>> Tư vấn những trường hợp cấm kết hôn theo luật, gọi: 1900.0191
Luật sư tư vấn:
1. Điều kiện để Nam nữ kết hôn
Kết hôn là “dấu mốc” khởi đầu của hôn nhân. Nhà nước quy định điều kiện kết hôn nhằm hướng đến xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, hôn nhân tự nguyện tiến bộ. Việc kết hôn mà vi phạm bất kỳ điều kiện kết hôn trái pháp luật quy định đều không được Nhà nước thừa nhận. Điều 64 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng…”
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định các điều kiện kết hôn tại Điều 8:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này;
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”
Việc kết hôn bị cấm trong những trường hợp sau đây: Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng éo kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ, trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; Yêu sách của cải trong kết hôn; Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn.
Ngoài ra, nam, nữ kết hôn buộc phải đáp ứng điều kiện về hình thức tại khoản 1 Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
“1. Việc kết hôn phải được đăng ký vào do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.”
Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện nay cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau. Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.”
Trong trường hợp của bạn, cách tính đời như sau:
– Ông bà ngoại bạn (tức bố mẹ của mẹ và dì bạn) là đời thứ nhất.
– Mẹ bạn và dì ruột bạn là đời thứ 2.
– Bạn và con dì ruột bạn là đời thứ 3
Theo các căn cứ pháp luật đã nêu trên, có thể thấy, bạn và con dì ruột bạn thuộc trường hợp cấm kết hôn trong phạm vi ba đời.
3. Hậu quả pháp lý của kết hôn cận huyết, kết hôn trong phạm vi ba đời:
3.1. Xử phạt hành chính:
Theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, thì với hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
3.2. Xử lý hình sự:
Điều 184 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau:
“Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Đây là biện pháp mang tính cưỡng chế cao, thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước trong việc thực thi pháp luật. Việc xử lý hình sự nhằm mục đích chủ yếu giáo dục cá nhân vi phạm và buộc cá nhân vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời để răn đe, phòng ngừa chung.
4. Vì sao pháp luật Việt Nam lại cấm kết hôn cận huyết, kết hôn trong phạm vi ba đời?
Việc cấm kết hôn giữa những người có mối liên hệ trong phạm vi trên là hoàn toàn phù hợp, dựa trên cơ sở khoa học và phong tục tập quán của dân tộc ta:
Thứ nhất, về mặt khoa học: quy định này góp phần duy trì và bảo tồn nòi giống, giúp gia đình thực hiện tốt chức năng sinh đẻ, nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Các nhà khoa học đã chỉ rõ, việc kết hôn gần gũi về huyết thống trong phạm vi trực hệ ba đời sẽ để lại nhiều di chứng cho thế hệ đời sau. Theo PGS.TS Trần Đức Phân, trưởng Bộ môn Y sinh học Di truyền, Đại học Y Hà Nội: nhũng đứa trẻ được sinh ra từ những ông bố bà mẹ có hôn nhân cận huyết thống có nguy cơ mắc các bệnh máu cao gấp 10 lần so với những đứa trẻ bình thường khác. Điển hình của các bệnh máu này là Thalassemia (tan máu di truyền) và Hemophilia (rối loạn đông máu di truyền) và các bệnh chuyển hóa khác. Khả năng di truyền Thalassemia là bệnh di truyền dạng lặn của nhiễm sắc thể thường, đối với những cặp vợ chồng mang gen bệnh sẽ lây bệnh cho tất cả các con ở thế hệ tiếp theo với các biểu hiện đặc trưng da xanh xao (do thiếu máu), mũi tẹt, khuôn mặt bị biến dạng, bụng phình to, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị sớm, đúng liệu trình. Đối với bệnh Hemophilia thì người mẹ mang gen bệnh chỉ truyền cho con trai và con gái mang gen lặn với biểu hiện dễ nhận biết là chảy máu nhiều hơn và lâu hơn bình thường. Cả hai bệnh lý về máu này đều đòi hỏi người bệnh phải điều trị suốt đời để có cuộc sống bình thường. Ngoài những bệnh lý về máu, hôn nhân cận huyết còn gây ra một số bệnh lý khác như mù màu, bạch tạng, da vảy cá… kéo theo đó, tỷ lệ tử vong tăng cao. Đây là nguyên nhân làm suy giảm giống nòi, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Theo tổ chức y tế thế giới WHO, tỉ lệ tử vong ở thế hệ sau của những cặp vợ chồng cùng huyết thống là rất cao, cao gấp ba lần so với những người bình thường. Còn tỉ lệ trẻ bị dị tật thì còn cao hơn nữa, gấp khoảng năm đến sáu lần. Như thế, nếu kết hôn giữa những người dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, sự phát triển nòi giống.
Thứ hai, về mặt đại đức xã hội, phong tục tập quán: vì việc kết hôn giữa những người gần gũi về huyết thống, dòng máu như vậy sẽ phá vỡ tôn ti trật tự trong dòng họ, gia đình; các chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục bị xâm phạm. Từ cổ xưa, ông cha ta đã cấm kết hôn giữa những người có cùng huyết thống dù gần hay xa, thậm chí là cấm kết hôn đến cả những người có cùng một họ. Trong “Cổ luật Việt Nam lược khảo”, luật gia Vũ Văn Mẫu đã chỉ ra rằng:
“Trên phương diện luân thường đạo lý cũng như vì lý do sức khỏe và tương lai của giống nòi, nên luật pháp nước nào cũng cấm đoán việc kết hôn giữa các thân thích, chỉ khác nhau trong chi tiết cấm đoán các bậc thân sơ mà thôi”.
Theo Hồng Đức Thiện Chính Thư, đoạn 277 có ghi:
“Cùng họ mà tương phối, là trái minh lệnh của luật phát…, làm trái phép nước, không noi trật tự trưởng ấu trong họ, khác nào lòng dạ cầm thú; đem tình cốt nhục đổi làm tình vợ chồng, vậy khép vào tội trượng tám chục và xử phạt tội đồ.”
Mọi vướng mắc bạn đọc vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 thông qua số hotline: 1900.0191 hoặc liên hệ đến văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Xin chân thành cảm ơn!