Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191
1. Cơ sở pháp lý:
Bộ luật Dân sự 2015
Bộ luật Dân sự 2005
2. Luật sư tư vấn:
Quyền về họ tên
Họ tên gắn liền với nhân thân để định danh từng cá nhân cụ thể, phân biệt từng cá nhân cụ thể đồng thời để xác định từng trách nhiệm cụ thể khi tham gia xác lập thực hiện quan hệ dân sự. Điều 26 BLDS 2005 “Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó”. Điều 26 BLDS 2015 đã quy định “Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó”. Như vậy, so với quy định Điều 26 BLDS 2005 thì quy định tại Điều 26 BLDS 2015 cụ thể hơn, chi tiết hơn khi các nhà làm luật quyết định bổ sung cụm từ “bao gồm cả chữ đệm, nếu có”.
Khoản 2 Điều 26 BLDS 2015 có quy định“Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình”. Đây là một quy định mới phù hợp với quy định xác định cha, mẹ, con trong trường hợp mang thay hộ vì mục đích nhân đạo, quy định này đã đồng bộ với quy định Luật Hôn nhân và gia đình mới.
BLDS 2015 đã thừa nhận quyền cơ bản trong BLDS đó là quyền có họ tên với cá nhân. Đồng thời đồng thời còn quy định: “Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ”.
Quyền thay đổi họ
Quyền thay đổi họ được quy định tại Điều 27 BLDS 2005 quy định này còn mang tính chung chung, quy định dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau:
“Điều 27. Quyền thay đổi họ, tên
1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
d) Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;
đ) Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
e) Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính;
g) Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
2. Việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
3. Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ.”
Tới BLDS 2015 đã tách thành hai điều luật riêng biệt là Điều 27 “Quyền thay đổi họ” và Điều 28 “Quyền thay đổi tên”, đồng thời cụ thể từng trường hợp được phép thay đổi họ, trường hợp được phép thay đổi tên. Điều này cho thấy bước tiến trong kỹ luật lập pháp của các nhà làm luật:
Điều 27 quy định về quyền thay đổi họ tên:
“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:
a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;
b) Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;
c) Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;
d) Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;
đ) Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
e) Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;
g) Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;
h) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
2. Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
3. Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.”
Quy định mới này đã thể hiện được tính nhân văn sâu sắc khi xét ở góc độ thực tế thì ngày càng có nhiều quan hệ hôn nhân và gia đình có yêu tố nước ngoài. Đặc biệt là quy định tại điểm (g) Điều 27 BLDS 2015 “thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ” đã khắc phục được hạn chế trong những trường hợp con thay đổi họ do cha mẹ thay đổi họ. Tại khoản 2, khoản 3của Điều 27 BLDS 2015 cũng đã quy định rõ “Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó; Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ”.
Quyền thay đổi tên
Ngoài quyền thay đổi họ thì cá nhân còn có quyền thay đổi tên được quy định tại Điều 27 BLDS 2005, đến BLDS 2015 Điều 28 đã bổ sung thêm một số trừng hợp cụ thể như sau:
“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
2. Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
3. Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ”.
Quy định mới này đã cho thấy sự quan tâm đúng mực của các nhà làm luật đến việc bảo vệ quyền nhân thân của các cá nhân công dân Việt Nam trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
Đặc biệt điểm e khoản 1 Điều 28 BLDS 2015 đã quy định rất chi tiết: “Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính”. Theo quy định này cho thấy chuyển đổi giới tính chỉ là căn cứ để đổi họ đặc biệt trong quy định về quyền đổi họ không có trường hợp này. Bên cạnh đó quyền đổi tên này chỉ xuất hiện khi “đã chuyển đổi giới tính” cũng đồng nghĩa với việc pháp luật đã thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân thì dẫn tới tên người đó cũng cần thay đổi để tương ứng với giới tính nhưng điều này chỉ chấp nhận với điều kiển cần là “đã chuyển đổi giới tính”.
Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 28 BLDS 2015 có quy định “Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó; Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ”. Quy định này hoàn toàn phù hợp, tương ứng với quy định tại Điều 27 của Bộ luật này.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật LVN Group