Minh bạch, công khai – nguyên tắc cần thiết

TS. NGUYỄN QUANG A: VP Bank từng có bài học rất đau xót! Được thành lập năm 1993, đang nằm trong “top” ngân hàng hàng đầu ở Việt Nam, VP Bank đã xuống dốc thảm hại vào năm 1996. Nguyên nhân là doanh nghiệp không có quy chế quản trị doanh nghiệp nghiêm túc. Việc cho chính các thành viên trong HĐQT, Giám đốc, cổ đông, Ban kiểm soát vay vốn tràn lan làm ăn ở ngoài dẫn đến cuộc khủng hoảng trầm trọng. Nợ xấu lên tới gần 800 tỷ đồng và 50 triệu USD tiền vay cam kết với nước ngoài không trả được, trong khi vốn lúc đó của VP Bank chỉ có… 175 tỷ đồng. Năm 1997, khi ngồi vào đây với vị trí Chủ tịch HĐQT, tôi bắt đầu thiết lập lại quy trình quản trị. Quy định tất cả thành viên trong HĐQT và Ban kiểm soát không được vay quá 15% tống vốn của VP Bank và các khoản vay sẽ được kiểm soát rất kỹ. Bảy năm còng lưng để làm, để thu, để đòi nợ (có năm tôi ký đến 400 giấy để kiện), VP Bank mới đứng vững được như ngày nay.

Quy chế quản trị tại VP Bank bây giờ rất minh bạch và được thực hiện rất nghiêm. Bất kể một khoản vay của ông nào ở HĐQT sẽ bị soi gấp 10 lần người thường. Chúng tôi cách một loạt những việc mà thành viên HĐQT không được làm. Ví như tôi vừa là Giám đốc 3C vừa là thành viên HĐQT, nếu muốn bán máy tính 3C vào đây phải theo một con đường khác, không có chuyện Giám đốc ở đây ký riêng với tôi là xong. Việc làm này là để tránh việc xung đột lợi ích. Minh bạch, công khai trong quản trị là nguyên tắc hàng đầu đề hạn chế tham nhũng.

Là người từng trải trong công tác quản trị doanh nghiệp và là dịch giả của hàng chục đầu sách về kinh tế, chính trị nên tham nhũng là khái niệm không còn xa lạ với ông. Vậy theo ông, tham nhũng xuất phát từ đâu và liệu có “liều thuốc hữu hiệu nào không để chống và hạn chế nó?

Có ủy quyền là có tham nhũng. Như thế khả năng (và thực tế) sự tham nhũng cổ gần như loài người và còn tiếp diễn. Tuy vậy có thể hạn chế, kiềm chế, giảm bớt tham những. Bởi có ủy quyền mới chỉ tạo ra khả năng còn tham nhũng có thực sự diễn ra hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tổ: Văn hóa, pháp lý, tính minh bạch, dư luận .v.v… Nói theo ngôn ngữ kinh tế là phụ thuộc vào những khuyến khích, bao gồm lợi ích trừng phạt và khả năng bị phát giác. Xã hội dân chủ, Nhà nước pháp quyền (mà cốt lõi là phân quyền, kiềm chế, kiểm soát quyền lực của nhà nước được luật hóa) nâng cao năng lực quản trị, trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, vai trò của truyền thông, báo chí, quyền phê phán các cơ quan nhà nước… là các nguyên tắc quen thuộc nhằm hạn chế, giảm, chống tham nhũng. Độc quyền luôn tạo ra xu hướng bành trướng quyền lực và tăng cường độc quyền. Phải có các thể chế được hiến định để chóng lạm quyền trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội đến chính trị. Không chống được độc quyền thì cái lõi của tham nhũng chưa bị đụng tới, và các biện pháp khác chưa thể phát huy hết tác dụng.

Tư nhân hóa, nếu làm đúng sẽ có nhiều cái lợi

Để hạn chế tham nhũng cần phải chống lạm quyền, vậy tư nhân hóa cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kiềm chế, kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước phải chăng là những biện pháp cần thiết?

Như đã nói, cái gốc của tham nhũng là quyền lực không bị kiềm chế, không được kiểm soát. Hạn chế quyền lực là các cơ quan nhà nước và viên chức nhà nước chỉ đuợc làm những việc mà luật quy định, nếu làm trái có thể bị phanh phui, bị sa thải, bị hẹn … Hạn chế quyền lực nhà nước là biện pháp hữu hiệu đế chống tham nhũng.

Còn tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ làm tăng khuyến khích giám sát, kiềm chế của chủ doanh nghiệp. Tư nhân hóa là một khái niệm vẫn bị nhiều người hiểu lầm ở ta. Tư nhân hóa là việc bán quyền (hay một,phần quyền) sở hữu nhà nước cho những người hay các tổ chức không thuộc Nhà nước (trong hay ngoài nước). Tư nhân hóa không làm Nhà nước mắt tài sản mà dự biến tài sản Nhà nước ở dạng này thành tài sản Nhà nước ở dạng khác (khi bán đúng giá). Trong số 654 công thự của Hà Nội đến nay đã bán hết 611 cái, chỉ còn lại 43 công thự, đấy là tư nhân hóa. Kho bạc Hà Nội thu được tiền đế làm việc khác và biến 611 căn nhà thành nhà sở hữu tư nhân. Nhà nước không còn nhà nhưng được tiền. Vấn đề chỉ nảy sinh nếu bán không theo giá thị trường thì Nhà nước bị thiệt, và các vị được mua thì có lợi. Cổ phần hoá là một dạng đặc biệt của tư nhân hóa. Cổ phần hóa, hay tư nhân hóa cần phải được tiến hành công khai, minh bạch (chứ không phải được làm ra vẻ công khai, nhưng thực ra lại có sự câu kết ngầm của lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan chủ quản và vài nhà đầu tư “ruột” như trong nhiều trường hợp ở ta), bán đúng giá mới là quan trọng, và quan trọng hơn nhiều là đề cho khu vực tư nhân (mới và cũ, trong và ngoài nước) tự do phát triển để cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước. Với sự phát triển như vậy thì khả năng tham nhũng sẽ giảm.

Các tổ chức kinh tế quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có nạn tham nhũng trầm trọng. Đảng và Nhà nước cũng xem tham nhũng là một quốc nạn và rất quyết tâm giải quyết vấn nạn này – bằng chứng là gần đây nhiều vụ tham nhũng lớn được phanh phui, nhiều quan chức lớn bị xử lý, Luật Phòng chống tham nhũng được ban hành và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cũng vừa ra đời… Đánh giá của ông về quyết tâm của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay?

Không chống tham nhũng thì có thể gây ra rất nhiều bất ổn xã hội nghiêm trọng. Các nhà lãnh đạo hiểu điều bức xúc đó và có nỗ lực chống tham nhũng. Đây là vấn đề khó không thể hi vọng có kết quả nhanh, nên mỗi kết quả dù nhỏ cũng đáng trân trọng. Tôi ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực ấy, song tôi nghĩ vẫn chưa đủ và làm chưa đồng bộ. Chữa bệnh tham nhũng chủ yếu không phải là trừng trị hay đưa ra các vụ điển hình, mà cốt lõi và lâu dài là ở môi trường pháp lý minh bạch, ở sự thực hiện Nhà nước pháp quyền, ở sự giáo dục, ở tạo dựng một nền văn hóa lãnh đạo và văn hóa ứng xử văn minh, là tạo dựng niềm tin vào nhau, vào Nhà nước. Tôi nghĩ nếu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh” thì phải nên dũng cảm gạt bỏ mọi trở ngại dẫu đó là những điều từ trước đến nay vẫn được cho là “cấm kị”.

Phi Hùng – Tuấn Anh
Nguồn:
  Pháp luật Việt Nam – Số Tết, Xuân Đinh Hợi – 2007

(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)