Khách hàng: Kính thưa Luật sư LVN Group, Luật sư hãy phân tích giúp tôi về chế định trách nhiệm hình sự trong phần chung của Bộ luật hình sự năm 2015 và những hạn chế về kỹ thuật lập pháp của chế định này?

Cảm ơn!

Trả lời:

1. Khái quát về chế định trách nhiệm hình sự trong phần chung của Bộ luật hình sự năm 2015

Liên quan đến các quy phạm của chế định lớn về trách nhiệm hình sự, có thể khẳng định rằng, mặc dù đã đến lần pháp điển hóa thứ ba nhưng “trách nhiệm hình sự” vẫn chưa được chính thức ghi nhận với tư cách là một chế định độc lập (như các chế định độc lập khác là tội phạm hay các biện pháp cưỡng chế hình sự) trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, theo Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã có ba quy phạm mà ở các mức độ khác nhau liên quan đến vấn đề trách nhiệm hình sự nhưng rất tiếc là các quy phạm này được ghi nhận không tập trung mà lại rải rác trong hai chương khác nhau thuộc Phần chung Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể chúng ta đi tìm hiểu ở những mục sau.

2. Cơ sở và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của chế định trách nhiệm hình sự

a. Cơ sở của trách nhiệm hình sự

Quy phạm về cơ sở của trách nhiệm hình sự (Điều 2) thì được ghi nhận trong Chương I “Điều khoản cơ bản” Bộ luật Hình sự năm 2015.

b. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của chế định trách nhiệm hình sự

Các quy phạm về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12) và vấn đề trách nhiệm hình sự trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác (Điều 13) thì lại trong Chương III “Tội phạm”.

c. Các quy phạm khác thuộc chế định trách nhiệm hình sự trong phần chung của Bộ luật hình sự năm 2015

Bên canh quy phạm “cơ sở và độ tuổi” chịu trách nhiệm hính sự thì những nội dung liên quan đến các quy phạm như trong Chương V “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; Miễn trách nhiệm hình sự”, thì theo quan điểm đã thừa nhận chung trong khoa học luật hình sự nếu xét về bản chất pháp lý thì đó chính là hai chế định mang tính nhân đạo (vì chúng nhằm giảm nhẹ bớt mức độ trách nhiệm hình sự và tha miễn trách nhiệm hình sự) nên rõ ràng là chúng thuộc chế định nhân đạo lớn về các biện pháp tha miễn.

Vì vậy, chúng cần được ghi nhận cách xa, chứ không nên gần với Chương về tội phạm, tức là phải ở vị trí thứ 05 đằng sau 04 chương khác gần với tội phạm hơn về những trường hợp loại trừ tính tội phạm của hành vi (1), trách nhiệm hình sự (2), các biện pháp cưỡng chế hình sự (3), quyết định hình phạt (4) và rồi sau đó mới là các biện pháp tha miễn (5). Chính vì xuất phát từ cách tiếp cận vấn đề như vậy nên liên quan đến các quy phạm trong Chương V Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ được tác giả phân tích trong nội dung thuộc các quy phạm về các biện pháp tha miễn.

3. Khái quát vè kỹ thuật lập pháp của chế định trách nhiệm hình sự

Khi phân tích các quy phạm có liên quan đến chế định lớn về trách nhiệm hình sự cho thấy, vẫn còn giữ nguyên các hạn chế của Phần chung Bộ luật Hình sự (năm 1999).

Mặc dù là một chế định riêng biệt, trung tâm, chủ yếu và quan trọng nhất của Phần chung và Phần riêng pháp luật hình sự nhưng chế định lớn về trách nhiệm hình sự trong pháp luật hình sự thực định Việt Nam vẫn chưa được điều chỉnh bằng các quy phạm riêng biệt trong một phần (chương) độc lập đề cập các định nghĩa pháp lý của một loạt các khái niệm quan trọng vẫn còn thiếu (mà chính xác hơn là chưa bao giờ được ghi nhận một cách cụ thể và rõ ràng về mặt lập pháp trong suốt mấy chục năm qua như:

– Khái niệm trách nhiệm hình sự là gì (vì cơ sở của trách nhiệm hình sự đương nhiên cùng với tội phạm và hình phạt, trách nhiệm hình sự cũng là một khái niệm cơ bản nhất của pháp luật hình sự nhưng hai phạm trù kia đã có định nghĩa pháp lý của khái niệm trong pháp luật hình sự nưóc ta gần 20 năm trước trong Bộ luật Hình sự (năm 1999), vậy mà trách nhiệm hình sự vẫn chưa có định nghĩa pháp lý của khái niệm tương ứng trong suốt cả chục năm qua.

– Một loạt các khái niệm cơ bản khác và cũng rất quan trọng thuộc chế định lớn về trách nhiệm hình sự chưa được ghi nhận về mặt lập pháp hình sự như: Chủ thể của trách nhiệm hình sự là gì?; Cơ sở của trách nhiệm hình sự là gì?, vì thực ra phạm trù “Chỉ người nào… mới phải chịu trách nhiệm hình sự’ (đã ghi nhận tại Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự năm 2015) chính là điều kiện để một người phải chịu trách nhiệm hình sự chứ chưa phải là cơ sở của trách nhiệm hình sự; Điều kiện của trách nhiệm hình sự là gì?; Năng lực trách nhiệm hình sự là gì?; Năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế là gì?;…

4. Kỹ thuật lập pháp về cơ sở của trách nhiệm hình sự

Cơ sở của trách nhiệm hình sự chính là nội dung thuộc chế định lớn về trách nhiệm hình sự chứ không phải thuộc chế định lớn về đạo luật hình sự cũng như Bộ luật Hình sự (năm 1999) nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 lại quy định nó tại Chương I với các quy phạm thuộc chế định lớn về đạo luật hình sự của Bộ luật ấy. Mặt khác, tên gọi của Điều 2 “Cơ sở của trách nhiệm hình sự” rõ ràng là mâu thuẫn với nội dung mà nó đã ghi nhận trong điều luật này. Bởi lẽ, dưối góc độ pháp chế và bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật hình sự trong nhà nước pháp quyền thì quan điểm được thừa nhận chung rộng rãi của thực tiễn tư pháp hình sự và của khoa học luật hình sự là:

– Nếu như tên gọi là “cơ sở” của trách nhiệm hình sự, thì nội dung của nó (trách nhiệm hình sự) phải thể hiện được rằng, cơ sở đó cụ thể là cái gì (“cấu thành tội phạm”, “lỗi” hay là “việc thực hiện hành vì” bị luật hình sự cấm,…)? mà dựa vào cơ sở đó các cơ quan bảo vệ pháp luật và Tòa án có thể truy cứu trách nhiệm hình sự chủ thể phạm tội. Tuy nhiên, nội dung được quy định trong Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 là điều kiện (chứ không phải cơ sở) của trách nhiệm hình sự vì trong Bộ luật ấy nhà làm luật Việt Nam đã sử dụng thuật ngữ, “chỉ người nào… mới phải chịu” (tức là nói đến điều kiện mà khi nào thì chủ thể mới phải chịu trách nhiệm hình sự).

– Mặt khác, cơ sở (1) và điều kiện (2) của trách nhiệm hình sự là hai phạm trù có liên quan chặt chẽ và khăng khít với nhau nhưng không thể đồng nhất, mà là khác nhau vì: Phạm trù trước là cán cứ chung (hành vi nguy hiểm cho xã hội được ghi nhận trong pháp luật hình sự) mà chỉ có và phải dựa vào đó cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền mới có thể đặt ra vấn đề trách nhiệm hình sự của chủ thể phạm tội; Còn phạm trù sau là căn cứ riêng mà chỉ có khi nào tổng hợp đầy đủ chúng (05 căn cứ riêng tương ứng với 05 dấu hiệu của tội phạm do pháp luật hình sự quy định) thì chủ thể phạm tội mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

– Nếu một người phải chịu trách nhiệm hình sự vì đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng sau đó cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền xem xét lại tất cả các khía cạnh của vụ án thì cũng không thể buộc chủ thể của hành vi nào đó phải chịu trách nhiệm hình sự nếu như căn cứ vào các quy định của pháp luật hình sự mà thiếu (không hội đủ) dù chỉ là 01 trong 05 điều kiện của trách nhiệm hình sự có tính chất bắt buộc sau đây (mà 05 điều kiện này bao giờ cũng tương ứng vối 05 dấu hiệu của tội phạm): Hành vi được thực hiện trong thực tế khách quan phải nguy hiểm cho xã hội; Hành vi đó phải bị coi là tội phạm theo pháp luật hình sự hiện hành (tức là phải được quy định trong pháp luật hình sự đang được áp dụng); Chủ thể của hành vi đó phải có lỗi (cốý hoặc vô ý) khi thực hiện nó; Chủ thể của hành vi đó phải có năng lực trách nhiệm hình sự khi thực hiện nó và; Chủ thể của hành vi đó (nếu là cá nhân) phải đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành khi thực hiện nó. Riêng đôì vối pháp nhân thương mại (pháp nhân thương mại), nhất thiết phải chứng minh được về mặt khách quan nó có mốỉ quan hệ liên đối với chủ thể (cá nhân) đã gây nên thiệt hại do hành vi phạm tội tương ứng.

5. Cách thức quy định của chế định và trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại phạm tội

a. Cách thức quy định của chế định

Phân tích cách thức quy định như tại Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 cho thấy, tên gọi (tiêu đề) của Điều này (cơ sở của trách nhiệm hình sự) không hề đúng với nội hàm của quy phạm mà nó ghi nhận (điều kiện của trách nhiệm hình sự) khi sử dụng cụm từ “Chỉ người nào… mới phải chịu” (tại khoản 1) và “Chỉ pháp nhân thương mại nào… mới phải chịu” (tại khoản 2).

Hơn nữa, dù cho Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định những điều kiện của trách nhiệm hình sự nhưng trong nội dung của nó cũng mởi chỉ có hai điều kiện – “phạm tội” (1) thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và (hành vi) đó đã “được Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm” (2) bị pháp luật hình sự cấm; có nghĩa là quy phạm tại khoản 2 Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn còn thiếu ba điều kiện nữa của trách nhiệm hình sự tương ứng với ba đặc điểm (dấu hiệu) bắt buộc của tội phạm về người thực hiện hành vi đó có lỗi cố ý hoặc vô ý (3), có năng lực trách nhiệm hình sự (4) và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định (5).

b. Kỹ thuật lập pháp về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội

Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội. Bất cập lớn của các quy phạm này là được ghi nhận rải rác trong các chương khác nhau của Bộ luật Hình sự năm 2015 về cơ sở của trách nhiệm hình sự ở Điều 2 Chương I, còn điều kiện chịu trách nhiệm hình sự thì ghi nhận tại Điều 75 Chương XI.

Đặc biệt, ngay nội hàm của điểm a khoản 1 Điều 75 đã cho thấy, chủ thể thay mặt cho pháp nhân thương mại đó chính là người (cá nhân) chứ không phải là pháp nhân khi nhà làm luật sử dụng hai từ “nhân danh”.

Trân trọng!