Tác giả: Thomas Kuhn
Dịch giả: Chu Lan Đình
NXB: Tri thức
Năm xuất bản: 2008
Khổ sách: 12×20 cm
Số trang: 421
Lời giới thiệu
Như đa số các lĩnh vực nghiên cứu, người ta cũng chia triết học làm nhiều ngạch khác nhau, thể như triết học xã hội và chính trị, triết học tôn giáo, triết học nghệ thuật và văn hóa, siêu hình học, tri thức luận, v.v… Trong gần hai thế kỷ lại đây, khi khoa học phát triển mạnh mẽ và chiếm một vị trí trung tâm trong nền văn hóa nhân loại, đồng thời với sự xuất hiện ngày càng nhiều những sai lệch trong cách quan niệm của mọi người về khoa học, thì một bộ môn mới nữa của triết học lại ra đời và lớn mạnh, đó là Triết học về Khoa học [philosophy of science] (hoặc còn những tên gọi khác như khoa học học hay khoa học luận), nhằm trả lời những câu hỏi đại loại như: Khoa học tiến bộ như thế nào? Khoa học có tính thống nhất không hay không thể có một khoa học thống nhất? Phải chăng chúng ta đang sống trong thời đại phát triển rực rỡ của khoa học? Khoa học rồi có cáo chung không? Công nghệ liệu có thể vẫn tồn tại và phát triển mà không cần khoa học? Các khoa học xã hội và nhân văn có phải là khoa học? Khoa học độc lập với những thiên kiến của con người hay luôn bị trói buộc bởi hệ tư tưởng v.v… Thật ra những tư tưởng triết học về khoa học đã manh nha từ buổi bình minh của triết học phương Tây và nhiều ý tưởng cũng đã được các triết gia lớn như Kant, Hegel… phát triển rải rác trong dòng tư duy của họ, nhưng chỉ với thuyết thực chứng của Auguste Comte và hiện tượng luận của Edmund Husserl thì bộ môn này mới bắt đầu được hình thành rõ nét và được quan tâm đặc biệt hơn. Triết học khoa học nở rộ vào nửa đầu thế kỷ XX với Câu lạc bộ Wien, với chủ thuyết thực chứng mới, chủ thuyết thực chứng logic, với các tên tuổi như Rudolf Carnap, Jaakko Hintika, Imre Lakatos… Nó còn được chia làm nhiều nhánh nhỏ như triết học vật lý, triết học sinh học, triết học logic… Trong nửa cuối thế kỷ XX, với sự phát triển vũ bão của khoa học, triết học khoa học cũng lớn mạnh không ngừng với các tên tuổi nổi danh như Karl R. Popper, Paul Feyerabend và Thomas S. Kuhn.
Nhiều tác phẩm lớn về triết học khoa học được ra đời trong suốt thế kỷ XX nhằm tìm kiếm lời giải đáp cho những câu hỏi trên, trong đó có cuốn sách nổi tiếng của Thomas Kuhn, Cấu trúc các cuộc Cách mạng Khoa học [ The Structure of Scientific Revolutions], lần đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Việt dưới đây, và có lẽ đây cũng là công trình đầu tiên trong lĩnh vực triết học khoa học được chuyển ngữ một cách trọn vẹn và khá muộn màng để giới thiệu với độc giả Việt Nam.
Cùng với Feyerabend (mất tháng Hai, 1994) và Popper (mất tháng Chín, l994) có thể nói Thomas Kuhn là một trong ba khuôn mặt lớn nhất của triết học khoa học cuối thế kỷ XX. Cũng như nhiều triết gia khoa học khác của thế kỷ XX, Kuhn xuất thân là một nhà khoa học. Ông ra đời ngày 18 tháng Bảy năm l922 ở Cicinnati thuộc bang Ohio, Mỹ, con của Samuel L. Kuhn, một kỹ sư công nghiệp và Minett Strook Kuhn. Kuhn nhận bằng cử nhân vật lý tại Đại học Havard năm l943. Năm l940, ông nhận bằng thạc sỹ và năm l949 nhận bằng tiến sỹ cùng tại ngôi trường này. Theo gợi ý của hiệu trưởng Đại học Havard lúc bấy giờ là James Conant, ông nhận giảng dạy môn Lịch sử Khoa học tại trường từ năm l948 đến năm 1956. Sau khi rời Havard, Kuhn chuyển về Đại học California ở Berkeley nhận giảng dạy cho hai khoa Triết học và Lịch sử Khoa học. Năm l961 ông được phong hàm Giáo sư Lịch sử Khoa học, tại đây ông đã viết và cho xuất bản (l962) công trình quan trọng và gây nhiều ảnh hưởng nhất của mình: Cấu trúc các cuộc Cách mạng Khoa học. Năm 1964 ông chuyển sang giảng tại Đại học Princeton với chức danh Giáo sư Triết học và Lịch sử Khoa học trên ghế danh dự của M. Taylor Pyne. Năm l979, ông chuyển về Học viện Công nghệ Massachusetts và giảng dạy tại đó với chức danh Giáo sư Triết học và được ngồi vào ghế giáo sư danh dự mang tên Laurence S. Rockefeller từ năm l983 đến năm l961. Ông tạ thế ngày 17 tháng sáu năm 1996 ở Cambridge do căn bệnh ung thư phế quản. Ông từng kết hôn với Kathryn Muhs, sinh hạ được ba người con, sau đó tái giá với Jehane Barton (Jehane R. Kuhn).
Như đã nói, cuốn Cấu trúc các cuộc mạng Khoa học được Kuhn viết và cho xuất bản vào năm 1962, lúc đầu được đăng tải như một mục trong bộ Bách khoa Thư Khoa học Thống nhất [international Encyclopedia of Unified Science] do các nhà duy thực chứng của Câu lạc bộ Wien ấn hành.
Khác với quan niệm về tính phản nghiệm của Karl Popper, trong cuốn sách của mình, Kuhn muốn chứng minh rằng các lý thuyết khoa học trong lịch sử không hề bị loại bỏ khi chúng tỏ ra sai, mà chỉ đến khi nào chúng được thay thế. Sự thay thế này là một hiện tượng “xã hội” đòi hỏi phải có sự tham gia của cả một cộng đồng các nhà nghiên cứu, cùng thống nhất với nhau về một quy trình xoay quanh việc giải thích một số hiện tượng hoặc một số thí nghiệm nhất định. Cộng đồng này có một cấu trúc đặc thù riêng (các cuộc tọa đàm, hội thảo, các ấn phẩm…) Trong lịch sử, theo ông, không hiếm khi xảy ra trường hợp nhiều trường phái cùng tồn tại trong một mối quan hệ đối lập, và ở một mức độ tương đối, họ không hề biết tới công việc của nhau.
Đế chứng minh điều nói trên, Kuhn đã sử dụng ba khái niệm cơ bản là “Mẫu hình [paradigm]”, “Khoa học Chuẩn định [Normal Science]” và “Các cuộc Cách mạng Khoa học [Scientific Revolutions]”1. xem như nền tảng của mô hình tiến hóa khoa học do ông đề xướng.
Ngày nay khái niệm “mẫu hình” (hay chuẩn thức, mẫu thức…) được sử dụng khá rộng rãi trong hầu khắp các lĩnh vực, đặc biệt ở các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, với cách hiểu hoặc trùng khớp hoặc không xa lắm với cách hiểu của Thomas Kuhn được trình bày trong cuốn sách này và có thể nói chính Kuhn là cha đẻ của khái niệm đó. Ban đầu nó được Kuhn mượn từ khoa ngôn ngữ học (chỉ các mẫu chia động từ của các ngôn ngữ có phép chia động từ) và coi “mẫu hình” như một mô hình lý thuyết về tư duy, xác định phương hướng suy nghĩ và nghiên cứu khoa học vào một thời điểm nhất định (chẳng hạn: thuyết vạn vật hấp dẫn của Newton, sau này được thuyết tương đối của Einstein thế chỗ). Trong quá trình phát triển theo dòng mạch của công trình, thuật ngữ “mẫu hình” được Kuhn sử dụng với nhiều sắc thái khác nhau, nhưng tựu trung vẫn xoay quanh hai cách hiểu chính: một mặt nó biểu hiện toàn bộ tập hợp những tín niệm, những giá trị được thừa nhận và những kỹ thuật mà mọi thành viên của một nhóm hay một cộng đồng có chung; mặt khác nó biểu thị một yếu tố riêng biệt của tập hợp ấy: đó là những giải pháp cho những “bài toán đố” cụ thể được cộng đồng sử dụng như những mô hình làm mẫu, chúng có thể thay thế cho những quy tắc thành văn với tư cách là cơ sở cho việc giải các “bài toán đố”, tức là các vấn đề còn khúc mắc trong cái mà Kuhn gọi là “khoa học chuẩn định”. “Khoa học chuẩn định” cũng là một khái niệm do Kuhn sáng tạo ra nhằm mô tả một cách tương đối công việc thường nhật của các nhà khoa học trong khuôn khổ một mẫu hình”. Khoa học có thể phẳng lặng trong một giai đoạn dài, trong đó “mẫu hình” hầu như được tất cả mọi người chấp nhận; tất thảy mọi thí nghiệm chỉ nhằm nuôi dưỡng “mẫu hình” đang tồn tại. Khi những khiếm khuyết của “mẫu hình” ngày càng trở nên hiển nhiên và một “mẫu hình” thay thế dần được hình thành thì sẽ có một sự biến đổi đột ngột xuất hiện: sự biến đối đột ngột đó chính là một “cuộc cách mạng khoa học”.
Trong công trình của mình, Kuhn lập luận rằng khoa học không phát triển theo một đường thẳng, hoặc nói cách khác là không phát triển tuyến tính, bằng việc tích lũy đều đặn tri thức mới, mà phải trải qua những cuộc cách mạng luôn tái diễn, tức là phải trải qua những bước chuyển “mẫu hình”, trong đó có sự thay đổi đột ngột về bản chất của công việc tìm tòi và phát kiến khoa học ở một lĩnh vực riêng. Nhìn chung, có thể chia khoa học làm ba thời kỳ. Trước hết là thời kỳ tiền khoa học, khi khoa học chưa có cho mình một “mẫu hình” trung tâm, tiếp đến là thời kỳ của “khoa học chuẩn định”, thời kỳ mà các nhà khoa học bỏ nhiều công sức để mở rộng và củng cố “mẫu hình” thông qua việc giải các “bài toán đố”. Trong thời kỳ này, một kết quả sai lệch với “mẫu hình” không được xem như một chứng cứ nhằm loại bỏ “mẫu hình”, mà luôn được xem là lỗi lầm của nhà nghiên cứu (trái với quan niệm về tiêu chuẩn phản nghiệm của Karl Popper). Khi những “bất thường [anomaly]” được tích tụ ngày càng nhiều, khoa học sẽ đi vào thời kỳ “khủng hoảng [crisis]” và vào thời điểm này, một mẫu hình” mới gộp chung cả những kết quả cũ lẫn những kết quả “bất thường” vào một cơ cấu duy nhất sẽ ra đời và được chấp nhận. Đó chính là “cách mạng khoa học”.
Kuhn còn lập luận rằng không thể đem các “mẫu hình” đang tranh đua so sánh với nhau được, có nghĩa là không thể hiểu được một “mẫu hình” thông qua bộ máy khái niệm và thuật ngữ của một “mẫu hình” đang cạnh tranh khác.
Theo Kuhn, việc nghiên cứu lịch sử khoa học không chỉ nhằm giải thích sự năng động của các khoa học dưới góc độ nhận thức mà còn phải xét đến các nhân tố xã hội. Tuy không phải là người đầu tiên đứng trên lập trường này (trước đó, vào những năm l920 và 1930, đã có những cố gắng của các nhà triết học maxist như Nicolai Bukharin, Boris Hesen và John D. Bernal nhằm phát triển một quan điểm lụy ngoại [externalist] về lịch sử khoa học, nhấn mạnh vào các yếu tố quyết định của xã hội và của hệ tư tưởng đối với các sản phẩm tri thức), nhưng tác phẩm Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học của Thomas Kuhn nhìn chung được mọi người nhất trí đánh giá như một bước ngoặt lớn và ông được coi như người sáng lập đích thực của cách tiếp cận mới.
Như đã nói trên, Kuhn cho rằng về cơ bản khoa học không phát triển liên tục thông qua tích lũy mà nó mang tính đứt đoạn. Những điểm đứt đoạn này được gọi là “các cuộc cách mạng khoa học” mà theo Kuhn chúng giống như sự đảo lộn cách nhìn của các nhà khoa học (cái mà các nhà tâm lý học tự giác gọi là sự chuyển đổi hình trạng [gestal switch]). Để minh họa cho sự đảo lộn này Kuhn đã mượn nhiều ví dụ trong đó có ví dụ “vịt- thỏ” nổi tiếng của Wittgenstein (tùy cách nhìn vào hình vẽ, người xem có thể lần lượt nhìn ra một con vịt hoặc một con thỏ) rồi chuyển những hiện tượng đó vào khoa học. Vào một thời điểm tương ứng với những tín niệm xã hội nào đó được lấy làm chỗ dựa cho một thế giới quan, nhà khoa học có một cảm quan lý thuyết đặc biệt, một cách nhìn thế giới riêng. Cái đó thay đổi một khi thế giới quan thay đổi. Những nhân tố ảnh hưởng tới cách nhìn sự việc của các nhà khoa học có thể được phân tích và mô hình hóa trên cơ sở tri thức luận: về căn bản, đó là những khủng hoảng xuất phát từ sự thất bại liên tục của họ trong việc cung cấp những công cụ lý thuyết và thực nghiệm cần thiết để giải các “bài toán đố” khoa học.
Tuy nhiên, bên cạnh thành công và những đóng góp có giá trị không thể chối bỏ, cũng là lẽ thường tình khi những phê phán nhằm vào Kuhn kể từ khi cuốn sách dưới đây ra đời đã luôn chỉ ra những thiên kiến và những sai lầm trong quan niệm của ông (mặc dù trong lời bạt dài gần 40 trang viết thêm vào năm 1969 ông cũng đã có lời thanh minh). Những phê phán đối với cuốn sách chủ yếu cho rằng dường như nó đã gán cho khoa học quá nhiều màu sắc chủ quan và phi duy lý, quan niệm về khoa học theo chiều hướng tương đối luận. Các nhà tư tưởng hậu hiện đại và hậu cấu trúc cho rằng Kuhn đã cố chứng minh cho sự phụ thuộc thái quá của tri thức khoa học vào văn hóa và hoàn cảnh lịch sử của cộng đồng khoa học, mà quên đi khía cạnh nhận thức và phương pháp. Theo cách nhìn ấy, Kuhn được coi là tiền thân của những tư tưởng độc đoán hơn của Paul Feyerabend. Công trình của Kuhn còn được coi như đã góp phần xóa nhòa đường phân ranh giữa khoa học và phi khoa học. Những người phê phán quan điểm này của Kuhn mạnh mẽ hơn cả là Karl Popper và Imre Lakatos. Trong khi các nhà hậu thực chứng logic phê bình Kuhn “nhân văn hóa” khoa học quá mức cần thiết thì các nhà tư tưởng hậu hiện đại trong đó có Feyerabend lại cho rằng Kuhn còn quá rụt rè trong việc “nhân văn hóa” này. Gần đây còn có nhiều ý kiến phê phán Kuhn theo chiều hướng khác, coi cuốn sách của ông đã thiên vị thế giới khoa học Âu- Mỹ hơi nhiều, hay nói cách khác là mang nặng tư tưởng Âu châu Định tâm (eurocentrism). Ông đã không biết đến những đóng góp có giá trị cách mạng của khoa học khối Arab trong lịch sử cũng như không hề nhắc đến những thành tựu vĩ đại của khoa học Trung Hoa trong quá khứ.
Mặc dù vậy, dấu ấn của Cấu trúc các cuộc cách mạng Khoa học cho đến giờ này vẫn chưa hề phai nhạt và tính thời sự của nó vẫn còn nguyên vẹn. Công trình của Kuhn ngày nay vẫn được sử dụng khá triệt để trong khoa học xã hội, chẳng hạn trong những tranh cãi về Quan hệ Quốc tế của các trường phái hậu thực chứng. Khái niệm “mẫu hình” của ông dường như là một khái niệm cơ bản của môn Xã hội học về Tri thức Khoa học. Có thể nói không ngoa rằng hiếm có sinh viên thuộc các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn nào không nghe nói đến Thomas Kuhn và lý thuyết về “mẫu hình” của ông. Cho đến cuối thế kỷ XX, cuốn Cấu trúc các cuộc Cách mạng Khoa học có lẽ là cuốn sách triết học bán chạy nhất ở châu Âu và Mỹ, được dịch ra hơn 20 thứ tiếng và số lượng phát hành bằng tiếng Anh lên đến hàng triệu bản. Cho đến nay, theo thống kê của một số tạp chí, đây là một trong những cuốn sách được các tác phẩm triết học trích dẫn nhiều nhất. Sự ra đời của nó vào năm l962 đã đánh dấu sự cáo chung của những tư tưởng triết học khoa học thịnh hành từ những năm l930 cho tới thời điểm ấy. Nó đồng thời đánh dấu sự mở màn của một tư tưởng triết học mới, ít thiên về phân tích logic và phân tích khái niệm mà chú trọng thích đáng hơn đến lịch sử và xã hội học khoa học.
Là vấn đề khá mới mẻ với công chúng Việt Nam, nên trong khi dịch người dịch gặp không ít khó khăn về chuyển ngữ, do đó rất mong có được những ý kiến phê phán khắt khe của quý độc giả để những bản dịch tiếp theo cùng thể loại được ngày một hoàn hảo hơn. Nhân đây xin có lời cảm tạ đến Ban biên tập Nhà xuất bản Tri thức đã bỏ công chỉnh sửa bản thảo, đến Tiến sỹ vật lý Nguyễn Văn Trọng, Tiến sỹ vật lý Chu Hảo, Phó Giáo sư triết học Phạm Khiêm Ích, nhà văn, dịch giả Phạm Toàn đã có nhiều ý kiến đóng góp quý báu cho bản dịch, đặc biệt là đến nhà khoa học, dịch giả Đặng Vinh Thiên, người đã bỏ nhiều công sức và thời gian đọc kỹ lưỡng bản dịch nháp từng dòng, sửa chữa những câu cú chưa ổn, đề xuất những phương án chuyển ngữ nhằm làm tăng độ chuẩn xác và rành mạch của các mệnh đề. Thêm nữa, tuy chưa được trực tiếp làm việc cùng, nhưng qua bản dịch cùng một tác phẩm được đăng tải trên mạng, Tiến sỹ Nguyễn Quang A cũng đã gián tiếp giúp cho người dịch rất nhiều trong việc chuyển ngữ các thuật ngữ khó. Xin được gửi tấm lòng tri ân cùng bản dịch này tới họ.
(1) Trong nhiều bài viết và tài liệu dịch cho đến nay, các tác giả và dịch giả Việt Nam đã đưa ra những phương án chuyển ngữ khác nhau cho thuật ngữ Paradigm, chẳng hạn như mẫu chuẩn, khuôn mẫu, mẫu thức, chuẩn thức… Trong bản dịch lần này chúng tôi mạn phép thống nhất dịch tạm là mẫu hình. Thuật ngữ Normal Science cũng là một thuật ngữ khó chuyển ngữ vì ít nhất “normal” cũng có hai cách hiếu chính là “thông thường” và chuẩn mực”, mà trong phần lớn các mệnh đề được nhắc tới trong cuốn sách này đều mang cả hai nghĩa đó, nên chúng tôi cũng xin tạm dịch là khoa học chuẩn định để phân biệt với thuật ngữ “khoa học chuẩn tắc, xưa nay vẫn thường được chuyển ngữ từ chữ “normative science”. Về cụm từ Các cuộc Cách mạng Khoa học thì chính bản thân Kuhn sử dụng ở dạng số nhiều trong tiếng Anh (Scientihc Revolutions) để mô tả nhiều thời kỳ khác nhau trong nhiều lĩnh vực khác nhau, không giống như “Cuộc Cách mạng Khoa học” đơn độc xảy ra vào hậu kỳ Phục hưng .
Nguồn: NXB Tri thức
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)