Chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được quy định tại Nghị định 106/2021/NĐ-CP được ban hành ngày 06/12/2021 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 21/01/2022, cụ thể như sau:
1. Chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng
Điều 4 Nghị định 106/2021/NĐ-CP quy định những chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng gồm có:
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo có thời gian từ 05 năm trở lên nếu có nhu cầu chuyển gia đình đến định cư ổn định cuộc sống lâu dài ở khu vực biên giới, hải đảo được chính quyền địa phương nơi chuyển đến ưu tiên giao đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai; hỗ trợ về chỗ ở, nhà ở cho gia đình, việc làm cho vợ hoặc chồng của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng và được hưởng các chế độ, chính sách khác theo quy định.
– Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ngoài được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác trong Quân đội còn được hưởng phụ cấp trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo trong thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, hải đảo.
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng đang có thời gian công tác liên tục từ đủ 05 năm trở lên ở khu vực biên giới đất liền, đảo, quần đảo, hàng tháng được hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo. Trường hợp chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo được quy định tại nhiều văn bản thì chỉ được hưởng một mức cao nhất của chế độ, chính sách đó.
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Bộ đội Biên phòng khi làm cán bộ tăng cường xã biên giới nơi có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, hàng tháng được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm và chế độ bồi dưỡng sức khỏe hàng năm tăng thêm theo quy định của pháp luật.
Như vậy Bộ đội Biên phòng được hưởng những ưu đãi sau:
1.1 Được ưu tiên giao đất ở khi có nhu cầu
Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo được chính quyền địa phương nơi chuyển đến ưu tiên giao đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai; hỗ trợ về chỗ ở, nhà ở cho gia đình, việc làm cho vợ hoặc chồng của các đối tượng này và hưởng các chế độ chính sách khác theo quy định khi:
+ Có thời gian từ 05 năm trở lên;
+ Có nhu cầu chuyển gia đình đến định cư ổn định cuộc sống lâu dài ở khu vực biên giới, hải đảo.
(Theo quy định hiện nay, Nghị định 02/1998/NĐ-CP chưa có chính sách này khi Bộ đội Biên phòng có nhu cầu định cư ổn định tại khu vực biên giới, hải đảo).
Ngoài các chế độ tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác trong Quân đội, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng còn được hưởng các khoản phụ cấp sau:
1.2 Phụ cấp trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo
Trong thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, hải đảo, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng còn được hưởng phụ cấp trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo.
1.3 Phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng đang có thời gian công tác liên tục từ đủ 05 năm trở lên ở khu vực biên giới đất liền, đảo, quần đảo, hàng tháng được hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo.
Trường hợp chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo được quy định tại nhiều văn bản thì chỉ được hưởng một mức cao nhất của chế độ, chính sách đó.
(Theo quy định hiện hành, các đối tượng trên đang công tác ở các xã vùng cao biên giới, đảo xa mới được hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo.)
Trong trường hợp vùng biên giới, hải đảo thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng sẽ được hưởng mức trợ cấp lâu năm với hệ số tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc theo quy định tại Điều 5 Nghị định 76/2019/NĐ-CP như sau:
+ 0,5 đối với người có thời gian thực tế làm việc từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm;
+ 0,7 đối với người có thời gian thực tế làm việc từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm;
+ 1,0 đối với người có thời gian thực tế làm việc từ đủ 15 năm trở lên.
1.4 Phụ cấp kiêm nhiệm và chế độ bồi dưỡng sức khỏe
Ngoài 02 loại phụ cấp nêu trên, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Bộ đội Biên phòng khi làm cán bộ tăng cường xã biên giới nơi có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, hàng tháng được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm và chế độ bồi dưỡng sức khỏe hàng năm tăng thêm theo quy định của pháp luật.
(So với quy định hiện nay, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Bộ đội Biên phòng không được hưởng loại phụ cấp kiêm nhiệm này).
2. Hệ thống tổ chức của Bộ đội Biên phòng gồm có những bộ phận nào ?
Hệ thông tổ chức của Bộ đội Biên phòng được quy định tại Điều 3 Nghị định 106/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
2.1. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
– Cơ quan Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng gồm: Bộ Tham mưu; Cục Chính trị; Cục Trinh sát; Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm; Cục Cửa khẩu; Cục Hậu cần; Cục Kỹ thuật;
– Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng gồm: Hải đoàn Biên phòng; Lữ đoàn thông tin Biên phòng; Học viện Biên phòng; Trường Cao đẳng Biên phòng; Trường Trung cấp 24 Biên phòng; Trung tâm huấn luyện – cơ động;
– Cơ quan, đơn vị quy định tại điểm a, điểm b khoản này có các đơn vị trực thuộc.
2.2. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
– Cơ quan Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Phòng Tham mưu; Phòng Chính trị; Phòng Trinh sát; Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm; Phòng Hậu cần; Phòng Kỹ thuật;
– Cơ quan quy định tại điểm a khoản này có các đơn vị trực thuộc.
2.3. Đồn Biên phòng; Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng; Hải đội Biên phòng
– Đồn Biên phòng gồm: Đội Vũ trang; Đội Vận động quần chúng; Đội Trinh sát; Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm; Đội Kiểm soát hành chính; Đội Tham mưu – Hành chính; Đội Tàu thuyền; Trạm Biên phòng;
– Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu càng gồm: Ban Tham mưu; Ban Chính trị; Ban Trinh sát; Ban Phòng, chống ma túy và tội phạm; Ban Hậu cần – Kỹ thuật; Đội Hành chính; Đội Thủ tục; Đội Tàu thuyền; Trạm Biên phòng;
– Hải đội Biên phòng gồm: Đội Tham mưu – Hành chính; Đội Tuần tra biên phòng.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng theo quy định của pháp luật, Bộ Quốc phòng.
Thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, chia tách, sáp nhập, thay đổi tên gọi, giải thể cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng như sau:
– Việc thành lập, tổ chức lại, chia tách, sáp nhập, thay đổi tên gọi, giải thể Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng do Chính phủ quyết định;
– Việc thành lập, tổ chức lại, chia tách, sáp nhập, thay đổi tên gọi, giải thể các cơ quan, đơn vị thuộc khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.
3. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm gì trong việc đảm bảo các ưu đãi và chế độ đặc thù của Bộ đội Biên phòng
Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng như sau:
– Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an trao đổi với các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương nơi có biên giới quốc gia về tình hình, thông tin liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật; chia sẻ với Bộ Công an về số liệu xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cấp thị thực tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý; khi có đề nghị, thông báo cho Bộ Công an các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tình hình vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới và các thông tin khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an.
– Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương nơi có biên giới quốc gia xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.
– Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, chính quyền địa phương xử lý các tình huống quân sự, quốc phòng ở khu vực biên giới; chỉ đạo Bộ đội Biên phòng phối hợp với Công an địa phương tham mưu cho chính quyền địa phương xử lý tình huống an ninh, trật tự ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật.
– Chủ trì, tham mưu cho Chính phủ thực hiện hợp tác quốc tế về biên phòng và đối ngoại biên phòng theo quy định của pháp luật; tham gia ý kiến về quy hoạch, đề án, dự án của các bộ, ngành, địa phương ở khu vực biên giới.
– Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương xây dựng Bộ đội Biên phòng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại; tập huấn nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới.
– Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương theo dõi tình hình thi hành pháp luật về biên phòng; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác xây dựng pháp luật về biên phòng theo quy định của pháp luật.
– Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn và hằng năm của Bộ đội Biên phòng theo các quy định của Luật Đầu tư công; xác định và đưa vào danh mục các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các dự án ưu tiên xây dựng Bộ đội Biên phòng.
– Chủ trì tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở vùng cấm, khu vực quân sự, khu vực biên giới, cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý và đối với tàu biển quân sự, tàu bay quân sự nước ngoài lâm nạn trong khu vực biên giới.
– Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng thuộc Công an nhân dân, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định của pháp luật.
– Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền phối hợp với cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ đội Biên phòng thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
– Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong công tác Phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa; biến đổi khí hậu, dịch bệnh ở khu vực biên giới, cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý.
– Phối hợp với chính quyền địa phương nơi có biên giới tuyển chọn công dân thuộc dân tộc thiểu số định cư ở khu vực biên giới, hải đảo, người có tài năng để tạo nguồn phục vụ lâu dài trong Bộ đội Biên phòng theo kế hoạch tuyển dụng, tuyển chọn hằng năm.