Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.0191

1. Cơ sở pháp lý:

– Nghị định 31/2018/NĐ-CP

– Thông tư số 03/2019/TT-BCT

– Thông tư số 62/2019/TT-BTC

– Thông tư số 38/2018/TT-BTC

Cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

2. Tổng quan cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong CPTPP

Theo cam kết, Hiệp định cho phép các nước áp dụng song song cơ chế cấp C/O và cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. CPTPP không bắt buộc Việt Nam phải áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Việt Nam áp dụng thời gian chuyển tiếp thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ 5 đến 10 năm.

– Đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam: vẫn áp dụng cơ chế cấp C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Mẫu C/O mẫu CPTPP cấp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm các thông tin tối thiểu theo quy định tại Hiệp định CPTPP. Trong thời gian chuyển tiếp từ 5 đến 10 năm, nhà xuất khẩu đủ điều kiện được tự chứng nhận xuất xứ.

– Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam: áp dụng cơ chế C/O do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp hoặc nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ. Riêng cơ chế nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ chỉ áp dụng sau 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

Do CPTPP có lộ trình cam kết và các cấp độ khác nhau về tự chứng nhận xuất xứ, Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22 tháng 01 năm 2019 không bao gồm quy định về việc cho hưởng ưu đãi đối với chứng từ chứng nhận xuất xứ của hàng nhập khẩu. Nội dung này được nội luật hóa tại Thông tư số 62/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

3. Về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong CPTPP

CPTPP cho phép không chỉ nhà xuất khẩu (bao gồm nhà xuất khẩu đồng thời là nhà sản xuất và nhà xuất khẩu không đồng thời là nhà sản xuất) mà còn cho phép nhà nhập khẩu được quyền tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tự khai báo xuất xứ hàng hóa. CPTPP được coi là Hiệp định mở nhất, xét về cơ chế chứng nhận xuất xứ. Theo cơ chế này, trách nhiệm chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ chuyển từ các cơ quan chuyên trách sang doanh nghiệp (hoặc nhà nhập khẩu). Doanh nghiệp (hoặc nhà nhập khẩu) sẽ tự thực hiện các thủ tục và đáp ứng điều kiện để chứng nhận hàng hóa đáp ứng các tiêu chí xuất xứ và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của chứng nhận đó.

Tại nhiều nước thành viên CPTPP, nhà xuất khẩu sẽ tự phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên chứng từ thương mại (như hóa đơn, vận đơn, packing list) mà không có sự tham gia của các cơ quan quản lý trong quá trình phát hành. Thậm chí, các nước này không yêu cầu nhà nhập khẩu nộp C/O do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp mà chỉ cần nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ cho lô hàng của mình. Cơ chế này cho thấy được những ưu điểm của nó như đơn giản hóa quy trình thủ tục, cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời giảm rủi ro cho các cơ quan cấp phép và bớt gánh nặng cho hải quan.

Nhìn chung, đây là một cơ chế tiến bộ, giúp giảm thiểu thời gian, chi phí và nhân sự cho doanh nghiệp, đồng thời cũng đòi hỏi khả năng kiểm soát và quản lý hiệu quả từ cơ quan Chính phủ để cơ chế có thể vận hành thuận lợi, tạo điều kiện xuất khẩu và nhập khẩu cho thương nhân Việt Nam và các nước đối tác của Việt Nam trong cộng đồng thương mại quốc tế. Đây là xu thế chung của thương mại quốc tế và cũng phù hợp với tình hình thực thi FTA tại Việt Nam trong thời gian tới.

4. Cơ chế cấp C/O đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam

Đối với hàng xuất khẩu, Việt Nam áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa do cơ quan có thẩm quyền cấp C/O đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang các Nước thành viên khác của Hiệp định. Bộ Công Thương uỷ quyền cho các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực, Sở Công Thương Hải Phòng cấp C/O mẫu CPTPP. Các cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu CPTPP đăng ký mẫu con dấu, chữ ký và cập nhật các mẫu con dấu, chữ ký theo quy định của Bộ Công Thương. Danh mục các cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu CPTPP của Việt Nam được quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22 tháng 01 năm 2019 và được cập nhật tại Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn. Thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu tiên phải đăng ký hồ sơ thương nhân với cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chỉ được xem xét cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi đã đăng ký hồ sơ thương nhân đầy đủ và hợp lệ.

Hồ sơ thương nhân được khai báo qua Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn hoặc trang điện tử khác của các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công Thương ủy quyền. Bộ Công Thương khuyến khích thương nhân đăng ký hồ sơ thương nhân điện tử. Trong trường hợp không thể đăng ký hồ sơ thương nhân điện tử, thương nhân được phép lựa chọn nộp bộ hồ sơ tại trụ sở của cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

4.1. Đề nghị cấp C/O mẫu CPTPP

Sau khi thương nhân hoàn thành đăng ký hồ sơ thương nhân trên Hệ thống, thương nhân được phép đề nghị cấp C/O. Việc cấp C/O cho thương nhân được chia thành 2 trường hợp:

– Đối với thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu hoặc cho sản phẩm mới xuất khẩu lần đầu hoặc cho sản phẩm không cố định (có thay đổi về định mức số lượng, định mức trọng lượng, mã HS, trị giá và nguồn cung nguyên liệu đối với cả nguyên liệu đầu vào hoặc sản phẩm đầu ra mỗi lần cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa); và

– Đối với thương nhân sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cố định (không thay đổi về định mức số lượng, định mức trọng lượng, mã HS, trị giá và nguồn cung nguyên liệu đối với nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra).

Theo quy trình cấp C/O qua mạng Internet, thương nhân khai báo và nộp chứng từ điện tử, không phải nộp bản giấy chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Cùng với việc tạo thuận lợi cho thương nhân khai báo và cấp C/O qua mạng Internet, thương nhân cần lưu ý trách nhiệm khi thực hiện khai báo, đề nghị cấp C/O điện tử và lưu trữ chứng từ.

Trường hợp thương nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa qua bưu điện, thời gian trả kết quả cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là 24 giờ làm việc kể từ khi cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đầy đủ và hợp lệ theo ngày ghi trên bì thư.

Trong trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không rõ ràng, không chứng minh được hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ, có dấu hiệu gian lận về chuyển tải, hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp trước đó, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tiến hành kiểm tra tại cơ sở sản xuất theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP.

Quy trình thủ tục cấp C/O mẫu CPTPP được thống nhất thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa. Hệ thống quản lý rủi ro trong quá trình cấp C/O thông qua phân luồng thương nhân đề nghị cấp C/O góp phần giải quyết thủ tục nhanh chóng hơn cho thương nhân theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính.

Trong trường hợp nguyên liệu, hàng hóa được sử dụng trong công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác, thương nhân sử dụng Bản khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu, hàng hóa có xuất xứ được sản xuất tại Việt Nam; bỏ yêu cầu giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi sản xuất ra nguyên liệu, hàng hóa trong hồ sơ đề nghị cấp C/O.

4.2. C/O mẫu CPTPP

Hiệp định CPTPP không có mẫu C/O mà chỉ quy định yêu cầu thông tin tối thiểu tại chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, để tạo thuận lợi và thống nhất khi triển khai Hiệp định, văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam có thêm mẫu C/O, tờ khai bổ sung và hướng dẫn khai báo C/O của Việt Nam.

Đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trước ngày Thông tư số 03/2019/TT-BCT có hiệu lực, cơ quan, tổ chức cấp C/O xem xét cấp C/O mẫu CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của Hiệp định và theo quy định của Nước thành viên nhập khẩu. Do đặc thù cơ chế chứng nhận xuất xứ chủ đạo trong CPTPP là tự chứng nhận xuất xứ, các nước thành viên CPTPP thống nhất Chứng từ chứng nhận xuất xứ phải bao gồm các thông tin tối thiểu như sau:

– Người thực hiện chứng nhận xuất xứ (người nhập khẩu, hay người xuất khẩu hay người sản xuất);

– Thông tin người chứng nhận;

– Thông tin người xuất khẩu;

– Thông tin người sản xuất;

– Thông tin người nhập khẩu;

– Mô tả và mã HS của hàng hóa;

– Loại Quy tắc xuất xứ mà hàng hóa áp dụng;

– Khoảng thời gian của chứng nhận xuất xứ (trong trường hợp nhiều lô hàng);

– Ngày và chữ ký.

4.3. CPTPP không có quy định về C/O giáp lưng

“Back-to-Back C/O” và “Movement Certificate” là 2 tên gọi khác nhau nhưng cùng một bản chất của Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có tên gọi “C/O giáp lưng” – C/O được cấp bởi Bên thành viên xuất khẩu trung gian dựa trên thông tin của C/O được cấp bởi Bên thành viên xuất khẩu đầu tiên, và do vậy phải có giao dịch của ít nhất 3 Bên thành viên trong Hiệp định mới có thể cấp C/O giáp lưng. CPTPP không có quy định về C/O giáp lưng do cơ chế chứng nhận xuất xứ chủ đạo của đa số các nước CPTPP là cơ chế chứng nhận xuất xứ.

Một số FTA yêu cầu nhà xuất khẩu trên C/O giáp lưng và nhà nhập khẩu trên C/O gốc phải là một, có nghĩa là ai nhập khẩu (trên C/O gốc) thì người đó phải đồng thời phải là người xuất khẩu (trên C/O giáp lưng) và không được phép bán hàng cho một ai khác tại Bên thành viên trung gian (AKFTA, ACFTA, AIFTA). Đây là quy định chặt chẽ, phần nào giảm sự thuận lợi trong quan hệ thương mại có nhiều hơn 2 Bên tham gia. Một số FTA chặt hơn, thậm chí còn yêu cầu sản phẩm hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của cơ quan hải quan (AIFTA, ACFTA). Một số FTA không yêu cầu nhà xuất khẩu trên C/O giáp lưng phải trùng với nhà nhập khẩu trên C/O gốc. Điều đó có nghĩa nhà nhập khẩu (trên C/O gốc) có thể bán hàng cho một thương nhân khác và thương nhân này sẽ đứng tên tại Ô số 1 (nhà xuất khẩu) trên C/O giáp lưng (ATIGA, AANZFTA, AJCEP).

5. Cơ chế xác minh xuất xứ hàng hóa

Khác với các FTA Việt Nam từng tham gia, CPTPP cho phép cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu trực tiếp xác minh xuất xứ hàng hóa với nhà xuất khẩu, nhà sản xuất và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu. Hiệp định quy định công cụ cần thiết để xác minh xuất xứ và cho hưởng ưu đãi một cách có hiệu quả. CPTPP quy định cụ thể các thủ tục, thời hạn, phương thức phối hợp xác minh xuất xứ, lưu giữ chứng từ chứng minh, về bảo mật … Quy định này được nội luật hóa tại Điều 27 Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22 tháng 01 năm 2019 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Tại CPTPP, cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu liên hệ trực tiếp với người nhập khẩu hay người xuất khẩu, nhà sản xuất của nước xuất khẩu để yêu cầu thông tin (kiểm tra hồ sơ) hoặc đi xác minh tại cơ sở sản xuất (kiểm tra thực tế). Việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hoá bao gồm: Kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá và kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hoá tại cơ sở sản xuất.

Việc kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá được thực hiện trong 3 trường hợp:

+ Cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu đề nghị kiểm tra xuất xứ hàng hóa;

+ Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong nước tiến hành kiểm tra, quản lý rủi ro và chống gian lận xuất xứ hàng hóa.; và

+ Cơ quan chức năng khác trong nước đề nghị phối hợp khi có lý do nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ hàng hóa.

Việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất được thực hiện trong các trường hợp sau:

+ Cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu đề nghị kiểm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất khi kết quả kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nêu tại Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Thông tư số 39/2018/TT-BCT chưa đủ căn cứ để xác định xuất xứ hàng hóa hoặc khi có lý do nghi ngờ gian lận xuất xứ hàng hóa; và

+ Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc tiến hành kiểm tra, xác minh, quản lý rủi ro và chống gian lận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp trước khi cấp C/O; trước khi cấp văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc cấp mã số chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc sau khi đã cấp hoặc đã phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa;

+ Cơ quan chức năng khác trong nước đề nghị phối hợp khi có lý do nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ hàng hóa.

Về việc xác minh kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, căn cứ khoản 1 Điều 28 Nghị định số 31/2018/NĐ- CP, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 39/2018/TT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2018 quy định kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hoá xuất khẩu. Theo đó, Thông tư này quy định việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu trước và sau khi cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định nước nhập khẩu và việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của thương nhân. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức cấp C/O; cơ quan, tổ chức cấp văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá; cơ quan, tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số chứng nhận xuất xứ hàng hoá; và thương nhân (bao gồm thương nhân đề nghị cấp C/O, thương nhân tham gia cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thương nhân phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định nước nhập khẩu và nhà sản xuất, nhà cung cấp hàng hóa xuất khẩu hoặc nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu).

Lượng hồ sơ C/O cần kiểm tra và lưu trữ tại các tổ chức cấp C/O ngày càng tăng. Thời hạn lưu trữ hồ sơ kéo dài từ 3 năm lên 5 năm đòi hỏi phải có hình thức lưu trữ phù hợp để phục vụ công tác kiểm tra xác minh xuất xứ.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập