1. Sơ lược hệ thống Toà án của Đức

Hệ thống Toà án của Đức gồm toà Hiến pháp, toà án bang (16 bang) và toà án liên bang (6 toà án) và toà khu vực, những vụ việc dân sự thì được xét xử ở cấp khu vực, phúc thẩm ở cấp bang và chung thẩm ở cấp liên bang; đối với những vụ việc nghiêm trọng thì xét xử cấp bang và phúc thẩm, chung thẩm cấp liên bang. Toà án Hiến pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến hiến pháp, tranh chấp giữa liên bang và bang hoặc các bang với nhau. Đối với toà liên bang bao gồm các toà như: toà thuế, các vấn đề xã hội, các vấn đề lao động, các vấn đề hành chính và các vấn đề chung. Toà án bang được tổ chức như các toà án của liên bang; Toà khu vực xét xử các lĩnh vực xã hội, lao động, hành chính dân sự, hình sự, thương mại được tách ra từ toà xét xử các vấn đề chung của toà bang.

Ngoài ra, Đức có 05 hệ thống tòa án chuyên biệt, bao gồm: hệ thống tòa án thường xét xử các tranh chấp về dân sự và các vụ án hình sự; hệ thống tòa án lao động; hệ thống tòa án hành chính; hệ thống tòa án tài chính và hệ thống tòa án về bảo hiểm xã hội.

Tại tòa án Hiến pháp, Thẩm phán tại tòa án này là một danh dự nghề nghiệp cao. Các thẩm phán được bầu một nửa từ một ủy ban bầu cử thẩm phán đặc biệt của hạ viện và một nửa từ thượng viện. Họ có một nhiệm kỳ duy nhất là 12 năm, bảo đảm tính độc lập cá nhân. Trong khi tại Hội đồng Liên bang là một cuộc bầu cử trực tiếp với đa số 2/3 thì tại Quốc hội Liên bang một ủy ban bầu cử bao gồm 12 nghị sĩ được chọn lựa/bình bầu theo phương pháp d’Hondt để tiến hành cuộc bầu cử. Một ứng cử viên trúng cử khi có được ít nhất là 8 phiếu bầu. Vậy, chế đinh thẩm phán ở Đức được quy định như thế nào?

2.  Cơ sở đào tạo Thẩm phán ở Đức

CHLB Đức không thành lập các cơ sở đào tạo tập trung dưới hình thức các học viện hay trường đào tạo để đào tạo Thẩm phán, Công tố viên hay Luật sư tranh tụng. Thay vào đó, để trở thành Thẩm phán, Công tố viên hay Luật sư tranh tụng, những ứng viên đã vượt qua kỳ sát hạch Tư pháp quốc gia thứ nhất (tức là tốt nghiệp đại học Luật) phải đăng ký tham gia khoá đào tạo chuyên môn trong 2 năm rưỡi. Những khoá đào tạo như vậy được tổ chức tại từng bang. Trước đây, Tòa án tối cao liên bang chịu trách nhiệm tổ chức những khoá đào tạo như vậy nhưng hiện nay chức năng này đã được chuyển giao cho Bộ Tư pháp.

3. Chương trình đào tạo Thẩm phán ở Đức

Đức có một hệ thống chương trình và nội dung đào tạo tư pháp khá thống nhất. Chương trình đào tạo được xây dựng tập trung vào các kỹ năng thực tế. Các giảng viên tham gia vào các khoá đào tạo là những cán bộ đương chức (Thẩm phán, Công tố viên, Luật sư tranh tụng, Công chứng viên hay các cán bộ nhà nước cao cấp từ các cơ quan tư pháp và hành chính). Chương trình đào tạo được chia thành các giai đoạn khác nhau gồm có các giai đoạn bắt buộc và một giai đoạn không bắt buộc.

– Các giai đoạn bắt buộc gồm có:

– Giai đoạn thực tập tại cơ quan tư pháp: Giai đoạn này bao gồm 6 tháng thực tập tại một Tòa dân sự và 3 tháng thực tập tại một Tòa hình sự hoặc một văn phòng Công tố. Trong giai đoạn thực tập này, tất cả các ứng viên phải làm quen với quy trình thủ tục dân sự hoặc hình sự tại Tòa án như điều tra, chuẩn bị và điều hành một phiên Tòa (dân sự hoặc hình sự) và soạn thảo bản án hoặc quyết định.

– Giai đoạn thực tập tại cơ quan hành chính: Giai đoạn này bao gồm 5 tháng thực tập tại một cơ quan hành chính cấp quận hoặc cấp tương ứng nơi có ít nhất một cán bộ công chức nhà nước đã được cấp chứng chỉ Thẩm phán đang làm việc và 2 tháng thực tập tại một cơ quan chính quyền bang hoặc thành phố hoặc tại một Tòa hành chính hoặc văn phòng Công tố. Giai đoạn này giúp ứng viên làm quen với các công việc chuyên môn tại các cơ quan hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính, soạn thảo các quyết định, các đạo luật hành chính, các thủ tục hành chính như điền đơn khiếu nại cho đến giải quyết các đơn khiếu nại bằng các phán quyết hay quyết định hành chính.

– Giai đoạn thực tập tại Văn phòng Luật sư của LVN Group: Thời gian thực tập tại văn phòng Luật sư của LVN Group kéo dài 4 tháng. Thời gian thực tập này không những giúp các ứng viên nâng cao kỹ năng soạn thảo công văn (trao đổi với khách hàng hoặc bên có tranh chấp với khách hàng, hoặc với cơ quan tư pháp, Tòa án) mà còn nâng cao kỹ năng chuyên môn để đại diện cho khách hàng tiến hành các thủ tục tố tụng tại Tòa án.

– Giai đoạn không bắt buộc: Giai đoạn không bắt buộc kéo dài trong thời gian 4 tháng. Trong thời gian này, ứng viên có thể xin thực tập tại một hay hai cơ quan luật pháp thuộc các lĩnh vực được quy định như trên gồm có tư pháp (Tòa án, nhà tù, Văn phòng Công chứng, Văn phòng Luật sư của LVN Group), hành chính, kinh tế, lao động và luật xã hội, luật quốc tế và luật Châu Âu, luật thuế quan.

Khi chương trình đào tạo bắt đầu, học viên phải tham gia đầy đủ các khoá đào tạo tư pháp và hành chính. Những khoá đào tạo như vậy cũng được tổ chức trong các giai đoạn bắt buộc. Chương trình đào tạo thường đi kèm với các chương trình kỹ năng thực tế. Khác với các chương trình đào tạo lý thuyết tại các trường đại học, trong chương trình đào tạo này, giảng viên tập trung vào các tình huống được xây dựng từ những kinh nghiệm thực tế của mình và từ hồ sơ các vụ việc trên thực tế.

Sau khi hoàn thành các khoá đào tạo hay các giai đoạn đào tạo học viên sẽ được giảng viên hoặc người hướng dẫn nhận xét và cho điểm cho khoá đào tạo hoặc giai đoạn đào tạo đó. Điểm được cho dựa trên điểm kiểm tra thường kỳ của các học viên và đánh giá chung về việc học viên tham gia vào các phần thảo luận do giảng viên đưa ra. Những điểm số này được đưa vào điểm thi nói trong kỳ thi sát hạch tư pháp quốc gia.

– Kỳ thi sát hạch Tư pháp quốc gia thứ hai

Chương trình đào tạo sẽ kết thúc sau khi các học viên hoàn thành kỳ thi sát hạch Tư pháp quốc gia lần thứ hai. Kỳ thi này do một đơn vị chuyên trách về các kỳ sát hạch tư pháp là Vụ Sát hạch tư pháp thuộc Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện.

Kỳ thi gồm hai phần: kiểm tra nói và thi viết. Trong phần thi viết, các thí sinh phải thực hiện 11 bài luận trong thời gian 11 ngày liên tiếp. Thí sinh phải thực hiện các bài luận bắt buộc về Luật dân sự (trong đó có Luật thương mại và Công luật), Luật lao động, luật tố tụng, 2 bài luận về Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự, 4 bài luận chủ yếu về luật cơ bản gồm có luật nội dung, luật tố tụng và Luật thuế quan.

Mỗi thí sinh phải thực hiện bài kiểm tra nói trước hội đồng 4 Thẩm phán. Những câu hỏi trong phần thi này đều thuộc các lĩnh vực đã được giới hạn trước khi kỳ thi diễn ra. Mỗi thí sinh được hội đồng kiểm tra trong thời gian 50 phút và được nhận 4 loại điểm tương ứng với các lĩnh vực Luật dân sự, Luật lao động, Luật hình sự, Công luật và một số lĩnh vực luật tuỳ chọn.

Tổng điểm của kỳ thi được tính là điểm số trung bình của phần thi nói và phần thi viết. Thí sinh được cấp giấy chứng nhận đã qua kỳ sát hạch nếu đạt điểm số trên. Những thí sinh không đạt chỉ được phép thi lại một lần nữa.

4. Bổ nhiệm Thẩm phán

4.1. Bổ nhiệm Thẩm phán ở các Tòa án Hiến pháp

– Ứng cử viên Thẩm phán Tòa án Hiến pháp liên bang được đề cử từ nhiều cơ quan khác nhau: Bộ Tư pháp liên bang, các nhóm trong Hạ nghị viện, Chính phủ bang. Trong số 16 Thẩm phán Tòa án Hiến pháp liên bang thì 8 người do Thượng nghị viện bầu trực tiếp, 8 người do Ủy ban tuyển chọn Thẩm phán Tòa án Hiến pháp liên bang của Hạ nghị viện tuyển chọn (Ủy ban này được bầu theo tỉ lệ đại diện các đảng phái chính trị trong Hạ nghị viện). Sau khi được lựa chọn, danh sách Thẩm phán sẽ được đưa lên Tổng thống bổ nhiệm với nhiệm kỳ 12 năm và không được tái nhiệm.

– Thẩm phán Tòa án Hiến pháp bang do Nghị viện của bang bầu ra và có nhiệm kỳ cùng với nhiệm kỳ của Nghị viện.

– Theo điều 4 khoản 3 của bộ Luật về Tòa án Hiến pháp Liên bang, độ tuổi 68 là ranh giới cho các thẩm phán. Nhiệm kỳ của một thẩm phán chấm dứt khi hết tháng mà thẩm phán tròn 68 tuổi. Thế nhưng người thẩm phán này vẫn tiếp tục thi hành chức vụ cho đến khi một người kế nhiệm được bổ nhiệm. Chánh án và phó chánh án của Tòa án Hiến pháp Liên bang được luân phiên chỉ định bởi Quốc hội Liên bang và Hội đồng Liên bang theo điều 9 của bộ Luật về Tòa án Hiến pháp Liên bang. Thông thường đây là những người đứng đầu các viện và cũng theo lệ thường thì sau khi chánh án rút lui khỏi chức vụ thì người phó chánh án được chỉ định là người kế nhiệm. Là cơ quan hiến pháp, Tòa án Hiến pháp Liên bang không chịu sự kiểm tra và chỉ thị của cơ quan nhà nước.

4.2. Bổ nhiệm Thẩm phán ở các Tòa án khác

– Những người đã vượt qua kỳ thi tư pháp quốc gia lần thứ hai phải nộp đơn lên Bộ Tư pháp bang đề nghị được làm Thẩm phán. Nếu được chấp nhận, họ sẽ được bổ nhiệm làm “Thẩm phán thử việc”, thời gian thử việc là 5 năm kể từ ngày bổ nhiệm; nếu họ đã là công chức, thời gian thử việc là 2 năm.

Sau khi kết thúc thời gian thử việc, Thẩm phán thử việc có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán chính thức. Việc bổ nhiệm Thẩm phán ở các bang rất khác nhau. Nhìn chung, Bộ trưởng Bộ Tư pháp bang có vai trò quyết định trong việc bổ nhiệm Thẩm phán của Tòa án thẩm quyền chung, Tòa án hành chính và Tòa án tài chính; Bộ trưởng Bộ Lao động bang có vai trò quyết định trong việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án lao động, Tòa án xã hội.

– Thẩm phán các Tòa án liên bang do Tổng thống bổ nhiệm theo đề cử của Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên bang hoặc Bộ trưởng Bộ Lao động liên  bang và Ủy ban tuyển chọn Thẩm phán liên bang.

– Các Thẩm phán đều được bổ nhiệm đến tuổi nghỉ hưu (65 tuổi).

5. Kỷ luật, bãi nhiệm Thẩm phán

Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Đức quy định như sau: Điều 97 (khoản 2): “Các Thẩm phán được bổ nhiệm vĩnh viễn cho vị trí toàn thời gian để chỉ có thể bị sa thải vĩnh viễn hoặc tạm thời, luân chuyển hoặc nghỉ hưu trước khi hết hạn nhiệm kỳ theo quyết định của cơ quan tư pháp và chỉ do những lý do và cách thức được luật định. Cơ quan lập pháp có thể thiết lập giới hạn tuổi nghỉ hưu của các Thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời. Trong trường hợp có sự thay đổi trong cơ cấu của Toà án hoặc ở các khu vực, các Thẩm phán có thể được luân chuyển tới Toà án khác hoặc bị bãi miễn, miễn là nguyên tiền lương đầy đủ của họ”. 

Điều 98 (khoản 2): “Nếu một Thẩm phán liên bang vi phạm nguyên tắc của Hiến pháp liên bang hoặc trật tự Hiến pháp của bang bằng nghề nghiệp chính thức của mình hoặc một cách không chính thức, Toà án Hiến pháp liên bang, theo đề nghị của 2/3 thành viên Thượng viện yêu cầu Thẩm phán phải bị luân chuyển hoặc nghỉ hưu. Trong trường hợp vi phạm do cố ý, Toà án có thể ra lệnh miễn nhiệm Thẩm phán”. 

Theo quy định của khoản 3 Điều 98 và điểm 27 khoản 1 Điều 74 thì các bang sẽ quy định cụ thể về vấn đề kỷ luật, miễn nhiệm Thẩm phán bang.

Bài viết tham khảo: Sơ lược về chế định Thẩm phán của một số quốc gia trên thế giới; NGÔ CƯỜNG ( Nguyên Vụ trưởng Vụ HTQT TANDTC) – Tạp chí Tòa án Nhân dân điện tử.