Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi thư tư vấn đến công ty Luật LVN Group chúng tôi. Trường hợp của bạn chúng tôi đã nghiên cứu và phân tích như sau
Nội dung phân tích
Căn cứ pháp luật hiện hành thì việc điều chỉnh chủ đầu tư dự án trong trường hợp chia tách doanh nghiệp (chia tách tổ chức kinh tế) được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư (Điều 51 Nghị định số 31/2021 /NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư)
1. Điều chỉnh DAĐT trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế
1.1 NĐT tổ chức lại và xử lý tài sản, quyền, nghĩa vụ liên quan đến DAĐT
– Tổ chức kinh tế được hình thành trên cơ sở chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là tổ chức lại) được kế thừa và tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế bị tổ chức lại đối với dự án đầu tư mà tổ chức kinh tế bị tổ chức lại đã thực hiện trước khi tổ chức lại theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đất đai và pháp luật có liên quan.
– Nhà đầu tư quyết định việc tổ chức lại và xử lý tài sản, quyền, nghĩa vụ liên quan đến dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan. Sau khi hoàn thành thủ tục tổ chức lại và xử lý tài sản, quyền, nghĩa vụ liên quan đến dự án đầu tư, nhà đầu tư lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư.
1.2 Thành phần hồ sơ
– Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
– Bản sao tài liệu về tư cách pháp lý của tổ chức kinh tế sau khi tổ chức lại;
– Bản sao nghị quyết hoặc quyết định của nhà đầu tư là tổ chức kinh tế bị tổ chức lại về việc tổ chức lại, trong đó có nội dung về việc xử lý tài sản, quyền và nghĩa vụ liên quan đến dự án đầu tư;
– Giải trình hoặc cung cấp tài liệu liên quan đến việc điều chỉnh những nội dung quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 điều 33 của Luật đầu tư (nếu có);
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có).
Nội dung quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 điều 33 Luật đầu tư 2020 như sau:
Điều 33. Hồ sơ, nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư
1. Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất bao gồm:
…b) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
c) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
d) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;
đ) Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
e) Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
g) Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;
h) Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
2. Đối với DAĐT đã được chấp thuận chủ trương đầu tư
Các dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và việc điều chỉnh dự án đầu tư khi tổ chức lại làm thay đổi nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 điều 41 của Luật đầu tư quy định như sau:
Điều 41. Điều chỉnh dự án đầu tư
…3. Nhà đầu tư có dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư;
b) Thay đổi quy mô diện tích đất sử dụng trên 10% hoặc trên 30 ha, thay đổi địa điểm đầu tư;
c) Thay đổi tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư;
d) Kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu;
đ) Điều chỉnh thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;
e) Thay đổi công nghệ đã được thẩm định, lấy ý kiến trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư;
g) Thay đổi nhà đầu tư của dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trước khi dự án khai thác, vận hành hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có).
Đối với trường hợp này nhà đầu tư nộp 08 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 51 nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc 04 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này cho Cơ quan đăng ký đầu tư tương ứng với thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án để điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tương ứng tại các Điều 44, 45 và 46 của Nghị định nảy. Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư được gửi cho nhà đầu tư và Cơ quan đăng ký đầu tư.
3. Đối với DAĐT đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký ĐT và không thuộc diện chấp thuận chủ trương ĐT
Những trường hợp dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện chủ trương đầu tư hoặc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 điều 41 của Luật đầu tư 2020, nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 51 nghị định 31/2021/NĐ-CP cho Cơ quan đăng ký đầu tư để điều chỉnh dự án theo quy định tại Điều 47 của Nghị định này như sau:
Điều 47: Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và không thuộc diện chấp thuận điểu chỉnh chủ trương đầu tư
1. Trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư liên quan đến việc thay đổi tên dự án đầu tư, tên nhà đầu tư tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư kèm theo tài liệu liên quan đến việc thay đổi tên dự án đầu tư, tên nhà đầu tư. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.
2. Trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư không thuộc nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 44 của Nghị định này cho Cơ quan đăng ký đầu tư. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh được gửi cho nhà đầu tư.
4. Đối với các tổ chức KT được hình thành trên cơ sở tổ chức lại có NĐT nước ngoài
Tổ chức kinh tế được hình thành trên cơ sở tổ chức lại có nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 điều 23 của Luật đầu tư 2020 là thành viên, cổ đông phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật Đầu tư
Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:
- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật này;
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này;
- Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
Thủ tục được thực hiện như sau:
– Trường hợp tổ chức kinh tế được hình thành trên cơ sở tổ chức lại đó tiếp tục thực hiện một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư mà tổ chức kinh tế bị tổ chức lại đã thực hiện trước khi tổ chức lại thì thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này;
– Trường hợp tổ chức kinh tế được hình thành trên cơ sở tổ chức lại đó không tiếp nhận và thực hiện một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư mà tổ chức kinh tế bị tổ chức lại đã thực hiện trước khi tổ chức lại thì nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a,b, c khoản 1 điều 23 của Luật đầu tư phải lập dự án đầu tư và thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Nghị định này trước khi tổ chức kinh tế được hình thành trên cơ sở tổ chức lại thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp do tổ chức lại theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn đang quan tâm. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email Tư vấn pháp luật đất đai qua Email hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 1900.0191. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.