1. Khái quát về bộ máy chính trị Australia

Australia là nhà nước liên bang, với 6 bang (New South Wales, Queensland, South Australia, Western Australia, Victoria và Tasmania) và hai vùng lãnh thổ là (Northern Australia và Canberra). Australia trước đây là thuộc địa của Anh, sau đó đến ngày 01/01/1901, 6 thuộc địa của thống nhất trở thành Nhà nước Liên Bang Australia (hay còn gọi là Khối thịnh vượng chung Australia). Trong đó chính quyền liên bang và chính quyền bang hoặc vùng lãnh thổ có chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền phân chia khác nhau. Mỗi chính quyền có một Hiến pháp riêng, có nghị viện riêng, chính phủ riêng và tòa án riêng. Quyền lực nhà nước của chính quyền liên bang cũng như chính quyền bang và các vùng lãnh thổ đều tuân thủ nguyên tắc phân chia quyền lực, trong đó Nghị viện thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp và Tòa án thực hiện quyền tư pháp.

2. Quyền lực Nhà nước theo Hiến pháp Australia

Do là Nhà nước liên bang nên trong hoạt động xây dựng pháp luật một trong các vấn đề lớn được đặt ra đó là việc phân định thẩm quyền lập pháp. những lĩnh vực nào, nội dung nào do Nghị viện liên bang thực hiện và những lĩnh vực nào do Nghị viện các bang thực hiện. Hiến pháp liên bang Australia có quy định quyền lập pháp của liên bang bao gồm các lĩnh vực: thuế, quốc phòng, hoạt động đối ngoại, thương mại giữa các tiểu bang và thương mại quốc tế, đầu tư nước ngoài, tài chính, hôn nhân và gia đình, di trú, phá sản. Các tiểu bang có quyền lập pháp trong phạm vi tiểu bang của mình về nhiều lĩnh vực trong đó đáng chú ý là quyền lập pháp trong lĩnh vực luật hình sự và hôn nhân và gia đình.

Theo Hiếp pháp năm 1901, tổ chức bộ máy nhà nước Australia gồm 3 hệ thống: Cơ quan lập pháp (Quốc hội liên bang), Cơ quan hành pháp (Chính phủ liên bang) và Cơ quan tư pháp (Tòa án liên bang). Hệ thống các cơ quan này hoạt động độc lập và chế ước lẫn nhau. Từ những xuất phát điểm nêu trên, hệ thống cơ quan công tố Australia mang đậm những nét đặc trưng của hệ thống Luật án lệ (Common law) và hệ thống tố tụng theo thủ tục tranh tục (Adversarial system), đồng thời cũng có nhiều đặc điểm riêng biệt. Trong phạm vi bài viết này, một số nét đặc trưng về hệ thống tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của cơ quan công tố được trình bày nhằm giúp độc giả thấy được vị trí và vai trò của cơ quan công tố Australia trong bộ máy nhà nước.

Cơ cấu tổ chức cơ quan công tố Australia được qui định tại điều 5 của Luật tổ chức cơ quan công tố bao gồm: Cơ quan công tố liên bang và các Cơ quan công tố tiểu bang.

3. Cơ quan công tố liên bang

Cơ quan công tố liên bang: Trụ sở của Cơ quan công tố liên bang hiện ở Canberra thủ đô của Australia. Về cơ bản Cơ quan công tố liên bang có trách nhiệm thực hiện quyền quản lý hành chính đối với tất cả các cơ quan công tố trên lãnh thổ Australia, phát triển và xây dựng các chính sách, và các vấn đề ưu tiên quốc gia. Cơ quan công tố liên bang cũng có trách nhiệm đưa ra chính sách và tư vấn pháp lý cho Công tố trưởng đồng thời có trách nhiệm thực hiện hoạt động công tố đối với các hành vi vi phạm luật pháp liên bang, các hành vi phạm tội xảy ra trong tiểu bang và các vấn đề liên quan tới tài sản phạm tội.

Cơ cấu tổ chức của cơ quan công tố liên bang được chia thành 7 vụ, thực hiện các chức năng công tố và nhiệm vụ chuyên môn khác nhau. Các vụ trong Cơ quan công tố liên bang bao gồm:

(1).Vụ quản lý pháp lý và thực tiễn.

Vụ quản lý pháp lý và thực tiễn chỉ được thành lập ở cơ quan công tố cấp liên bang. Chức năng và nhiệm vụ của đơn vị này là chuẩn bị đệ trình các vấn đề liên quan tới việc bồi thường cho các nhân chứng trong vấn đề đưa và cung cấp chứng cứ; phát triển và thực hiện các nguyên tắc có hiệu quả nhất trong hoạt động của cơ quan công tố; tư vấn các vấn đề về pháp lý cho các bộ và cơ quan có thẩm quyền theo qui định của Luật pháp liên bang.

(2).Vụ thực hành quyền công tố đối với các vụ án thương mại.

Thực hiện việc truy tố đối với các hành vi phạm tội vi phạm Luật  Corporation Act 2001 (Tạm dịch: Luật qui định về các tập đoàn kinh doanh và các hoạt động, dịch vụ tài chính)và Australian Security and Investment Commission Act 20 (Tạm dịch: Luật về ủy ban chứng khoán và đầu tư Australia)cũng như tất cả các hành vi phạm tội có dấu hiệu lừa đảo liên quan tới nhân tố tập đoàn kinh doanh và các hành vi phạm tội vi phạm luật Trade Practices Act 1974 (Tạm dịch: Luật kinh doanh thương mại). Do đặc thù và tính chất phức tạp của trong hoạt động truy tố đối với các loại tội phạm này, bên cạnh việc duy trì tính độc lập trong hoạt động thực hành quyền công tố Vụ thực hành quyền công tố đối với các vụ án thương mại hoạt động chặt chẽ với các cơ quan chuyên trách có liên quan như ủy ban chứng khoán và đầu tư Australia, ủy ban người tiêu dùng và cạnh tranh Australia.

(3).Vụ thực hành quyền công tố chung.

Vụ thực hành quyền công tố chung có nhiệm vụ tiến hành thực hiện việc truy tố đối với tất cả các hành vi phạm tội, ngoại trừ các hành vi phạm tội thuộc thẩm quyền truy tố của Vụ thực hành quyền công tố đối với các vụ án thương mại. Giải quyết các vấn đề về thủ tục dẫn độ, các việc Tòa án yêu cầu trên cơ sở đề nghị của các quốc gia khác. Cùng với các nhiệm vụ nêu trên, chức năng chính của vụ thực hành quyền công tố chung là giải quyết các tranh chấp, chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử, tư vấn pháp lý và tiến hành các hoạt động hỗ trợ khác cho các cơ quan điều tra.

(4).Vụ các vấn đề về Tài sản phạm tội và Quốc tế

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, luật pháp Australia qui định: các tài sản liên quan tới người phạm tội (gồm tài sản của người phạm tội và tài sản do phạm tội có được) có thể hoặc sẽ bị kê biên, tịch thu để giảm thiểu những thiệt hại do hành vi phạm tội của người phạm tội gây ra cũng như để ngăn chặn những âm mưu, ý đồ đạt được một lợi ích nào đó của người phạm tội từ việc thực hiện hành vi phạm tội. Xuất phát từ mục đích nêu trên và xác định rõ việc thu hồi các tài sản liên quan tới tội phạm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án ở các cấp, hệ thống cơ quan công liên bang đã thành lập riêng Vụ các vấn đề về tài sản phạm tội và quốc tế. Các Công tố viên của Vụ này phối hợp các cơ quan thi hành pháp luật tiến hành các thủ tục pháp lý để thu hồi, kê biên và sung công các tài sản liên quan tới tội phạm.

(5).Vụ Chính sách.

Vụ chính sách chỉ thành lập tại cơ quan công tố liên bang, chịu trách nhiệm giúp cho Công tố trưởng phát triển các chính sách pháp lý liên quan tới các chức năng công tố của cơ quan công tố.

6.Vụ thực hành quyền công tố giải quyết các vụ án về thuế.

Tiến hành giải quyết và thực hành quyền công tố đối với tất cả các vụ án về thuế dịch vụ hàng hóa, và việc sửa đổi hệ thống thuế bao gồm cả hệ thống luật thuế mới.

(8).Vụ hành chính văn phòng

Vụ hành chính văn phòng được tổ chức hoạt động ở tất cả các cơ quan công tố với nhiệm vụ quan trọng là tổ chức thực hiện các hoạt động hành chính ở các cơ quan công tố đó, đảm bảo cho cơ quan công tố hoạt động có hiệu quả, xây dựng và triển khai các chính sách, hướng dẫn về các vấn đề nhằm tạo ra điều kiện hoạt động công tác tốt cho nhân viên. Bằng nhiều cách thức khác nhau, Vụ hành chính có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ các trang thiết bị, thực hiện chế độ kế toán, tuyển dụng cán bộ, quản lý tài chính, công nghệ thông tin, các dịch vụ văn phòng, thư viện và dịch vụ đăng ký tư pháp…

4. Các cơ quan công tố tiểu bang

Về mặt địa lý, lục địa Australia được chia thành 6 tiểu bang (gồm tiểu bang New South Wales, Victoria, Queesland, South Australia, Western Australia và Tasmania) và 2 khu vực chính (khu vực lãnh thổ phía bắc – Northern Territory và khu vực thủ đô – Australia Capital Terrritory). Trên cơ sở phân định địa giới hành chính nêu trên, hệ thống cơ quan công tố cấp tiểu bang được thành lập, mỗi tiểu bang đều có một cơ quan công tố. Đứng đầu mỗi cơ quan công tố tiểu bang là một Phó Trưởng công tố liên bang (có thể gọi là Công tố trưởng tiểu bang), người có trách nhiệm chỉ đạo các hoạt động công tố trong phạm vi khu vực tiểu bang đó. Đây cũng là một trong nhiều đặc điểm đặc trưng khác biệt của cơ quan công tố Australia so với hệ thống cơ quan công tố của Việt Nam. Về cơ cấu tổ chức của cơ quan công tố cấp tiểu bang, mỗi cơ quan công tố đều được thành lập 4 phòng: phòng thực hành quyền công tố chung, phòng thực hành quyền công tố các vụ án thương mại, phòng các vấn đề về tài sản phạm tội và phòng hành chính văn phòng. Các phòng này đều thực hiện chức năng và nhiệm vụ như các Vụ tương ứng trên cơ quan công tố cấp liên bang.

Tuy nhiên ở riêng 2 tiểu bang: Victoria (trung tâm là Melbourne) và tiểu bang New South Wales (trung tâm là Sydney) là những trung tâm kinh tế chính trị quan trọng của Ausstralia, cơ quan công tố của 2 tiểu bang này được phép thành lập thêm 2 phòng là: Phòng thực hành quyền công tố giải quyết các vụ án về Thuế và thêm một Phòng thực hành quyền công tố chung.

Bên cạnh những đặc điểm chung nói trên, cơ quan công tố cấp tiểu bang của Australia cũng có một số đặc trưng riêng về cơ cấu tổ chức, cụ thể như: Tại tiểu bang Queensland ngoài cơ quan công tố chính có trụ sở tại thành phố Brisbane còn thành lập thêm 2 cơ quan công tố khác tại thị trấn Townsville và Cairns nằm về phía bắc của bang này. Hoạt động của hai cơ quan công tố này đều thuộc quyền quản lý của Phó Trưởng công tố tiểu bang có trụ sở tại thành phố Brisbane.

Tại khu vực lục địa bắc (Northern Territory) và tiểu bang Tasmania, trước đây cơ quan công tố của hai tiểu bang này hoạt động trên danh nghĩa của cơ quan công tố liên bang dưới chỉ đạo điều hành của Luật sư chính phủ. Ngày nay, hai đơn vị này đã trở thành một bộ phận chính thức của cơ quan công tố liên bang. Tuy nhiên người đứng đầu cơ quan công tố tại hai khu vực hành chính này lại không phải là Phó trưởng công tố liên bang mà là hai Trợ lý Công tố trưởng cơ quan công tố liên bang, thay mặt Công tố trưởng công tố liên bang thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được ủy quyền.

5. Bổ nhiệm, miễn nhiệm Công tố trưởng, Phó trưởng công tố và trợ lý công tố trưởng

Việc bổ nhiễm, miễn nhiệm chức danh Công tố trưởng, Phó trưởng công tố và Trợ lý Công tố trưởng được qui định trong Luật tổ chức Cơ quan công tố năm 1983. Việc bổ nhiệm Công tố trưởng, Phó trưởng công tố và Trợ lý Công tố trưởng được đại diện toàn quyền cao nhất của Nữ Hoàng trong Quốc hội liên bang bổ nhiệm. Theo Hiến pháp Australia và Điều 18, Điều 18A Luật công tố năm 1983, Công tố trưởng, Phó trưởng công tố và Trợ lý Công tố trưởng có nhiệm kỳ hoạt động không quá 7 năm. Để bổ nhiệm vào vị trí Công tố trưởng, Phó trưởng công tố và Trợ lý công tố trưởng, người được bổ nhiệm phải có đầy đủ năng lực, trình độ ở vị trí công tác và phải có ít nhất từ 5 năm công tác pháp lý trở lên. Trên thực tế người được bổ nhiệm các vị trí nêu trên thường là các công tố viên chuyên nghiệp có trình độ, nghiệp vụ rất cao đồng thời là các công tố viên đã được trao tước hiệu danh dự cao quí của Hoàng gia. Trong quá trình thực thi trách nhiệm của mình, khi hết nhiệm kỳ công tác Công tố trưởng, Phó Trưởng công tố và Trợ lý Công tố trưởng có thể được tái bổ nhiệm nếu vẫn đáp ứng đủ yêu cầu và tư cách ở vị trí công tác và không bị giới hạn số nhiệm kỳ tái bổ nhiệm.

Việc miễm nhiệm Công tố trưởng, Phó trưởng công tố và Trợ lý Công tố trưởng được qui định tại điều 23 Luật tổ chức công tố năm 1983. Theo qui định của Điều này, đại diện toàn quyền của Nữ Hoàng sẽ tiến hành thủ tục miễn nhiệm Công tố trưởng, Phó trưởng công tố và Trợ lý Công tố trưởng khi có một trong các trường hợp sau đây:

+ Khi không có đủ tư cách, không đủ năng lực về thể chất và tinh thần.

+ Bị phá sản; lợi dụng pháp luật, vị trí công tác để dỡ bỏ tình trạng phá sản; dàn xếp với các chủ nợ hoặc lợi dụng chức vụ để nhận tiền thù lao từ các chủ nợ.

+ Rời bỏ vị trí công tác trong 14 ngày liên tục hoặc 28 ngày trong một năm không có lý do chính đáng.

+ Tham gia vào các hoạt động khác bên ngoài nhiệm sở hoặc ngoài phạm vi trách nhiệm với tư cách người thực thi pháp luật.

+Tham gia vào các hoạt động có trả lương bên ngoài nhiệm sở hoặc ngoài phạm vi trách nhiệm mà không có sự đồng ý của Tổng chưởng lý.

+ Không thực hiện, thực hiện không đúng các qui định về việc báo cáo tài chính, thu nhập cá nhân, bất kể nguồn thu nhập có được từ đâu theo qui định.

Trong thời gian được bổ nhiệm, Công tố trưởng, Phó Trưởng công tố và Trợ lý Công tố trưởng có thể thôi chức vụ đang giữ bằng việc đệ đơn từ chức lên đại diện toàn quyền cao nhất của Nữ Hoàng trong Quốc hội liên bang để xin từ chức.

Tóm lại, Cơ quan công tố Australia thuộc trực thuộc Bộ Tư pháp nằm trong nhánh các cơ quan hành pháp. Tuy trực thuộc Bộ Tư pháp, song cơ quan công tố Australia là cơ quan độc lập, thực hiện quyền công tố độc lập đối với các hành vi phạm tội xảy ra trên lãnh thổ Australia. Cơ quan công tố Australia chỉ thực hiện chức năng công tố, không thực hiện hay tham gia vào quá trình điều tra vụ án hình sự cũng như giám sát việc thi hành bản án, hình phạt. Khi thực hiện chức năng nhiệm vụ, cơ quan công tố chỉ tuân theo Hiến pháp, hệ thống luật pháp liên bang và pháp luật tiểu bang cũng như chính sách truy tố của liên bang và tiểu bang.