Trên cơ sở đó, sửa đổi hiến pháp cần tập trung vào xây dựng những giới hạn cấu trúc đối với quyền lực. Việc triệu tập Hội nghị Hiến pháp và trưng cầu dân ý về hiến pháp sẽ có ý nghĩa kiểm soát quyền lực bởi ý nghĩa giáo dục hiến pháp và làm minh bạch hiến pháp.
>> Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoạigọi số: 1900.0191
1. Vấn đề chuyển ngữ
Đành rằng lời chỉ là để diễn đạt ý, nhưng như một vị hiền triết phương Đông đã nói, danh không chính thì lời nói không thuận, rồi sự việc theo đó mà cũng không được thành tựu, xã hội không biết hành xử như thế nào. Do vậy, một vài dòng để giải thích vấn đề chuyển ngữ là cần thiết. Danh từ “constitutionalism” thường được dịch sang tiếng Việt là “chủ nghĩa hợp hiến” hay “chủ nghĩa lập hiến”. Chuyển ngữ không chính xác sẽ gây những ấn tượng sai lầm về những ý nghĩa khái niệm bao hàm; do vậy, cần phải Việt hóa danh từ “constitutionalism” theo một cách thức phản ánh đúng bản chất của nó.
Chúng tôi ủng hộ việc chuyển ngữ danh từ “constitutionalism” thành “chủ nghĩa hợp hiến” thay vì “chủ nghĩa lập hiến”. Những dịch giả cuốn Từ điển về chính quyền và chính trị Hoa Kỳ1 cũng như những dịch giả của tập tài liệu “Chủ nghĩa hợp hiến và các nền dân chủ đang nổi lên”2 đã nắm bắt đúng tinh thần của danh từ “constitutionalism” khi Việt ngữ hóa thành “chủ nghĩa hợp hiến”. Như những phân tích dưới đây sẽ chỉ ra, chủ nghĩa hợp hiến không đồng nghĩa với hiến pháp hay việc “lập” một bản hiến pháp, mà nó hàm nghĩa rằng, chính quyền phải hành động phù hợp với những giới hạn được xác định từ trước. Một quốc gia có thể có hiến pháp nhưng vẫn không có chủ nghĩa hợp hiến; ngược lại, có quốc gia có chủ nghĩa hợp hiến nhưng không có hiến pháp. Chính vì vậy, việc chuyển ngữ “constitutionalism” thành “chủ nghĩa lập hiến” sẽ gây một ấn tượng sai lầm rằng chủ nghĩa hợp hiến đồng nghĩa với việc “lập” một bản hiến pháp. Nguy hiểm hơn, một khi chủ nghĩa hợp hiến được đồng nghĩa với việc tồn tại một bản hiến pháp, người ta sẽ không quan tâm đến việc xây dựng một hiến pháp phản ánh thực sự tinh thần của chủ nghĩa hợp hiến.
2. Phân biệt chủ nghĩa hợp hiến với hiến pháp
Cũng như đối với các khái niệm dân chủ, quyền con người, không có một định nghĩa được sử dụng thống nhất về khái niệm “chủ nghĩa hợp hiến”. Louis Henkin viết rằng “chủ nghĩa hợp hiến không được định nghĩa ở đâu cả”3. Tuy nhiên, các nghiên cứu về chủ nghĩa hợp hiến thường bắt đầu với quan niệm có tính ảnh hưởng rộng rãi của Charles Howard McIlwain (1871-1968), một nhà hiến pháp học danh tiếng của nước Mỹ, thuộc Đại học Harvard. Văn thức này của McIlwain được trích dẫn rộng rãi trong các nghiên cứu liên quan: “Chủ nghĩa hợp hiến có một thuộc tính bản chất: nó là những giới hạn pháp lý đối với chính quyền; nó là phản đề của lối cai trị tùy tiện; nó ngược lại với chính quyền chuyên chế, chính quyền của ý muốn thay vì chính quyền của luật pháp”4. Dù rằng chủ nghĩa hợp hiến trải qua một quá trình phát triển lâu dài và phức tạp từ thời cổ đại đến thời hiện đại với những biểu hiện khác nhau, McIlwain khái quát rằng: “yếu tố ổn định nhất của chủ nghĩa hợp hiến thực sự vẫn giữ lại những gì được hình thành từ lúc đầu: sự giới hạn chính quyền bằng luật pháp”5.
Có hai yếu tố trong định nghĩa của McIlwain về chủ nghĩa hợp hiến: thứ nhất, sự giới hạn đối với chính quyền; thứ hai, sự giới hạn đó được thực hiện bằng luật pháp. Scott Gordon, một học giả về lịch sử hiến pháp, phê bình rằng: “khi nhấn mạnh đến sự giới hạn đối với quyền lực nhà nước, McIlwain đã đi đúng hướng; nhưng khi nhấn mạnh đến những giới hạn pháp lý, ông ta gần như tự phá vỡ tính thống nhất trong quan niệm của mình. Nếu có một cơ quan trong một nhà nước làm ra tất cả các luật, thì giới hạn pháp lý duy nhất mà nó vận hành theo chính là những luật do nó làm ra; nếu vậy thì không có giới hạn nào hết”6. Thực ra, Scott Gordon hiểu lầm quan niệm của McIlwain. Trong một nghiên cứu khác về chủ nghĩa hợp hiến và thế giới đang chuyển đổi, McIlwain làm rõ hơn quan niệm của mình về tính pháp lý của những giới hạn. McIlwain cho rằng luật pháp giới hạn quyền lực của chính quyền “có thể là bất thành văn hoặc hoàn toàn là tập quán, như trong phần lớn lịch sử phát triển của nó hoặc có thể được thiết lập trong một văn bản đơn hành như nước ta hoặc các hiến pháp liên bang, nhưng thực chất của vấn đề là nó là luật pháp ràng buộc ý chí tùy tiện”7.
Carl J. Friedrich (1919-1975), một nhà hiến pháp học và chính trị học cũng thuộc Đại học Harvard, cũng quan niệm gần tương tự như McIlwain. Định nghĩa chủ nghĩa hợp hiến như “một hệ thống những giới hạn hiệu quả đối với hành động của chính quyền”8, Friedrich cho rằng tính hiệu quả của sự giới hạn không phụ thuộc vào tính hình thức về mặt pháp lý: “sự tồn tại của những giới hạn pháp lý hình thức không phải là một biểu hiện của một trật tự hợp hiến theo nghĩa chính trị”9. Hơn thế, “những giới hạn có thể hiệu quả và hoàn toàn tuân thủ theo quy tắc, mà không cần sự tồn tại của luật tích cực, trừ khi luật được hiểu theo một nghĩa rất rộng bao gồm tất cả các tập quán”10. Như vậy, điều được cả McIlwain và Friedrich thống nhất là luật giới hạn hành vi của chính quyền trong một chế độ hợp hiến không được hiểu theo trường phái luật tích cực, một trường phái cho rằng luật chỉ là những gì do con người chủ động đặt ra.
Thực tế vận hành của chủ nghĩa hợp hiến cho thấy, những phương tiện pháp lý giới hạn chính quyền không hoàn toàn là luật tích cực. Do giới hạn của khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ lấy trường hợp của Anh và Mỹ làm điển hình.
Ai cũng công nhận rằng nước Anh thực hiện chủ nghĩa hợp hiến, mặc dù nước này không có một hiến pháp thành văn, một loại hình của luật tích cực. Cần lưu ý rằng, luật hiến pháp nước Anh vận hành như những giới hạn đối với quyền lực chính trị bao gồm không chỉ những quy tắc pháp lý theo nghĩa hẹp nhất. “Luật hiến pháp” ở nước Anh trong định nghĩa nổi tiếng của Dicey “bao gồm tất cả các quy tắc ảnh hưởng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự phân công và thực thi chủ quyền trong một nhà nước”11. Những quy tắc này bao gồm cả những quy tắc pháp lý hiểu theo nghĩa hẹp và các quy tắc tập quán12. Những quy tắc tập quán bao gồm những tập quán, những nhận thức, những phong tục, những thói quen quy định cách cư xử của các thành viên nắm giữ quyền lực. Những tập quán hiến pháp này giữ một vai trò quan trọng trong việc điều hành hệ thống chính quyền nước Anh. Vernon Bogdanor cho rằng “ở nước Anh, thuật ngữ “bất hợp hiến” không chỉ có nghĩa là trái với pháp luật; nó còn có nghĩa là trái với tập quán, trái với những nhận thức về những điều chính đáng cần phải làm”13. Như vậy, tập quán hiến pháp, mặc dù không phải là luật theo nghĩa tích cực nhưng có hiệu lực về mặt hiến pháp trong việc kiểm soát công quyền, và là một bộ phận quan trọng của chủ nghĩa hợp hiến Anh.
Ở nước Mỹ, nguồn của chủ nghĩa hợp hiến không chỉ có bản hiến pháp đơn hành. Hơn một trăm năm trước đây, Christopher Tiedeman (1857-1903), một nhà hiến pháp học danh tiếng đã công bố một nghiên cứu quan trọng về “hiến pháp bất thành văn ở Mỹ”14. Chủ đề này cũng gây nên sự quan tâm của một số học giả khác. Theo đó, người ta cho rằng những giới hạn quyền lực của chính quyền Mỹ không chỉ gói gọn trong bảy điều được phê chuẩn ở Philadelphia năm 1787 và 27 tu chính án chính thức về sau mà còn là những nhận thức về tự do và bình đẳng được Tòa án tối cao liên bang đưa ra trong quá trình hành xử quyền bảo hiến. Những nhận thức này, đến lượt nó, được định hình bởi “bối cảnh xã hội bất thành văn”15 hơn là bản hiến pháp thành văn. Thomas C.Grey khẳng định rằng “những nguyên tắc bất thành văn của luật cao hơn” có “vị thế hiến pháp”16.
Như vậy, chủ nghĩa hợp hiến ở cả Anh và Mỹ đều giống nhau ở chỗ những giới hạn đối với quyền lực của chính quyền không chỉ có luật tích cực mà còn cả luật theo nghĩa tự nhiên, công lý, lẽ phải được biểu hiện dưới dạng những nhận thức được thừa nhận chung, các phong tục, tập quán, thói quen hiến pháp.
Đến đây có thể kết luận rằng, bản chất của chủ nghĩa hợp hiến nằm ở sự phù hợp một cách thực tế và hiệu quả trong hành vi của chính quyền đối với những giới hạn được xác định. Hình thức của những giới hạn đó không quyết định bản chất của chủ nghĩa hợp hiến: những giới hạn đó có thể có hình thức chính thức là các luật được ban hành theo một quy trình chủ động do con người đặt ra, hoặc có thể là những quy tắc bất thành văn, những truyền thống, những nhận thức được thừa nhận chung của một cộng đồng về công lý, lẽ phải.
Khi hiểu như vậy, chủ nghĩa hợp hiến không đồng nghĩa với việc có một bản hiến pháp. Theo tinh thần của chủ quyền hợp hiến, vấn đề cốt lõi là quyền lực có được kiểm soát một cách hiệu quả và thực tế hay không, chứ không phải có hiến pháp hay không. Trong một quốc gia không có một hiến pháp thành văn, nhưng nếu chính quyền được giới hạn bởi các quy định bất thành văn phản ánh các giá trị tự do, bình đẳng và công lý, chính quyền đó vẫn có thể được coi là chính quyền hợp hiến. Chính trên cơ sở này, các nghiên cứu về chủ nghĩa hợp hiến cổ đại và trung đại đã được phát triển17.
Ngược lại, sự tồn tại về mặt hình thức của một bản hiến pháp thành văn không bảo đảm chắc chắn rằng chính quyền sẽ được giới hạn hiệu quả và thực tế. Craham Walker, một học giả về tư tưởng hiến pháp, cho rằng: “mọi chính thể đều có hiến pháp, thành văn hoặc bất thành văn… Nhưng rõ ràng là không phải mọi chính thể đều thực thi chủ nghĩa hợp hiến. Chủ nghĩa hợp hiến cần một loại hiến pháp nhất định”18. Các hiến pháp thành văn chắp cánh cho quyền lực rõ ràng không phải là một loại hiến pháp mà chủ nghĩa hợp hiến đòi hỏi.
Việc cho rằng chủ nghĩa hợp hiến không đồng nghĩa với hiến pháp không có nghĩa coi thường tầm quan trọng của hiến pháp thành văn trong một trật tự hợp hiến. Thực tế cho thấy, các quốc gia trong những nỗ lực xây dựng chế độ hợp hiến đều quan tâm đến việc ban hành hiến pháp thành văn. Tuy nhiên, nếu chủ nghĩa hợp hiến là những giới hạn thực tế và hiệu quả đối với quyền lực, một bản hiến pháp thành văn có ý nghĩa giới hạn hay nói theo cách của Craham Walker là một hiến pháp có tính chất “tự giới hạn”19 là cần thiết đối với chính quyền hợp hiến.
Cũng lại cần phải lưu ý thêm, quan niệm rằng một hiến pháp cần thiết đối với chủ nghĩa hợp hiến là một hiến pháp có giá trị giới hạn đối với quyền lực không có nghĩa coi hiến pháp thành văn chỉ có một chức năng duy nhất là đặt ra những giới hạn pháp lý đối với chính quyền. Các hiến pháp hiện đại đã tiến xa quan niệm cổ điển về chức năng của hiến pháp. Ngoài chức năng giới hạn quyền lực, các hiến pháp hiện đại còn là phương tiện để tuyên bố những mục tiêu chung của cộng đồng hoặc những giá trị mà cộng đồng cam kết. Cụ thể hơn, các hiến pháp hậu thuộc địa còn là phương tiện để tuyên bố sự độc lập. Cần thấy rằng, chủ nghĩa hợp hiến là một giá trị chứ không phải là tất cả giá trị của một chính thể. Và khi giá trị hợp hiến chỉ là một phương diện, một loại giá trị của một chính thể, việc xây dựng các giá trị hợp hiến chỉ là một phương diện của hiến pháp thành văn, một văn bản có chức năng tuyên bố những phương diện quan trọng của chính thể. Việc đồng nhất chủ nghĩa hợp hiến với hiến pháp không cho phép nhận ra điều này.
3. Chủ nghĩa hợp hiến và sửa đổi hiến pháp ở Việt Nam
Các giá trị của chủ nghĩa hợp hiến được du nhập vào Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ trước bởi các nhà nho yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng cho đến các nhà trí thức yêu nước như Phan Anh, Vũ Đình Hòe, các nhà cách mạng như Hồ Chí Minh. Bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam được ban hành năm 1946 được coi là một hiện thân của các giá trị hợp hiến. Các giá trị hợp hiến, sau đó, mờ nhạt dần trong các Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980 và bắt đầu dần dần tái sinh sau thời kỳ đổi mới. Bản Hiến pháp 1992, dù rằng còn ảnh hưởng mạnh mẽ của các hiến pháp xã hội chủ nghĩa tiền thân, nhưng đã bắt đầu cam kết với giá trị hợp hiến, khi đưa ra quy định về quyền con người trong Điều 50. Cải cách hiến pháp hồi đầu thập kỷ này cho thấy một khuynh hướng rõ ràng của việc tái sinh các giá trị hợp hiến ở Việt Nam khi các nhà soạn thảo hiến pháp quyết định đưa vào hiến pháp chủ trương chính thức về “nhà nước pháp quyền” và phân công quyền lực. Những bàn thảo sôi nổi từ phương diện chính trị cho đến học thuật và dư luận về chế độ bảo hiến và tòa án hiến pháp trong một thập kỷ qua cho thấy rõ hơn xu hướng của xã hội trở lại các giá trị hợp hiến20.
Xu hướng này trở nên mạnh mẽ hơn khi tính đến những quan tâm gần đây đối với vấn đề kiểm soát quyền lực. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần XI, liên quan đến việc “nâng cao nhận thức về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, giới thiệu một tư duy mới: “Nghiên cứu xây dựng, bổ sung các thể chế và cơ chế vận hành cụ thể để bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, sự phối hợp và kiểm soát (tác giả nhấn mạnh-BNS) các cơ quan trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”21. Chủ trương kiểm soát quyền lực là một bước tiến đáng chú ý trong tư duy hiến pháp.
Tư duy về kiểm soát quyền lực tiệm cận với tư duy về chủ nghĩa hợp hiến. Kiểm soát quyền lực không khác lắm với giới hạn quyền lực. Chúng tôi cho rằng, “kiểm soát các cơ quan trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” có thể được coi là một “chủ thuyết hiến pháp” cho việc sửa đổi hiến pháp sắp tới ở Việt Nam.
Lần sửa đổi Hiến pháp năm 2001, dù rằng chúng ta đã chủ trương “phân công quyền lực”, nhưng các quy định cụ thể về Quốc hội, Chính phủ, Tòa án lại không cụ thể hóa “chủ thuyết” này: Quốc hội, ngoài quyền lập pháp, vẫn có những quyền mang tính hành pháp và tư pháp; Chính phủ là cơ quan hành chính, không phải là cơ quan hành pháp; Tòa án không được trang bị đầy đủ các quyền tư pháp cần thiết như giải thích hiến pháp, luật và xem xét tính hợp hiến của các văn bản pháp luật. Để tránh tình trạng tương tự tái diễn trong lần sửa đổi hiến pháp tới đây, cần phải triển khai một cách thực tế và cụ thể chủ thuyết “kiểm soát các cơ quan trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Không chỉ chủ trương kiểm soát quyền lực trên phương diện tư tưởng, mà điều này cần phải được biến thành những hành động thực tế trong việc sửa đổi hiến pháp.
Những phương tiện của chủ nghĩa hợp hiến hay kiểm soát quyền lực bao gồm: 1) sự biểu đạt các giới hạn; 2) các giới hạn về cấu trúc; 3) các giới hạn về quy phạm22. Sự biểu đạt các giới hạn là sự công bố những giới hạn mà chính quyền cam kết sẽ tôn trọng. Các giới hạn về cấu trúc được biết đến rộng rãi như: phân chia quyền lực, chủ nghĩa liên bang, chế độ lưỡng viện, chế độ đàn hặc… Các giới hạn về quy phạm là những giá trị có tính chất quy chuẩn mà chính quyền tôn trọng như các giá trị tự do, bình đẳng, công lý. Xin bàn về các vấn đề này.
Những giới hạn quy phạm của một chính thể thực chất là sự tự giới hạn của chính thể trong những mong muốn của mình. Khi tôn trọng các giá trị chung, chính quyền không nên đi quá xa để cam kết với những giá trị lãng mạn. Khi chủ nghĩa hợp hiến nhấn mạnh đến tính thực tế và hiệu quả, nó là một thứ không song hành với chủ nghĩa lãng mạn. Bởi lẽ, khi cam kết với những giá trị xa vời và không giới hạn, chính quyền sẽ làm thất vọng dân chúng của mình khi không đạt được các giá trị đó.
Các giới hạn quy phạm là tiền đề cho các giới hạn về cấu trúc. Ví dụ, việc tôn trọng tự do của con người dẫn đến những giới hạn về cấu trúc để kiểm soát nguy cơ lạm quyền xâm phạm tự do. Nói cách khác, những giới hạn về cấu trúc được thành lập để bảo đảm những giới hạn quy phạm. Trong khi Hiến pháp Việt Nam cam kết một cách khá đầy đủ đối với các quy chuẩn chung của thế giới về quyền con người thể hiện trong Chương V, điều cần bổ sung là xây dựng các giới hạn về cấu trúc để bảo đảm tôn trọng các giới hạn quy phạm đó. Do vậy, nếu sửa đổi hiến pháp ở Việt Nam được tiến hành theo chủ thuyết “kiểm soát quyền lực”, cần phải xây dựng những giới hạn về cấu trúc: thiết lập một chế độ bảo hiến hiệu quả hơn, xây dựng cơ chế bất tín nhiệm thay cho cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm, thiết lập chế độ điều trần, xây dựng hệ thống Tòa án độc lập, phân định thẩm quyền rạch ròi giữa trung ương và địa phương, đồng thời tôn trọng tự quản của địa phương. Tóm lại, chúng tôi cho rằng, trọng tâm của những cải cách hiến pháp sắp tới nên hướng vào việc xây dựng các giới hạn cấu trúc.
Chủ nghĩa hợp hiến hiện đại thường dựa vào bản hiến pháp thành văn như một phương tiện để biểu đạt những giới hạn. Nói cách khác, ban hành một hiến pháp thành văn là một trong những con đường để chính thể tuyên bố những giới hạn. Craham Walker và sau đó là Beau Breslin cho rằng, hành vi ban hành hiến pháp được coi là một việc làm khởi đầu trong những nỗ lực giới hạn quyền lực bởi hiệu lực khách quan hóa của hành vi này23. Hiệu lực khách quan hóa được hiểu là một khi những giới hạn được tuyên bố, những giới hạn đó trở nên khách quan đối với nhà cầm quyền và do vậy, nhà cầm quyền không thể tùy ý hành động theo những mong muốn chủ quan của mình.
Tuy nhiên, cả Walker và Breslin đều bỏ qua một thực tế là không phải hành vi ban hành hiến pháp nào cũng có những hiệu lực khách quan hóa. Chẳng hạn, nếu hiến pháp được soạn thảo, phê chuẩn, ban hành theo một quy trình thiếu minh bạch, nó khó có thể trở nên khách quan đối với nhà cầm quyền. Cụ thể hơn, điều chưa được giải quyết trong nghiên cứu của Walker và Breslin là sự tương quan giữa quy trình biểu đạt giới hạn (hay quy trình lập hiến) và hiệu lực giới hạn mà quy trình đó mang lại.
Nếu tư duy “kiểm soát quyền lực” được xem là một chủ thuyết sửa đổi hiến pháp trong thời gian tới ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng, bản thân quy trình sửa đổi hiến pháp phải được xây dựng như một phương tiện để kiểm soát quyền lực. Bằng cách nào để quy trình sửa đổi hiến pháp trở thành một quy trình kiểm soát quyền lực?
Một hiến pháp chỉ trở nên khách quan đối với chính quyền và có hiệu lực giới hạn khi nó được ban hành theo một quy trình công khai, minh bạch. Khi những giới hạn trong tương lai đối với nhà cầm quyền được bàn thảo, phê chuẩn một cách rộng rãi, nhà cầm quyền tự nhiên bị giới hạn theo hai nghĩa. Thứ nhất, sự thảo luận rộng rãi của cộng đồng đối với những giới hạn đó sẽ là một hình thức để làm rõ đối với nhà cầm quyền về những giới hạn mà họ sẽ tuân thủ. Thứ hai, sự thảo luận rộng rãi của cộng đồng trong quy trình lập hiến cũng là một dịp để giáo dục dân chúng về các giá trị hiến pháp, và chính sự giáo dục này lại có hiệu lực giới hạn đối với nhà cầm quyền: khi dân chúng nhận thức được các giá trị hiến pháp, nhà cầm quyền không thể tùy tiện hành động.
Đến đây, xin trở lại đề xuất trước đây của chúng tôi về triệu tập Hội nghị Hiến pháp để thảo luận những nội dung hiến pháp sửa đổi và tổ chức trưng cầu dân ý để phê chuẩn các điều khoản hiến pháp được sửa đổi. Có thể có ý kiến phản đối rằng, Hội nghị Hiến pháp hay trưng cầu dân ý chỉ là những vấn đề thuộc về kỹ thuật, thủ tục của quy trình lập hiến và không hẳn là khi có Hội nghị Hiến pháp hay trưng cầu dân ý, hiến pháp sẽ tốt hơn. Đúng vậy, để viết ra một hiến pháp hay, phản ánh đầy đủ những giá trị hiện đại theo một kỹ thuật soạn thảo tiên tiến nhất, một Ủy ban các chuyên gia hiến pháp sẽ thích hợp hơn là Hội nghị Hiến pháp hay trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, một hiến pháp được xây dựng theo cách này có thể sẽ không phản ánh những gì cộng đồng đang mong muốn, và quan trọng hơn sẽ không có hiệu lực giới hạn. Khi đề nghị triệu tập Hội nghị Hiến pháp và phê chuẩn toàn dân đối với hiến pháp sửa đổi, chúng tôi muốn nói đến ý nghĩa minh bạch hóa hiến pháp và giáo dục hiến pháp, và do đó, ý nghĩa của những việc làm này đối với việc xây dựng một chính quyền hợp hiến. Hội nghị Hiến pháp và trưng cầu dân ý là những con đường quan trọng để làm minh bạch các giá trị hợp hiến đối với nhà cầm quyền và để giáo dục hiến pháp, hay chính xác hơn là giáo dục các giá trị hợp hiến đối với tất cả các thành viên của cộng đồng. Khi các giá trị hợp hiến trở nên minh bạch đối với nhà cầm quyền, và khi dân chúng nhận thức rõ về các giá trị hợp hiến, quyền lực bước đầu sẽ được kiểm soát.
(1) Xem: Jay M. Shafritz, Từ điển về Chính quyền và Chính trị Hoa Kỳ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002 tr. 229.
(2) Xem “Chủ nghĩa hợp hiến và các nền dân chủ đang nổi lên” (nguyên tác: “Constitutionalism and Emerging Democracies”), Tư liệu dịch của Phòng Thông tin – văn hóa, Đại sứ quán Hoa Kỳ.
(3) Louis Henkin, “A New Birth of Constitutionalism” (1993) 14 Cardozo Law Review 534.
(4) Charles Howard McIlwain, Constitutionalism: Ancient and Modern (Clark, New Jersey: The Lawbook Exchange, Ltd, 2005), p. 24.
(5) Charles Howard McIlwain, tlđd, tr. 24.
(6)Scott Gordon, Controlling the State: Constitutionalism from Ancient Athens to Today (Cambridge, Massachusetts, and London, England: Harvard University press, 1999), p. 5.
(7) C.H McIlwain, Constitutionalism and the Changing World (Cambridge: Cambridge University Press, 1969), p. 244.
(8)Carl J. Friedrich, Constitutional Government and Democracy (Boston, New York, Chicago, Atlanta, Dallas, Columbus San Francisco, Toronto, and London: Ginn and Company, 1950), p. 26.
(9) Carl J. Friedrich, tlđd, tr. 123.
(10) Carl J. Friedrich, tlđd, tr. 123.
(11) A.V.Dicey, Introduction to the Study of Law of the Constitution (London: MacMillan and Co., Limited, 1920), p. 22
(12) A.V.Dicey, tlđd, tr. 23-24.
(13)Vernon Bogdanor, “Britain: The Political Constitution” trong Vernon Bogdanor (ed), Constitution in Democratic Politics (England: Gover Publishing Company Limited, 1988), p. 56.
(14)Christopher Tiedeman, the Unwritten Constitution of the United States: a Philosophical Inquiry into the Fundamentals of American Constitutional Law (New York: William S.Hein& Co., Inc, 1974).
(15) See Michael S. Moore, “Do We have an Unwritten Constitution?” (1989) 63 Southern California Law Review 137.
(16) Thomas C.Grey, “Do We have an Unwritten Constitution?” (February 1975) 27 Stanford LAw Review 16.
(17) Charles Howard McIlwain, tlđd, tr. 24; Scott Gordon, tlđd, tr. 5.
(18)Craham Walker, “The Idea of Nonliberal Constitutionalism” trong Ian Shapiro and Will Kymlicka (eds), Nomos XXXIX: Ethnicity and Group Rights (New York and London: New York University Press, 1997), pp.164-165.
(19) Craham Walker, tlđd, tr. 164-165.
(20)Về diễn tiến của chủ nghĩa hợp hiến ở Việt Nam theo khuynh hướng: du nhập, thịnh, thoái trào, tái sinh, chúng tôi đã phân tích trong: Bùi Ngọc Sơn, Chủ nghĩa hợp hiến ở Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 12 (259), 2009, tr. 12-24.
(21)Xem Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ( ngày 20/4/2010), tr. 33
(22) Craham Walker, tlđd, p.166-167.
(23)Craham Walker, tlđd, pp. 166-167; Beau Breslin, The Communitarian Constitution (Baltimore and London: The John Hopkins University Press, 2004), p. 124.
Bùi Ngọc Sơn – NCS Đại học Hồng Kông, giảng viên khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)