Trong điều kiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Chính vì lẽ đó trong những năm đầu bước vào thế kỷ XXI, Đảng ta đã có nhiều Nghị quyết quan trọng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách nền tư pháp[1], Chính phủ có Quyết định về chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 – 2010[2].

Trong nội dung của các văn kiện chính trị – pháp lý quan trọng nêu trên, vấn đề cải cách tư pháp và giám sát hoạt động tư pháp được Đảng ta quan tâm, chỉ đạo cụ thể. Trước hết là việc cụ thể hoá đầy đủ nguyên tắc hiến định “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, “nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật”.

Một trong những vấn đề cần được cụ thể hoá nguyên tắc trên là vấn đề giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước nói chung và việc giám sát hoạt động tư pháp nói riêng. Đảng ta chỉ ra rằng “thể chế hoá nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của các cơ quan dân cử bảo đảm để nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát bằng nhiều hình thức việc thi hành luật của các cơ quan, công chức nhà nước. Hoàn thiện pháp luật về giám sát tối cao của Quốc hội, cơ chế bảo vệ luật và Hiến pháp”; “hoàn thiện pháp luật về khiếu nại tố cáo, bảo đảm mọi quyết định pháp luật và hành vi hành chính trái pháp luật đều được phát hiện và có thể bị khởi kiện trước toà án”; “hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động thanh tra”; “hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của viện kiểm sát nhân dân theo hướng bảo đảm thực hiện tốt chức năng công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”; “hoàn thiện pháp luật về quyền giám sát của các cơ quan dân cử, quyền trực tiếp giám sát kiểm tra của công dân đối với các hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức; mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước…”.

Mục tiêu của cải cách tư pháp ở nước ta là: xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Để thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra phương hướng và các nhiệm vụ hết sức cơ bản và cần thiết. Một trong những nhiệm vụ đó là: “hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với cơ quan tư pháp”.

Đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn.v.v.. của các cơ quan dân cử đối với các cơ quan tư pháp, “tăng cường và nâng cao hiệu lực giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là của lãnh đạo các cơ quan tư pháp, thành lập Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội để giúp Quốc hội thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động tư pháp, trọng tâm là việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử”. Hoạt động tư pháp còn phải chịu sự giám sát của các tổ chức chính trị xã hội và sự giám sát trực tiếp thường xuyên và rộng rãi của nhân dân lao động.

Trong điều kiện một Đảng cầm quyền, các cấp uỷ Đảng rõ ràng phải tăng cường giám sát kiểm tra hoạt động của Nhà nước nói chung và đối với các cơ quan tư pháp nói riêng.

Thực tiễn hoạt động tư pháp ở nước ta chủ yếu là hoạt động điều tra, truy tố, xét xử – trọng tâm là hoạt động xét xử – đã góp phần chủ yếu trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và giải quyết các tranh chấp dân sự, lao động, kinh tế, hành chính ở nước ta. Cũng từ thực tiễn cho thấy, các cơ quan tư pháp trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình còn nhiều thiếu sót, bất cập và còn nhiều biểu hiện tiêu cực cần khắc phục. Rõ ràng, chiến lược cải cách tư pháp do Đảng đề ra đã đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tế. Thực tế cũng minh chứng rằng một trong những biện pháp pháp lý để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tư pháp là phải tăng cường giám sát đối với các hoạt động tư pháp.

Hiện nay, hệ thống pháp luật giám sát đang hình thành, các hình thức giám sát tư pháp đang được triển khai. Các chủ thể thực hiện giám sát tư pháp đã được xác định. Song sự giám sát tư pháp của Đảng, hoạt động giám sát tư pháp của các cơ quan nhà nước như Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể nhân dân và giám sát trực tiếp của nhân dân chưa được cụ thể hoá, thể hiện rõ nhất là ở sự phân công phân cấp chưa rõ ràng và thiếu cơ chế phối kết hợp nhịp nhàng.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu những vấn đề lý luận về cơ chế pháp lý giám sát hoạt động tư pháp, nhằm sắp xếp về mặt tổ chức các cơ quan giám sát, với sự phân công giám sát và minh bạch các mối quan hệ phối kết hợp giữa các cơ quan giám sát tư pháp, sẽ làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật giám sát tư pháp. Từ đó, quyền giám sát được thực hiện một cách có hiệu lực, hiệu quả cao, hoạt động tư pháp được bảo đảm thực hiện đúng pháp luật; giải quyết kịp thời các tranh chấp dân sự và đấu tranh chống tội phạm ngày càng triệt để hơn.

Chúng tôi xin trao đổi về khái niệm cơ chế pháp lý giám sát hoạt động tư pháp và các yếu tố cấu thành nên cơ chế đó.

1. Khái niệm cơ chế pháp lý giám sát hoạt động tư pháp

Khái niệm cơ chế pháp lý giám sát hoạt động tư pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cải cách nền tư pháp hiện nay. Nhưng hiện nay, khái niệm này chưa có cách hiểu thống nhất và chưa được tập trung nghiên cứu và phổ biến rộng rãi trong khoa học chính trị – pháp lý.

Trên cơ sở nghiên cứu về hoạt động tư pháp, giám sát tư pháp, giám sát hoạt động tư pháp và cơ chế thị trường, thể chế chính trị cũng như trên phương diện pháp lý xem xét khái niệm cơ chế pháp lý giám sát hoạt động tư pháp, cần thiết phải tìm hiểu tính pháp lý của cơ chế và cơ chế pháp lý giám sát hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước nói chung.

Tìm hiểu cơ chế pháp lý giám sát về hoạt động tư pháp là sự tiếp nối tất yếu từ việc nghiên cứu hoạt động tư pháp, giám sát tư pháp và giám sát về hoạt động tư pháp. Nghiên cứu cơ chế pháp lý giám sát về hoạt động tư pháp cần tiếp cận các khái niệm về cơ chế, thể chế chính trị, thể chế Nhà nước, cơ chế kinh tế, các quan niệm về cơ chế giám sát quyền lực nhà nước. Tức là cần tiếp cận từ các góc độ khoa học của ngôn ngữ, triết học, kinh tế – chính trị, chính trị học và pháp lý.

Theo từ điển Nga – Việt, cơ chế (MEXAHUZM) là “máy móc, bộ máy, cơ chế, cơ cấu”. Theo Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên) thì: “Cơ chế là cách thức, sắp xếp tổ chức để làm đường hướng, cơ sở theo đó mà thực hiện” (trang 463). Theo GS,TS Triết học Phạm Ngọc Quang, “Cơ chế là khái niệm dùng để chỉ một chuỗi những khâu liên kết với nhau theo một lôgic nhất định nhờ vậy mục tiêu được thực hiện”[3]. Từ cách giải nghĩa cơ chế nêu trên về cơ chế hiện thực hóa mục tiêu lãnh đạo của Đảng, GS,TS. Phạm Ngọc Quang cho rằng: “Cơ chế được hiểu là một chu trình đi từ đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng tới những thay đổi trong thực tế cuộc sống”[4].

Pháp lý trong tiếng Anh (institution) được coi là quy định, sự đặt ra luật lệ. Trong tiếng Nga, pháp lý (UHCTUTYT) được giải nghĩa là tổng hợp những chuẩn mực pháp lý trong lĩnh vực nào đó của các quan hệ xã hội, các hình thức khác nhau của cấu trúc xã hội. Mở rộng nghĩa của từ, thì pháp lý là những nguyên tắc, những quy định và luật lệ điều chỉnh các quan hệ xã hội. Nguyên tắc là các quan điểm, định hướng chỉ đạo có tính bắt buộc đối với cá nhân, tổ chức và hệ thống tổ chức phải làm theo. Đó là những quy phạm pháp luật lớn, phạm vi điều chỉnh rộng cả về không gian và thời gian. Nó có tính vĩnh cửu, trường tồn hơn bất cứ một quy phạm pháp luật cụ thể khác. Quy định thường được hiểu là các quy phạm định nghĩa, hoặc các quy phạm quy định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm nghĩa vụ của chủ thể. Quy định còn được hiểu là sự ấn định các biện pháp pháp lý được pháp luật quy định. Luật lệ được hiểu chung là pháp luật thành văn hoặc tập quán, lối sống được thừa nhận.

Vì vậy, cơ chế pháp lý có thể hiểu khái quát là cơ chế tổ chức hoạt động của một hệ thống tổ chức, thiết chế chính trị, kinh tế xã hội được đảm bảo bằng pháp luật.

Cơ chế giám sát hoạt động thực thi quyền lực công (trong đó có cơ chế giám sát hoạt động tư pháp) cần được xem xét trên nhiều khía cạnh hình thành nên cơ chế nhưng chủ yếu là nhìn nhận nó dưới ở góc độ (hay khía cạnh) pháp lý.

Theo tác giả Võ Khánh Vinh, xem xét cơ chế giám sát pháp lý đối với hoạt động của các cơ quan thực thi công quyền có thể xem xét cả khía cạnh pháp lý và khía cạnh xã hội. Tác giả cho rằng: “Cơ chế giám sát pháp lý- xã hội đối với hoạt động của các cơ quan thực thi công quyền (quyền lực) là hệ thống các phương tiện (biện pháp) và nhân tố bảo đảm các điều kiện cần thiết để các chủ thể giám sát thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan công quyền. Cơ cấu của cơ chế đó bao gồm các quy phạm xã hội, hoạt động hợp pháp của các chủ thể giám sát, tính công khai; dư luận xã hội; các bảo đảm: chung, chuyên ngành (pháp lý) tổ chức, văn hoá, pháp luật, thủ tục, trách nhiệm” [5]. Có thể nói rằng, trên đây là một trong số rất ít các định nghĩa về cơ chế giám sát pháp lý-xã hội đối với hoạt động thực thi quyền lực nhà nước. Vì thế, đó là những tư liệu rất cần tham khảo. Tuy nhiên khái niệm trên chưa thể hiện được mối quan hệ, tác động của các chủ thể giám sát đối với các chủ thể hoạt động tư pháp.

Dựa vào những kết quả nghiên cứu trên đây, có thể đưa ra khái niệm như sau: “Cơ chế pháp lý giám sát hoạt động tư pháp là phương thức tổ chức và phương thức vận hành của hệ thống các cơ quan, tổ chức và công dân theo những nguyên tắc, qui định của pháp luật và những phương tiện pháp lý khác; thông qua đó tác động đến các chủ thể của hoạt động thực hiện quyền tư pháp (chủ thể hành vi) làm cho các hoạt động tư pháp theo đúng pháp luật, ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực và các tiêu cực khác, nâng cao trách nhiệm pháp lý của các cơ quan tư pháp, đội ngũ cán bộ công chức tư pháp trong việc bảo vệ công lý”.

2. Các yếu tố cấu thành cơ chế pháp lý giám sát hoạt động tư pháp

Có ý kiến cho rằng, cơ chế bao gồm các cơ cấu; khái niệm cơ cấu để chỉ các bộ phận bên trong của một tổ chức, một hệ thống các cơ quan, tổ chức nào đó. Có thể dùng khái niệm cơ cấu để chỉ các bộ phận bên trong của cơ chế. Khái niệm yếu tố có tính mở, tính khái quát hơn khái niệm cơ cấu. Cho nên, dùng khái niệm yếu tố cấu thành cơ chế sẽ phù hợp hơn.

Theo khái niệm trên, các yếu tố cấu thành cơ chế pháp lý giám sát hoạt động tư pháp bao gồm:

Thứ nhất, phương thức tổ chức giám sát: Phương thức giám sát bao gồm toàn bộ phương pháp và cách thức tổ chức giám sát. Chủ thể giám sát là các cơ quan, tổ chức, công dân không phải là cơ quan tư pháp, cán bộ công chức tư pháp. Thể hiện phương pháp giám sát khách quan, không phi là “tự giám sát” “vừa đánh trống vừa thổi còi”, hiệu lực giám sát sẽ cao hơn. Phương pháp giám sát còn thể hiện cả phương pháp đại diện, tức là giám sát bằng việc thực hiện quyền lực của nhân dân thông qua các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội; và phương pháp giám sát trực tiếp của công dân. Phương thức tổ chức giám sát thể hiện chủ thể giám sát và cơ cấu tổ chức bên trong của chủ thể giám sát. Đồng thời, yếu tố này cũng bao hàm cả cơ cấu tổ chức của hệ thống các cơ quan, tổ chức và công dân. Trong đó thể hiện chức năng, quyền hạn phạm vi đối tượng giám sát của từng loại chủ thể và mối quan hệ phối kết hợp giữa các chủ thể trong hệ thống. Yếu tố này vừa là mô hình tổ chức, vừa là mối quan hệ nhịp nhàng ăn khớp, hợp lý, cộng hưởng vai trò, trách nhiệm giữa các chủ thể giám sát với nhau gia tăng hiệu lực hiệu quả giám sát hoạt động tư pháp.

Thứ hai, yếu tố pháp lý: Đó là hệ thống quy phạm pháp luật chứa đựng nguyên lý tổ chức vận hành của toàn bộ cơ chế giám sát hoạt động tư pháp. Hệ thống các quy phạm pháp luật này điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quan hệ giám sát hoạt động tư pháp. Yếu tố này có tính chất “là môi trường pháp lý” ràng buộc các chủ thể giám sát hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Cũng như các chủ thể bị giám sát phải chịu sự giám sát. Pháp luật về giám sát hoạt động tư pháp quy định các biện pháp pháp lý để các chủ thể sử dụng khi “áp dụng pháp luật” trong quá trình thực hiện giám sát.

Thứ ba, mối quan hệ tương tác giữa chủ thể giám sát và đối tượng giám sát: Đây là yếu tố hành vi thể hiện quan hệ pháp luật giám sát trong thực tế. Yếu tố này bao hàm toàn bộ cả “sự sống” của cơ chế pháp lý giám sát hoạt động tư pháp. Đó là các chuỗi hành vi giám sát hợp pháp của chủ thể giám sát. Đó là các nghĩa vụ pháp lý, tính chịu hậu quả của các chủ thể bị giám sát. Trong đó có việc thực hiện trách nhiệm pháp lý bao gồm trách nhiệm chính trị, trách nhiệm kỷ luật nhà nước, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm bồi thường dân sự, trách nhiệm hình sự.

Yếu tố này còn hàm chứa tính hiệu lực, hiệu quả, tính mục đích được thực hiện của cơ chế pháp lý giám sát hoạt động tư pháp.

Có thể nói rằng, yếu tố thứ ba là nhu cầu đòi hỏi sự hình thành và tồn tại của cơ chế pháp lý giám sát hoạt động tư pháp cả về lý thuyết và thực tiễn hoạt động tư pháp.


[1] Nghị quyết số 48-NQ/TW và số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.

[2] Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001.

[3] Thông tin công tác tư tưởng lý luận số 5/2005, trang 38.

[4] Sách đã dẫn, trang 38.

[5]GS, TSKH Đào Trí Úc-PGS, TS. Võ Khánh Vinh: Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước ở  nước ta hiện nay – Nxb Công an nhân dân, Hà Nội 2003. trang 25.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP – THS. NGUYỄN CHÍ DŨNG – Chánh Văn phòng VKSND Hà Nội

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)