Bài viết dưới đây sẽ phân tích các nội dung liên quan đến khái niệm “quyền tài sản” trong pháp luật nước ngoài và nêu lên những hạn chế trong nội dung khái niệm “quyền tài sản” trong luật dân sự nước ta, nhằm hoàn thiện nội dung khái niệm này trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự (Tác giả viết bài này theo tinh thần của Bộ luật dân sự năm 1995 – Civillawinfor).
Theo BLDS (Điều 188), quyền tài sản là quyền định giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ. Trước đó, Điều 172 quy định rằng quyền tài sản là một loại tài sản, được đặt bên cạnh tiền và phân biệt với vật có thực (được hiểu là vật hữu hình). Trong quá trình sửa đổi BLDS, các điều luật này hầu như được giữ nguyên; riêng định nghĩa quyền tài sản có lẽ sẽ được sửa lại đôi chút: sau này, chỉ cần quyền tài sản định giá được bằng tiền chứ không nhất thiết phải chuyển giao được trong giao lưu dân sự. Dẫu sao, sự sửa đổi ấy không ảnh hưởng đến việc sử dụng khái niệm quyền tài sản như một công cụ phân loại tài sản. Và với chức năng của một công cụ phân loại tài sản, khái niệm quyền tài sản trong luật dân sự Việt Nam có thể sẽ tiếp tục là cái gì đó rất lạ trong mắt các nhà luật học nước ngoài.
.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Điều chắn chắn: quyền tài sản trong luật thực định không phải là sự kế thừa và phát huy các giá trị của cổ luật Việt Nam. Đó là một khái niệm có nguồn gốc từ luật học nước ngoài và được vận dụng vào luật Việt Nam trong quá trình xây dựng pháp luật dân sự, nhưng lại bị gán cho nội hàm khác.
Quyền tài sản trong pháp luật nước ngoài
Là một loại quyền chủ thể
Khái niệm quyền tài sản được xây dựng trong khuôn khổ chế định quyền chủ thể, chế định được coi là xương sống của hệ thống luật tư ở các nước theo văn hoá pháp lý Rô măng – Giéc manh. Quyền chủ thể được hiểu là việc hạn chế quyền tự do của những người khác theo quy định của pháp luật, vì lợi ích của chủ thể quan hệ pháp luật trong việc thực hiện các quyền được thừa nhận trong một lĩnh vực nào đó. Chẳng hạn, quyền sở hữu đối với một tài sản sinh lợi là quyền của chủ sở hữu được độc quyền sử dụng tài sản, thu hoa lợi từ tài sản và định đoạt tài sản; tất cả mọi người phải tôn trọng quyền đó và mọi hành vi xâm phạm quyền đó đều có thể bị chế tài theo quy định của pháp luật. Quyền đối với họ, tên là quyền của một chủ thể quan hệ pháp luật được mang họ và tên, được hưởng sự bảo vệ của pháp luật đối với sự toàn vẹn của họ và tên, chống lại sự xúc phạm họ, tên, sự chiếm đoạt họ, tên.
Xét theo tiêu chí giá trị tài sản của quyền, thì quyền chủ thể được phân thành hai loại: quyền không định giá được bằng tiền, gọi là quyền nhân thân, và quyền định giá được bằng tiền, gọi là quyền tài sản. Trên nguyên tắc, quyền tài sản có thể chuyển giao được trong giao lưu dân sự và do đó, là sự bảo đảm đối với các nghĩa vụ tài sản mà người có quyền xác lập. Cá biệt, có những quyền có giá trị tài sản, nhưng lại gắn liền với nhân thân, bởi vậy, không thể được chuyển giao và không thể được kê biên. Ví dụ điển hình là quyền yêu cầu cấp dưỡng.
Quyền tài sản như một khái niệm pháp lý
Quyền tài sản là một cách nhìn nhận tài sản như một khái niệm pháp lý. ở góc độ pháp luật tài sản, quyền và vật được đặt đối lập với nhau, không để phân ra hai loại tài sản khác nhau, mà đưa ra hai cách hình dung khác nhau về tài sản, hai cách tiếp cận khác nhau đối với tài sản. Về mặt pháp lý, tài sản có thể được nhận biết như là một vật hoặc một quyền. Việc phân loại tài sản chỉ được thực hiện sau khi việc lựa chọn cách tiếp cận – vật hay quyền – đã ngã ngũ. Tài sản được phân loại theo những cách khác nhau tuỳ theo nó được hiểu là vật hay quyền.
– Là vật, tài sản được phân loại theo tiêu chí vật lý: vật có thể nhận biết được bằng giác quan tiếp xúc gọi là vật hữu hình; trong trường hợp ngược lại ta có vật vô hình.
– Là quyền, tài sản cũng được phân loại theo tiêu chí vật lý, nhưng cách thiết lập tiêu chí vật lý mang tính đặc thù. Các quyền được thực hiện trực tiếp trên một vật hữu hình mà không cần sự hỗ trợ của một người nào khác gọi là quyền đối vật, mà tiêu biểu nhất là quyền sở hữu. Các quyền được thực hiện chống lại một người gọi là quyền đối nhân; quyền chủ nợ là quyền đối nhân điển hình. Có trường hợp quyền không được thực hiện trực tiếp trên một vật, cũng không chống lại một người nào, mà tồn tại theo quy định của pháp luật, được gọi là quyền vô hình hay quyền vô hình tuyệt đối; quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ là ví dụ.
Quyền và vật
Quyền là vật và ngược lại, vật là quyền. Theo cách nhìn nhận có nguồn gốc từ La Mã cổ đại, quyền sở hữu và vật hữu hình được sử dụng như những cụm từ đồng nghĩa. Cách tiếp cận khái niệm tài sản bằng công cụ “vật” hay “quyền” cùng với cách xây dựng nội hàm của các khái niệm vật hữu hình và quyền sở hữu theo kiểu La Mã cổ đại kết hợp với phương pháp phân loại tài sản kinh điển dựa trên sự phân biệt giữa động sản và bất động sản tạo ra khả năng hình dung các loại tài sản đa dạng.
Vật động sản và vật bất động sản
Cả vật bất động sản và vật động sản đều có thể là vật hữu hình và vật vô hình. Với quan niệm tài sản là vật, thì quyền sở hữu còn được hiểu là vật hữu hình; các quyền khác là vật vô hình. Một trong những ví dụ điển hình về vật vô hình mang tính chất bất động sản là quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề hay còn gọi là quyền địa dịch (servitude).
Quyền bất động sản và quyền động sản
Tất cả các quyền bất động sản đều có đối tượng là một vật hữu hình, đúng hơn, là một bất động sản hữu hình; các quyền động sản có thể có đối tượng là một động sản hữu hình (quyền sở hữu), một công trình của tim óc (quyền sở hữu trí tuệ) hoặc một hoạt động làm hay không làm một việc của một người khác (quyền chủ nợ).
Các giải pháp liên quan đến việc thực hiện quyền đối vật
Có đặc điểm là quan hệ trực tiếp giữa người có quyền đối với vật, quyền đối vật được bảo đảm thực hiện bằng hai công cụ chính: quyền đeo đuổi và quyền ưu tiên.
– Quyền đeo đuổi: Người có quyền đối vật được phép thực hiện quyền của mình trên vật bất kể vật đang nằm trong tay ai. Do quyền đeo đuổi này mà ta nói rằng, quyền đối vật đối kháng với người thứ ba.
– Quyền ưu tiên: Người có quyền đối vật được ưu tiên thực hiện quyền của mình trên vật trước tất cả những người khác. Trong trường hợp nhiều người có quyền đối vật cùng loại trên cùng một tài sản, thì người có quyền đối vật được xác lập trước có quyền ưu tiên so với những người có quyền đối vật được xác lập sau.
Để quyền đeo đuổi và quyền ưu tiên được thực hiện một cách có hiệu quả, hệ thống đăng ký tài sản được thiết lập để thông tin về các quyền đối với tài sản cho người thứ ba.
Quyền tài sản trong luật Việt Nam
Khái niệm
Quyền tài sản là một loại tài sản. Khác với luật Latinh, luật Việt Nam không coi quyền và vật như là những cách quan niệm khác nhau, cách hình dung khác nhau về tài sản, mà coi đây là các loại tài sản khác nhau.
Quyền tài sản trong luật thực định Việt Nam được xây dựng như một khái niệm đối lập với vật trong hệ thống phân loại cơ bản. Có vẻ như trong suy nghĩ của những người soạn thảo các điều luật liên quan, vật, với tư cách là một tài sản, phải được hiểu là vật hữu hình, nghĩa là có thể nhận biết bằng giác quan tiếp xúc. Thế thì, đối lập với vật hữu hình, quyền tài sản được hiểu là các vật vô hình.
Vật hữu hình chỉ được coi là tài sản nếu nó có thể được sở hữu. Bởi vậy, khi đặt vật đối lập với quyền, người làm luật Việt Nam có vẻ như chấp nhận cách làm của người La Mã, coi vật hữu hình và quyền sở hữu là những cụm từ đồng nghĩa. Nói khác đi, quyền tài sản trong luật thực định Việt Nam được hiểu là quan hệ pháp luật khác với quan hệ sở hữu mà trên cơ sở quan hệ khác đó, một lợi ích định giá được bằng tiền hình thành và thuộc về một chủ thể của quan hệ đó.
Hệ quả của khái niệm
Hệ quả chung
Không có khái niệm bất động sản vô hình
Khi kết hợp cách phân loại giữa vật và quyền với cách phân loại giữa bất động sản và động sản, luật Việt Nam lại không tạo ra khái niệm quyền tài sản mang tính chất bất động sản. Nếu ta thừa nhận rằng việc phân loại giữa động sản và bất động sản áp dụng đối với tất cả các loại tài sản, thì quyền tài sản trong luật Việt Nam đều là động sản, do không có quyền tài sản nào được ghi nhận trong danh sách bất động sản. Hình như, trong suy nghĩ của những người soạn thảo BLDS, chỉ vật mới là động sản hay bất động sản; quyền không phải là vật, bởi vậy, không thể đặt vấn đề liệu quyền là động sản hay bất động sản.
Vấn đề trở nên tế nhị đối với quyền sử dụng đất. Luật sở hữu tư nhân về bất động sản trong luật Việt Nam hiện hành được xây dựng dựa trên quyền sử dụng đất chứ không phải quyền sở hữu đất. Trong luật Việt Nam hiện hành, quyền sử dụng đất, về phương diện thực hiện quyền, hoá thân vào chính đối tượng của nó, tức là một phần đất. Đặc biệt, để xây dựng chế độ pháp lý về quyền sử dụng đất trong quan hệ láng giềng, luật dân sự Việt Nam đối xử với người sử dụng đất theo cùng một cách như luật dân sự Pháp đối với người chủ sở hữu đất. Cụ thể, quyền sử dụng đất trong luật Việt Nam cũng được giới hạn trong không gian bằng kỹ thuật cắm cọc mốc hoặc dựng hàng rào; người có quyền sử dụng đất có các quyền và nghĩa vụ láng giềng, như quyền thoát nước mưa, nước thải; phần đất đối tượng của quyền sử dụng đất có thể phải chấp nhận quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề được thừa nhận cho phần đất lân cận trong những trường hợp do pháp luật quy định. Nói chung, việc nghiên cứu chế độ pháp lý về quyền sử dụng đất trong quan hệ láng giềng theo luật Việt Nam có thể được thực hiện theo một đề cương tương tự như đề cương kinh điển được chấp nhận trong luật của Pháp để tìm hiểu về quyền sở hữu đất trong quan hệ láng giềng. Tính chất bất động sản của quyền sử dụng đất là rất rõ ràng; nhưng luật hiện hành lại không (đúng ra là không thể) ghi nhận quyền sử dụng đất trong danh sách bất động sản.
Không có khái niệm quyền đối vật
Cũng do đặt quyền tài sản đối lập với vật mà luật Việt Nam cũng không có điều kiện tiếp nhận và vận dụng các khái niệm quyền đối vật và quyền đối nhân trong luật Latinh. Nói rõ hơn, Việt Nam không xây dựng khái niệm quyền thực hiện trực tiếp trên vật: quyền trong luật Việt Nam được hiểu là một mối quan hệ giữa một chủ thể và một hoặc nhiều chủ thể khác mà trong đó một chủ thể được hưởng một lợi ích (có hoặc không có tính chất tài sản) và các chủ thể khác phải tôn trọng sự thụ hưởng đó. Đặc biệt, việc hoàn thiện một số quyền tài sản có tính chất của quyền đối vật trong luật Latinh, trong điều kiện quyền đối vật không tồn tại trong luật Việt Nam, đã được thực hiện theo một cách rất riêng và trở nên không dễ tiếp cận bằng các phương pháp kinh điển. Ví dụ điển hình là quyền thế chấp tài sản.
Trường hợp thế chấp tài sản
Trong luật nước ngoài
Việc thế chấp có tác dụng tạo ra một tình trạng pháp lý đặc trưng bằng hai quyền được thừa nhận cho chủ nợ nhận thế chấp, mà ta đã biết, là quyền đeo đuổi và quyền ưu tiên. Chủ nợ nhận thế chấp có quyền thực hiện quyền của mình đối với vật thế chấp, trong trường hợp nợ được bảo đảm bằng thế chấp không được trả đủ, mà không cần biết tài sản thuộc về ai. Nếu có nhiều chủ nợ nhận thế chấp, thì chủ nợ đăng ký trước có quyền ưu tiên so với chủ nợ đăng ký sau.
Do chủ nợ nhận thế chấp không cần bận tâm đến việc ai là chủ sở hữu tài sản thế chấp mà tài sản thế chấp vẫn được chuyển nhượng tự do. Cần nhấn mạnh rằng, trong điều kiện có hệ thống đăng ký, thì khi chuyển nhượng, người chuyển nhượng không có nghĩa vụ thông báo cho người nhận chuyển nhượng về sự tồn tại của các quyền đối vật có đối tượng là tài sản liên quan: chính người nhận chuyển nhượng phải tham khảo các thông tin tại cơ quan đăng ký bất động sản để biết rõ về các quyền ấy và, trên cơ sở đó, quyết định chấp nhận hay không chấp nhận xác lập giao dịch chuyển nhượng.
Người nhận chuyển nhượng tài sản thế chấp không phải là người thế chấp mới, thậm chí, không phải là người thế chấp thay thế. Đơn giản, người này nhận một tài sản ở trong tình trạng được dùng để bảo đảm một nghĩa vụ nào đó và do vậy, phải tôn trọng quyền của chủ nợ được bảo đảm bằng giá trị của tài sản đó.
Người nhận chuyển nhượng càng không phải là người bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: nếu đã bán tài sản được thế chấp mà vẫn chưa thu đủ số nợ phải trả, thì chủ nợ phải đi tìm những người có trách nhiệm trả nợ mà đòi tiếp chứ không được đòi nợ ở người nhận chuyển nhượng.
Trong luật Việt Nam
Thế chấp được coi là giao dịch có tác dụng thiết lập một quan hệ giữa hai bên lần lượt được gọi là bên thế chấp và bên nhận thế chấp. Luật Việt Nam không thừa nhận tính chất đối vật của các quyền của chủ nợ nhận thế chấp, tác dụng bảo đảm nghĩa vụ của biện pháp thế chấp tài sản chỉ có thể được ghi nhận bằng việc áp đặt các nghĩa vụ của người thế chấp đối với người nhận thế chấp trong mối quan hệ giữa họ mà có đối tượng là tài sản thế chấp. Trong trường hợp tài sản được chuyển nhượng cho người khác, thì tư cách bên thế chấp cũng được chuyển giao cho người nhận chuyển nhượng và người này tiếp nhận các nghĩa vụ của người thế chấp trong quan hệ với người nhận thế chấp, như một người bảo lãnh đối với người thế chấp ban đầu trong việc thực hiện các nghĩa vụ mà người thế chấp ban đầu xác lập và được bảo đảm bằng biện pháp thế chấp đó (BLDS Điều 358).
Cần lưu ý rằng, trong khung cảnh của luật thực định Việt Nam, việc chuyển nhượng tài sản thế chấp chỉ có thể được thực hiện với sự đồng ý của người nhận thế chấp. Trong trường hợp chuyển nhượng tài sản thế chấp mà không có sự đồng ý của người nhận thế chấp, người thế chấp bị coi là có hành vi tẩu tán tài sản và có thể bị xử lý về hình sự. Người thế chấp có nghĩa vụ thông tin để, một mặt, người nhận thế chấp biết việc chuyển nhượng tài sản; mặt khác, người nhận chuyển nhượng biết việc thế chấp tài sản; nếu không thực hiện nghĩa vụ thông tin ấy, người thế chấp có thể bị coi là có hành vi lừa đảo. Có thể nhận thấy ngay rằng, các nghĩa vụ này được được nghĩ ra trong quá trình giải quyết vấn đề làm thế nào để công khai tình trạng pháp lý của một tài sản cho người thứ ba trong điều kiện không có một phương tiện thông tin khách quan, như hệ thống đăng ký tài sản. Thế nhưng, dù hệ thống đăng ký tài sản đang hình thành ở Việt Nam, luật nước ta ta có vẻ vẫn không muốn từ bỏ thái độ nghiêm khắc đối với người thế chấp tài sản tiến hành chuyển nhượng tài sản mà không xin phép người nhận thế chấp và không thông tin về tình trạng tài sản cho người nhận chuyển nhượng.
Nói tóm lại, trong điều kiện không thừa nhận tính chất đối vật của các quyền của chủ nợ nhận thế chấp, luật Việt Nam coi biện pháp thế chấp như một giao dịch có tác dụng hạn chế quyền sở hữu của người thế chấp, đồng thời có tác dụng trói buộc chủ sở hữu tài sản thế chấp vào quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp thế chấp. Chính tác dụng thứ hai này khiến cho chế định thế chấp trong luật thực định Việt Nam không giống và cũng không tỏ ra có họ hàng với bất kỳ chế định thế chấp nào trong luật nước ngoài.
Xây dựng quyền tài sản như một đối trọng của quyền nhân thân
BLDS hiện hành có xây dựng khái niệm quyền nhân thân. Theo đó, quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (BLDS Điều 26). Luật không khẳng định rằng các quyền nhân thân không có giá trị tài sản. Thế nhưng, các quyền nhân thân cụ thể được liệt kê ngay sau đó đều là các quyền mà trong luật Latinh được cho là có tính chất phi tài sản (extra-patrimonial). Mặt khác, trong khung cảnh của luật hiện hành, một quyền chỉ được coi là quyền tài sản, một khi nó không chỉ định giá được bằng tiền mà còn phải chuyển giao được trong giao lưu dân sự. Tất cả những điều đó cho phép kết luận rằng quyền tài sản không phải là quyền nhân thân.
Nói chung, quyền có thể chuyển giao được cho người khác không phải là quyền nhân thân. Thế nhưng các quyền này gọi chung là gì? Trong luật của các nước Latinh, câu trả lời là “quyền tài sản”; còn trong luật Việt Nam, quyền tài sản, do được hiểu theo một nghĩa rất hẹp, không đủ sức đảm đương vai trò đối trọng của quyền nhân thân để trở thành tên gọi chung của tất cả các quyền không phải là quyền nhân thân.
Thực ra, xây dựng các khái niệm đối xứng không phải là việc bắt buộc đối với một hệ thống luật. Thế nhưng, việc lấy một thuật ngữ, được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước như là cách diễn đạt một trong những khái niệm chính của luật cơ bản, rồi gán cho nó một nội hàm khác với nội hàm đã được chấp nhận ở các nước đó, để trở thành khái niệm riêng của luật Việt Nam, có thể dẫn đến ngộ nhận, hiểu nhầm trong quá trình giao lưu, hội nhập. Đấy là chưa kể đến việc do các thuật ngữ ấy trở thành những khái niệm riêng của Việt Nam, việc hoàn thiện cơ sở khoa học của khái niệm chỉ có thể là việc riêng của Việt Nam. Tất nhiên, nếu đến một lúc nào đó, các nỗ lực hoàn thiện cơ sở khoa học của một khái niệm đặc thù không đi đến đâu, thì người ta có thể trở lại với việc vận dụng hợp lý các quan niệm đã được chấp nhận rộng rãi. Song, cho đến nay việc xác định các lợi ích gắn liền với khái niệm Việt Nam về quyền tài sản hầu như không tiến triển. Kinh nghiệm cho thấy rằng việc xây dựng các chế định riêng trong luật của một nước đang phát triển thường được lý giải bằng việc kế thừa, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống hoặc việc bảo vệ các lợi ích chính trị, kinh tế, văn hoá, đạo đức riêng của nước đó. Chế định quyền tài sản trong luật thực định Việt Nam, như đã nói, không phải do ràng buộc với truyền thống, với các giá trị của luật học cổ. Cũng không có bằng chứng về mối quan hệ gắn bó giữa chế định này và các lợi ích chính trị, kinh tế, văn hoá, đạo đức rõ ràng. Tóm lại, nếu sớm từ bỏ quan niệm lập dị về quyền tài sản, thì sẽ không bị mất nhiều thời gian một cách không cần thiết. /.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 3 NĂM 2005 – TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN – Khoa Luật, Đại học Cần Thơ
Trích dẫn từ: http://www.facebook.com
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
THAM KHẢO MỘT SỐ DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT:
1. Tư vấn tách thửa đất đai;
2. Tư vấn pháp luật đất đai;
3. Tư vấn cấp lại sổ đỏ bị mất;
4. Tư vấn mua bán, chuyển nhượng đất đai;
5. Tư vấn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
6. Tư vấn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do trúng đấu giá;