So với quy định của pháp luật trước đó, cụ thể là Điều 4 của Nghị định 37/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc thì mức đóng của người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 1% trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.Bắt đầu từ 1/6/2017 mức đóng của người sử dụng lao động chỉ còn bằng 0,5 % trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Nội dung này được quy định cụ thể tại điều 3 của nghị định 44/2017/NĐ-CP, mức đóng này của người sử dụng lao động giảm với hầu như tất cả các nhóm đối tượng là người lao động quy định tại khoản 1 điều 2 của luật bảo hiểm xã hội năm 2014 trừ đối tượng là người giúp việc) gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; Cán bộ, công chức, viên chức; Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương…

Đây là một nổ lực nữa của Chính phủ trong việc giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp liên quan đến chí phí bảo hiểm, tạo điều kiện pháp triển hơn cho doanh nghiệp.

Như vậy, kể từ ngày 01/06/2017, mức đóng BHXH thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động là 17,5% bao gồm: 

+14% quỹ hưu trí, tử tuất 

+ 3% quỹ ốm đau, thai sản

+ 0,5% quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trước đó, Chính phủ nước ta cũng đã có dự thảo khi thống nhất đề xuất điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động từ 1% xuống còn 0,5%  trong nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 7/4/2017, hiện nay nghị quyết này đang chờ Quốc hội thông qua.

Trân trọng./.

Chuyên viên Phạm Ngọc –  Bộ phận tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội.