1. Khái niệm thi hành pháp luật
Thi hành pháp luật hay thực thi pháp luật là một hệ thống mà một số thành viên của xã hội hành động theo một phong cách có tổ chức để thực thi pháp luật bằng cách khám phá, ngăn chặn, phục hồi, hoặc trừng phạt những người vi phạm luật lệ và các quy tắc chi phối xã hội đó. Mặc dù thuật ngữ có thể bao gồm các thực thể như tòa án và nhà tù, nó thường xuyên nhất được áp dụng cho những người trực tiếp tham gia vào các cuộc tuần tra hoặc giám sát để ngăn cản và khám phá các hoạt động tội phạm, và những người điều tra tội phạm và bắt người phạm tội, là một nhiệm vụ thường được cảnh sát hoặc một cơ quan thi hành pháp luật thực hiện. Hơn nữa, mặc dù thực thi pháp luật có thể được quan tâm nhất đến việc phòng ngừa và trừng phạt tội phạm, các tổ chức tồn tại để ngăn cản một loạt các hành vi vi phạm không phải hình sự của các quy tắc và chuẩn mực, thực hiện thông qua việc áp dụng các hậu quả ít nghiêm trọng.
Theo quy định tại Quyết định số 679/QĐ-BTP ngày 9 tháng 4 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật như sau:
2. Chức năng của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật
– Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước.
– Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (sau đây gọi là Cục) là đơn vị có tư cách pháp nhân, có trụ sở tại thành phố Hà Nội, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật
Cục có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Xây dựng, trình Bộ trưởng kế hoạch công tác dài hạn, 5 năm, hàng năm của Cục; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm và hàng năm của ngành Tư pháp.
2. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật để Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền.
3. Thẩm định, tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính do các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo; tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo văn bản về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và các dự thảo văn bản khác do Bộ trưởng giao.
4. Theo dõi, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật và đề xuất các phương án xử lý bất cập, hạn chế trong thực tiễn áp dụng pháp luật theo quy định của pháp luật.
5. Hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
6. Về quản lý xử lý vi phạm hành chính:
a) Phối hợp với các đơn vị có liên quan của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong quản lý công tác xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của Tòa án nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật;
b) Hướng dẫn nghiệp vụ về áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính; có ý kiến về việc áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng;
c) Thực hiện các nhiệm vụ về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật và phân công của Lãnh đạo Bộ;
d) Kiểm tra hoặc phối hợp kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
đ) Đề xuất với Bộ trưởng kiến nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ tiến hành thanh tra hoặc phối hợp với Thanh tra Bộ đề xuất Bộ trưởng xem xét, quyết định thanh tra việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và tham gia việc thanh tra theo quy định của pháp luật;
e) Tổng hợp và xây dựng Báo cáo chung về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi toàn quốc.
7. Về công tác theo dõi thi hành pháp luật:
a) Theo dõi công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
b) Tham mưu, đề xuất Lãnh đạo Bộ giao các đơn vị thuộc Bộ hoặc chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp ý kiến về tình hình thi hành pháp luật trong trường hợp phạm vi lĩnh vực theo dõi thi hành pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều đơn vị, cơ quan;
c) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật;
d) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước và trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý liên ngành, có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành;
đ) Kiến nghị và thực hiện kiểm tra liên ngành, kiểm tra của Bộ về tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý liên ngành, có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
e) Đề xuất việc giao đơn vị chuyên môn thuộc Bộ cho ý kiến về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp ý kiến về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp nội dung cho ý kiến có liên quan đến nhiều đơn vị thuộc Bộ;
g) Tổng hợp kết quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ;
h) Xây dựng báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về công tác theo dõi chung thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước trình Bộ trưởng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
8. Thực hiện hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
9. Xây dựng, quản lý và duy trì cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; xây dựng và duy trì hoạt động của Trang thông tin về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật theo quy định.
10. Thực hiện thống kê về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
11. Rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định.
12. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
13. Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và quản lý đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của đơn vị theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
14. Kiểm tra, tham gia thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
15. Thực hiện chế độ tài chính, kế toán, quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.
16. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
4. Cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật
4.1. Lãnh đạo Cục:
Lãnh đạo Cục gồm có Cục trưởng và không quá 03 (ba) Phó Cục trưởng.
Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục.
Các Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng quản lý, điều hành hoạt động của Cục; được Cục trưởng phân công trực tiếp quản lý, chỉ đạo một số lĩnh vực, nhiệm vụ công tác; chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về những lĩnh vực, nhiệm vụ công tác được phân công.
4.2. Các tổ chức trực thuộc Cục:
– Các tổ chức giúp Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước:
+ Văn phòng Cục;
+ Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính;
+ Phòng Theo dõi thi hành pháp luật;
+ Phòng Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính;
– Đơn vị sự nghiệp: Trung tâm Thông tin pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.
Trung tâm Thông tin pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức thuộc Cục do Bộ trưởng quyết định trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật theo quy định của pháp luật.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác giữa các tổ chức thuộc Cục do Cục trưởng quy định.
5. Biên chế của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật
– Biên chế công chức của Cục thuộc biên chế công chức của Bộ Tư pháp, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định phân bổ trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;
– Biên chế sự nghiệp của Cục do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định phân bổ trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ theo quy định của pháp luật về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý và sử dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập.