Khó có gì ở ta được quan tâm bằng cải cách hành chính. Cải cách thủ tục, khoán lương, tổ chức các trung tâm dịch vụ, hành chính, thực hiện chính sách một cửa… và là hàng loạt cố gắng không kể hết trong lĩnh vực này. Thế nhưng cho dù những cố gắng là không kể hết, thì những chuyển biến thật sự vẫn rất khó kể ra. Vì sao mọi chuyện lại nan giải đến như vậy? Phải chăng còn có nhưng vấn đề nằm ở triết lý sâu xa của việc tổ chức quyền lực, không xử lý, khó cải cách hành chính thành công?

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

Trước hết, nếu một ngôi nhà được thiết kế bất hợp lý, thì sự sắp xếp ở bên trong ngôi nhà đó rất khó cải thiện. Vấn đề cơ bản nhất của mọi ngôi nhà là việc bố trí không gian. Đối với ngôi nhà hành chính, đâu là không gian của nhà nước, đâu là không gian của người dân và xã hội dân sự là thiết kế cơ bản nhất. Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền từ một chế độ tập trung, quan liêu, bao cấp. Về mặt tuyên ngôn, từ lâu chúng ta đã từ bỏ chế độ nói trên, nhưng về mặt tổ chức và kỹ thuật, thì sự từ bỏ chỉ xảy ra khi chúng ta tái cấu trúc được “ngôi nhà hành chính”.

Trong chế độ tập trung, quan liêu, bao cấp Nhà nước làm hết mọi việc. Điều này cũng hợp lý vì toàn bộ tài sản của đất nước và toàn bộ nền kinh tế tập trung trong tay Nhà nước. Thế nhưng, trong nền kinh tế thị trường, tài sản, cũng như tiềm lực kinh tế nằm trong tay các thành phần kinh tế và các lực lượng xã hội khác nhau. Quan hệ xã hội cơ bản của kinh tế thị trường là quan hệ dân sự. Nghĩa là, người dân có quyền tự do “mưu cầu hạnh phúc” trên cơ sở tự nguyện, tự thoả thuận với nhau. Như vậy, hầu hết mọi việc của đời sống dân sự đều do người dân tự quyết định lấy. Người ta nói đến “một nhà nước nhỏ, một xã hội lớn” là vì lý do này.

Tập trung cho bộ máy hành chính thật nhiều quyền rồi sau đó tìm cách khống chế nó thì cũng giống như việc thả gà ra mà đuổi. Ngày xưa, Đức Chúa trời còn không răn dạy được A đam và Ê va phải tránh làm điều tội lỗi thì ngày nay, không biết chúng ta có thể răn dạy được cả bộ máy hành chính không được lạm quyền không? Phải nhớ rằng A đam và Ê va chỉ có hai bàn tay trắng, còn bộ máy hành chính thì có đầy đủ mọi thứ từ nhà tù, đến xe tăng, đại bác… Thực tế cho thấy ai cũng có thể trở thành nạn nhân của bộ máy này. Nếu một vị bộ trưởng, một ông Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội còn không tránh khỏi sự sách nhiễu thì những người dân sẽ tránh làm sao?! Bộ máy đẻ ra bộ máy, quyền lực đẻ ra quyền lực. Khống chế bộ máy hành chính bằng cách răn dạy, phê bình là rất khó khăn. Như vậy điều quan trọng là phải tránh hành chính hoá các quan hệ dân sự và phải dành khoảng không gian rộng lớn hơn cho quyền tự quyết của những người dân.

Ngoài ra, nguyên tắc pháp quyền – người dân được làm mọi điều mà pháp luật không cấm, còn các quan chức chỉ được làm những điều mà pháp luật cho phép, có vẻ thiên vị cho những người dân. Thế nhưng, không biết những điều mà những người dân bị cấm có nhiều hay không, còn những điều mà các quan chức được phép thì có vẻ nhiều vô kể. Vấn để là quyền tự quyết của người dân và những điều mà các quan chức được phép luôn luôn tồn tại trong mối tương quan tỷ lệ nghịch với nhau. Mỗi khi những điều mà các quan chức được phép nhiều lên, thì những điều mà những người dân được quyền tự quyết bắt buộc phải ít đi. Thực ra, mỗi khi người dân bị cấm thì bắt buộc các quan chức phải có quyền áp đặt sự tuân thủ và áp đặt chế tài. Bằng không sự cấm đoán sẽ không có nghĩa. Như vậy, cấm đoán càng nhiều thì bộ máy hành chính lại càng phình to ra. Và nguy cơ bộ máy vượt ra khỏi tầm kiểm soát là luôn luôn tồn tại.

Cuối cùng, trao quyền cho bộ máy hành chính như thế nào là vấn đề gốc rễ của cải cách hành chính. Trong bối cảnh hiện nay, cải cách hành chính là công việc khó khăn. Bộ máy đã được sinh ra thì thường có tính độc lập của nó, và có cả những lợi ích của nó. Nếu cải cách không mang lại được những lợi ích lớn hơn, thì bộ máy sẽ khó lòng chịu chuyển động. Vậy thì, chúng ta phải khuyến khích vật chất để cải cách, đồng thời phải cố gắng tránh hành chính hóa các mảng đời sống dân sự còn lại của xã hội.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Nguồn:
  Văn hóa doanh nhân Việt Nam

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

——————————————————

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

2.Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

3. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

4. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;