Khách hàng: Kính thưa Luật sư LVN Group, tôi muốn Luật sư hãy giúp tôi phân tích về cơ cấu của Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015 và đặc điểm đặc thù của chương Chương XIII “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” của Bộ luật?

Cảm ơn!

Trả lời:

1. Khái quát Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015

Trước hết, hệ thống Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015 có 14 chương, đó là bắt đầu từ chương XIII đến chương XXVI với tổng số 318 điều luật, từ điều 108 đến điều 425. Nếu tính cả Điều 217a về “Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp” với tư cách là một điều luật độc lập và Điều 292 đã bị hủy bỏ (sau khi Bộ luật này bị lùi hiệu lực thi hành để sửa đổi, bổ sung vào năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018).

Như vậy, các quy phạm của Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015 đã tăng lên nhiều hơn 51 điều trong tương quan so sánh với các quy phạm của Phần riêng Bộ luật Hình sự trước đó vào năm 1999, với bộ luật trước đó chỉ có 267 điều đối với phần riêng.

2. Bản chất của Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015

Mặc dù Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015 có 318 điều nhưng thực chất số lượng các điều đề cập các cấu thành tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự thứ ba này chỉ có 314 điều.

Bởi vì tương tự như trong Phần riêng Bộ luật Hình sự trước đó (năm 1999), Phần riêng của Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng có 04 điều luật không quy định về các cấu thành tội phạm cụ thể, đó là:

– Điều 122 “Hình phạt bổ sung” được quy định riêng đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Điều 122. Hình phạt bổ sung

Người phạm tội quy định tại Chương này còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

– Điều 352 “Khái niệm tội phạm về chức vụ” Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Điều 352. Khái niệm tội phạm về chức vụ

1. Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

2. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.”

– Điều 367 “Khái niệm tội xâm phạm hoạt động tư pháp” Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Điều 367. Khái niệm tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án.”

– Điều 392 “Những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Điều 392. Những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân

1. Quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng.

2. Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện.

3. Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

4. Công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội.”

3. Sự sắp xếp hệ thống cấu thành tội phạm trong Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015

Hệ thống các cấu thành tội phạm cụ thể trong Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015 được sắp xếp tương ứng như theo các chương như trong Phần riêng Bộ luật Hình sự (năm 1999) vì Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn giữ nguyên số lượng 14 chương.

Tuy nhiên, tên gọi của hai chương là chương XV và chương XXI đã sửa đổi, bổ sung không đáng kể, còn việc sắp xếp các nhóm tội phạm trong hai chương khác, là chương XVIII và chương XXI đã sắp xếp lại tương ứng theo các mục cho phù hợp với sự phát triển của các quan hệ xã hội mới hình thành, cũng như đáp ứng được các đòi hỏi của công cuộc phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, cụ thể như sau:

– Chương XV “Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân” có sự bổ sung thêm cụm từ “quyền tự do của con người” vào tên gọi (tiêu đề) cho đầy đủ và phù hợp với Hiến pháp năm 2013 mà Chương XIII tương ứng trong Phần riêng Bộ luật Hình sự trước đó vào năm 1999 chưa có.

– Chương XVIII “Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế” có đặc điểm mới về bố cục là các tội phạm trong Chương này đã sắp xếp lại theo ba mục mà Chương XVI tương ứng của Phần riêng Bộ luật Hình sự trước đó vào năm 1999 không có, cụ thể các mục như sau:

+ Mục 1 “Các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại”;

+ Mục 2 “Các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm” và;

+ Mục 3 “Các tội phạm khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”.

– Chương XXI “Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng” có điểm mới về bố cục là các tội phạm trong Chương này đã sắp xếp theo bốn mục lớn mà Chương XIX tương ứng của Phần riêng Bộ luật Hình sự trước đó vào năm 1999 không có, cụ thể là các mục sau: + Mục 1 “Các tội xâm phạm an toàn giao thông”;

+ Mục 2 “Các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông”;

+ Mục 3 “Các tội phạm khác xâm phạm an toàn công cộng” và;

+ Mục 4 “Các tội phạm khác xâm phạm trật tự công cộng”.

– Chương XXV “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu”.

=> Như vậy, nếu xét về tên gọi của Chương thì trong tên gọi của Chương XXV Bộ luật Hình sự năm 2015 nhà làm luật đã bổ sung thêm cụm từ “và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu” vào vế sau của nó mà tên gọi của Chương XXIII trong Phần riêng Bộ luật Hình sự trước đó vào năm 1999 không có.

4. Cấu trúc quy định pháp nhân thương mại phạm tội trong phần riêng của Bộ luật hình sự năm 2015

Lần đầu tiên sau 30 năm nếu kể từ khi pháp luật hình sự Việt Nam được pháp điển hoá lần thứ nhất vào năm 1985, trong Bộ luật Hình sự năm 2015 cùng với việc ghi nhận bằng một số quy phạm của Phần chung tại Chương XI “Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội” và một số quy phạm của Phần riêng đã quy định cả việc xử lý trách nhiệm hình sự bằng các chế tài cụ thể đối với các hành vi phạm tội do sự liên đới của pháp nhân thương mại trong việc thực hiện tội phạm tương ứng chỉ với 33 cấu thành tội phạm (cấu thành tội phạm) tại ba chương là chương XVIII, chương XIX và chương XXI), mà cụ thể là:

– Chương XVIII “Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 22 cấu thành tội phạm cụ thể (tại các điều 188 đến điều 196, điều 200, điều 203, điều 209, điều 210 đến điều 213, điều 216, điều 217, điều 225, điều 227, điều 232 đến điều 234 của Bộ luật;

– Chương XIX “Các tội phạm về môi trường” ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 09 cấu thành tội phạm cụ thể tại các điều 235. điều 237, điều 238, điều 239, điều 242, điều 243, điều 244, điều 245, điều 246 của Bộ luật;

– Chương XXI “Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng” ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đôi với hai cấu thành tội phạm cụ thể tại các điều 300 và điều 324 của Bộ luật.

5. Đặc điểm cơ bản của chương Chương XIII “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia”

Việc phân tích nội hàm của các cấu thành tội phạm tương ứng lần lượt trong từng chương, từ tổng số tất cả 14 chương thuộc Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015 đã cho thấy các đặc điểm cơ bản tương ứng với từng chương sẽ có điểm khác biệt.

Sau đây là Chương XIII “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” có 15 điều, bắt đầu từ Điều 108 đến Điều 122 mà việc phân tích các điều khoản trong Chương này cho thấy các (05 đặc) điểm cơ bản sau đây:

– Nhà làm luật đã quy định trực tiếp trách nhiệm hình sự của giai đoạn chuẩn bị tội phạm đối với tất cả 14 cấu thành tội phạm của các tội xâm phạm an ninh quốc gia tương ứng tại 14 điều (Điều 108 – Điều 121) trong Chương này.

– Trong số 15 điều luật thì có 14 điều, đó là Điều 108 đến Điều 121 của Bộ luật ghi nhận 14 cấu thành tội phạm và 01 điều cuối cùng là Điều 122 đề cập hình phạt bổ sung chung đôi vối tất cả các tội phạm trong Chương này.

– Khác với đa số các tội phạm còn lại trong Phần riêng Bộ luật Hình sự năm 2015 là quy định trực tiếp hình phạt bổ sung tại khoản cuối cùng của từng điều tương ứng với mỗi cấu thành tội phạm, riêng đối với nhóm 14 tội xâm phạm an ninh quốc gia thì khoản cuối cùng của từng điều lại quy định trực tiếp hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia tương ứng cụ thể.

– Điều 91 “Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” trong Bộ luật Hình sự trước đó vào năm 1999 đã tách ra thành hai cấu thành tội phạm độc lập tương ứng với hai điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 là:

– Điều 120 “Tội tổ chức, xúi giục hoặc cưỡng ép người khác trốn đi nưóc ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân”

“Điều 120. Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân

1. Người nào tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

– Điều 121 “Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ỏ lại nước ngoài nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân”.

“Điều 121. Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân

1. Người nào trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

– Và cấu thành tội phạm tại Điều 83 Bộ luật Hình sự (năm 1999) đã bị bãi bỏ (không quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 nữa).

Trân trọng!