1. Bảo hiểm xã hội là gì?

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội tại Việt Nam là một chính sách an sinh do cơ quan BHXH Việt Nam triển khai tổ chức và thực hiện theo đúng quy định của Pháp luật. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ban hành ngày 20/11/2014 giải thích từ ngữ “Bảo hiểm xã hội” như sau:

“Bảo hiểm xã hội là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội”.

Bảo hiểm xã hội ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Người lao động là những đối tượng bắt buộc tham gia đóng bảo hiểm xã hội trong khi đó người dân cũng có thể tham gia bảo hiểm xã hội theo hình thức tự nguyện và được hưởng những quyền đặc biệt từ các chế độ của Bảo hiểm xã hội mang lại. Bởi lẽ “Bảo hiểm là phương thức bảo vệ trước những tổn thất tài chính. Đó là hình thức quản lý rủi ro, chủ yếu được sử dụng để bảo hiểm cho những rủi ro ngẫu nhiên hoặc tổn thất có thể xảy ra”. Như vậy, có thể thấy bảo hiểm xã hội là một trong những chính sách an sinh hữu ích đối với người tham gia, do Nhà nước tổ chức và được bảo đảm thực hiện dựa trên các văn bản pháp lý. Trên cơ sở đóng vào quỹ Bảo hiểm xã hội, người tham gia sẽ được bù đắp một phần thu nhập khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập chính do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động. 

Đơn vị cung cấp bảo hiểm có thể là cơ quan Nhà nước hoặc công ty, tổ chức bảo hiểm. Hiện nay có hai hình thức để người dân có thể đăng ký tham gia, tùy theo nhóm đối tượng bắt buộc tham gia và tham gia tự nguyện. Với mỗi hình thức, người tham gia sẽ được hưởng những quyền lợi và chế độ khác nhau. 

 

1.1 Bảo hiểm xã hội bắt buộc 

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại bảo hiểm mà bắt buộc những người khi tham gia lao động và những người chủ lao động phải đóng. Thông thường, chủ doanh nghiệp và người lao động cùng chi trả cho loại bảo hiểm này với mức chia người sử dụng lao động phải đóng nhiều hơn. Loại Bảo hiểm xã hội này được áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sử sụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động với thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên và hợp đồng không xác định thời hạn. Tại điều 149 Bộ luật Lao động quy định đổi với người sử dụng lao động và người lao động được hưởng các chế độ trợ cấp Bảo hiểm xã hội ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, hưu trí và tứ tuất. 

Đối tượng tham gia bảo hiểm được quy định dựa theo Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về các đối tượng tham gia xã hội bắt buộc cũng như là điều kiện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

“a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao dộng được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

2. Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.”

Dựa trên những quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bảo hiểm xã hội bắt buộc có những đặc điểm cơ bản sau: 

Thứ nhất, việc tham gia loại bảo hiểm này mang tính chất bắt buộc. Việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không phụ thuộc vào ý chí của người lao động mang tính chất bắt buộc; người lao động và người sử dụng lao động buộc phải thực hiện nghiêm túc. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định các đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; trường hợp vi phạm quy định về việc tham gia bảo hiểm xã hội thì bị xử phạt theo quy định.

Thứ hai, pháp luật quy định cụ thể về mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm xã hội. Nếu trong trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì người tham gia được lựa chọn phương thức đóng (hàng tháng hoặc 03 tháng/lần) và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được ấn định cụ thể. 

Cụ thể, tại Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về mức đóng và phương thức đống của người lao động; Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động.

Thứ ba, người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng nhiều chế độ hơn. Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; họ sẽ được hưởng các chế độ sau: ốm đau; thai sản; lương hưu; tử tuất; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ở trong những trường hợp vụ thể, các chế độ cụ thể thì pháp luật đặt ra cho họ những điều kiện nhất định phải đáp ứng và yêu cầu phải tuân theo.

 

1.2 Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bảo hiểm xã hội tự nguyện thường được mọi người ví von là “của để dành” cho người lao động tự do, đây là một sự lựa chọn phù hợp với lao động tư do để hưởng chế độ lương hưu, tử tuất khi không thể tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Vậy bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì? Chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện ra sao?

Bảo hiểm xã hội là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Theo đó, việc tham gia loại hình bảo hiểm này là hoàn toàn tự nguyện, người lao động có thể lựa chọn tham gia hoặc không tham gia.

Căn cứ khoản 1 Điều 8 Quyết định 595/QĐ-BHXH, những người sau đây sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện:

“1. Người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bao gồm:

1.1 Người lao động làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01/01/2018; người lao động làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01/01.2018 trở đi;

1.2 Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng tổ dân phố, khu, khu phố;

1.3 Người lao động giúp việc gia đình;

1.4 Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;

1.5 Xã viên không hưởng tiền lươn, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

1.6 Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;

1.7 Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi dời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH;

1.8 Người tham gia khác.

2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến BHXH tự nguyện.”

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bảo hiểm xã hội tự nguyện có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, cụ thể: Hưởng lương hưu hàng tháng; nhận trợ cấp một lần; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất một lần; quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT. 

Mức đóng BHXH tự nguyện được tính bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn. Trong đó, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo đối với khu vực nông thôn (1.500.000 đồng/người/tháng) và tối đa bằng 20 lần lương cơ sở (tương đương 29.800.000 đồng/tháng).

 

2. Vai trò trụ cột của Bảo hiểm xã hội

Ở mỗi quốc gia trên thế giới tùy thuộc vào trình độ kinh tế – xã hội mà xây dựng một Hệ thống An sinh xã hội có phạm vi đối tượng tham gia và hưởng thụ cũng như phạm vi và mức độ quyền lợi hưởng khác nhau. Việt Nam kể từ khi thực hiện cải cách kinh tế năm 1986, việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã dẫn đến sự cải cách và phát triển không ngừng về bảo hiểm xã hội góp phần tích cực vào việc ổn định xã hội, thực hiện xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Bảo hiểm xã hội hiện nay có một vị trí và ý nghĩa vô cùng to lớn đối với mỗi người đặc biệt là người lao động. Nó có rất nhiều vai trò như:

Thứ nhất, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội nhằm ổn định cuộc sống người lao động, trợ giúp người lao động khi gặp rủi ro như: Ốm đau, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp,… sớm trở lại trạng thái sức khỏe ban đầu cũng như sớm có việc làm. 

Người lao động khi có việc làm và khỏe mạnh sẽ đóng góp một phần tiền lương, tiền công để hỗ trợ khi ốm đâu, tai nạn, lúc sinh đẻ và chăm sóc con cái, khi không có việc làm, lúc tuổi già nhằm duy trì và ổn định cuộc sống của người lao động và gia đình của họ. Do vậy, hoạt động bảo hiểm xã hội một mặt đòi hỏi tính trách nhiệm cao của từng người lao động đối với bản thân mình, với gia đình và đối với cộng đồng, xã hội theo phương chấm “mình vì mọi người, mọi người vì mình” thông qua quyền và nghĩa vụ, mặt khác nó thể hiện sự gắn kết trách nhiệm giữa các thành viên trong xã hội, giữa các thế hệ kế tiếp nhau trong một quốc gia, tạo thành một khối đoàn kết thống nhất về quyền lợi trong một thể chế chính trị – xã hội bền vững. Đồng thời, người sử dụng lao động cũng phải có trách nhiệm đóng góp bảo hiểm xã hội cho người lao động. Vì vậy, Bảo hiểm xã hội là sự bảo vệ và duy trì yếu tố lao động của quá trình sản xuất, kinh doanh – nguồn lực quyết định sự phát triển của đất nước.

Thứ hai, bảo hiểm xã hội là một công cụ đắc lực của Nhà nước, góp phần vào việc phân phối lại thu nhập giữa các tầng lớp dân cư và người lao động, đồng thời giảm chi cho ngân sách nhà nước, bảo đảm An sinh xã hội bền vững. 

Tiền lương, tiền công được xác lập dựa trên sự thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động là sự phân phối lần đầu và phâ phối trực tiếp cho từng người lao động. Do vậy, người nào có tay nghề cao, có nghề nghiệp đang thích ứng với nhu cầu của xã hội thì người đó có thu nhập cao – đó là sự hợp lý – và khuyến khích làm giàu chính đáng. Sau khi đã điều tiết thuế thu nhập cá nhân, Nhà nước sẽ tiến hành phân phối lại thông qua bảo hiểm xã hội. Khi đó người nào có tiền lương, tiền công cao hơn sẽ đóng góp nhiều hơn để trợ giúp những người “yếu thế” hơn trong xã hội. Một bộ phận lao động khác do gặp rủi ro hoặc có việc làm không ổn định, thẩm chí là không có việc làm, thu nhập thấp,.. sẽ được nhận các quyền lợi bảo hiểm xã hội để bình ổn cuộc sống. Có thể thấy, chính sách bảo hiểm xã hội là một bộ phận quan trọng của chính sách xã hội, giúp Nhà nước điều tiết quan hệ giữa kinh tế và xã hội trên phương diện vĩ mô, vừa đảm bảo cho nền kinh tế liên tục phát triển, vừa giữ gìn ổn định và công bằng xã hội.

Thứ ba, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội nhằm góp phần ổn định và nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo sự bình đẳng vị thế xã hội của người lao động trong các thành phần kinh tế khác nhau, thu hút nguồn lao động vào nền sản xuất xã hội. Dù làm việc ở đâu, nông thôn hay thành thị, dù làm ngành nghề nào hoặc theo hình thức lao động khác nhau khi tham gia bảo hiểm xã hội dựa trên chính sách BHXH theo nguyên tắc “đóng – hưởng” đã tạo ra sự bình đẳng cho mọi người lao động. Điều này đã tạo được sự tin tưởng và yên tâm lao động sản xuất, kinh doanh. Đặc biết, khuyến khích được họ tự giác thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của mình, giữ gìn và nâng cao thể lực cho người lao động trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển. 

Thứ tư, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, nhất là chế độ hưu trí sẽ đảm bảo ổn định cuộc sống của người lao động khi về già, gắn kết trách nhiệm của các thế hệ kế tiếp cùng chung tay xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội bền vững.

 

3. Chế độ bảo hiểm xã hội cho người bệnh lao cần hồ sơ, giấy tờ gì?

Trong quá trình hoạt động tư vấn pháp lý, đội ngũ chuyên viên cũng như Luật sư thường xuyên nhận được các câu hỏi liên quan đến vấn đề Bác sĩ chẩn đoán bị bệnh lao phổi và phải nằm viện để điều trị dài ngày thì liệu có được hưởng chế độ ốm đau trong bảo hiểm xã hội không?

Cụ thể theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người lao dộng tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng chế độ ốm đau nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

“a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

b) Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

c) Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.”

Trong trường hợp bạn có tham gia đóng bảo hiểm xã hội và bạn đang bị bệnh cụ thể ở đây là bệnh lao và cần phải nghỉ làm để điều trị bệnh. Dựa vào quy định trên thì bạn đủ điều kiện để được hưởng chế độ ốm đau của bảo hiểm xã hội. 

Theo quy định tại Điều 1 Thông tư Số 46/2016/TT – BYT của Bộ Y tế:

“Điều 1. Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày

1. Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.”

Theo đó, bệnh lao được quy định trong danh mục kèm theo của Thông tư này với mã bệnh theo ICD 10 là A15 – A19.

Về thời hạn nghỉ hưởng chế độ ốm đau dài ngày quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:

“2. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tị điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.”

Theo quy định này, thời gian nghỉ hướng chế độ bệnh dài ngày tối đa là 180 ngày (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần). Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau theo quy định trên mà người lao động vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH. Mức hưởng trợ cấp ốm đau được tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc cho 180 ngày đầu chữa trị. Từ ngày thứ 181 trở đi, mức hưởng được quy định như sau: Bằng 65% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BhXH từ đủ 30 năm trở lên; bằng 55% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; bằng 50% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm. Trong thời gian người lao động nghỉ hưởng chế độ ốm đau từ quỹ BHXH, doanh nghiệp không phải trả lương.

Cũng theo quy định tại điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, bao gồm:

– Bản chính hoặc Bản sao Giấy ra viện (nếu điều trị nội trú). Trường hợp điều trị ngoại trú phải có Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

– Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do người sử dụng lập.

Luật LVN Group xin gửi tới Quý khách hàng những thông tìn cần thiết xoay quanh chủ đề” Chế độ bảo hiểm xã hội cho người bệnh lao cần hồ sơ, giấy tờ gì?” Với bài viết trên, chúng tôi hy vọng rằng Quý khách hàng đã trả lời một phần nào những thắc mắc trước đó.

Trong trường hợp bạn còn bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến vấn đề này hay các vấn đề khác như lao động, hôn nhân và gia đình, doanh nghiệp,… cần giải đáp về mặt pháp lý các bạn đừng ngần ngại nhấc máy lên và gọi tới số tổng đài 1900.0191 để biết các câu trả lời từ các chuyên gia pháp lý và đội ngũ luật sự nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Chúng tôi rất hận hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng. Trân trọng!