Hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động có tính liên ngành và tính xã hội cao. Hiệu quả của hoạt động thi hành án không chỉ phụ thuộc vào cơ quan thi hành án dân sự mà còn phụ thuộc vào sự tham gia của các cấp chính quyền, địa phương, các tổ chức, cơ quan khác và đã được quy định tại điều…
1. Khái quát chung
Thi hành án tín dụng ngân hàng là một phần trong hoạt động thi hành án dân sự; vì thế, hoạt động thi hành án tín dụng ngân hàng cũng chịu sự điều chỉnh của Pháp luật về thi hành án dân sự. Luật THADS 2008, sửa đổi bổ sung 2014 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành, bao gồm nhiều chế định phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như Bộ luật Dân sự, Luật Tố tụng dân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Đất đai… Nội dung cơ bản của pháp luật về thi hành án dân sự như gồm:
2. Quy định về nguyên tắc THADS
– Nguyên tắc pháp chế XHCN. Pháp chế xã hội chủ nghĩa là sự tôn trọng, tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh hiến pháp, pháp luật của các cơ quan, nhân viên nhà nước, của các tổ chức xã hội và mọi công dân và là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Trong hoạt động thi hành án dân sự nói chung và thi hành án tín dụng ngân hàng nói riêng, nguyên tắc này được thể hiện ở những nội dung cụ thể sau: Các văn bản quy phạm pháp luật về THADS đảm bảo thống nhất, không trái với Hiến pháp. Toàn bộ quá trình thi hành án dân sự được đảm bảo thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Các quy định của pháp luật về THADS phải được thực hiện một cách nghiêm túc, không được phép tuỳ tiện trong THADS.
– Nguyên tắc đảm bảo hiệu lực của bản án, quyết định. Bản án, quyết định của Toà án và những quyết định khác theo quy định của pháp luật là căn cứ để thi hành án. Việc thi hành án dân sự luôn diễn ra trong khuôn khổ những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và được đảm bảo bằng sức mạnh cưỡng chế. Nguyên tắc này thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, mọi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đều phải được đưa ra thi hành. Mọi cá nhân, cơ quan tổ chức đều phải tôn trọng và chấp hành, cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời nhiệm vụ, quyền hạn được giao đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ đó.
– Nguyên tắc đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự. Quyền tự định đoạt của các chủ thể là quyền được tự do ý chí, được tự quyết định quyền và lợi ích của mình. Đảm bảo quyền tự định đoạt là nguyên tắc tôn trọng quyền con người, quyền công dân. Để giải quyết vụ việc thi hành án dân sự, đặc biệt là thi hành án tín dụng cần trải qua rất nhiều giai đoạn, đương sự có quyền được thoả thuận với nhau về quyền và nghĩa vụ của họ trong mỗi giai đoạn, mọi thoả thuận của đương sự đều trong không trái quy định pháp luật và được chấp hành viên, cơ quan THADS tôn trọng, đảm bảo mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Chấp hành viên luôn vận động đương sự thoả thuận để tìm ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý, hài hoà lợi ích hai bên, hạn chế việc cưỡng chế thi hành án.
– Nguyên tắc phối hợp giữa cơ quan THADS với các các cấp chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội khác. Thi hành án dân sự là hoạt động mang tính thực tiễn xã hội, trực tiếp ảnh hưởng lợi ích của công dân. Vì vậy, hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự không chỉ phụ thuộc vào cơ quan THADS chuyên trách mà còn phụ thuộc vào sự tham gia của chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức xã hội khác. Sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan là cần thiết trong những hoạt động như xác minh điều kiện, hoàn cảnh của người phải thi hành, cung cấp thông tin tài sản, tình trạng doanh nghiệp, vận động, giải thích pháp luật cho công dân, đảm bảo an toàn cưỡng chế… Sự chỉ đạo của các cấp uỷ, chỉnh quyền địa phương trong công tác phối hợp cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thi hành án của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.
3. Quy định về cơ cấu tổ chức của hệ thống THADS
Trên thế giới có nhiều mô hình tổ chức thi hành án dân sự khác nhau, trong đó có 4 mô hình chủ yếu:
– Mô hình dựa vào tòa án như ở Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch.
– Mô hình kết hợp nhiều thiết chế như ở Mỹ, Anh, Đức, Áo.
– Mô hình dựa vào cơ quan thi hành án chuyên trách thuộc nhánh hành pháp như ở Nga, Thụy Điển, Phần Lan.
– Mô hình thi hành án tư nhân và bán tư nhân như ở Hà Lan, Pháp, Bỉ.
Tại Việt Nam, hoạt động thi hành án dân sự chủ yếu được tiến hành bởi cơ quan thi hành án dân sự, thuộc nhóm cơ quan hành pháp. Pháp luật THADS xác định rõ trách nhiệm chính trong tổ chức, quản lý, chỉ đạo công tác thi hành án thuộc về Chính phủ.
Tại Điều 13 Luật THADS năm 2014 và Điều 52, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và huớng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS quy định: Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự bao gồm cơ quan quản lý THADS và cơ quan THADS, trong đó: Cơ quan quản lý thi hành án dân sự là Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp; các cấp của cơ quan THADS gồm: Cơ quan THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được gọi là Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan THADS huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, được gọi là Chi cục Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong h thống THADS, Tổng cục thi hành án dân sự là cơ quan quản lý thuộc trung ương và không có chức năng thi hành án. Cục thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Tổng cục thi hành án dân sự, có chức năng quản lý và trực tiếp thi hành án. Chi cục thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Cục thi hành án dân sự và chỉ có chức năng thi hành án theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền thi hành án của các cơ quan THADS được phân chia dựa trên cơ sở bản án, quyết đinh của Toà án và các phán quyết khác theo quy định của pháp luật. Trong đó:
– Cơ quan THADS cấp huyện có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:
+ Bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan THADS có trụ sở;
+ Bản án, quyết định phúc thẩm của tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với bản án, quyết định sơ thẩm của tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, nơi cơ quan THADS cấp huyện có trụ sở;
+ Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan THADS có trụ sở;
+ Bản án, quyết định do cơ quan THADS cấp huyện nơi khác, cơ quan THADS cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác.
– Cơ quan THADS cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sau đây:
+ Bản án, quyết định sơ thẩm của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cùng địa bàn;
+ Bản án, quyết định của TAND cấp cao;
+ Quyết định của TAND tối cao chuyển giao cho cơ quan THADS cấp tỉnh;
+ Bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài được Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
+ Phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại;
+ Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh;
+ Bản án, quyết định do cơ quan THADS nơi khác ủy thác;
+ Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan THADS cấp huyện mà thấy cần thiết lấy lên để thi hành;
+ Bản án, quyết định mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp về thi hành án.
4. Quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong THADS
Chủ thể trong thi hành án dân sự được hiểu là người được thi hành án và người phải thi án. Đề cập đến vấn đề quyền của các chủ thể trong thi hành án, không thể không nhắc tới thoả thuận thi hành án. Nguyên tắc này xuất phát từ nguyên tắc đặc trưng của của pháp luật dân sự, đó là sự tự do ý chí. Pháp luật quy định khá cụ thể về việc thoả thuận trong thi hành án dân sự từ đối tượng có quyền thoả thuận đến nội dung, thời gian, địa điểm thoả thuận tại Điều 6, Điều 7, Điều 7a, Điều 50 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014; Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS. Những quy định của pháp luật THADS về nội dung thoả thuận thi hành án hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 117, Bộ Luật Dân sự 2015 về một trong những điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật là ” mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của xã hội”.
Bên cạnh những quyền cơ bản như quyền yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án… đương sự có quyền được thông báo về thi hành án; yêu cầu tòa án giải thích những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định, yêu cầu toà án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản chung và đặc biệt là quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ. Quy định này đảm bảo sự khách quan trong quá trình tổ chức thi hành án. Đặc biệt, Luật THADS sửa đổi, bổ sung 2014 đã quy định người được thi hành án có quyền không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án do Chấp hành viên thực hiện; được miễn, giảm phí thi hành án trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và trong một số trường hợp khác. Quy định này nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người được thi hành án, giảm gánh nặng cho người được thi hành án, nhất là đối với những người được thi hành án già cả, neo đơn, ốm đau, khó khăn kinh tế.., tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người được thi hành án trong việc thực hiện quyền yêu cầu thi hành án đã được pháp luật công nhận. Bên cạnh đó, đương sự có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định; thực hiện các quyết định, yêu cầu của chấp hành viên trong quá trình thi hành án. Ngoài những quyền chung giống với người được thi hành án thì phải thi hành án có quyền tự nguyện thi hành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án hoặc thông báo hợp lệ. Về nghĩa vụ của người phải thi hành án thì nghĩa vụ cơ bản và quan trọng nhất chính là thực hiện nghĩa vụ trong các quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật, cùng với đó là nghĩa vụ kê khai trung thực về tài sản, điều kiện thi hành.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ” cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành của đương sự”. Đây là một chế định mới và chưa được pháp luật THADS xác định cụ thể, mới chỉ có quy định mang tính định nghĩa, do vậy việc áp dụng quyền và nghĩa vụ của chủ thể này còn chưa thực sự có hiệu quả. Chủ thể này có những quyền và nghĩa vụ cơ bản như quyền được thông báo thi hành án; quyền được khiếu nại, tố cáo và quyền được yêu cầu toà án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng hay giải thích bản án…
Pháp luật THADS qua các giai đoạn sửa đổi, bổ sung luôn xây được xây dựng theo hướng tăng cường sự chủ động, nâng cao trách nhiệm của người phải thi hành án, người được thi hành án và người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong quá trình tổ chức thi hành.
5. Quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong THADS
Hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động có tính liên ngành và tính xã hội cao. Hiệu quả của hoạt động thi hành án không chỉ phụ thuộc vào cơ quan THADS mà còn phụ thuộc vào sự tham gia của các cấp chính quyền, địa phương, các tổ chức, cơ quan khác và đã được quy định tại điều 11 Luật THADS sửa đổi, bổ sung 2014. Nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong công tác THADS đã được cụ thể hóa tại chương VIII Luật THADS, gồm có 15 điều, từ Điều 166 đến Điều 180 và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, các điều luật này chỉ mới quy định khái quát về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động THADS như sau:
– Chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ trong thi hành án dân sự Chính phủ là cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án dân sự. Điều 166 Luật THADS sửa đổi, bổ sung 2014 quy định nhiệm vụ quyền hạn của Chính Phủ gồm: Thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước; chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thi hành án dân sự; phối hợp với tòa án nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân tối cao trong thi hành án dân sự; định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội về công tác thi hành án dân sự.
– Chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư Pháp trong thi hành án dân sự.
Với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp có những nhiệm vụ, quyền hạn trong thi hành án dân sự gồm: Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, kế hoạch về thi hành án dân sự; phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự; quản lý hệ thống tổ chức, biên chế và hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự; quyết định thành lập, giải thể các cơ quan thi hành án dân sự; đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chấp hành viên, Thẩm tra viên; hướng dẫn, chỉ đạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Chấp hành viên, Thẩm tra viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự; kiểm tra, thanh tra, khen thưởng, xử lý vi phạm trong công tác thi hành án dân sự; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự; quyết định kế hoạch phân bổ kinh phí, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thi hành án dân sự; tổng kết công tác thi hành án dân sự; ban hành và thực hiện chế độ thống kê về thi hành án dân sự; báo cáo Chính phủ về công tác thi hành án dân sự.
– Chức năng, nhiệm vụ của UBND trong thi hành án dân sự
Công tác phối hợp giữa UBND các cấp và cơ quan THADS đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả của hoạt động THADS. Luật THADS đã quy định chi tiết và cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp tại Điều 173, Điều 174, Điều 175. Trong đó, hoạt động phối hợp giữa
UBND cấp xã, phường và cơ quan THADS là quan trọng hơn cả. Thực tế cho thấy công tác xác minh thi hành án dân sự không thể thiếu sự có mặt của đại diện UBND do xác minh thi hành án đòi hỏi Chấp hành viên, cán bộ thi hành án phải đến tận cơ sở (là nơi sinh sống, làm việc của người phải thi hành án, nơi có tài sản đảm bảo…) để thu thập thông tin. Việc xác minh phải được lập thành biên bản, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, UBND hoặc công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Biên bản xác minh phải thể hiện đầy đủ kết quả xác minh (Điều 44, Luật THADS sửa đổi, bổ sung 2014). Trong công tác cưỡng chế thi hành án. Cơ quan THADS phải gửi kế hoạch cưỡng chế THADS cho UBND cấp xã nơi tổ chức thi hành án (Điều 72, Luật THADS sửa đổi, bổ sung 2014). UBND có trách nhiệm phối hợp cùng cơ quan THADS trong việc thực hiện kế hoạch cưỡng chế thi hành án.
Pháp luật THADS không quy định chi tiết về những hoạt động phối hợp cụ thể của UBND cấp xã trong công tác THADS. Thực tế tại nhiều địa phương hoạt động phối hợp chưa thực sự hiệu quả do thiếu cơ sở pháp luật. Ví dụ như việc đại diện chính quyền địa phương còn chưa nhiệt tình trong việc phối hợp cơ quan THADS để giải thích pháp luật, vận động các đương sự tự nguyện thi hành do tâm lý ngại va chạm vì là người trong cùng một xã, phường hoặc tình trạng “quyền anh, quyền tôi” dẫn đến sự không thống nhất, chưa tích cực và chủ động trong công tác phối hợp thi hành án dân sự.
– Nhiệm vụ, quyền hạn của TAND trong thi hành án dân sự
Nhiệm vụ, quyền hạn của toà án nhân dân trong hoạt động THADS được quy định tại Điều 170 và một số điều khác trong Luật THADS sửa đổi, bổ sung 2014. Toà án nhân dân thực hiện chức năng xét xử, cơ quan THADS có nhiệm vụ thi hành những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án. Giai đoạn thi hành án dân sự là giai đoạn kế tiếp của giai đoạn tố tụng. Việc thi hành có hiệu quả hay không phụ thuộc vào chất lượng xét xử. Vì vậy, toà án cần nâng cao trách nhiệm trong việc tuyên án, chuyển thời đầy đủ bản án và giải thích, đính chính những nội dung trong bản án một cách kịp thời. Một số hoạt động của toà án liên quan đến thi hành án được quy định như: Chuyển giao bản án, quyết định (Điều 28 Luật THADS sửa đổi, bổ sung 2014); ra quyết định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời, chuyển giao quyết định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời cho cơ quan THADS (Điều 35 Nghị định 62/2015); yêu cầu hoãn, ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án (Điều 48, 49 Luật THADS sửa đổi, bổ sung 2014); xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án (Điều 62 Luật THADS sửa đổi, bổ sung 2014); quyết định về giải quyết kháng nghị việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án ( Điều 64 Luật THADS sửa đổi, bổ sung 2014); xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án ( Điều 74 Luật THADS sửa đổi, bổ sung 2014)…
– Chức năng, nhiệm vụ của VKS trong thi hành án dân sự
Chức năng, nhiệm vụ của VKS được quy định tại Điều 4, Điều 28 Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân 2014 và được quy định cụ thể hơn tại khoản 2, Điều 12 Luật THADS sửa đổi, bổ sung 2014. Chức năng chính của VKS là giám sát hoạt động THADS, góp phần quan trọng quyết định chất lượng và hiệu quả của nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân theo đúng quy định pháp luật. Khi kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, VKS căn cứ vào quy định của Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014; Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2014; Bộ luật dân sự; Bộ luật tố tụng dân sự; Luật Đất đai; Luật Khoáng sản; Luật Nhà ở; Luật Phá sản…và các văn bản pháp luật có liên quan làm căn cứ cho hoạt động kiểm sát. Việc kiểm soát toàn bộ hoạt động THADS đòi hỏi VKS cần căn cứ theo đúng quy định pháp luật đồng thời bám sát thực tế để đảm bảo quyền lợi của các tổ chức, cá nhân.
– Nhiệm vụ của ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác trong hoạt động THADS
Trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong hoạt động thi hành án dân sự được quy định tại Điều 176, Luật THADS và Điều 6 Quy chế phối hợp liên ngành số 01/QCLN/NHNNVN – BTP ngày 18 tháng 03 năm 2015 giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự quy định về việc phối hợp trong trao đổi, cung cấp thông tin. Theo đó, các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần cung cấp đầy đủ và kịp thời những thông tin về tài khoản của người phải thi hành án cũng như thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu về phong tỏa tài khoản, khấu trừ tiền trong tài khoản hoặc giải tỏa việc phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án, cũng như yêu cầu khác của chấp hành viên theo quy định của pháp luật. Trong những vụ việc thi hành án tín dụng ngân hàng, các tổ chức tín dụng, ngân hàng còn mang vai trò của người được thi hành án, vì vậy, việc đảm bảo phối hợp với cơ quan THADS là vô cùng quan trọng. Ví dụ như cung cấp thông tin về hợp đồng tín dụng, thông tin tài sản đảm bảo cũng như tài sản của người phải thi hành án để cơ quan THADS kịp thời xác minh và xử lý…
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự – Công ty Luật LVN Group