1. Khái quát về Viện kiểm sát nhân dân Trung Quốc

Từ triều đại nhà Thanh đã hình thành cơ quan Công tố trong Toà án. Năm 1921 hệ thống Công tố độc lập tách rời khỏi Toà án. Viện công tố có nhiệm vụ điều tra tội phạm, khởi tố và thực hành quyền công tố, hỗ trợ tư­ tố và chỉ đạo thi hành án hình sự. Năm 1927 quy định về Toà án tối cao đ­ược ban hành, theo đó các Viện Công tố đ­ược thành lập gắn với Toà án như­ mô hình của Pháp. Đến năm 1931, Viện Công tố đ­ược giao thêm nhiệm vụ giám sát các quan chức Nhà n­ước. Đây là sự kết hợp giữa truyền thống luật Châu Âu lục địa và truyền thống luật Trung Quốc. Ngày 1 tháng 10 năm 1949 Nhà nư­ớc Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đ­ược thành lập. Do có sự ảnh h­ưởng của Đảng Cộng sản và pháp luật của Nhà n­ước liên bang Xô-Viết (Liên Xô), Nhà nước Trung Quốc đã tiếp thu mô hình và những nguyên tắc cơ bản về tổ chức bộ máy và hoạt động của Nhà n­ước Liên Xô vào việc tổ chức bộ máy nhà nư­ớc của mình. Theo đó, hệ thống Viện kiểm sát nư­ớc Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là cơ quan giám sát pháp luật, đư­ợc thành lập theo địa giới hành chính nh­ưng độc lập với cơ quan hành chính và cơ quan Toà án. Đến năm 1961 hệ thống Viện kiểm sát bắt đầu đư­ợc nhập vào cơ quan Công an; năm 1968 do tác động của cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa do đó hệ thống cơ quan Viện kiểm sát chính thức bị bãi bỏ. Cơ quan Viện kiểm sát Trung Quốc đ­ược khôi phục trở lại từ khi Nhà nước Trung Quốc ban hành Hiến pháp năm 1978 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1979; sau đó đư­ợc tiếp tục khẳng định trong Hiến pháp năm 1982, Luật tổ chức Viện kiểm sát năm 1983, 1995. Hệ thống cơ quan Viện kiểm sát đ­ược thành lập ở Trung ­ương và các địa ph­ương. Gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân địa phương các cấp, Viện kiểm sát quân sự và các Viện kiểm sát chuyên ngành khác.

Điều 130 Hiến pháp quy định: “Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thành lập Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân địa phương các cấp, Viện kiểm sát quân sự và Viện kiểm sát nhân dân chuyên ngành khác”. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân Trung Hoa quy định hệ thống, cơ cấu tổ chức Viện kiểm sát Trung Hoa như sau:

2. Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan kiểm sát cao nhất của Nhà nước, có chức năng giám sát pháp luật và lãnh đạo Viện kiểm sát địa phương các cấp, Viện kiểm sát chuyên ngành trong việc thực hiện chức năng giám sát pháp luật nhằm bảo đảm việc thực hiện pháp luật được đúng đắn và thống nhất.

Để thực hiện chức năng này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

– Chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc;

– Đệ trình các dự án pháp luật tới Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc;

– Lãnh đạo các Viện kiểm sát địa phương và Viện kiểm sát chuyên ngành trong việc thực hiện công tác kiểm sát, xây dựng cơ chế hoạt động kiểm sát;

– Tiến hành điều tra các vụ án phức tạp như tham nhũng, hối lộ, xâm phạm quyền dân chủ của công dân, các vụ thiếu trách nhiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi và những vụ án khác mà cần thiết phải được thông qua và xem xét một cách trực tiếp; Lãnh đạo các Viện kiểm sát địa phương và Viện kiểm sát chuyên ngành trong việc tiến hành hoạt động điều tra;

– Xem xét và phê chuẩn việc bắt và khởi tố bị can theo quy định của pháp luật, chỉ đạo Viện kiểm sát địa phương và Viện kiểm sát chuyên ngành trong việc xem xét, phê chuẩn việc bắt kẻ tình nghi phạm tội và khởi tố bị can;

– Chỉ đạo Viện kiểm sát địa phương và Viện kiểm sát chuyên ngành trong hoạt động giám sát việc xét xử các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính theo quy định của pháp luật;

– Đối với các bản án, quyết định của Toà án các cấp đã có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có sai lầm thì có quyền kháng nghị lên Toà án nhân dân tối cao;

– Kiểm tra các quyết định của Viện kiểm sát địa phương và Viện kiểm sát chuyên ngành trong việc thực hiện quyền kiểm sát, có quyền sửa lại các quyết định không đúng pháp luật;

– Đề xuất các phương án cải cách hệ thống cơ quan kiểm sát trên toàn quốc, tiến hành việc cải cách hệ thống cơ quan kiểm sát sau khi được cơ quan có thẩm quyền thông qua phương án cải cách; lập kế hoạch và hướng dẫn kỹ năng kiểm sát, đưa vào thử nghiệm, đánh giá và áp dụng trên toàn quốc;

– Giải thích pháp luật trong lĩnh vực công tác kiểm sát;

– Xây dựng điều lệ, quy chế, quy định những điều khoản chi tiết trong công tác kiểm sát;

– Thực hiện quyền quản lý về nhân sự đối với các Viện kiểm sát cấp dưới, xác định biên chế của các Viện kiểm sát nhân dân địa phương và các Viện kiểm sát chuyên ngành;

– Đệ trình Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Viện trưởng cấp tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát chuyên ngành; đề nghị với Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc miễn nhiệm và thay thế Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Uỷ viên Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát các cấp thấp hơn;

– Tổ chức và hướng dẫn công tác giáo dục, đào tạo trong các cơ sở đào tạo của ngành kiểm sát và với các cán bộ kiểm sát;

– Xây dựng kế hoạch và hướng dẫn hoạt động lập kế hoạch, đầu tư tài chính, trang thiết bị của hệ thống cơ quan kiểm sát;

– Thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế, thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp; kiểm tra và thông qua kế hoạch điều tra các vụ án liên quan đến quan hệ hợp tác với Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan…

Các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao bao gồm:

– Văn phòng;

– Ban Chính trị;

– Tổng cục chống tham nhũng; – Vụ kiểm sát hình sự;

– Vụ kiểm sát giam giữ;

– Vụ kiểm sát hành chính, dân sự;

– Vụ kiểm sát khiếu nại, tố cáo;

– Vụ kiểm sát thi hành án;

– Trung tâm thông tin;

– Vụ kiểm sát vận tải đường sắt;

– Cục kỹ thuật kiểm sát;

– Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật;

– Cục thanh tra;

– Cục giáo dục rèn luyện cán bộ;

– Cục đối ngoại;

– Cục kế hoạch tài vụ và trang thiết bị;

– Cục quản lý hành chính sự vụ;

– Cục cán bộ lão thành.

Ngoài ra, còn có các đơn vị trực thuộc như: Nhà xuất bản kiểm sát, Báo kiểm sát, Viện nghiên cứu lý luận kiểm sát, Viện nghiên cứu khoa học kĩ thuật kiểm sát, Học viện bồi dưỡng cán bộ kiểm sát cao cấp…

Viện kiểm sát nhân dân tối cao thành lập Uỷ ban kiểm sát. Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện chế độ làm việc tập thể, thảo luận các vụ án quan trọng và các vấn đề quan trọng khác, dưới sự chủ trì của Viện trưởng. Uỷ ban kiểm sát quyết định theo đa số. Nếu ý kiến của Viện trưởng khác với ý kiến của đa số về các vấn đề quan trọng có thể báo cáo Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân quyết định.

Nhân sự của Viện kiểm sát nhân dân tối cao bao gồm: Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, uỷ viên Uỷ ban kiểm sát, kiểm sát viên, trợ lý kiểm sát viên, thư ký, cảnh sát tư pháp và các nhân viên hành chính, nhân viên hậu cần, kỹ thuật.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc bầu và bãi miễn; nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trùng với nhiệm kỳ của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, nhưng không quá hai nhiệm kỳ. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ viên Uỷ ban kiểm sát, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc bổ nhiệm và bãi miễn.

3. Viện kiểm sát nhân dân ở các địa phương

Viện kiểm sát nhân dân các cấp ở địa phương bao gồm:

Viện kiểm sát nhân dân các cấp ở địa phương gồm:

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương (cấp thứ 2);

Viện kiểm sát nhân dân thành phố thuộc tỉnh, châu tự trị… (cấp thứ 3); Viện kiểm sát nhân dân huyện, khu trực thuộc thành phố (cấp cơ sở).

Nhân sự của Viện kiểm sát nhân dân địa phương các cấp bao gồm: Viện trưởng, Phó Viện trưởng, uỷ viên Uỷ ban kiểm sát, kiểm sát viên, trợ lý kiểm sát viên, thư ký, cảnh sát tư pháp và các nhân viên hành chính, nhân viên hậu cần, kỹ thuật.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp ở địa phương thành lập Uỷ ban kiểm sát. Uỷ ban kiểm sát thực hiện chế độ làm việc tập trung dân chủ, dưới sự chủ trì của Viện trưởng, thảo luận các vụ án quan trọng và các vấn đề quan trọng khác, quyết định theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Nếu ý kiến của Viện trưởng khác với ý kiến của đa số về các vấn đề quan trọng có thể báo cáo Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân cùng cấp quyết định.

4. Viện Kiểm sát chuyên ngành

Viện kiểm sát chuyên ngành là cơ quan kiểm sát đặc biệt được thành lập trong hệ thống tổ chức ngành kiểm sát. Trong những năm 1980, ở Trung Quốc tồn tại 3 viện kiểm sát chuyên ngành là:

Viện kiểm sát vận tải;

Viện kiểm sát đường sắt;

Viện kiểm sát quân sự;

Hiện nay, chỉ còn tồn tại Viện kiểm sát quân sự và Viện kiểm sát đường sắt trong hệ thống Viện kiểm sát chuyên ngành. Viện kiểm sát quân sự là cơ quan giám sát pháp luật chuyên môn được thành lập trong Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa, thực hiện quyền kiểm sát đối với tội phạm trong lĩnh vực quân sự và các vụ án phạm tội hình sự khác do quân nhân tại ngũ thực hiện. Trong hoạt động của mình, Viện kiểm sát quân sự chịu sự lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng cục Chính trị quân giải phóng nhân dân Trung Hoa. Viện kiểm sát đường sắt chịu trách nhiệm giám sát pháp luật trong lĩnh vực đường sắt.

5. Khái quát về chức năng hoạt động Viện kiểm sát nhân dân Trung Hoa

Theo Hiến pháp nước Cộng hòa dân nhân dân Trung Hoa, Viện kiểm sát nhân dân Trung Hoa là cơ quan giám sát pháp luật của Nhà nước, thực hiện quyền kiểm sát đối với các vụ án phản quốc, chia rẻ đất nước và các vụ án phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phá hoại việc thực hiện thống nhất chính sách pháp luật, pháp lệnh, quy chế hành chính của Nhà nước; tiến hành điều tra đối với các vụ án hình sự được trực tiếp thụ lý. Kiểm sát việc điều tra vụ án hình sự do cơ quan Công an tiến hành; quyết định việc bắt giữ, truy tố hoặc miễn tố đối với các vụ án do cơ quan Công an điều tra, giám sát hoạt động điều tra của cơ quan Công an. Phê chuẩn lệnh bắt giữ của cơ quan Công an; kiểm sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra của cơ quan Công an và Điều tra viên, bảo đảm việc điều tra được thực hiện đúng pháp luật, trực tiếp điều tra các tội phạm tham nhũng; giám sát hoạt động xét xử của Tòa án; giám sát việc chấp hành phán quyết và quyết định của các vụ án hình sự, hoạt động của trại giam, nơi giam giữ và cơ quan cải tạo lao động. Các Viện kiểm sát cơ sở (châu, quận, huyện) có bộ phận biệt phái tại nơi tạm giữ, tạm giam và cải tạo để thường xuyên giám sát việc chấp hành pháp luật của cơ quan Công an.

Trong lĩnh vực dân sự: Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án; kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nếu phát hiện bản án, quyết định đó có vi phạm pháp luật. Gây thiệt hại nghiêm trọng cho lợi ích xã hội; tham gia phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm. Viện kiểm sát có thể khởi tố vụ kiện dân sự, nếu trong quá trình giải quyết vụ án hình sự thấy hành vi phạm tội của bị can, bị cáo gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, tập thể. Việc kiện dân sự phải được tiến hành xét xử đồng thời với vụ án hình sự. Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của cơ quan thi hành án hình sự, dân sự bảo đảm việc thi hành án của cơ quan thi hành án đúng pháp luật.

Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân còn có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc bảo vệ quyền tố cáo của công dân đối với các nhân viên Nhà nước vi phạm pháp luật, truy cứu trách nhiệm pháp luật đối với những người xâm phạm quyền thân thể, quyền dân chủ và các quyền khác của công dân.