Ngược lại, một đứa trẻ đang học ở Việt Nam rất bình thường, nhưng nếu sang một môi trường được giáo dục tiên tiến hơn, như Mỹ chẳng hạn, thì lại vượt hẳn lên.
Trả lời: Hiện tượng bùng nổ do những trạng thái phát triển mới về tự do không phải là hiện tượng chỉ có ở Việt Nam. Thời kỳ Phục hưng, thời kỳ Khai sáng là những thời kỳ làm bùng nổ rất nhiều tài năng, có những người đã trở thành tài năng kinh điển như Michelangelo, Raphael, Shakespeare, Goethe, Rousseau, Voltaire, Montesquieur… Những trạng thái bùng nổ tinh thần tạo ra sự bùng nổ các tài năng là một hiện tượng có thật. Ở Việt Nam cũng có nhiều lúc như vậy.
Phải nói rằng, những tài năng nghệ thuật ở Việt Nam xuất hiện ở nhiều giai đoạn chứ không phải chỉ trong giai đoạn Thơ mới. Tất nhiên giai đoạn Thơ mới là giai đoạn điển hình, ở đấy người ta bắt đầu ý thức về thân phận con người, thân phận dân tộc. Hoàng Ngọc Phách là người bắt đầu viết tiểu thuyết bằng văn xuôi. Văn xuôi thể hiện năng lực tư duy, năng lực cấu trúc, còn thơ thể hiện năng lực sáng tạo ngôn ngữ. Sự xuất hiện của những nhà thơ như Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, hay những nhà văn như Hoàng Ngọc Phách, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam… là hiện tượng bùng nổ các tài năng có thật ở Việt Nam. Chúng ta cũng đừng nhầm lẫn rằng ở trong môi trường hiện nay chúng ta không có tài năng. Tài năng là một trạng thái chứ không phải là một con người cụ thể. Cũng không nên nhầm lẫn tài năng như một con người với tài năng như một trạng thái của con người. Tôi cho rằng, tài năng hay thiên tài là kết quả của trạng thái thần thánh mà con người bắt gặp chứ không phải chính nó. Do vậy, đừng nhầm lẫn giữa tác giả và tác phẩm, cũng đừng nhầm lẫn giữa tác giả và con người ấy. Nếu có thiên tài thì mỗi con người chỉ là quán trọ của những trạng thái thiên tài mà thôi.
Chúng ta tôn trọng trạng thái thiên tài của con người, chúng ta thưởng thức trạng thái thiên tài của con người và chúng ta trân trọng con người. Có những người cụ thể rất bần tiện, ích kỷ, khó tính trong đời thường, nhưng đọc tác phẩm của họ thì người đọc không ngờ có những lúc họ lại có sự biểu đạt đẹp đến thế, có những phát hiện thần thánh đến thế. Những câu thơ của Chế Lan Viên như: “Nhà dân chật, dân lên đây phơi thóc. Thóc của dân che kín mộ anh hùng“, đấy là những phát hiện thần thánh! Nhưng Chế Lan Viên không phải là thần thánh. Nói cách khác, những trạng thái thần thánh ngụ tạm ở con người Chế Lan Viên trong những thời khắc nào đó. Trong nhiều bài thơ của ông cũng chỉ có 15 – 20% trạng thái thần thánh như vậy thôi, nhưng đừng xem đó là điều bình thường. Bởi vì con người chỉ cần một trạng thái thần thánh cũng đã ghê gớm lắm rồi. Tôi kính trọng Chế Lan Viên chính bởi những trạng thái thần thánh như vậy.
Tuy nhiên, trạng thái thần thánh chỉ xuất hiện trong một điều kiện, trong một sự hỗ trợ nào đó. Nếu không có tự do thì các trạng thái thần thánh không xuất hiện được, hoặc có xuất hiện thì nó cũng bị méo mó. Sự phát hiện ra các giá trị thần thánh trong một tác phẩm văn học không phải chỉ là công việc của người tạo ra tác phẩm, mà còn có cả sự bức xúc thần thánh của người đọc. Cho nên, không có một sân chơi chung, một sân khấu chung để người đọc, tác giả và phần thần thánh của tác giả gặp nhau thì không thể có sự thức tỉnh về giá trị được.
Vậy cái sân chơi chung ấy là gì? Đó là mảnh đất tự do mà ở đấy người viết mô tả một cách tự do trạng thái thần thánh mà mình bắt gặp và người đọc đọc những thông điệp thần thánh đòi hỏi phải đọc. Nếu xã hội không nhận biết được giá trị thần thánh của một tác phẩm thì làm sao mà tác phẩm ấy đến một cách rõ rệt với cuộc đời được? Nếu không được kích thích bởi tình yêu đối với các giá trị thần thánh thì làm sao tác giả viết ra được? Thực ra cuộc sống luôn luôn khó đối với những người sáng tạo. Voltaire, Rousseau, Pasternak… là những người bị truy đuổi, phải sống lưu vong. Sự bất hạnh không phải là yếu tố ngăn cản sự sáng tạo, mà nguyên nhân chính là sự thiếu tự do. Muốn đi trốn thì phải có chỗ để trốn. Khi một con người sáng tạo không còn chỗ để trốn nữa thì không thể có môi trường để sáng tạo được. Những sáng tạo vĩ đại thường không được hoan nghênh ngay từ đầu, phải có thời gian để chất lượng thần thánh trong tác phẩm gặp gỡ chất lượng thần thánh trong người đọc. Cho nên, tôi nghĩ tự do không chỉ tạo ra sự kiên nhẫn, sự dũng cảm của người viết, tự do còn tạo ra sự thức tỉnh các nhu cầu của người đọc.
Quay trở lại vấn đề Thơ mới. Thơ mới không phải là một hiện tượng, một phong trào thần thánh duy nhất trong lịch sử văn chương Việt Nam. Phải nói rằng, thời đại nào chúng ta cũng có những tác phẩm hay, thời chống Pháp, chống Mỹ và bây giờ cũng vậy. Trong thời kỳ chống Mỹ các tác giả bắt buộc phải khoác lên tác phẩm của mình một đống xù xì nhiều thứ phải đạo. Nhưng với tư cách là một người đọc có hiểu biết, người ta phải chịu khó lột cái áo khoác xù xì ấy ra thì mới đọc được cái chân chất, cái cốt lõi ở bên trong để thấy rằng đó cũng là một giai đoạn thúc bách con người sáng tạo. Chẳng hạn, đọc “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu, nếu không biết lột cái tấm áo khoác phải đạo của nó ra thì không thể thấy được giá trị của “Dấu chân người lính“. Người ta gọi đó là nền văn học ám chỉ. Cũng có những người sau này buộc phải mặc những bộ cánh rất tội nghiệp để tác phẩm của họ được ra đời, nhưng những thông điệp hay những tia sáng loé lên thông qua những lỗ thủng của cái áo khoác phải đạo của họ đôi khi là thiên tài. Tất nhiên, đọc những tác phẩm của nền văn học có kỷ luật trong thời kỳ chiến tranh và thời kỳ sau này, để tìm ra giá trị thật sự của nó rất vất vả, bởi vì những người viết buộc phải làm những việc có vẻ như hạ thấp mình xuống ngay cả với những giá trị thân thiết nhất của họ. Ví dụ, Chế Lan Viên viết:
Bạn thương mến đừng xua con chim nhỏ
Mỗi câu thơ đều muốn báo tin lành
Đều muốn trút hạt châu vàng khỏi cổ
Mỗi đêm tàn đều muốn hoá bình minh.
Cánh lông dù lạnh lẽo hạt sương đêm
Nhưng sờ xem, dưới lông chim, chim vẫn ấm
Đừng đuổi thơ tôi vì một chút chiều tà nào ngả bóng
Hãy kiên lòng, sẽ thấy nắng mai lên…
(Nhật ký một người chữa bệnh)
Tại sao tác giả “Điêu tàn” làm nghiêng ngả cả thi đàn Thơ mới từ năm 17 tuổi lại phải hạ giọng năn nỉ như vậy? Chúng ta thương, chúng ta xót cho những tài năng như vậy buộc phải mặc những bộ cánh không như ý muốn, thậm chí buộc phải tự hạ thấp mình xuống để tồn tại.
Hỏi: Trong Di cảo thơ Chế Lan Viên, bài “Tháp Bayon” cũng có những lời: “Anh là tháp Bayon bốn mặt. Giấu đi ba còn lại đấy là anh. Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc. Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình”. Chúng ta thấy rằng, khi Liên Xô đổi mới, dù tác phẩm được in hay không, nhiều nhà văn vẫn viết, mặc dù không được ủng hộ. Đấy là bản lĩnh của nhà văn. Nhưng ở đất nước chúng ta không có chuyện ấy. Sau khi cởi mở hơn với văn nghệ, các nhà văn dường như không có thêm sáng tạo nào đáng kể, ngay cả nhóm Nhân văn Giai phẩm cũng vậy.
Trả lời: Không phải chỉ có nhà văn ở Liên Xô vẫn viết mà các nhà văn của chúng ta cũng viết. Sở dĩ chúng ta không đọc được các tác phẩm thời kỳ này là vì những tác phẩm đáng kể lẫn lộn trong nhiều cái không đáng kể và ngay cả có những tác phẩm đáng kể thì chưa chắc chúng ta biết đến để mà đọc. Tuy nhiên phải nói rằng, trình độ phát triển về văn hoá viết của người Việt chưa thể so sánh với văn hoá viết của người Nga được. Sự nghèo nàn của nhà văn hoặc của một tập thể nhà văn không phải do chính tâm hồn họ nghèo nàn mà do bản thân cuộc sống cũng nghèo nàn. Sự đói kém đến mức cằn cỗi trong cuộc sống hàng ngày cũng giết chết không biết bao nhiêu cơ hội để các trạng thái thần thánh xuất hiện trong tâm hồn của mỗi người viết. Còn hiện tượng
Nhân văn Giai phẩm thì còn có nhiều chuyện để bàn. Những thể nghiệm về cách tân thơ ca của Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… nói cho cùng là nhu cầu tự thân của họ, lúc đầu cũng rất bản năng. Chính sự vụng dại có đôi chút ác ý của một vài người cầm quyền văn nghệ lúc đó làm cho phản ứng của họ trở nên quyết liệt hơn, trở nên đối kháng hơn. Tuy nhiên phải khẳng định rằng cách tân cả nội dung lẫn hình thức là bản năng tự nhiên và lành mạnh của trí thức. Nếu không thế thì không phải là trí thức.
Hỏi: Tôi rất đồng ý với ông về điều ấy. Những nhà thơ như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm vì bị vùi dập, đè nén nên phải co lại, phải nói để người ta không hiểu được. Cuối cùng họ bị đẩy về phía cách tân, chứ thực chất không hoàn toàn như vậy.
Trả lời: “Không hiểu được” như anh nói bị ảnh hưởng bởi hai yếu tố. Thứ nhất, không hiểu được là vì dần dần chúng ta mất đi cái bản năng tự nhiên để hiểu văn học trung thực. Xã hội không hiểu được văn học trung thực nữa. Cái đau khổ cho người Việt chúng ta là xã hội không còn đủ năng lực để hiểu các giá trị trung thực của văn học nghệ thuật nữa chứ không phải chỉ là “không hiểu được”. Thứ hai là xã hội không còn năng lực hiểu một cách trung thực nên sinh ra hiện tượng người viết viết một cách gian dối, bởi vì người ta biết buôn bán trạng thái không thể hiểu được của xã hội để hy vọng tạo ra cái “thiên tài” của mình. Trong một bài viết trước đây, tôi đã nói rằng, thiên tài là thứ mà người sở hữu nó là người cuối cùng biết về nó. Những “nhà sáng tạo” của chúng ta ý thức được thiên tài của mình trước khi sáng tác, cho nên chúng ta có rất nhiều người “giả vĩ nhân”, nói những điều cao cả để hy vọng mình cao thượng, nói những điều bóng bẩy để hy vọng người ta không đọc được bụng mình, và thảng hoặc cũng có những người có ý tốt thì nói một cách cay nghiệt để chọc tức những kẻ mình căm ghét. Nhưng người ta quên mất rằng, trong khi chọc tức những kẻ mình căm ghét thì những người yêu mến mình họ đọc cái gì? Và khi họ đọc cái chọc tức của mình rồi thì họ có còn là kẻ sáng suốt nữa không?
Phải nói rằng, hầu hết các nhà văn nghệ của chúng ta không có điều kiện để tự mình hoàn chỉnh về văn hoá, học vấn và dù có muốn cũng không thể làm được, cho nên, khi viết được cái này thì mất cái kia. Đối với những người đọc chuyên nghiệp thì họ nhận ra ngay tính không chuyên nghiệp hoặc không hoàn chỉnh của người viết.
Hỏi: Tôi là một người đọc rất kỹ nhóm Nhân văn giai phẩm, nhưng nói thực là tôi thấy những sáng tác của họ không phải là những sáng tạo quá ghê gớm.
Trả lời: Tôi nghĩ rằng phải đặt vào bối cảnh lịch sử nhất định thì mới có thể nói về họ một cách công bằng được. Họ là những người viết hiếm hoi xem sự tồn tại giá trị văn chương của mình quan trọng hơn sự tồn tại của chính mình. Chỉ riêng điều ấy thôi cũng đáng để trân trọng rồi. Hơn nữa, trong tất cả cái mớ hỗn độn và đồ sộ của họ, quả thật có những cái rất đẹp. Tôi biết cái mà anh lên án chính là những thủ đoạn của họ trong việc thực thi các sáng tác để tạo ra vẻ hiền triết khó hiểu. Nhiều người cũng dị ứng với chuyện ấy. Có những người lớn tiếng chỉ trích, miệt thị mọi thứ cũng nghĩ mình là thiên tài, đó thực chất chỉ là những người to gan, mà to gan thì không phải là thiên tài. Nguyễn Huy Thiệp có lẽ là nhà văn hiện nay được ca ngợi nhiều nhất, cả ở nước ngoài cũng như ở trong nước, nhưng khi đọc xong các tác phẩm của anh ấy, kể cả tác phẩm nổi tiếng là “Tướng về hưu”, phải nói thật là tôi có cảm giác rùng mình vì sự thiếu nhân văn trong việc sử dụng các chi tiết. Tôi là người ham mê văn học cổ điển Pháp, tôi không thấy ai dùng những chi tiết thiếu nhân văn cả. Một trong những di chứng của nền văn nghệ tuyên truyền chính là ưa dùng các yếu tố kích động, mà kích động thì không phải là nghệ thuật.
Hỏi: Trong thơ ca, có một điều lạ là khi dịch sang một ngôn ngữ khác thì chỉ còn ý chứ điệu thì không giữ được nhiều. Vì các đặc trưng ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau.
Trả lời: Khi tôi đọc thơ của các tác giả phương Tây, tôi không đủ trình độ ngoại ngữ để đọc nguyên bản nhưng bao giờ tôi cũng đọc nguyên bản cho dù không hiểu. Như thơ Heinrich Heiner chẳng hạn, tôi đọc cả bản gốc, lẫn bản dịch. Tôi dùng nguyên bản để thẩm định lại chất lượng dịch thuật, mặc dù tôi không đủ năng lực thưởng thức nguyên bản. Riêng đối với thơ tôi thấy có một đặc trưng rất kỳ lạ, dường như nhịp điệu thông qua ngôn ngữ thơ ký gửi rất nhiều thông điệp. Trước đây, khi còn trẻ, tôi đọc thơ Nazim Hickmet hay thơ Heinrich Heiner do Xuân Diệu dịch, tôi thấy Xuân Diệu dịch cũng được, nhưng tôi muốn thẩm định xem ông ấy dịch bao nhiêu, phóng tác bao nhiêu. Nhưng phóng tác cũng không sao cả, con người đủ bản năng để hiểu thông điệp của tác giả, bất chấp mọi bản dịch. Bởi vì thiên tài là những người chỉ cần tạo ra một nét thôi là làm cho mọi ngôn ngữ đều trở nên thống nhất. Chúng ta không có những nhà thơ như vậy.
Hỏi: Đọc những bài thơ nước ngoài, mặc dù không cảm nhận hết được cái hay của nhịp điệu nhưng chúng ta vẫn nhận thấy đằng sau mỗi bài thơ đều ẩn chứa những ý tưởng rất sâu sắc. Còn thơ ca Việt Nam thì cứ à ơi vậy thôi, nó không có ý, không có nội dung gì cả.
Trả lời: Không phải không có ý mà phải nói thật rằng, chúng ta đôi khi nhầm lẫn giữa ý và cảm xúc. Thơ là ý chứ không phải cảm xúc, cảm xúc giống như cái thìa để nuốt cho gọn cái ý thôi. Tại sao không có ý? Vì ý là sản phẩm của trí tuệ mà để tạo ra sản phẩm của trí tuệ thì buộc phải thông tuệ. Người viết mà học vấn thấp thì làm sao mà có ý được? Bởi vì đây không phải là những ý thông thường mà là những ý mang chất lượng hướng dẫn. Nếu anh nhìn cái gì cũng giống cái gì thì không thể có ý được. Nếu ý mà nông nổi thì tuổi thọ của thơ rất ngắn.
Hỏi: Ở Việt Nam hay ở nước ngoài có những trường hợp là những đứa trẻ ra đời chưa được học hành gì cả, tự nhiên nó có những ý nghĩ rất khác thường. Vậy cái đó từ đâu ra?
Trả lời: Anh lấy gì để đảm bảo rằng người lớn tuổi thì thông thái hơn trẻ con? Tại sao người ta thiền? Thiền là một hoạt động cố gắng để đưa con người về trạng thái trẻ thơ. Con người càng già thì việc đưa mình về trạng thái trẻ thơ càng vất vả. Cho nên sự phát hiện của những đứa trẻ thông thái bất ngờ hơn nhiều so với sự lên gân của một ông già. Trần Đăng Khoa lúc trẻ và bây giờ là một ví dụ.
Hỏi: Ông có cho rằng có sự chuyển kiếp không?
Trả lời: Có chứ, thế mới có thiên tài. Thiên tài là sự gặp gỡ của Chúa với mình, mình nói đấy nhưng mà ý là của Chúa. Bây giờ không có Chúa thì làm sao có thiên tài. Trong khi viết, năm 1998 tôi có nói một câu thì năm 2008 tôi vẫn nói đúng câu ấy, mặc dù tôi không hề ý thức gì khi nói. Bởi vì câu ấy không phải là của tôi mà chúa ký gửi vào tôi câu ấy. Nhiều người cho rằng, khi mình lãng quên một điều gì đó đã viết ra, 10 năm sau mình viết lại thì sẽ hoàn chỉnh hơn.
Đó là một sự nhầm lẫn. Làm cho nó gần giống với hình hài mà người khác có thể hiểu được, làm cho người khác dễ hiểu hơn thì chưa chắc làm cho nó đẹp hơn. Có lẽ chuyện này là trừu tượng. Nhưng tôi biết rất rõ rằng, làm cho nó rõ hơn đối với người đọc thì không có nghĩa là làm cho nó đẹp hơn, xét về quan điểm mỹ học.
Hỏi: Đôi khi người ta vẫn tranh luận với nhau về chuyện bao giờ Việt Nam mình có giải Nobel?
Trả lời: Phải nói thật rằng, ở chúng ta đang hình thành một nền văn hoá đầy ảo tưởng: phải có trường Đại học đẳng cấp Havard, phải có giải Nobel… Điều này làm tôi buồn. Nobel không phải là giải thưởng cho một người tài đơn giản mà một người tài cưỡi trên một con ngựa văn hoá rực rỡ. Dân tộc chúng ta chưa có một con ngựa như vậy để cưỡi cho nên chúng ta không được vinh thăng bằng Nobel. Đừng vội vàng hy vọng những chuyện như vậy.
Chúng ta có một xã hội, có một nền chính trị, có một nền kinh tế chưa hoàn chỉnh thì chúng ta chưa nên hy vọng có được giải Nobel. Người ta sẵn sàng bỏ qua một viên kim cương trong vũng bùn bởi vì viên kim cương ấy không đủ giá để người ta cúi xuống bốc cái đống bùn ấy về đãi. Cho nên, nhiệm vụ của chúng ta là làm cho viên kim cương của mỗi một người có nằm trong một cái hộp nhung. Toàn bộ cố gắng vĩ mô của xã hội chúng ta là phải phấn đấu để Việt Nam trở thành một cái hộp bằng nhung chứ không bắt người đời cúi xuống đống bùn để nhặt viên kim cương ở trong ấy. Đấy là chúng ta nói chung như vậy, còn nếu xét về mặt văn chương thuần tuý, chúng ta cũng có những người viết hay, nhiều tác phẩm hay, nhưng tất cả đều bị vấy bẩn cả. Ai lục tung cái đám bụi ấy lên để mà tìm ra những thứ giá trị ở đấy bây giờ? Vì kẻ mua cái giá trị ấy không phải là chúng ta, chúng ta có hét to lên về sự đắt giá của mình thì cũng chẳng thay đổi được gì. Tất cả các giải thưởng được cấp bởi những người giàu có, những vùng phát triển, khi lục lọi trong một căn phòng bụi bặm phải bõ công, họ không mất công mất công như thế. Họ tìm thấy Nguyễn Du đã là một sự may mắn với chúng ta rồi.
Thực ra, chúng ta cũng có nhiều thứ có giá trị nhưng chúng ta không có một miền đất sáng giá để những thứ có giá trị được đặt đúng vị trí của mình. Tôi đi nhiều nước, tôi thấy các nhà văn nước ngoài cũng bụi bặm, đôi khi bê tha, rệu rã và nghèo đói như chúng ta. Nhưng cái khổ của cá nhân họ lại nằm trong một cộng đồng chói sáng, cho nên họ là những kẻ khuân vác những giá trị của xã hội ấy để trình bán cho thiên hạ, còn chúng ta thì khuân vác những giá trị ấy từ đâu? Các nhà văn là những người khuân vác những giá trị mà xã hội có để lắp nó lại thành một kết cấu có giá trị có thể bán được. Vậy các nhà văn của chúng ta khuân vác những thứ gì? Thực ra các nhà văn của chúng ta khuân vác những thứ có giá ở nơi khác đến Việt Nam cho nên, với tư cách là một độc giả đã đọc nhiều văn học nước ngoài, khi đọc các tác phẩm của Việt Nam tôi thấy nhiều người quen, phải gật đầu chào nhiều quá. Tôi nhớ có một nhà báo đã đến phỏng vấn tôi về bảo hộ quyền tác giả trong âm nhạc, tôi cười và nói rằng, các tác phẩm âm nhạc của chúng ta là những buổi dạ hội của những yếu tố quen biết, chúng ta bắt gặp ở trong đấy Chopin, Mozart, Beethoven… Những người có học thì đưa về được nhiều cái tử tế, còn những người ít học thì đưa về ít hơn. Xã hội chúng ta chưa đủ những yếu tố để lắp đặt tạo ra những thứ có giá. Những hiện thực thật sự lớn lao, thật sự khốc liệt thì luôn gắn bó với chính trị, gắn bó với các bí mật chính trị. Đấy vẫn là một cái lô cốt khép kín mà các nhà văn của chúng ta chỉ đứng ở bên ngoài để đoán mò mà thôi. Vì thế những cái đáng viết thì không được viết, cho nên các nhà văn nghệ của chúng ta chỉ canh tác trên những cánh đồng của những thứ không đáng viết.
Xã hội chúng ta chưa có các giá trị phổ quát. Một xã hội có những giá trị phổ quát là một xã hội có một nền văn hoá có giá trị phổ quát. Chúng ta chưa có một nền văn hoá có giá trị phổ quát. Tại sao lại như vậy? Điều này cần rất nhiều suy nghĩ và của rất nhiều người mới có thể giải đáp được. Riêng về văn học, chữ viết hiện đại mới có vài trăm năm, nên chúng ta chưa có những kinh nghiệm để tạo ra những tác phẩm có giá trị phổ quát. Nhiều người nói Vũ Trọng Phụng là thiên tài, lúc đầu tôi cũng nghĩ vậy nhưng sau thì chỉ thấy đó là những ghi chép bản năng, dung tục và đơn giản, vắng bóng những thông điệp có giá trị phổ quát và thiếu vắng vẻ đẹp phổ quát. Nếu đọc “Viên mỡ bò” của Guy de Maupassant, chúng ta sẽ thấy ông ta viết đẹp như thế nào và giá trị khái quát của nó lớn đến thế nào.
Hỏi: Đúng là đọc những nhà văn lớn của thế giới như Maupassant hay Dostoevsky, mình cảm thấy “sợ”. Cái cảm giác ấy không bao giờ có được khi đọc các tác giả Việt Nam.
Trả lời: Những nhà văn như thế thì không chỉ có mình “sợ”, mà kể cả những nhà văn lớn, những nền văn hoá lớn trên thế giới, họ cũng “sợ”. Bởi vì nếu đọc kỹ Dostoevsky thì chúng ta thấy ông ta còn giỏi phân tâm học hơn cả Freud. Những nhà văn lớn, trước khi ngồi vào viết, họ đã là bậc thầy của thiên hạ rồi. Họ là một kinh nghiệm sống khổng lồ trước khi viết cho nên tác phẩm của họ là một giáo trình sống khổng lồ. Tôi nói chuyện với nhiều nhà văn Việt Nam, kể cả những người có tên tuổi, tôi thấy khó khăn để nhìn thấy sự tự tin của họ, nhất là ở những nhà văn lớn và tử tế. Ở những đối tượng không lớn và tử tế thì tôi không nhìn thấy sự tự tin mà chỉ thấy sự tự mãn. Tự tin là kết quả của sự hiểu biết đúng đắn, Sự hiểu biết đúng đắn là kết quả của một nền giáo dục và đào tạo đúng đắn, Chúng ta chưa có nền giáo dục như vậy.
Cho nên hầu hết họ đều khai thác phần bản năng của mình, những kinh nghiệm sống thông thường của họ. Và khai thác bản năng và những kinh nghiệm sống thông thường thì rất khó có thể tạo ra những tác phẩm có chất lượng thiên tài được. Trần Đăng Khoa là một hiện tượng, anh ấy mở đầu cuộc đời nghệ thuật của mình bằng những cuộc gặp gỡ có chất lượng thần thánh, nhưngthần thánh rất sớm ra đi đối với Trần Đăng Khoa. Chúng ta phải thấy rằng, những thứ văn chương nhất thời ở Việt Nam chiếm một tỉ lệ khá lớn, trong đó bao gồm cả những tác phẩm phụ hoạ lẫn những tác phẩm chỉ trích chế độ.
Cả hai loại tác phẩm này đều ký sinh trên những khuyết tật của đời sống. Khi đời sống dịch chuyển đến độ hợp lý thì sự sống của những tác phẩm như vậy cũng chấm dứt.
Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupNguồn:
Tạp chí Văn Việt, tháng 8/2008