1. Cơ sở pháp lý xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực trẻ em

– Luật trẻ em năm 2016

– Nghị định 130/2021/NĐ-CP

2. Cha mẹ cố ý bỏ rơi trẻ em có thể bị phạt hành chính đến 25 triệu đồng

Điều 21 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Theo đó, mức phạt từ  10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật;

b) Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hoặc bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

3. Bạo lực trẻ em có thể bị phạt tiền đến 20 triệu đồng

Theo quy định tại Điều 22  Nghị định 130/2021/NĐ-CP vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em sẽ bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

b) Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

d) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em.

b) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em.

4. Bóc lột trẻ em sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

Hành vi lạm dụng, bóc lột trẻ em, tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn sẽ bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em;

b) Tổ chức, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn;

b) Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Dẫn dắt, rủ rê, xúi giục, dụ dỗ, lôi kéo, kích động, lợi dụng, ép buộc làm trung gian giao dịch hoạt động bóc lột trẻ em;

b) Dẫn dắt, rủ rê, xúi giục, dụ dỗ, lôi kéo, kích động, lợi dụng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật;

c) Bắt trẻ em lao động trước tuổi, quá thời gian, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật hoặc làm việc ở nơi mất an ninh trật tự, có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển của trẻ em. Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng trẻ em làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

d) Bóc lột sức lao động trẻ em. Trường hợp người sử dụng lao động lợi dụng danh nghĩa học nghề, tập nghề để bóc lột sức lao động của trẻ em thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;

b) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em.

5. Lợi dung, dụ dỗ, ép buộc trẻ em vi phạm pháp luật bị phạt hành chính thế nào?

Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác sẽ bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Rủ rê trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Xúi giục, kích động trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

đ) Ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm.

6. Vi phạm quy định về quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em

Hành vi vi phạm quy định về quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 25 Nghị định 130/2021/NĐ-CP. Theo đó:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện trách nhiệm bảo đảm chế độ dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ em theo từng độ tuổi;

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh, tư vấn và hỗ trợ trẻ em trong chăm sóc sức khỏe sinh sấn, sức khỏe tình dục.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện, cản trở phụ nữ mang thai tiếp cận dịch vụ y tế để được tư vấn sàng lọc, phòng ngừa các bệnh tật bẩm sinh cho trẻ em;

b) Không chấp hành các quyết định, biện pháp, quy định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của trẻ em;

c) Áp dụng phong tục, tập quán có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em;

d) Không ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em.

7. Vi phạm quy định về quyền được giáo dục của trẻ em

Hành vi vi phạm quy định về quyền được giáo dục của trẻ em sẽ bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Hủy hoại sách, vở, đồ dùng học tập của trẻ em;

b) Cố ý không thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho việc học tập của trẻ em theo quy định của pháp luật;

c) Không bảo đảm thời gian, điều kiện học tập cho trẻ em.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi cản trở việc đi học của trẻ em.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ học, nghỉ học.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chịu mọi chi phí để mua sách, vở, đồ dùng học tập cho trẻ em.

8. Lợi dụng việc nhận nuôi trẻ em để trục lợi bị phạt hành chính thế nào?

Nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 32 Nghị định 130/2021/NĐ-CP. Theo đó:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để thực hiện hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác;

b) Lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;

c) Buộc chấm dứt việc nhận chăm sóc thay thế, chuyển hình thức chăm sóc thay thế trẻ em phù hợp đối với hành vi vi phạm.

9. Vi phạm về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Điều 36 Nghị định 130/2021/NĐ-CP  quy định xử phạt hành vi vi phạm về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm khi kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, độc hại, khiêu dâm, bạo lực, xúi giục tự tử, xuyên tạc, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em;

b) Không cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, độc hại, khiêu dâm, bạo lực, xúi giục tự tử, xuyên tạc, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em;

c) Không sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không gửi các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em;

d) Không thực hiện yêu cầu xóa, gỡ bỏ các thông tin cá nhân của trẻ em khi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ trẻ em yêu cầu;

đ) Không tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá phân loại theo mức độ an toàn cho trẻ em được các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em gửi tới;

e) Không công bố danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn đối với trẻ em;

g) Không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em;

h) Không hướng dẫn sử dụng các dịch vụ, thiết bị công nghệ thông tin để bảo vệ trẻ em;

i) Không có biện pháp bảo vệ người tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ là trẻ em.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng khi không có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử. Trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng có hành vi không áp dụng biện pháp, giải pháp hạn chế giờ chơi của trò chơi điện tử G1 đối với trẻ em thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép đối với hành vi vi phạm.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;

b) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em;

c) Buộc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em;

d) Buộc xóa, gỡ bỏ các thông tin cá nhân của trẻ em.

Trên đây tư vấn của chúng tôi về nội dung “xử phạt hành chính hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực trẻ em”. Bạn đọc còn vướng mắc pháp lý nào khác vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp nhanh chóng nhất!