Khách hàng: Kính thưa Luật sư, trong tổn thất chung trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, về phí phân bổ tổn thất chung sẽ do ai trả ạ?

Cảm ơn!

TRẢ LỜI:

1. Khái quát tổn thất chung

– Cơ sở pháp lý: Tổn thất chung hiện nay được quy định tại chương XVI Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 quy định về khái niệm tổn thất chung, sự phân bổ tổn thất chung, tuyên bố tổn thất chung và chỉ định người phân bổ tổn thất chung, tổn thất riêng và thời hiệu khởi kiện tổn thất chung.

Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 292 của Bộ luật quy định khái niệm “Tổn thất chung” như sau:

“Tổn thất chung là những hy sinh và chi phí bất thường được thực hiện một cách có ý thức và hợp lý vì sự an toàn chung nhằm cứu tàu, hàng hóa, hành lý, giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách thoát khỏi hiểm họa chung.”

Chỉ những mất mát, hư hỏng và chi phí là hậu quả trực tiếp của hành động gây ra tổn thất chung mới được tính vào tổn thất chung.

Như vậy tổn thất chung là những hy sinh và chi phí bất thường được thực hiện một cách có chủ ý, có ý thức và hợp lý vì an toàn chung nhằm cứu tàu, hàng hóa, hành lý, tiền cước vận chuyển hàng hóa, tiền công vận chuyển hành khách thoát khỏi hiểm họa chung.

 

2. Đặc điểm tổn thất chung

Theo khái niệm tại khoản 1 Điều 292 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 quy định về tổn thất chung: “là những hy sinh và chi phí bất thường được thực hiện một cách có ý thức và hợp lý vì sự an toàn chung nhằm cứu tàu, hàng hóa, hành lý, giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách thoát khỏi hiểm họa chung. Chỉ những mất mát, hư hỏng và chi phí là hậu quả trực tiếp của hành động gây ra tổn thất chung mới được tính vào tổn thất chung.thì tổn thất chung có những đặc điểm sau:

a. Tổn thất chung phải có hy sinh và chi phí bất thường

Hy sinh và chi phí bất thường là những hy sinh và chi phí trong điều kiện bình thường không xảy ra.

Ví dụ: tàu vận chuyển hàng từ cảng Singapore về cảng Hải Phòng. Trong điều kiện bình thường, các chi phí của chuyến đi bao gồm: cảng phí, đại lý phí, chi phí xếp dỡ hàng ở hai đầu bến, tiền mua nhiên liệu, dầu nhờn, vật tư, lương thực, thực phẩm, nước ngọt đủ dùng cho cả chuyến đi.

Trên hành trình xảy ra sự cố chẳng may tàu bị mắc cạn. Chủ tàu buộc phải thuê cứu hộ nhằm đưa tàu cùng hàng hóa trên tàu thoát khỏi cạn và phải trả chi phí cứu hộ. Như đã nêu ở trên, trong điều kiện bình thường đối với hành trình vận chuyển hàng hóa từ cảng Singapore về cảng Hải Phòng không có chi phí cứu hộ. Vì vậy, trong trường hợp này, chi phí cứu hộ là chi phí bất thường.

Các chí phí thông thường mà chủ tàu phải gánh chịu trong quá trình thực hiện hợp đồng vận chuyển bằng đường biển không phải là chi phí bất thường nên không phải là chi phí tổn thất chung.

b. Người thực hiện hành vi phải có hành động có chủ ý và hợp lý

Hành động có chủ ý là hành động có ý thức của con người. Họ nhận thức được việc mình làm và chủ động làm việc đó. Hành động hợp lý là hành động mà ai rơi vào hoàn cảnh đó thì cũng sẽ hành động tương tự như vậy. Trong ví dụ nêu trên, hành động cứu hộ là hành động có chủ ý và hợp lý của người cứu hộ nhằm đưa tàu và hàng hóa trên tàu thóat khỏi cạn.

Ví dụ: Một con tàu đang hành trình trên biển, phát hiện thấy trong hầm hàng có đám cháy, thuyền viên bơm nước cứu hỏa vào hầm hàng để dập tắt đám cháy làm hư hỏng một số hàng hóa trong hầm hàng. Trong trường hợp này, thuyền viên nhận thức được rằng nước cứu hỏa bơm vào hầm hàng để dập tắt đám cháy sẽ làm ướt hàng, nhưng họ vẫn chủ động bơm nudc cứu hỏa vào hầm hàng để dập tắt đám cháy nhằm cứu tàu và các hàng hóa khác. Hành động bơm nước cứu hỏa vào hầm hàng để dập tắt đám cháy, tuy có làm hư hỏng một số hàng hóa, nhưng là một hành động hợp lý. Bất kỳ thuyền viên nào cũng sẽ hành động như vậy nếu tàu của họ cũng gặp sư cố tương tự.

c. Hiểm họa cho tổn thất chung phải có thực

Hiểm họa có thực là là hiểm họa đang tồn tại trong thực tế, làm cho tàu và hàng hóa lâm vào tình trạng nguy hiểm.

Ví dụ 1: tàu gặp thời tiết xấu, hàng hóa bị xê dịch nên tàu bị nghiêng, không thể tiếp tục hành trình an toàn. Thuyền trưởng quyết định đưa tàu vào cảng lánh nạn để xếp lại hàng nhầm cân bằng tàu. Sự nghiêng của tàu là hiểm họa thực tế đe dọa an toàn chung của tàu và hàng hóa.

Ví dụ 2: Tàu rời cảng TP. Hồ Chí Minh ra Hải Phòng. Qua dự báo thời tiết, thuyền trưởng biết rằng có áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão đã vượt qua Philippines vào Biển Đông, đang hướng thẳng về Đà Nẵng và Quy Nhơn. Thuyền trưởng cho rằng trong vài ngày tới bão có thể sẽ đi ngang qua phía trước hành trình của tàu. Vì vậy, để an toàn cho tàu và hàng hóa, thuyền trưởng quyết định neo tàu tại Vũng Tàu chờ bão tan mới tiếp tục hành trình. Trong trường hợp này, bão chỉ là hiểm họa do thuyền trưởng suy đoán ở phía trước trong tương lai. Bão không đang tồn tại trong thực tế đe dọa an toàn chung của tàu và hàng. Vì vậy, các chi phí phát sinh do tàu neo tránh bão không được công nhận là chi phí tổn thất chung.

d. Người thực hiện hành động có ý thức và hợp lý đó phải vì an toàn chung

Vì an toàn chung là vì an toàn cho cả tàu và hàng hóa. Nếu chỉ vì an toàn riêng cho tàu hoặc vì an toàn riêng cho hàng thì không được công nhận là tổn thất chung.

Ví dụ: tàu chở hàng đông lạnh, trên hành trình máy lạnh bị hỏng. Thuyền trưởng buộc phải đưa tàu ghé vào cảng để sửa chữa máy lạnh, nếu không, hàng đông lạnh sẽ bị hư hỏng. Trong trường hợp này, việc tàu ghé vào cảng là vì an toàn cho hàng, còn đối với tàu thì không cần phải ghé vào cảng vẫn có thể hành trình an toàn. Vì vậy, các chỉ phí liên quan tới việc tàu ghé vào cảng để sửa chữa máy lạnh không vì an toàn chung cho cả tàu và hàng, nên không được công nhận là chi phí tổn thất chung.

 

3. Quy định về phân bổ tổn thất chung

– Cơ sở pháp lý: Điều 293 và điều 294 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015

Theo Điều 293 Bộ luật quy định về phân bổ tổn thất chung:

– Tổn thất chung được phân bổ theo tỷ lệ trên cơ sở giá trị phần tổn thất trong hành động gây ra tổn thất chung và phần cứu được tại thời điểm và nơi tàu kết thúc hành trình ngay sau khi xảy ra tổn thất chung. Và trường hợp phân bổ này cũng được áp dụng đối với trường hợp hiểm họa phát sinh do lỗi của người cùng có lợi ích trong tổn thất chung hoặc của người thứ ba.

– Việc phân bổ tổn thất chung không loại trừ quyền của người liên quan đòi người có lỗi phải bồi thường cho mình.

Về nguyên tắc dùng để xác định cụ thể giá trị tổn thất và giá trị phân bổ tổn thất chung sẽ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Trong trường hợp không có thỏa thuận trong hợp đồng thì người phân bổ tổn thất chung căn cứ vào các quy định của Chương XVI Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 và tập quán quốc tế để giải quyết.

Trường hợp tổn thất của hàng hóa bốc lậu lên tàu hoặc khai sai về chủng loại và giá trị không được tính vào tổn thất chung; nếu hàng hóa đó cũng được cứu thoát khỏi hiểm họa chung thì cũng phải chịu một giá trị phân bổ tương ứng.

 

4. Chủ thể trả phí phân bổ tổn thất chung

Khi xảy ra tổn thất chung, có một số chủ tàu Việt Nam cho rằng họ chỉ định người phân bổ tổn thất chung, nhưng việc giải quyết tổn thất chung là vấn đề chung của các bên liên quan nên phí phân bổ tổn thất chung phải do cả chủ tàu và chủ hàng cùng ứng trả cho người phân bổ tổn thất chung. Một số khác lại cho rằng tổn thất chung là rủi ro được bảo hiểm trong đon bảo hiểm, vì vậy việc ứng phí phân bổ tổn thất chung thuộc trách nhiệm của người bảo hiểm.

Do có các quan niệm sai lầm như trên nên có những trường hợp, khi người phân bổ tổn thất chung thông báo về ước tính phí phân bổ tổn thất chung và yêu cầu tạm ứng phí phân bổ tổn thất chung, nhưng chủ tàu không ứng phí phân bổ tổn thất chung cho người phân bổ tổn thất chung. Trong trường hợp này, người phân bổ tổn thất chung cho rằng chủ tàu đã không chấp nhận phí phân bổ tổn thất chung do họ đưa ra, nên đã đình chỉ việc phân bổ tổn thất chung và gửi trả lại hồ sơ cho chủ tàu.

Theo quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam, luật và tập quán hàng hải quốc tế thì chủ tàu là người chỉ định người phân bổ tổn thất chung. Vì vậy, chủ tàu là người phải ứng phí phân bổ tổn thất chung. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phí phân bổ tổn thất chung do chủ tàu trả.

Trong Bản phân bổ tổn thất chung, phí phân bổ tổn thất chung được tính vào trị giá tổn thất chung và được phân bổ cho các bên liên quan cùng gánh chịu. Chủ tàu sẽ đòi chủ hàng trả lại cho họ phí phân bổ tổn thất chung trong phần tổn thất chung phân bổ cho hàng hóa.

 

5. Ví dụ về chủ thể trả phí phân bổ tổn thất chung

Dưới đây là ví dụ minh họa cho câu hỏi của bạn: “Trong tổn thất chung, về phí phân bổ tổn thất chung sẽ do ai trả?”

Tàu chở hàng từ cảng A đến cảng B. Trên hành trình tàu bị mắc cạn. Chủ tàu đã phải thuê cứu hộ để đưa tàu cùng hàng hóa trên tàu ra khỏi cạn. Chi phí cứu hộ chủ tàu trả cho ngưòi cứu hộ là 60.000 USD. Trị giá tàu là 1.000.000 USD. Trị giá hàng 470.000 USD. Cước phí chủ hàng phải trả cho chủ tàu ở cảng đến là 30.000 USD. Như vậy, vụ tổn thất chung này được phân bổ như sau:

  • Chi phí cứu hộ: 60.000 USD
  • Phí phân bổ tôn thất chung: 4.800 USD

Trị giá tổn thất chung: 64.800 USD

Phân bổ tổn thất chung:

ĐỐI VỚI TÀU

  • Trị giá tàu:

1.000.000 USD đóng góp tổn thất chung 43.200 USD

ĐỐI VỚI HÀNG

  • Trị giá bàng:

470.000 USD đóng góp tổn thất chung 20.304 USD

VỀ TIỀN CƯÓC

  • Cước thu ở cảng đến:

30.000 USD đóng góp tổn thất chung 1.296 USD

=> Vậy tổng giá các tài sản như sau:

1.500.000 USD đóng góp tổn thất chung 64.800 USD

Qua ví dụ trên có thể thấy rằng phí phân bổ tổn thất chung do chủ tàu ứng trước cho người phân bổ tổn thất chung sau đó đòi các bên liên quan trả lại cho mình theo Bản phân bổ tổn thất chung.

Trân trọng!