1.Tôi sinh năm 1965 đến nay đã tròn 51 tuổi, đã đóng bảo hiểm được 27 năm 6 tháng. trình độ chuyên môn trung cấp, đang hưởng hệ số lương 3,13 ở địa bàn phụ cấp khu vực là 0,4. Khi doanh nghiệp cổ phần hóa tôi là lao động dôi dư thì được hưởng mức trợ cấp như thế nào?
2. Tôi có đồng thời vừa được hưởng chế độ trợ cấp cho lao động dôi dư khi doanh nghiệp cổ phần hóa, vừa được đi giám định sức khỏe để hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi hay không? và nếu được thì đơn vị nào là người giới thiệu đi giám định? cơ quan bảo hiểm hay doanh nghiệp?
3.Hoặc tôi có đồng thời được hưởng trợ cấp khi nghỉ việc và được chuyển bảo hiểm sang đơn vị khác để tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm nữa không?
Mong Luật sư của LVN Group trả lời sớm cho tôi được biết để kịp làm các thủ tục liên quan. Tôi chân thành cảm ơn!
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mụctư vấn luật lao động của công ty luật LVN Group.
Luật sư tư vấn luật lao động gọi: 1900.0191
Trả lời:
Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
I. Căn cứ pháp lý:
Bộ luật lao động số 10/2012/QH13
Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 của Quốc hội
Luật việc làm 2013 số 38/2013/QH13
Nghị định 63/2015/NĐ-CP Quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu
Quyết định 959/QĐ-BHXH thu bảo hiểm xã hội y tế thất nghiệp quản lý sổ bảo hiểm thẻ bảo hiểm y tế 2015
II. Nội dung phân tích:
1.Tôi sinh năm 1965 đến nay đã tròn 51 tuổi, đã đóng bảo hiểm được 27 năm 6 tháng. trình độ chuyên môn trung cấp, đang hưởng hệ số lương 3,13 ở địa bàn phụ cấp khu vực là 0,4. Khi doanh nghiệp cổ phần hóa tôi là lao động dôi dư thì được hưởng mức trợ cấp như thế nào?
Bạn đang làm việc cho một doanh nghiệp Nhà nước, đến nay doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa,bạn xếp vào diện lao động dôi dư nên căn cứ vào Nghị định số 63/2015/NĐ-CP Quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Do bạn không cung cấp thông tin rằng bạn được tuyển dụng vào làm việc tại công ty từ thời điểm nào, nhưng ước tính theo số năm đóng BHXH của bạn thì có thể ước tính bạn được tuyển dụng vào công ty từ khoảng năm 1989, căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị định 63/2015/NĐ-CP thì bạn thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định 63/2015/NĐ-CP:
“a) Người lao động có tên trong danh sách lao động thường xuyên của công ty thực hiện sắp xếp lại theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 1 Nghị định này được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21 tháng 4 năm 1998 (thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước), gồm:
– Người lao động đang làm việc tại thời điểm sắp xếp lại, công ty đã tìm mọi biện pháp nhưng không bố trí được việc làm;
– Người lao động không có việc làm (đang chờ việc), tại thời điểm sắp xếp lại, công ty không bố trí được việc làm;
– Người lao động trong công ty thực hiện sắp xếp lại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, tại thời điểm sắp xếp lại không bố trí được việc làm và không được giao khoán đất, giao khoán rừng.”
Căn cứ vào thông tin bạn cung cấp là hiện bạn mới 51 tuổi, không thuộc đối tượng được hưởng chế độ theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 3 Nghị định 63/2015/NĐ-CP nên bạn sẽ hưởng chế độ theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 63/201/NĐ-CP như sau:
“4. Người lao động dôi dư thuộc đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Nghị định này không đủ điều kiện hưởng chế độ quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ sau:
a) Trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động;
b) Hỗ trợ một khoản tiền cho mỗi năm làm việc tại công ty thực hiện sắp xếp lại như sau:
– Mức 1,5 tháng lương cơ sở do Chính phủ quy định đối với người lao động có thời gian làm việc dưới 20 năm;
– Mức 0,5 tháng lương cơ sở do Chính phủ quy định đối với người lao động có thời gian làm việc từ đủ 20 năm đến dưới 25 năm;
– Mức 0,2 tháng lương cơ sở do Chính phủ quy định đối với người lao động có thời gian làm việc từ đủ 25 năm trở lên.”
Như vậy, khi bạn nghỉ việc theo chế độ dôi dư thì bạn sẽ được hưởng trợ cấp mất việc làm và được hỗ trợ 1 khoản tiền cho mỗi năm làm việc, cứ 1 năm được hưởng là là 0.2 tháng lương cơ sở (do bạn đã làm việc tại công ty 27 năm 6 tháng).
Trợ cấp mất việc làm theoĐiều 49 của Bộ luật Lao động 2012 như sau:
“Điều 49. Trợ cấp mất việc làm
1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.”
2. Tôi có đồng thời vừa được hưởng chế độ trợ cấp cho lao động dôi dư khi doanh nghiệp cổ phần hóa, vừa được đi giám định sức khỏe để hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi hay không? và nếu được thì đơn vị nào là người giới thiệu đi giám định? cơ quan bảo hiểm hay doanh nghiệp?
Theo như thông tin bạn trình bày thì bạn sinh năm 1965 , năm nay đã đóng bảo hiểm xã hội được 27 năm 6 tháng và chưa đủ tuổi về hưu. Vậy đến năm 2016 theo Luật bảo hiểm xã hội 2014 bạn đã đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đủ tuổi về hưu.
Điều 55 Luật bảo hiểm năm 2014 quy định các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi bao gồm:
“1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên;
b) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.”.
Đến năm 2016 bạn 51 tuổi, đã đóng bảo hiểm được 27 năm 6 tháng, bạn có thể đi giám định mức suy giảm khả năng lao động để làm thủ tục về hưu trước tuổi (nếu đủ điều kiện).
Việc giám định sẽ do bạn tự làm hồ sơ thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 14/2016/TT-BYT mà không cần giấy giới thiệu từ người sử dụng lao động. Các chi phí liên quan đến việc tự đi giám định sẽ do bạn chi trả.
“4. Giám định để thực hiện chế độ hưu trí trước tuổi đối với người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng; giám định để thực hiện chế độ tử tuất; giám định đối với người lao động đã nghỉ hưu hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm mắc bệnh nghề nghiệp:
a) Giấy đề nghị giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau (nếu có): Tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy xác nhận khuyết tật hoặc giấy ra viện hoặc các giấy tờ khám, Điều trị các bệnh, thương tật, tật, bao gồm: sổ y bạ hoặc sổ khám bệnh hoặc đơn thuốc hoặc giấy hẹn khám lại hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án Điều trị ngoại trú.”
3. Hoặc tôi có đồng thời được hưởng trợ cấp khi nghỉ việc và được chuyển bảo hiểm sang đơn vị khác để tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm nữa không?
Bạn có quyền đồng thời được hưởng trợ cấp mất việc làm và được chuyển bảo hiểm sang đơn vị khác để tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm.
Về việc chuyển BHXH sang đơn vị khác:
Căn cứ khoản 3 Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012 thì khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng có nghĩa vụ như sau: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.” Như vậy, khi nghỉ việc thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho bạn. Mặt khác, khi bạn chuyển sang làm tại công ty mới, bạn phải chốt sổ ở công ty cũ để tiếp tục đóng BHXH ở công ty mới nhằm đảm bảo quyền lợi của bạn.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật lao động bảo hiểm qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận Tư vấn pháp luật Lao động.