Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế (gọi tắt là CISG 1980) cũng dành Mục 2 Chương V cho chế tài bồi thường thiệt hại. Bộ nguyên tắc của Unidroit (2) về hợp đồng thương mại quốc tế (sau đây gọi tắt là Bộ nguyên tắc Unidroit) dành Mục 4 Chương VII để thống nhất các vấn đề về bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, những quy định trên lại có những điểm khác biệt trong thuật ngữ, trong cách giải thích và trong thực tế áp dụng. Nằm trong nỗ lực hài hòa hóa pháp luật cho hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, bài viết sẽ phân tích những điểm còn khác biệt giữa những quy định trên.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:1900.0191
1. Sự khác biệt và bổ trợ giải thích cho nhau giữa ba văn bản pháp luật về chế tài bồi thường thiệt hại
Bồi thường thiệt hại là hình thức trách nhiệm do không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được tất cả các hệ thống pháp luật trên thế giới áp dụng (3). Luật Thương mại năm 2005 quy định về chế tài bồi thường thiệt hại tại Điều 302. Chế tài này sẽ được áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế khi luật điều chỉnh hợp đồng là pháp luật Việt Nam.
“Điều 302. Bồi thường thiệt hại
1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.
2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm(4)”.
Điều 74 CISG 1980 đưa ra khung cơ bản cho việc đền bù thiệt hại: “Thiệt hại do vi phạm hợp đồng của một bên là tổng số các tổn thất kể cả lợi tức bị mất, mà bên kia phải chịu do hậu quả của việc vi phạm hợp đồng. Những thiệt hại như vậy không thể vượt quá tổn thất mà bên vi phạm hợp đồng đã dự đoán được hoặc buộc phải dự đoán được trong thời điểm ký kết hợp đồng như là hậu quả có thể xảy ra của vi phạm hợp đồng đó, trên cơ sở các thông tin và tình tiết mà bên vi phạm hợp đồng đã biết hoặc phải biết vào thời điểm đó”(5). Bộ nguyên tắc Unidroit đưa ra những quy phạm chung cho hợp đồng thương mại quốc tế với mục tiêu thiết lập một bộ nguyên tắc cân bằng để áp dụng trên thế giới không phụ thuộc vào truyền thống pháp luật và điều kiện kinh tế xã hội của các nước. Bộ nguyên tắc này có Mục 4 Chương VII quy định về bồi thường thiệt hại.
1.1 Về phạm vi thiệt hại được đền bù
Khi xác định thiệt hại, cả ba nguồn luật trên đều giới hạn phạm vi thiệt hại được đền bù. Luật Thương mại Việt Nam quy định giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm hai loại là tổn thất thực tế, trực tiếp và khoản lợi đáng lẽ được hưởng. CISG 1980 thì quy định thiệt hại bao gồm những tổn thất. Khoản lợi đáng lẽ được hưởng (lợi tức bị mất) cũng được tính là tổn thất. Đối với phạm vi thiệt hại được bồi thường trên, Bộ nguyên tắc Unidroit có những quy định chi tiết hơn và phạm vi bồi thường rộng hơn(6). Cụ thể:
– Thứ nhất: Bộ nguyên tắc Unidroit ở Điều 7.4.2 quy định nguyên tắc bồi thường toàn bộ, bao gồm cả những thiệt hại vật chất (tổn thất và lợi ích bị mất đi) và cả những thiệt hại phi tiền tệ bắt nguồn đặc biệt từ nỗi đau thể chất hoặc tinh thần trong đó có thiệt hại do mất uy tín (loại thiệt hại mà bên bị thiệt hại đòi bồi thường trong một số tranh chấp điển hình7). CISG 1980 không có quy định cụ thể về loại thiệt hại này. Bên cạnh đó, tại Điều 5 CISG 1980 còn quy định loại trừ việc áp dụng Công ước cho những thiệt hại do người chết hoặc bị thương. Luật Thương mại 2005 Điều 302 không nói rõ phạm vi thiệt hại có bao gồm thiệt hại phi vật chất hay không, nhưng khi xét Điều 361 Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015 thì có thể thấy phạm vi bồi thường thiệt hại có bao gồm những thiệt hại này.
“Điều 361. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ
1. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
2. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
3. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể”(8).
Một loại chi phí cần được xem xét xem có thuộc phạm vi của thiệt hại được bồi thường hay không đó là chi phí Luật sư của LVN Group – vấn đề gây nhiều tranh cãi trong nhiều năm gần đây, khi mà cả ba nguồn luật trên đều không có quy định chi tiết. Và thực tiễn khi nghiên cứu các phán quyết về những tranh chấp thương mại điển hình, có thể thấy rằng những yêu cầu về bồi thường chi phí Luật sư của LVN Group thường bị bác (một phần nguyên nhân là bên bị thiệt hại không đưa ra được các chứng cứ chứng minh)(9).
– Thứ hai: Bộ nguyên tắc Unidroit còn có những điểm chi tiết hơn so với hai nguồn luật còn lại nữa là việc tính đến khoản lợi cho bên có quyền từ một khoản chi phí hay tổn thất tránh được với mục đích làm cho việc bồi thường thiệt hại không được làm lợi cho bên có quyền. Trong khi đó, CISG 1980 không có quy định cụ thể về vấn đề này. Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 cũng không có quy định cụ thể. Tuy nhiên Điều 229 của Luật Thương mại Việt Nam cũ năm 1997 lại có ghi nhận: “Số tiền bồi thường thiệt hại không thể cao hơn giá trị tổn thất và khoản lợi đáng lẽ được hưởng”(10) với mục đích là để việc bồi thường thiệt hại không được làm lợi cho bên có quyền mặc dù không đưa ra được cách tính cụ thể như Bộ nguyên tắc Unidroit.
1.2 Về tính dự đoán trước của thiệt hại
CISG 1980 theo thuyết tính dự đoán trước của thiệt hại khi nêu cụ thể rằng thiệt hại phải là những tổn thất mà bên vi phạm hợp đồng đã dự đoán được hoặc buộc phải dự đoán trước được trong thời điểm ký kết hợp đồng như là hậu quả có thể xảy ra đối với vi phạm hợp đồng đó. Bộ nguyên tắc Unidroit cũng có những quy định cụ thể về tính dự đoán trước của thiệt hại ở Điều 7.4.4: “Bên có nghĩa vụ chỉ chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại mà mình đã dự đoán trước hoặc đã có thể dự đoán trước một cách hợp lý, vào thời điểm giao kết hợp đồng như một hậu quả có thể xảy ra từ việc không thực hiện”.
Xét quy định của Luật Thương mại Việt Nam, chúng tôi thấy rằng, Điều 302 có quy định về tính trực tiếp, thực tế của thiệt hại mà không nói rõ về tính dự đoán trước. Một số học giả cho rằng, thiệt hại theo quy định của Luật Thương mại 2005 là có tính dự đoán trước(11). Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, chúng tôi thấy rằng từ tính trực tiếp, thực tế (với nghĩa tương đương với tính xác thực của thiệt hại – “certainty of damages” theo Bộ nguyên tắc Unidroit) mà suy luận ra tính dự đoán trước thì còn nhiều vấn đề cần bàn luận. Bởi vì:
– Thứ nhất: Tính xác thực, trực tiếp của thiệt hại và tính dự đoán trước của thiệt hại không phải là một. Ví dụ rõ ràng là Bộ nguyên tắc Unidroit có hai điều luật riêng biệt về hai tính chất này là Điều 7.4.3 và 7.4.4;
– Thứ hai: Mặc dù từ tính dự đoán trước có thể suy rộng ra tính xác thực của thiệt hại như trường hợp của CISG 198012, việc suy luận ngược lại rằng từ tính trực tiếp, xác thực mà hiểu thêm có tính dự đoán trước thì cần phải có thêm lý giải xác đáng. Mặc dù nếu thiệt hại là thực tế, trực tiếp thì thiệt hại đó phải có mối quan hệ nhân quả với hành vi vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, vì thiệt hại có mối quan hệ nhân quả nên nó có tính dự đoán trước là một điều chưa chắc. Bởi vì không phải thiệt hại có mối quan hệ nhân quả nào bên vi phạm cũng có thể dự liệu trước;
– Thứ ba: Một số nước trên thế giới ví dụ như Pháp không giới hạn mức thiệt hại được đền bù trong phạm vi dự đoán trước13. Như vậy, tính xác thực không nhất thiết phải đi cùng tính dự đoán trước.
1.3 Về giá trị tính toán của các khoản bồi thường thiệt hại
CISG 1980 và Bộ nguyên tắc Unidroit có phương thức tính toán thiệt hại gần giống nhau trong trường hợp hợp đồng bị hủy. Điều 75 CISG 1980 đưa ra cách tính toán thiệt hại trong trường hợp hợp đồng bị hủy và bên bị vi phạm đã ký một hợp đồng thay thế. Lúc này bên bị thiệt hại sẽ được bồi thường khoản chênh lệch giữa giá theo hợp đồng và giá của giao dịch thay thế. Điều 76 đưa ra cách tính toán thiệt hại trong trường hợp hủy hợp đồng nhưng bên bị thiệt hại đã không ký hợp đồng thay thế. Bộ nguyên tắc Unidroit cũng có những điều khoản tương tự là Điều 7.4.5 và 7.4.6.
Tuy nhiên, không tìm thấy những quy định tương tự như vậy trong Luật Thương mại Việt Nam mặc dù trong thực tế cách tính toán thiệt hại như trên là khá thông dụng(14).
1.4 Về nghĩa vụ chứng minh thiệt hại
Điều 302 Luật Thương mại Việt Nam quy định nghĩa vụ này thuộc về bên yêu cầu bồi thường thiệt hại. Họ phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Bộ nguyên tắc Unidroit thì đòi hỏi ở Điều 7.4.3 rằng “những thiệt hại chỉ được bồi thường khi chúng được thiết lập với một mức độ hợp lý về tính xác thực”. Bộ nguyên tắc của Unidroit còn quy định thêm trường hợp “khi không thể thiết lập với một mức độ đầy đủ tính xác thực về khoản tiền bồi thường thì thiệt hại được xác định tùy theo Tòa án”. Về vấn đề trên, CISG 1980 như đã đề cập không quy định về tính xác thực của thiệt hại15 và cũng không xác định mức độ mà bên bị thiệt hại cần chứng minh về tổn thất được đền bù.
1.5 Về đồng tiền tính toán thiệt hại
Cả Luật Thương mại Việt Nam và CISG 1980 đều không có điều khoản về đồng tiền dùng để tính toán thiệt hại. Tuy nhiên, Bộ nguyên tắc Unidroit có Điều 7.4.12 quy định về đồng tiền thanh toán thiệt hại như sau: “Thiệt hại được tính bằng đồng tiền quy định trong điều khoản về nghĩa vụ thanh toán, hoặc bằng đồng tiền tại nơi thiệt hại phát sinh tùy theo đồng tiền nào thích hợp nhất”.
1.6 Về điều khoản tiền lãi
CISG 1980 có Điều 78 quy định về việc tính lãi trên khoản tiền chưa trả và không xác định cụ thể cách tính lãi suất nợ “Nếu một bên hợp đồng không thanh toán tiền hàng hoặc một khoản tiền nào đó thì bên kia có quyền được hưởng tiền lãi tính trên khoản tiền đó mà không ảnh hưởng đối với bất cứ yêu cầu nào về bồi thường thiệt hại có thể nhận được theo quy định của Điều 74”. Trong khi đó Bộ nguyên tắc Unidroit lại có một điều khoản chi tiết về tiền lãi từ việc không thanh toán (Điều 7.4.9) với việc xác định tỷ lệ lãi suất trung bình cho vay ngắn hạn của ngân hàng cho đồng tiền thanh toán của hợp đồng… Bên cạnh đó, Điều 7.4.10 của Bộ nguyên tắc còn quy định cụ thể về tiền lãi khoản tiền bồi thường thiệt hại “Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, tiền bồi thường thiệt hại do không thực hiện nghĩa vụ không phải là nghĩa vụ thanh toán làm phát sinh tiền lãi từ ngày không thực hiện”.
Ở đây, do CISG 1980 không quy định cụ thể cách xác định lãi suất, nên có thể áp dụng mức lãi suất của Bộ nguyên tắc Unidroit để giải quyết câu hỏi đặt ra bởi CISG 198016. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng chung lại thường sử dụng luật quốc gia điều chỉnh hợp đồng để ấn định mức lãi suất phù hợp hơn là lãi suất của Bộ nguyên tắc Unidroit(17).
Theo Luật Thương mại Việt Nam 2005, Điều 306 quy định về tiền lãi: “Trong trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Ở đây, có thể nhận thấy sự khác biệt của Luật Thương mại Việt Nam trong việc sử dụng lãi suất nợ quá hạn so với lãi suất vay của Bộ nguyên tắc Unidroit – loại lãi suất bị cho là trong một số trường hợp đã bồi thường vượt quá cho bên bị vi phạm(18) và không được áp dụng phổ biến so với lãi suất tiết kiệm(19). Một sự khác biệt thứ hai có thể nhận thấy là sự đổi thay về lãi suất của Điều 306 Luật Thương mại 2005 so với Điều 233 Luật Thương mại cũ năm 1997. Tiền lãi theo Điều 306 được tính theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường, khác với lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định vào thời điểm thanh toán trong Điều 233 Luật Thương mại Việt Nam cũ năm 1997: “… thì bên kia có quyền đòi lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả…”. Việc áp dụng mức lãi suất thị trường của Luật Thương mại 2005 xem ra là hợp lý bởi vì phương pháp này sẽ đặt bên bị vi phạm vào vị trí như là họ đã đầu tư khoản tiền này trên thị trường(20).
2. Kiến nghị hoàn thiện chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật thương mại Việt Nam tương thích với Luật thương mại quốc tế
Trên thế giới, việc sử dụng Bộ nguyên tắc Unidroit để bổ trợ giải thích Công ước Viên là phổ biến. Tuy nhiên ở Việt Nam, việc sử dụng Bộ nguyên tắc Unidroit và Công ước Viên như những nguồn tập quán quốc tế để giải thích luật thương mại nói chung và chế tài bồi thường thiệt hại nói riêng là một quan điểm chưa được thừa nhận rộng rãi. Theo tư duy phổ biến hiện nay, đối với những vấn đề mà luật thương mại (luật chuyên ngành) chưa điều chỉnh thì sẽ áp dụng Bộ luật Dân sự (đạo luật mẹ) để giải thích(21). Nhưng điều này chỉ được thừa nhận áp dụng phổ biến đối với quan hệ thương mại quốc nội. Còn đối với hợp đồng thương mại quốc tế, điều này có áp dụng không? Và cho dù có áp dụng, chế tài bồi thường thiệt hại trong Bộ luật Dân sự cũng không bao quát được hết các vấn đề của thương mại quốc tế. Trong bối cảnh đó, quy định về chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại cần bổ sung thêm một số điểm để đảm bảo tính rõ ràng và tương thích với pháp luật quốc tế:
– Thứ nhất: Cần giới hạn rõ phạm vi thiệt hại được bồi thường cho hợp đồng thương mại, quy định rõ phạm vi bồi thường có bao gồm những thiệt hại phi tiền tệ hay không, nếu có thể nên liệt kê rõ những thiệt hại phi tiền tệ được bồi thường nếu có chứng cớ xác đáng như thiệt hại do mất uy tín, thiệt hại do người chết, bị thương… đến những thiệt hại khác như chi phí Luật sư của LVN Group, dịch thuật… Và thiệt hại có tính đến mọi khoản lợi cho bên có quyền từ một khoản chi phí hay tổn thất tránh được hay không.
– Thứ hai: Quy định rõ thiệt hại là có tính dự đoán trước bên cạnh tính thực tế, trực tiếp.
– Thứ ba: Quy định thêm cách tính toán thiệt hại trong trường hợp hợp đồng bị hủy với hai khả năng là bên bị vi phạm đã ký hợp đồng thay thế hoặc không như cách tính toán thiệt hại với hai khả năng trên của Công ước Viên và Bộ nguyên tắc Unidroit.
– Thứ tư: Quy định rõ về đồng tiền tính toán thiệt hại là đồng tiền quy định trong điều khoản nghĩa vụ thanh toán hoặc đồng tiền tại nới thiệt hại phát sinh tùy theo đồng tiền nào thích hợp nhất.
– Thứ năm: Xác định rõ có tính tiền lãi trên khoản tiền bồi thường thiệt hại như quy định tại Điều 7.4.10 của Bộ nguyên tắc Unidroit hay không.
Tuy nhiên cần chú ý rằng, vì chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại Việt Nam trước hết là được áp dụng đối với quan hệ thương mại quốc nội. Việc điều chỉnh nó theo khuynh hướng áp dụng cho quan hệ thương mại quốc tế như trên chưa hẳn là xác đáng. Sự lựa chọn hợp lý nhất, theo chúng tôi, là khi Luật Thương mại Việt Nam được áp dụng cho một hợp đồng thương mại quốc tế, nên giải thích áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại này theo hướng điều chỉnh trên và để đảm bảo tính tổng quan, nên thừa nhận việc áp dụng Công ước Viên là Bộ nguyên tắc Unidroit để bổ trợ giải thích Luật Thương mại nói chung và chế tài bồi thường thiệt hại nói riêng.
(1)Xem thêm 50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc, Trung tâm trọng tài quốc tế VIAC, Hà nội, 2002.
(2)Unidroit: Viện quốc tế về nhất thể hoá pháp luật tư (BT) .
(3)Xem Giáo trình luật hợp đồng thương mại quốc tế, Nxb. Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2007, tr.57.
(4) Luật Thương mại Việt Nam 2005, Nxb. Lao động – xã hội, 2005, tr. 143.
(5) Xem John Y. Gotanda, Using the UNIDROIT principles to fill gaps in the CISG, Hart Publishing, 2008, tr.6,10.
(6) Xem John Y. Gotanda, Using the UNIDROIT principles to fill gaps in the CISG, Hart Publishing, 2008, tr.6,10.
(7) Xem thêm 50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc, Trung tâm trọng tài quốc tế VIAC,Hà nội, 2002, tr.40
(8) Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015, Nxb. Chính trị quốc gia,
(9) Xem thêm 50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc, Trung tâm trọng tài quốc tế VIAC,Hà nội, 2002.
(10) Luật Thương mại Việt Nam cũ năm 1997, Nxb. Chính trị quốc gia, 2003.
(11) Xem thêm Phạm Duy Nghĩa, Tìm hiểu Luật Thương mại Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000, tr.108; Xem thêm Giáo trình luật hợp đồng thương mại quốc tế, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2007, tr.58.
(12)Xem John Y. Gotanda, Using the UNIDROIT principles to fill gaps in the CISG, Hart Publishing, 2008, “Công ước CISG không quy định về tính xác thực của thiệt hại. Trong bài viết, tác giả đã biện luận giải thích tính dự đoán trước cần mối quan hệ nhân quả, từ đó mà thiệt hại là xác thực”.
(13) Xem thêm Giáo trình luật hợp đồng thương mại quốc tế, Nxb. Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2007, tr.58.
(14) Xem thêm 50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc, Trung tâm trọng tài quốc tế VIAC,Hà nội, 2002, tr.70.
(15) Xem John Y. Gotanda, Using the UNIDROIT principles to fill gaps in the CISG, Hart Publishing, 2008, tr.20.
(16) Xem John Y. Gotanda, Using the UNIDROIT principles to fill gaps in the CISG, Hart Publishing, 2008, tr.14.
(17) Xem John Y. Gotanda, Using the UNIDROIT principles to fill gaps in the CISG, Hart Publishing, 2008, tr.18; Xem thêm 50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc, Trung tâm trọng tài quốc tế VIAC,Hà nội, 2002, phán quyết số 9 “Tranh chấp hợp đồng mua bán thép”, tr.72.
(18) Xem John Y. Gotanda, Using the UNIDROIT principles to fill gaps in the CISG, Hart Publishing, 2008, tr.19.
(19) Xem thêm án lệ Công ước ICSID số ARB/96/1 (2000), http://www.worldbank.org/icsid/cases/awards.htm.
(20) Xem thêm án lệ Công ước ICSID số ARB/96/1 (2000), http://www.worldbank.org/icsid/cases/awards.htm.
(21) Xem Nguyễn Bá Bình, Bàn về nội hàm khái niệm và tính hợp pháp của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, Tạp chí Khoa học pháp lý số 1/2008, tr.34.
Nguyễn Thị Hồng Trinh – Giảng viên Khoa Luật, Đại học Huế
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp
3. Cập nhật
Ngày 24/11/2015, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Việt Nam Trương Tấn Sang ký ban hành Quyết định số 2588/2015/QĐ-CTN chính thức đưa nước ta gia nhập CISG 1980. Như vậy, CISG 1980 sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 01/01/2017, cùng ngày có hiệu lực của BLDS năm 2015. Cũng kể từ ngày 01/01/2017, các doanh nghiệp Việt Nam có thêm lựa chọn mới trong việc chọn luật áp dụng khi giao kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến điều khoản bảo lưu của Việt Nam khi gia nhập CISG 1980, đó là “các quy định về hình thức của hợp đồng tại Điều 11, Điều 29 và Phần II của Công ước”. Như thế, đối với các hợp đồng hàng hóa quốc tế, các doanh nghiệp phải tuân thủ quy định về hình thức của loại hợp đồng này là “hợp đồng bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương” (khoản 2 Điều 27 Luật thương mại năm 2005), “hình thức khác có giá trị tương đương văn bản” gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật (khoản 15 Điều 3 Luật thương mại năm 2005).
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến thư tín dụng (Letter on Credit – viết tắt là L/C) để bảo đảm quyền lợi của mình. Thư tín dụng được hiểu là một văn bản do ngân hàng phát hành theo yêu cầu của khách hàng (người nhập khẩu) cam kết trả một số tiền nhất định trong một thời hạn nhất định cho người thụ hưởng (người xuất khẩu) khi người này xuất trình một bộ chứng từ hợp lệ với các yêu cầu của thư tín dụng. Pháp luật Việt Nam quy định việc thực hiện dịch vụ thanh toán thư tín dụng là một nghiệp vụ của tổ chức tín dụng (điểm b khoản 1 Điều 14 Nghi định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt) và “Chủ tài khoản được sử dụng tài khoản thanh toán để nộp, rút tiền mặt và yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản như: cung ứng phương tiện thanh toán, thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ và các dịch vụ gia tăng khác phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành; Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hướng dẫn khách hàng các nguyên tắc và điều kiện sử dụng tài khoản thanh toán trong trường hợp giao dịch theo phương thức truyền thống hoặc giao dịch điện tử phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo có đủ thông tin cần thiết để kiểm tra, đối chiếu và nhận biết khách hàng, trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán” (khoản 1 Điều 15 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán). Như vậy, các doanh nghiệp trước khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế với tư cách là bên mua cần làm việc với một ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nào đó để nhận được những tư vấn đầy đủ về thư tín dụng.
Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu Án lệ số 13/2017/AL về hiệu lực thanh toán của thư tín dụng (L/C) trong trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của L/C bị hủy bỏ:
– Tình huống án lệ:
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thỏa thuận phương thức thanh toán bằng thư tín dụng (L/C), thỏa thuận thực hiện L/C theo tập quán thương mại quốc tế (Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ lần thứ 6 năm 2007 (UCP 600) của Phòng Thương mại Quốc tế) và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của L/C bị hủy bỏ.
– Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải xác định thư tín dụng (L/C) không bị mất hiệu lực thanh toán vì lý do hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là cơ sở của thư tín dụng (L/C) bị hủy bỏ.
Như vậy, trong trường hợp L/C phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam thì dù hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế bị hủy bỏ, nhưng L/C vẫn không bị mất hiệu lực thanh toán.
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)