Cơ sở pháp lý được sử dụng trong bài viết:

–  Bộ luật lao động năm 2019;

– Luật bảo hiểm xã hội năm 2014;

– Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015;

– Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19;

– Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. 

 

1. Những khái niệm liên quan

a. Hợp đồng lao động 

Theo Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 đã định nghĩa về hợp đồng lao động như sau:

– Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Theo đó, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động liên quan đến các yếu tố việc làm có trả công, trả lương; điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của các bên.

Cùng với đó, dù không trực tiếp đặt tên là hợp đồng lao động nhưng lại có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương  và có sự quản lý, giám sát, điều hành của người sử dụng lao động thì thỏa thuận đó cũng được coi là hợp đồng.

Quy định này được đặt ra nhằm tránh trường hợp các bên trốn các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật bằng cách dùng tên gọi khác như hợp đồng thời vụ, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng chuyên gia,… nhưng lại mang tính chất của hợp đồng lao động.

Cũng theo khoản 2 Điều này, các bên sẽ phải ký hợp đồng lao động trước khi người sử dụng lao động nhận người lao động vào làm việc.

b. Người lao động

Theo Bộ Luật Lao Động 2019, người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo một thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành và giám sát của người sử dụng lao động. Mặt khác, Bộ Luật Lao Động 2012 định nghĩa người lao động là người làm việc theo “hợp đồng lao động”. Do đó, theo Bộ Luật Lao Động 2012, một cá nhân làm việc cho công ty theo hợp đồng không có tên là “hợp đồng lao động” có thể lập luận rằng mình không phải là người lao động của công ty. Tuy nhiên, lập luận như vậy có thể không áp dụng được theo Bộ Luật Lao Động 2019 nếu có thể xác định được rằng có sự thỏa thuận giữa công ty và cá nhân và cá nhân đó bị công ty quản lý, điều hành và giám sát.

c. Người sử dụng lao động

Theo Khoản 2 Điều 3 Bộ luật lao động năm 2019:

“Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.”

Theo đó, người sử dụng lao động có thể là cá nhân, tổ chức nói chung (doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình). Riêng đối với cá nhân là người sử dụng lao động phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tức là:

– Là người thành niên, từ đủ 18 tuổi trở lên (Người chưa thành niên không thể trở thành người sử dụng lao động)

– Không bị mất năng lực hành vi dân sự, tức không mắc các bệnh thần kinh hoặc bệnh khác khiến không thể nhận thức và làm chủ hành vi và bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

– Không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, tức nghiện ma túy và các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản và bị Tòa án tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

– Không phải người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, tức do tình trạng thể chất hoặc tinh thần gặp khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức bị mất năng lực hành vi dân sự và bị Tòa án tuyên bố là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

 

2. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

Theo Điều 17 của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 quy định về “Đối tượng, điều kiện hỗ trợ” như sau:

Người lao động được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

– Làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.

– Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng trước liền kề tháng người lao động ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động.

 

3. Mức hỗ trợ và phương thức chi trả

Tại Điều 18 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 quy định: 

– Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người.

– Người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.

– Phương thức chi trả: Trả 01 lần cho người lao động.

 

4. Hồ sơ đề nghị

Hồ sơ đề nghị gồm có:

– Bản sao văn bản yêu cầu cách ly của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.

– Danh sách người lao động có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh người lao động đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 18 Quyết định này.

 

5. Trình tự, thủ tục thực hiện

– Người sử dụng lao động đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội. Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

– Người sử dụng lao động gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 19 Quyết định này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 01 năm 2022.

– Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

– Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

– Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người sử dụng lao động thực hiện chi trả cho người lao động.

=> Như vậy, tại Mục II.5 Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 quy định về chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc như sau:

Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc

Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.

Theo Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương tạm ngừng việc như sau:

– Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

=> Như vậy, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải ngừng việc do dịch COVID-19 được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định trích dẫn nêu trên và được hưởng lương ngừng việc theo quy định của pháp luật.

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật LVN Group (Sưu tầm và biên tập).