>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự về gửi tiền từ nước ngoài, gọi:  1900.0191

 

Trả lời:

1. Có thể gửi tiền qua đường hàng không không?

Căn cứ theo khoản 5, điều 25, Công ước Bưu chính thế giới các nghị định thư cuối cùng có quy định như sau:

Điều 25: Các bưu gửi không được chấp nhận. Cấm gửi

5- Cấm không được đưa các loại tiền kim loại, tiền giấy, chứng khoán, các loại séc du lịch bạch kim, vàng hoặc bạc đã được gia công hoặc chưa, các loại đá quý, đồ trang sức hoặc các vật phẩm có giá trị khác vào:

5.1- Trong bưu phẩm không khai giá, tuy nhiên, nếu luật pháp nước gửi và nước nhận cho phép thì những vật phẩm trên vẫn có thể được gửi trong phong bì dán kín như một Bưu gửi ghi số;

5.2- Trong bưu kiện không khai giá được trao đổi giữa hai nước chấp nhận mở dịch vụ bưu kiện khai giá; ngoài ra, bưu chính các nước có quyền cấm gửi vàng nén trong các bưu phẩm khai giá hoặc không khai giá đi hoặc đến lãnh thổ nước mình hoặc quá giang gửi rời qua nước đó. Các nước có quyền giới hạn giá trị thực tế đối với các loại vật phẩm này.

Như vậy tiền bị cấm gửi qua đường chuyển phát nhanh (cấm như cấm vận chuyển ma túy) nên sẽ không thể gửi được.

 

2. Cách chuyển tiền về Việt Nam

Như vậy hành vi chuyển tiền từ nước ngoài về Việt nam qua đường hàng không là hoàn toàn trái luật. Vậy nếu người bạn của bạn muốn chuyển về Việt Nam cho bạn thì bạn hãy tham khảo các cách thức chuyển tiền sau đây:

 

2.1 Chuyển tiền về Việt Nam thông qua người thân, bạn bè.

Gửi tiền về Việt Nam thông qua người thân và bạn bè là cách đơn giản nhất để chuyển tiền. Việc này cũng giống như việc bạn đi du học hoặc du lịch nước ngoài mang theo tiền. Theo quy định hiện nay, bạn có thể mang theo tiền mặt tối đa là 5000 USD. Bạn có thể mang tiền mặt trong phạm vi này mà không cần khia báo với hải quan. Tuy nhiên, khi vượt hạn mức bạn cần khai báo để đảm bảo nguồn gốc và tính hợp pháp của khoản tiền. 

Bạn có thể nhờ người thân hoặc bạn bè chuyển tiền về Việt Nam bằng ngoại tệ hoặc Việt Nam đồng. Cơ quan hải quan vẫn quy đổi số tiền bạn mang theo theo tỷ giá hiện hành.

 

2.2 Chuyển tiền về Việt Nam qua các ngân hàng

Chuyển tiền về Việt Nam qua các ngân hàng là cách chuyển tiền cơ bản nhất hiện nay. Hệ thống ngân hàng phát triển cùng sự liên kết chặt chẽ giữa các ngân hàng trong hệ thống ngân hàng thế giới giúp bạn chuyển tiền nhanh chóng và an toàn.

Để chuyển tiền, bạn cần liên hệ với ngân hàng mà bạn sử dụng để được hướng dẫn cách thức chuyển tiền sao cho chính xác nhất đối với từng ngân hàng cụ thể. Bạn có thể thực hiện giao dịch trực tiếp tại các ngân hàng hoặc ngay tại ATM. Tuy nhiên nếu bạn đi chuyển tiền lần đầu thì lời khuyên được đưa ra là nên đến trực tiếp địa điểm giao dịch để nhận được những chỉ dẫn tận tình.

Người nhận tại Việt Nam phải có thẻ Visa ngân hàng thì mới có khả năng nhận được tiền. bạn có thể sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hay thẻ trả trước quốc tế đều có thể nhận tiền. Người gửi lúc này cung cấp thông tin cá nhân và số thẻ Visa của người nhận cho ngân hàng để tiền đến được đúng điểm đến của nó.

Ví dụ, khách hàng chuyển tiền từ Mỹ về Việt Nam thông qua ngân hàng Vietcombank sẽ chuyển tiền theo hướng dẫn sau:

Người chuyển tiền đến các ngân hàng của Mỹ để cung cấp các thông tin. Thông tin cần thiết sẽ được nhân viên ngân hàng hướng dẫn, điền phiếu và thanh toán số tiền cần chuyển cũng như phí chuyển tiền là xong.

Người chuyển tiền cần nắm rõ thông tin cá nhân của người nhận và bắt buộc phải kê khai chính xác như: Họ tên, số CMND hoặc hộ chiếu, điện thoại, địa chỉ, email,… để ngân hàng Vietcombank có thể liên hệ dễ dàng với người nhận tiền để thông báo khi tiền về..

Khi thực hiện xong lệnh chuyển tiền, bạn cần phải giữ lại biên lai đã chuyển tiền được xác nhận để làm bằng chứng phòng khi có trục trặc. Nếu bị thất lạc khi có bị sự cố thì sẽ không có gì để đối chiếu như vậy sẽ thiệt hại rất lớn.

Người nhận tiền sau khi nhận được thông báo từ ngân hàng có thể mang theo giấy tờ tùy thân và mã số gửi tiền được người gửi cung cấp đến ngân hàng Vietcombank để nhận tiền.

 

2.3 Chuyển tiền về Việt Nam thông qua các tổ chức chuyển tiền quốc tế

Hiện nay có rất nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ chuyển tiền quốc tế. Trong số đó, Western Union là dịch vụ uy tín và phổ biến nhất hiện nay.

Western Union là dịch vụ chuyển tiền đi nước ngoài, có trụ chính đóng tại Mỹ. Bạn có thể đến chi nhánh có treo biển Western Union để thực hiện giao dịch chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam. Hệ thống của Western Union có mặt ở nhiều quốc gia, tại Việt Nam, người thân của bạn cũng có thể dễ dàng tìm kiếm đại lý của dịch vụ này.

Thủ tục đăng ký chuyển tiền về Việt Nam qua Western Union bao gồm:

  • Giấy tờ chứng minh nhân thân còn hiệu lực
  • Hồ sơ chứng minh mục đích chuyển tiền hợp pháp
  • Địa chỉ
  • Số điện thoại liên hệ
  • Các thông tin khác theo biểu mẫu của Western Union.

Khi đã xác nhận hồ sơ hợp lệ, bạn sẽ được cung cấp mã số chuyển tiền gồm 10 chữ số và thực hiện theo giao dịch. Bạn chỉ cần gọi điện cung cấp mã số này cho người nhận ở Việt Nam. Khi có mã số chuyển tiền, người thụ hưởng ở Việt Nam có thể nhận tiền tại các điểm đại lý của Western Union.

 

2.4 Chuyển tiền về Việt Nam qua ví điện tử Paypal

Paypal từ nhiều năm trở lại đây đã được coi là một cách thức chuyển tiền về Việt Nam online vô cùng hiệu quả. 

Paypal là một ví điện tử quốc tế, cho phép khách hàng chuyển tiên quốc tế giữa các tài khoản Paypal với nhau. Vì vậy, để có thể chuyển tiền về Việt Nam qua Paypal, bắt buộc khách hàng cần có tài khoản Paypal.

Bạn có thể chuyển tiền Paypal về Việt Nam với nhiều loại ngoại tệ. Hệ thống sẽ tự tính toán theo mức tỷ giá hiện hành. Khách hàng chuyển tiền theo hướng dẫn sau:

– Bước 1: Đăng nhập tài khoản Paypal, chọn mục Send Money trên Menu

– Bước 2: Điền địa chỉ email người nhận, số tiền và loại tiền tệ chuyển tiền

Trong bước này, Nếu bạn chọn Personal Payment – Thanh toán cá nhân: bao gồm các lý do là Shared expenses (chia tiền trong thanh toán), Payment Owed (tiền nợ), Rental charges (tiền thuê nhà đất) và Others (lý do khác). Bạn chọn Continue để tiếp tục. Nếu bạn chọn Online purchases – Thanh toán trực tuyến: thì có 3 lý do đó là Goods (hàng hóa), Services (dịch vụ) và eBay (mua hàng trên eBay).

– Bước 3: Xác nhận và hoàn tất thao tác chuyển khoản Paypal.

Sau khi chuyển tiền thành công, tiền sẽ đến tài khoản người nhận chậm nhất sau 2-4 ngày làm việc.

 

3. Hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Nếu có người báo cho bạn là thùng hàng hay tiền đã đến Việt Nam thì bạn nên cảnh giác, có thể đó là hành vi lừa đảo. Họ sẽ yêu cầu bạn phải nộp thuế, nộp phạt…rồi chuyển khoản cho họ. Nếu gặp trường hợp như thế bạn nên báo ngay cho cơ quan Công an để họ tiến hành điều tra giải quyết. Vì hành vi này vi phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định trong Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy hãy nên cảnh giác khi có người đề nghị gửi quà từ Nước ngoài vê Việt Nam, trong quà có tiền, vàng bạc, trang sức, mỹ phẩm…

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.0191 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác. Trân trọng cảm ơn!