1. Chức danh là gì?

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật chính thức nào ở Việt Nam quy định hay nhắc tới khái niệm “chức danh”. Tuy nhiên có thể hiểu đơn giản, chức danh là thuật ngữ mô tả vị trí của cá nhân trong một tổ chức hợp pháp nhất định như tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức nghề nghiệp, … Chức danh luôn gắn liền với công việc và trách nhiệm của người đảm nhiệm chức danh đó.

Ví dụ: Thư ký, thanh tra viên, trợ lý, …

Từ điển Bách khoa Việt Nam cũng không đề cập tới thuật ngữ “chức danh” nói chung mà chỉ định nghĩa về “chức danh cán bộ, công chức”. Theo đó, “chức danh cán bộ, công chức là thuật ngữ để chỉ tên chức vụ hoặc chức trách của những người do bầu cử, bổ nhiệm hay được tuyển dụng, có vị trí công tác thường xuyên, ổn định trong bộ máy các cơ quan thuộc hệ thống chính trị ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bao gồm chức danh gốc (chung cho nhiều chức danh cùng loại) và chức danh đầy đủ”.

Ví dụChánh văn phòng là chức danh gốc, chánh văn phòng Bộ Công thương là chức danh đầy đủ cụ thể.

Tuy nhiên, theo Luật LVN Group, định nghĩa “chức danh cán bộ, công chức” theo Từ điển Bách Khoa Việt Nam lại có phần tương đồng với định nghĩa của “chức vụ” (thuật ngữ mô tả vị trí của người có quyền quản lý, là sự đảm nhiệm một vai trò, địa vị nào đó trong một tổ chức, tập thể), và điều này có thể gây ra sự nhầm lẫn, sự khó khăn trong khi phân biệt hai thuật ngữ “chức danh” và “chức vụ”. Vì lẽ đó, để tránh trường hợp nhầm lẫn xảy ra, các bạn nên ghi nhớ cách phân biệt “chức danh” và “chức vụ” sẽ được đề cập ở phần dưới đây.

 

2. Phân biệt chức danh và chức vụ

Trên thực tế, bởi vì một cá nhân vừa có thể đảm nhiệm chức danh, vừa có thể đảm nhiệm chức vụ, cho nên việc hiểu đúng bản chất và phân biệt được chức danh và chức vụ sẽ tránh được những nhầm lẫn không đáng có.

Ta có bảng phân biệt chức danh và chức vụ theo từng tiêu chí cụ thể như sau:

Tiêu chí Chức danh Chức vụ
Định nghĩa Thuật ngữ mô tả vị trí của cá nhân trong một tổ chức hợp pháp, thường gắn liền với công việc và trách nhiệm. Thuật ngữ mô tả vị trí gắn liền với quyền quản lý, là sự đảm nhiệm một vai trò, địa vị quan trọng nào đó trong một tổ chức, tập thể.
Sự công nhận Được xã hội công nhận. Được các cơ quan, tổ chức đó công nhận bên cạnh sự công nhận của xã hội.
Nhiệm vụ Thực hiện nhiệm vụ gắn với tên gọi (ví dụ như giáo viên – giảng dạy, bác sĩ – khám, chữa bệnh, …). Thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau gắn liền với quyền quản lý.
Đơn vị quản lý Không bắt buộc phải thuộc một đơn vị quản lý nhất định. Phải được quản lý bởi một cơ quan, tổ chức nhất định.

Ví dụ: Cô A là giáo viên của một trường tiểu học X. Giáo viên ở đây là chức danh của cô A để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy. Sau 10 năm công tác, cô A được Bổ nhiệm làm Hiệu trưởng của trường tiểu học X, thì lúc này Hiệu trưởng được gọi là chức vụ của cô A. Vậy, cô A vừa có chức danh là giáo viên, vừa có chức vụ là Hiệu trưởng trường tiểu học X.

 

3. Chức danh nghề nghiệp là gì?

Khác với “chức danh”, thuật ngữ “chức danh nghề nghiệp” lại được quy định khá cụ thể trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam. Theo khoản 1 Điều 8 Luật Viên chức năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì:

“Chức danh nghề nghiệp là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp.” 

Từ quy định trên, có thể thấy, khái niệm “chức danh nghề nghiệp” ở Việt Nam sẽ chỉ áp dụng đối với đối tượng là viên chức được quy định tại Điều 2 Luật Viên chức năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019). Thêm vào đó, từ chức danh nghề nghiệp của một người, chúng ta có thể thấy được trình độ và năng lực chuyên môn cũng như năng lực nghiệp vụ trong lĩnh vực nghề nghiệp của họ.

Và cũng vì chức danh nghề nghiệp được áp dụng đối với đối tượng là viên chức, nên việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá viên chức phải được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và căn cứ vào hợp đồng làm việc.

 

4. Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp

Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Viên chức năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì chức danh nghề nghiệp sẽ do Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan ngang bộ có liên quan quy định về hệ thống danh mục, tiêu chuẩn và mã số. Điều 28 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức đã quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức sẽ bao gồm các nội dung như sau:

  • Tên của chức danh nghề nghiệp;
  • Nhiệm vụ bao gồm những công việc cụ thể phải thực hiện có mức độ phức tạp phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp;
  • Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp;
  • Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng;
  • Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Từ quy định chung của Chính phủ như trên, các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành sẽ quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý, sau khi đã có sự thống nhất với Bộ Nội vụ. Cụ thể như sau:

  • Đối với viên chức chuyên ngành y tế: Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp do Bộ Y tế quy định;
  • Đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học công lập, giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông công lập: Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định;
  • Đối với viên chức chuyên ngành khoa học công nghệ: Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định;
  • Đối với viên chức chuyên ngành thông tin và truyền thông: Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định;
  • Đối với viên chức chuyên ngành lưu trữ: Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp do Bộ Nội vụ quy định;
  • Đối với viên chức chuyên ngành tư pháp: Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp do Bộ Tư pháp quy định;
  • Đối với viên chức chuyên ngành nông – lâm – ngư nghiệp: Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định;
  • Đối với viên chức chuyên ngành xây dựng: Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp do Bộ Xây dựng quy định;
  • Đối với viên chức chuyên ngành tài nguyên môi trường, khí tượng, thủy văn, đo đạc, bản đồ, biển và hải đảo: Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định;
  • Đối với viên chức chuyên ngành dạy nghề, lao động và xã hội: Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định;
  • Đối với viên chức chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và du lịch: Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.

Tóm lại, việc xây dựng đầy đủ và rõ ràng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo tiền đề cho việc xây dựng đề án xác định vị trí việc làm của mỗi đơn vị sự nghiệp công lập. Quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là bước khởi đầu để chuyển đổi phương pháp quản lý nguồn nhân lực trong các đơn vị sự nghiệp công lập, từ mô hình chức nghiệp sang mô hình vị trí việc làm.

>> Xem thêm Ngạch công chức là gì? Nâng ngạch công chức được quy định như thế nào?

Trên đây là toàn văn bài viết của Luật LVN Group về chức danh và chức danh nghề nghiệp. Nếu có bất kỳ vướng mắc liên quan đến bài viết hoặc các câu hỏi về Luật Hành chính, Luật Tố tụng hành chính, quý khách hàng vui lòng gọi đến tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí 24/71900.0191 để được Luật sư tư vấn qua tổng đài trực tuyến.