ những người thừa kế theo pháp luật’’. Nội dung của quy định này được hiểu là, vào thời điểm mở thừa kế thì di sản thờ cúng là di sản chưa chia nhưng nó sẽ được chia khi việc thờ cúng không được thực hiện theo di chúc. Quy định này đã không quy định rõ phần mà người lập di chúc dành ra để dùng vào việc thờ cúng. Như vậy, họ có thể để lại toàn bộ di sản dùng vào việc thờ cúng mà không bị coi đó là hành vi định đoạt tài sản vượt quá phần mà luật pháp cho phép.
Người đang quản lý di sản thờ cúng có quyền quản lý di sản thờ cúng có quyền quản lý và hưởng dụng mà không có quyền sở hữu, do đó không có quyền định đoạt di sản thờ cúng dưới bất kỳ hình thức nào.
4. Di sản thờ cúng theo quy định của Bộ luật dân sự
Tất cả các Bộ luật dân sự trước đây của Việt Nam đều có quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng. Trong Bộ luật dân sự 2015 thì di sản dùng vào việc thờ cúng được quy định tại Điều 645:
Điều 645. Di sản dùng vào việc thờ cúng
1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
5. Căn cứ xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng
Theo Khoản 1 Điều 645 Bộ luật dân sự 2015, do người lập di chúc định đoạt phần di sản dùng vào việc thờ cúng và chỉ rõ phần tài sản nào được dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó là phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Phần di sản này có thể là khoản tiền cụ thể, có thể là quyền tài sản, có thể là những vật, giấy tờ có giá khác. Về di sản dùng vào việc thờ cúng, không nên hiểu là chỉ những loại tài sản do người chết để lại theo di chúc, không chỉ là những tài sản do người lập di chúc xác định mà còn các loại tài sản khác được dùng vào việc thờ cúng. Điều 645 Bộ luật dân sự 2015 quy định về căn cứ xác lập di sản dùng vào việc thờ cúng trong trường hợp cụ thể liên quan đến việc cá nhân người để lại di sản đó với tư cách chủ sở hữu tài sản định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp luật. Như vậy, di sản dùng vào việc thờ cúng của gia đình, dòng họ còn do nhiều người lập di chúc để lại, nhưng xác định loại di sản này trong từng quan hệ độc lập việc người để lại di sản dùng vào việc thờ cúng định đoạt theo di chúc.
6. Loại tài sản, giá trị tài sản dùng vào việc thờ cúng
Pháp luật không quy định loại tài sản nào được dùng vào việc thờ cúng mà Điều 645 Bộ luật dân sự 2015 quy định người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng. Như vậy, tài sản theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 đều là đối tượng dùng vào việc thờ cúng.
Về giá trị kinh tế của di sản dùng vào việc thờ cúng: Nội dung Điều 645 BLDS không quy định cụ thể giá trị kinh tế của di sản dùng vào việc thờ cúng chiếm tỉ lệ nhất định nào trong tổng giá trị khối di sản của người chết để lại, do vậy xung quanh vấn đề di sản dùng vào việc thờ cúng (xét về kinh tế) theo tỉ lệ nào trong giá trị di sản của người chết để lại là hợp lý? Với tư cách là chủ sở hữu tài sản, người lập di chúc có quyền định đoạt tài sản của mình theo di chúc cho người thừa kế, để lại di sản dùng vào việc thờ cúng theo luật định. Như vậy, người lập di chúc có quyền định đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình sau khi chết để dùng vào việc thờ cúng.
7. Nghĩa vụ của người thực hiện thờ cúng theo di chúc và theo thỏa thuận của những người thừa kế
Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng./.