TS Phạm Duy Nghĩa nói: Khác với cách đây 10 năm, hiện nay các nhóm lợi ích không che giấu vai trò ngày càng tích cực của họ trong việc hoạch định chính sách. Các tập đoàn dễ dàng có cuộc gặp với Chính phủ, thường xuyên tham gia đề xuất chính sách.
Do vậy, nhiều chuyên gia đánh giá, pháp luật kinh tế hiện nay dành lợi thế đầu tiên cho các cơ quan quản lý nhà nước, tiếp đến là các tập đoàn và doanh nhân. Những đối tượng khác luôn bị yếu thế.
Hiện nay đi mua một căn hộ thì người mua hoàn toàn không được đàm phán với chủ đầu tư về hợp đồng mua bán, phương thức thanh toán. Cuộc chơi luôn có lợi thế về người có tiền và có quyền lực.
Do vậy, cái mà nhà nước cần làm là xây dựng những chính sách can thiệp có hiệu quả. Nhà nước tạo khuôn khổ pháp lý cho các đơn vị cạnh tranh lành mạnh. Nhà nước không nên bảo lãnh, đi vay vốn, làm thay doanh nghiệp.
Ông và nhóm nghiên cứu về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN có đề xuất bỏ khái niệm sở hữu toàn dân, thay vào đó cần tái xác lập khái niệm sở hữu quốc gia và sở hữu của chính quyền địa phương. Đâu là lý do của kiến nghị này?
Sở hữu toàn dân là một khái niệm chính trị. Nhưng dưới cái mũ sở hữu toàn dân, nó đã gây ra nhiều bất công, làm cho tài sản công rơi vào tay những người có ảnh hưởng. Vì vậy cần có những khái niệm có thể dùng được để bảo vệ lợi ích quốc gia, đảm bảo phúc lợi được chia công bằng. Nhà nước chỉ là một thành tố trong quốc gia. Vì vậy sở hữu phải của nhiều thế hệ.
>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191
Ngoài ra, cũng cần phân quyền rõ, tài sản gì thuộc chính quyền địa phương, tài sản gì thuộc quốc gia. Ví như bờ biển, rừng… là sở hữu quốc gia, kênh rạch, trụ sở của các sở, ngành là sở hữu của chính quyền địa phương. Nói tóm lại, chúng tôi nghĩ nên thay đổi quan niệm chính trị sở hữu toàn dân thành một quan niệm pháp lý rạch ròi hơn. Đó là pháp nhân quốc gia.
Khi đó, toàn bộ tài sản công sẽ thuộc một cơ quan quản lý công sản cụ thể. Một bộ, một sở không thể bán trụ sở của mình, không thể coi công sản là sở hữu của mình. Việc một sở tại địa phương mới đây tư nhân hóa trụ sở của mình là quá lạm quyền, bởi sở chỉ là cơ quan giúp việc tại địa phương.
Một số ý kiến cho rằng, khái niệm sở hữu quốc gia vẫn còn chung chung, ông có thể giải thích rõ hơn về khái niệm này?
Không hề chung chung. Ví như một ông lãnh đạo được nhận quà. Trong nhiệm kỳ thì món quà đó treo ở nhà, nhưng hết nhiệm kỳ món quà đó phải được đưa đến phòng lưu niệm. Nhà công vụ là của quốc gia, khi làm lãnh đạo thì ông sử dụng, khi nghỉ thì trả lại cho chính quyền quản lý.
” Các tập đoàn nhà nước muốn sản xuất phải cạnh tranh. Có cạnh tranh thì tài nguyên quốc gia vốn ngày càng khan hiếm, mới được sử dụng hiệu quả hơn” – TS Phạm Duy Nghĩa
Quốc gia là một pháp nhân và được đại diện bởi người lãnh đạo. Việc chuyển đổi sang sở hữu quốc gia và sở hữu của chính quyền địa phương sẽ giúp minh định rõ hơn trách nhiệm của Chính phủ đối với khối tài sản quốc gia. Nếu Chính phủ không quản lý được thì Quốc hội sẽ chất vấn.
Như hiện nay, sở hữu toàn dân với cách quản lý từ Chính phủ, bộ, ngành đến các doanh nghiệp nhà nước, dẫn đến, doanh nghiệp có quyền biểu quyết quá lớn đối với khối tài sản quốc gia. Đây là bi kịch đã diễn ra trong 5 năm qua. Khối lượng công sản vào tay tư nhân tăng lên khủng khiếp. Qua vụ việc tại Cty CP Du lịch Tiền Giang cho thấy, hiện tượng tư hữu hóa khắp nơi.
Khái niệm sở hữu toàn dân đã được quy định trong hiến pháp. Như vậy là phải sửa hiến pháp mới bỏ được khái niệm này?
Hiến pháp, luật sinh ra là để phục vụ con người. Luật không phải là thứ bất biến. Luật pháp không phù hợp với thời đại nữa thì phải sửa. Trường hợp không sửa được hiến pháp thì phải giải thích hiến pháp, ban hành đạo luật cắt nghĩa hiến pháp.
Người Việt Nam là bậc thầy trên thế giới về sử dụng uyển ngữ để bẻ gẫy quan niệm. Nếu điều đó khó sửa quá thì đưa ra những công cụ thay thế, giải thích theo nghĩa khác. Cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam từ những năm 1988- 1989, cho phát triển kinh tế tư nhân, nhưng có phải sửa ngay hiến pháp 1980 đâu, mà mãi đến 1992 mới sửa hiến pháp.
Khi thảo luận về luật đất đai sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nói “quyền sở hữu toàn dân là một hư quyền” nhưng dường như chúng ta vẫn ngại thay đổi khái niệm này?
Ai là chúng ta? Luật pháp phản ánh ý chí của người cầm quyền, phản ánh nhận thức của xã hội, sức ép của người dân. Nếu dân không hiểu biết, quan không có trách nhiệm, học giả không nghiên cứu thì chúng ta không dám sửa.
Nếu nhìn bình diện hiện nay, ông có cho rằng những mâu thuẫn về sở hữu đã gay gắt?
Một đất nước tồn tại sẽ có những cán cân. Chừng nào những cán cân như những con lắc vẫn ổn thỏa thì sẽ không có thay đổi lớn. Nhưng hiện nay đất nông nghiệp đang giảm, sông Mekong bị đe dọa. Sự bức bối trong làng xã tăng lên. Khi đó, sẽ thấy sức ép dữ dội từ cộng đồng.
Vậy ông có nghĩ những đề xuất của nhóm nghiên cứu sẽ sớm được đưa vào hệ thống pháp luật?
Chúng ta cần những đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp. Lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Chừng nào dân còn không hiểu biết và không nói, doanh nghiệp sống dựa vào lợi ích thừa thãi của doanh nghiệp nhà nước, thì chừng ấy chúng ta không cần sửa luật.
SOURCE: BÁO TIỀN PHONG ĐIỆN TỬ – PGS.TS. PHẠM DUY NGHĨA – Đại học Kinh tế TPHCM
Trích dẫn từ: http://www.tienphong.vn/