1. Chiết khấu là gì ?

Chiết khấu là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong kinh doanh được hiểu  là việc doanh nghiệp giảm giá niêm yết của sản phẩm / dịch vụ theo một tỷ lệ phần trăm nhất định. Nói một cách đơn giản, chiết khấu là một khoản giảm giá hoặc nhượng bộ về giá. Chiết khấu được đưa ra để khuyến khích người mua đặt hàng và thanh toán.

Trong các giao dịch kinh doanh, chiết khấu cũng có thể được coi là  một khoản khấu trừ trong giá cả. Người bán trừ một phần trong tổng giá và người mua  phải trả số tiền ròng còn lại.

Ví dụ: Nếu khách hàng mua hàng có hóa đơn thanh toán trên 1 triệu sẽ được chiết khấu 20%. Như vậy để đạt được chiết khấu 20% người tiêu dùng đáng lẽ sẽ chỉ mua sản phẩm tiêu dùng nhưng sẽ cố mua thêm một số sản phẩm khác để hưởng chiết khấu.

 

2. Chiết khấu ngân hàng là gì ?

Chiết khấu ngân hàng là một nghiệp vụ tín dụng ngắn hạn của ngân hàng thương mại, trong đó khách hàng chuyển nhượng quyền sở hữu những giấy tờ có giá chưa đến hạn thanh toán cho ngân hàng thương mại để nhận lấy một  khoản tiền bằng giá trị đến hạn trừ đi lợi tức chiết khấu và hoa hồng phí.

Hiểu một cách đơn giản, chiết khấu là mua giấy tờ có giá ngắn hạn thấp hơn mệnh giá và thanh toán theo mệnh giá khi đến hạn thanh toán.

Còn theo Luật các tổ chức tín dụng 47/2010/QH12, chiết khấu được định nghĩa như sau:

Chiết khấu là việc mua có kỳ hạn hoặc mua có bảo lưu quyền truy đòi các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của người thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán.

Trong chiết khấu, tỷ lệ chiết khấu giữa giá phải trả và giá trị danh nghĩa của những giấy tờ có giá (như hối phiếu hay trái phiếu) là lãi suất nhận được về khoản cho vay để đổi lấy vật đảm bảo là giấy tờ có giá.

Ví dụ: Nếu một trái phiếu có giá danh nghĩa là 10.000 đồng, có thời hạn thanh toán một năm được mua với giá 9.000 đồng, thì 1.000 đồng chiết khấu so với giá phải trả khi mua biểu thị lãi suất (tỷ lệ chiết khấu) là 1000/9000 = 11,1% đối với khoản cho vay đó.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến vấn đề chiết khấu theo quy định của pháp luật Việt Nam, vui lòng liên hệ với: Luật sư tư vấn pháp luật ngân hàng, tài chính trực tuyến, gọi số: 1900.0191

 

3. Các loại giấy tờ được thực hiện chiết khấu

Điều 6 Thông tư 04/2013/TT-NHNN quy định các loại giấy tờ có giá mà tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được lựa chọn chiết khấu cụ thể như sau:

Điều 6. Loại công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác được chiết khấu

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lựa chọn chiết khấu các công cụ chuyển nhượng phát hành ở Việt Nam hoặc phát hành ở nước ngoài được chuyển nhượng ở Việt Nam, bao gồm:

a) Hối phiếu đòi nợ;

b) Hối phiếu nhận nợ;

c) Séc;

d) Các loại công cụ chuyển nhượng khác được chiết khấu theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lựa chọn chiết khấu các loại giấy tờ có giá khác bao gồm:

a) Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước;

b) Trái phiếu Chính phủ;

c) Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;

d) Trái phiếu Chính quyền địa phương;

đ) Kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

e) Kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu do tổ chức khác phát hành và được chiết khấu theo quy định của pháp luật hiện hành.

 

4. Các hình thức chiết khấu

Trong hoạt động tín dụng ngân hàng, chiết khấu được thực hiện chủ yếu theo 2 hình thức sau đây:

–  Mua có kỳ hạn giấy tờ có giá: Hình thức này được hiểu là việc ngân hàng mua và nhận chuyển nhượng quyền sở hữu giấy tờ có giá chưa đến hạn thanh toán từ khách hàng. Khách hàng cam kết sẽ mua lại giấy tờ có giá đó sau một khoảng thời gian xác định tại hợp đồng chiết khấu.

–  Mua có bảo lưu quyền truy đòi giấy tờ có giá: Tức là ngân hàng mua và nhận quyền sở hữu giấy tờ có giá chưa đến hạn thanh toán từ khách hàng, khách hàng có trách nhiệm hoàn trả đối với số tiền chiết khấu, lãi chiết khấu và các chi phí hợp pháp khác có liên quan đến hoạt động chiết khấu.

 

 5. Cách tính lãi suất chiết khấu trong hoạt động ngân hàng

Trong hoạt động ngân hàng, lãi suất chiết khấu là mức lãi suất do ngân hàng nhà nước áp dụng khi cho vay. Đối tượng cho vay là các ngân hàng thương mại. Theo đó, khi hoạt động sẽ có trường hợp cần vay tiền từ ngân hàng trung ương, nhất là khi tỷ lệ tiền mặt dự trữ của ngân hàng không thể đảm bảo an toàn. Lúc này ngân hàng thương mại sẽ xem xét vay tiền tránh xảy ra tình huống khách hàng rút tiền.

Bởi vậy mà lãi chiết khấu được xem là một công cụ trong chính sách tiền tệ và là căn cứ quan trọng với ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại.

Lãi suất chiết khấu được tính bằng 2 phương pháp sau:

–  Chi phí huy động vốn (funding cost)

Tính lãi suất chiết khấu bằng chi phí huy động vốn có nghĩa là tỷ lệ lợi tức người bỏ vốn mong muốn thu lại từ dự án. Tức là lãi suất chiết khấu chính là chi phí sử dụng vốn, hay chi phí cơ hội của vốn.

Ví dụ: Nếu bạn rút tiền tiết kiệm với lãi suất 5% để đầu tư thì có thể tính lãi suất chiết khấu là 5%.

–  Trung bình trọng số chi phí vốn (Weighted Average Cost of Capital – WACC)

WACC = chi phí sử dụng vốn trung bình của doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp có 2 nguồn gọi vốn chính là: 

– Vay thương mại: Tức là chi phí của khoản nợ (cost of debt) là lãi suất của khoản vay (1-tax)*lãi suất; 

– Vốn góp cổ đông: Tức là chi phí vốn cổ phần (cost of equity) là thu nhập mong muốn của cổ đông.

WACC có thể tính bằng chi phí sử dụng trung bình của hai nguồn vốn trên theo công thức:

WACC = re * E / (E+D) + rD(1-TC) * D / (E+D)

Trong đó:

  • re: tỷ suất thu nhập mong muốn của cổ đông
  • rD: lãi suất mong muốn của chủ nợ
  • E: giá thị trường cổ phần của công ty
  • D: giá thị trường nợ của công ty
  • TC: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
  • re = [Div0 * (1+g) / P0] + g

Trong đó:

  • P0 là giá cổ phiếu của doanh nghiệp tại thời điểm gốc
  • Div0 là cổ tức của cổ phiếu doanh nghiệp tại thời điểm gốc
  • g: tỷ lệ tăng trưởng dự kiến của cổ tức.

 

6. Tác động của lãi suất chiết khấu trong hoạt động ngân hàng

Lãi suất chiết khấu có vai trò rất quan trọng trong hoạt động ngân hàng, do ngân hàng trung ương quyết định. Nó không chỉ tác động đến ngân hàng thương mại mà còn tác động đến cả ngân hàng Trung ương. Theo đó:

– Tác động đối với ngân hàng thương mại:

Lãi suất chiết khấu ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ dự trữ tiền mặt của các ngân hàng. Ngân hàng thương mại sẽ luôn so sánh lãi suất chiết khấu với lãi suất thị trường để quyết định giảm hay tăng tỷ lệ dự trữ. Cụ thể:

+ Nếu lãi chiết khấu cao hơn thì ngân hàng thương mại sẽ không thể để tỷ lệ tiền dự trữ quá thấp. Đặc biệt, cần tránh tỷ lệ tiền dự trữ chạm mốc an toàn

+ Nếu lãi chiết khấu bằng hay thấp hơn lãi suất thị trường thì ngân hàng có thể thoải mái cho vay. Ngân hàng thương mại chỉ cần dừng lại ở mức tỷ lệ an toàn tối thiểu. Nếu thiếu tiền mặt ngân hàng hoàn toàn có thể vay từ ngân hàng nhà nước.

– Tác động đối với ngân hàng Trung ương: 

Ngân hàng Trung ương sẽ quy định lãi chiết khấu để điều tiết cung tiền. Cụ thể:

+ Nếu ngân hàng muốn tăng lượng cung tiền thì sẽ giảm lãi suất cho vay. 

+ Nếu ngân hàng muốn giảm lượng cung tiền thì sẽ tăng lãi chiết khấu. Bởi khi lãi chiết khấu tăng thì ngân hàng thương mại sẽ giảm cho vay.

Đặc biệt, Ngân hàng Trung ương sử dụng hình thức cho vay chiết khấu không chỉ để kiểm soát cung ứng tiền tệ, mà còn là giải pháp giúp đỡ các tổ chức tài chính khi họ rơi vào tình thế khó khăn. Theo đó, với một tiền cơ sở nhất định:

+ Nếu quy định lãi suất chiết khấu cao hơn lãi suất thị trường, ngân hàng trung ương có thể buộc các ngân hàng thương mại phải dự trữ tiền mặt bổ sung khiến cho số nhân tiền tệ giảm xuống (vì tỉ số của tiền gửi so với tiền mặt giảm) để làm giảm lượng cung tiền.

+ Còn khi lãi suất chiết khấu giảm xuống thì các ngân hàng thương mại có thể giảm tỷ lệ dự trữ tiền mặt và do vậy số nhân tiền tệ tăng lên dẫn đến tăng lượng cung tiền.

 

7. Ưu nhược điểm của việc chiết khấu trong hoạt động ngân hàng

Trong hoạt động ngân hàng, nghiệp vụ chiết khấu có những ưu điểm nhất định nhưng đồng thời cũng tồn tại một số nhược điểm có tác động và mang lại những rủi ro.

Ưu điểm:

+ Đây là một nghiệp vụ ít rủi ro, khả năng thu hồi nợ của ngân hàng là chắc chắn. 

+ Chiết khấu là hình thức tín dụng khá đơn giản, ít phiền phức đối với ngân hàng, bởi thủ tục và quy trình cho vay khá đơn giản.

+ Chiết khấu không làm “đóng băng vốn” của ngân hàng

+ Thời hạn chiết khấu ngắn (thường nhỏ hơn 90 ngày) và ngân hàng thương mại có thể khá dễ dàng xin tái chiết khấu hối phiếu ở Ngân hàng có nhu cầu về vốn. 

+ Tiền cấp cho khách hàng khi chiết khấu thường được chuyển vào tài khoản tiền gửi của khách hàng. Cho nên nó lại tạo nguồn vốn cho ngân hàng.

Nhược điểm:

– Ngân hàng có khi phải nhận chiết khấu những hối phiếu giả mạo, có nghĩa là những hối phiếu không thực sự xuất phát từ một quan hệ thương mại do một số người tự ý phát hành giả để lừa đảo ngân hàng.

– Người chịu trách nhiệm thanh toán giấy tờ có giá bị mất khả năng thanh toán trước và khi giấy tờ có giá đến hạn thanh toán. Đây được xem là một rủi ro tín dụng thường xảy ra.

Trên đây là toàn bộ tổng hợp và phân tích của công ty luật LVN Group. Trường hợp trong nội dung bài viết có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung bài viết khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.