Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.0191

1. Cơ sở pháp lý:

– Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu

– Nghị định 31/2018/NĐ-CP

– Thông tư 11/2020/TT-BCT

– Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định về xuất xứ hàng hóa (Thông tư 05)

2. Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) trong EVFTA là gì?

2.1. Quy tắc cụ thể mặt hàng là gì?

Quy tắc cụ thể mặt hàng là quy tắc yêu cầu nguyên liệu trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa hoặc trải qua một công đoạn gia công cụ thể, hoặc đáp ứng tỷ lệ Phần trăm giá trị hay kết hợp của các tiêu chí vừa nêu. (khoản 4 Điều 3 Thông tư 05)

Danh mục PSR được quy định chung theo chương và một số dòng hàng có quy tắc riêng. Hiệp định EVFTA bao gồm 02 Phụ lục liên quan đến PSR: (1) Phụ lục hướng dẫn cách đọc PSR với các mặt hàng nói chung và cách áp dụng PSR đối với mặt hàng nông nghiệp, dệt may, xăng dầu; (2) Phụ lục PSR của toàn bộ 97 chương.

2.2. Đối với mặt hàng nông nghiệp

PSR có giới hạn tỷ lệ sử dụng đường, sữa nguyên liệu không xuất xứ. Hạn mức tỷ lệ không có xuất xứ là 20% từng nguyên liệu đường, sữa đơn lẻ và 40% nguyên liệu kết hợp so với trọng lượng của sản phẩm cuối cùng. Với một số mặt hàng, PSR thể hiện tỷ lệ linh hoạt 40% đường nguyên liệu không xuất xứ và tỷ lệ kết hợp đường, sữa là 50%. Nhìn chung, quy tắc xuất xứ đối với hàng nông nghiệp trong FTA với EU tương đối chặt hơn so với các FTA mà Việt Nam đang tham gia.

EVFTA quy định tiêu chí xác định xuất xứ một số mặt hàng nông sản là tiêu chí chuyển đổi cơ bản kèm theo điều kiện nguyên liệu bột, đường, trứng sữa, thịt, cá không có xuất xứ chỉ được sử dụng với hạn mức nhất định. – Ví dụ: Nguyên liệu đầu vào để sản xuất bánh trung thu là bột, đường, trứng, lạp sườn,… Các nguyên liệu này đã trải qua công đoạn chế biến làm thay đổi cơ bản để tạo ra thành phẩm bánh trung thu và phải đáp ứng đồng thời điều kiện kèm theo là tổng trọng lượng bột, đường, trứng nhập khẩu không có xuất xứ không được vượt quá 40-50% trọng lượng chiếc bánh thành phẩm.

2.3. Đối với mặt hàng công nghiệp

Tiêu chí xuất xứ chủ yếu gồm (i) giới hạn tỷ lệ nguyên vật liệu không xuất xứ; (ii) chuyển đổi mã số hàng hóa và (iii) công đoạn gia công, sản xuất cụ thể. Trong đó, hàm lượng nguyên vật liệu không có xuất xứ được tính dựa trên giá xuất xưởng (giá ex-work) và tỷ lệ áp dụng phổ biến là 70% (tương đương với Hàm lượng giá trị khu vực RVC 40% tính trên giá FOB trong các FTA Việt Nam tham gia).

EVFTA không có tiêu chí xác định xuất xứ theo tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng trong khu vực mà xác định theo hạn mức giá trị nguyên liệu không có xuất xứ được phép nhập khẩu để gia công, chế biến thành sản phẩm có xuất xứ.

Đối với mặt hàng dệt may, tiêu chí xuất xứ “từ vải trở đi” trong EVFTA nghĩa là công đoạn sản xuất vải và công đoạn cắt may đều phải thực hiện tại các nước thành viên. Đây là thách thức đối với doanh nghiệp dệt may Việt Nam do ngành dệt may hiện nay vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ những nước ngoài EU. Chính vì vậy, quy định cộng gộp xuất xứ vải nguyên liệu từ Hàn Quốc có thể xem là điểm tựa lớn để giải bài toán thiếu hụt vải và là quy tắc linh hoạt cho mặt hàng dệt may.

3. Cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong EVFTA

Theo cam kết, Hiệp định áp dụng cơ chế cấp C/O và cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Nhằm tạo thuận lợi cho nhà xuất khẩu và giữ bí mật kinh doanh, tại mẫu C/O EUR1, EVFTA cho phép lựa chọn không khai báo một số thông tin. Tại Việt Nam, thời điểm áp dụng tự chứng nhận xuất xứ do nội luật quy định. Trước khi áp dụng cơ chế này, Việt Nam sẽ thông báo tới EU và ban hành hướng dẫn trong nước.

3.1. Đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Việt Nam áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Việt Nam và EU nhất trí sử dụng mẫu C/O EUR 1 trong Hiệp định EVFTA. Mẫu EUR 1 yêu cầu thông tin khai báo đơn giản hơn so với mẫu C/O trong các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các Hiệp định FTA giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối mà Việt Nam đã ký kết.

Một số thông tin nhà xuất khẩu được phép lựa chọn khai báo hoặc không khai báo như nhà nhập khẩu, hành trình lô hàng, số hóa đơn thương mại. Về nội dung khai báo, hai bên thống nhất không yêu cầu thể hiện tiêu chí xuất xứ, mã số HS của hàng hóa trên C/O. Quy trình cấp C/O mẫu EUR.1 được thực hiện tương tự quy trình cấp C/O mẫu CPTPP nêu tại Phần II. Để được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA, hàng hóa cần đáp ứng quy tắc xuất xứ của Hiệp định và có chứng từ chứng nhận xuất xứ. Giấy chứng nhận xuất xứ (hay còn gọi là C/O) là một trong những chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Nếu hàng hóa không có chứng từ chứng nhận xuất xứ, thuế quan ưu đãi của Hiệp định bị vô hiệu hóa.

Bên cạnh hình thức cấp C/O giấy, các tổ chức cấp triển khai song song hình thức cấp C/O qua mạng Internet. Thương nhân chọn cách khai báo và nộp chứng từ điện tử tại eCoSys không phải đến trụ sở của tổ chức cấp C/O để nộp hồ sơ giấy. Thời gian trả kết quả cấp C/O qua mạng Internet tính từ thời điểm nhận hồ sơ đề nghị cấp C/O đã duyệt trên mạng là 3 giờ làm việc, ngắn hơn so với thời gian trả kết quả cấp C/O giấy theo quy định hiện hành là 6 giờ làm việc nếu thương nhân nộp trực tiếp tại trụ sở của tổ chức cấp C/O và 8 giờ làm việc nếu thương nhân gửi qua bưu điện.

Danh mục cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu EUR.1 của Việt Nam được cập nhật tại Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn. Cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu EUR.1 của Việt Nam đăng ký mẫu con dấu và cập nhật các mẫu con dấu này theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa và quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2020.

Với lô hàng có trị giá từ 6.000 euro trở xuống, cơ chế tự khai báo xuất xứ cho phép nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu tự khai báo, tự chịu trách nhiệm về xuất xứ của hàng hóa. Cơ chế này linh hoạt hơn cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ do nhà sản xuất, xuất khẩu muốn trở thành nhà xuất khẩu được ủy quyền TCNXX phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.

EVFTA quy định “Nhà xuất khẩu” là cá nhân, tổ chức có trụ sở đặt tại Nước thành viên xuất khẩu, xuất khẩu hàng hóa sang Nước thành viên khác, có khả năng chứng minh được xuất xứ của hàng hóa. Nhà xuất khẩu có thể là nhà sản xuất hoặc người thực hiện thủ tục xuất khẩu. Nhà xuất khẩu không nhất thiết là người bán hàng mà phát hành hóa đơn cho lô hàng (hóa đơn bên thứ ba). Người bán hàng được phép đặt trụ sở tại lãnh thổ của nước không phải thành viên EVFTA.

3.2. Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam

Với lô hàng có trị giá từ 6.000 euro trở xuống, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ (tương tự quy định GSP hiện hành). Với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện mới được tự chứng nhận xuất xứ. EU cho biết họ không thể quay lại cơ chế chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền cấp sau khi đã thực hiện thành công tự chứng nhận xuất xứ trong vòng 18 năm qua và với hầu hết các đối tác mà họ đã ký FTA.

Theo cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của EU, các doanh nghiệp được EU cấp mã số ủy quyền (authorisation number) sẽ được phép tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu. Để được cấp mã số ủy quyền tự chứng nhận xuất xứ doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng một số quy định tương đối chặt và cơ quan hải quan thường xuyên kiểm tra điều kiện.

Nhà xuất khẩu thực hiện tự chứng nhận xuất xứ trên một chứng từ thương mại (ví dụ: hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói, phiếu giao hàng). Trong trường hợp, nhà xuất khẩu đủ điều kiện có đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu về việc chịu hoàn toàn trách nhiệm với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ thì không phải ký tên trên chứng từ đó. Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ không phải thể hiện tiêu chí xuất xứ và mã HS hàng hóa nhưng phải có chữ ký của nhà xuất khẩu. Trong trường hợp nhà xuất khẩu đủ điều kiện có đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu về việc chịu hoàn toàn trách nhiệm với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ do họ phát hành thì không phải ký tên trên chứng từ đó.

Bên cạnh đó, việc tự chứng nhận xuất xứ có thể được thực hiện sau khi xuất khẩu hàng hóa với điều kiện chứng từ chứng nhận xuất xứ đó phải được xuất trình tại Bên nhập khẩu không muộn hơn 2 năm hoặc khoảng thời gian được quy định trong luật pháp của Bên nhập khẩu, tính từ khi hàng hoá được nhập khẩu vào lãnh thổ của Bên đó.

4. Cơ chế xác minh xuất xứ hàng hóa trong EVFTA

Cơ chế xác minh xuất xứ trong EVFTA là cơ chế xác minh giữa các cơ quan chính phủ (G to G), thời gian hai bên phối hợp thực hiện xác minh xuất xứ hồ sơ giấy là 10 tháng. EVFTA đề cao nguyên tắc tin tưởng lẫn nhau trong công tác phối hợp xác minh xuất xứ và tăng cường hậu kiểm. Trong một số trường hợp khi có bằng chứng gian lận xuất xứ, nước nhập khẩu đề nghị áp dụng quy định tạm dừng ưu đãi.

Cơ chế xác minh xuất xứ hàng hóa trong EVFTA cho phép thời gian hai bên phối hợp thực hiện xác minh xuất xứ hồ sơ giấy là 10 tháng. Tại EVFTA, cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu và nước xuất khẩu phối hợp kiểm tra hồ sơ, chứng từ C/O; phương thức xác minh tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp nước xuất khẩu không áp dụng trong giai đoạn này.

Trong trường hợp (i) nước nhập khẩu liên tục phát hiện gian lận xuất xứ hàng hóa; hoặc (ii) nước xuất khẩu thiếu hợp tác, không cho nước nhập khẩu kiểm tra xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất, hai bên cùng bàn biện pháp khắc phục. Sau 30 ngày không đạt được đồng thuận, vụ việc được đưa lên Ủy ban thực thi Hiệp định và sau 60 ngày không đạt được biện pháp giải quyết, bên nhập khẩu áp dụng biện pháp tạm dừng ưu đãi. Thời gian áp dụng tạm dừng ưu đãi là 3 tháng và có thể gia hạn thêm 3 tháng. Doanh nghiệp cần lưu ý rằng Việt Nam có lợi thế hơn nhiều nước khác là có Hiệp định với EU. Nhưng nếu điều khoản tạm dừng ưu đãi bị áp dụng thì EVFTA chẳng còn ưu đãi thuế quan nữa.

Điều khoản Quản lý lỗi hành chính quy định về cơ chế phối hợp giữa hai cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và EU như một biện pháp chống gian lận thương mại. Theo đó, các Bên sẽ hỗ trợ nhau, thông qua cơ quan có thẩm quyền của mình, trong việc kiểm tra tính xác thực của giấy chứng nhận xuất xứ hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ và mức độ chính xác của thông tin được kê khai trên những chứng từ đó.

5. EVFTA và GSP

Trong 2 năm đầu kể từ khi EVFTA có hiệu lực, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU vẫn được hưởng GSP. Vì vậy, doanh nghiệp có thể lựa chọn ưu đãi thuế quan theo EVFTA hoặc theo chế độ ưu đãi GSP của EU. Việc lựa chọn EVFTA hay GSP tùy thuộc vào mức thuế nào thấp hơn và quy tắc xuất xứ nào phù hợp với quy trình sản xuất tại doanh nghiệp hơn.

– Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam muốn hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA, hàng hóa cần có C/O mẫu EUR.1.

– Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam muốn hưởng ưu đãi thuế quan theo GSP, hàng hóa cần có GCNXX mẫu A hoặc tự chứng nhận xuất xứ nếu có mã số REX.

6. Chứng từ chứng minh xuất xứ và lưu trữ chứng từ

Nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng quy tắc xuất xứ nhưng cái khó mà các doanh nghiệp chia sẻ đó là việc chứng minh hàng hóa đáp ứng xuất xứ. Ví dụ, hàng nông sản thường được thu mua qua hệ thống thương lái trung gian nên việc khai báo và chứng minh xuất xứ một số mặt hàng còn vướng mắc.

Cũng có tình huống doanh nghiệp có hồ sơ chứng minh được hàng hóa có xuất xứ nhưng công tác lưu trữ chưa được quan tâm nên khi có yêu cầu xác minh xuất xứ thì doanh nghiệp rất vất vả tìm chứng từ. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý có hệ thống lưu trữ chứng từ đầy đủ để đảm bảo hiệu quả công tác xác minh xuất xứ, giúp C/O được chấp nhận và hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập