Bảo hiểm nông nghiệp là loại hình bảo hiểm cho đối tượng sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, theo đó bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
1. Các loại hình bảo hiểm nông nghiệp
– Bảo hiểm đối với rủi ro định danh, theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho tổn thất thực tế do các rủi ro được thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp gây ra.
– Bảo hiểm mọi rủi ro, theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho tổn thất thực tế do mọi rủi ro gây ra, trừ các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm được thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.
– Bảo hiểm đối với tổn thất về thu nhập, theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường chi phí sản xuất nông nghiệp để bù đắp cho tổn thất do các rủi ro được bảo hiểm gây ra theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.
– Bảo hiểm theo chỉ số năng suất, theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường theo mức sụt giảm năng suất thực tế của một khu vực địa lý (huyện, xã,…) theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp, không phụ thuộc vào tổn thất thực tế của đối tượng bảo hiểm.
– Bảo hiểm theo chỉ số thời tiết, theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường theo biến động của chỉ số thời tiết (mưa, gió, hạn hán, ngập lụt, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần…) theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp, không phụ thuộc vào tổn thất thực tế của đối tượng bảo hiểm.
– Bảo hiểm theo chỉ số viễn thám, theo đó khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường theo sự biến động của chỉ số viễn thám theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp, không phụ thuộc vào tổn thất thực tế của đối tượng bảo hiểm.
– Các loại hình bảo hiểm nông nghiệp khác theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.
2. Nguyên tắc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp
– Bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn.
– Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ.
3. Quy định về kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng chống gian lận bảo hiểm nông nghiệp
3.1. Trách nhiệm trong việc kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan có trách nhiệm trong việc kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm khi thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo quy định tại Điều 15, Điều 16, Điều 17 Nghị định này.
3.2. Kiểm soát rủi ro liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp
– Kiểm soát rủi ro trong bảo hiểm nông nghiệp là quá trình nhận dạng, đánh giá, giám sát, quản lý những rủi ro tiềm tàng, có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
– Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm:
a) Xây dựng, tổ chức thực hiện biện pháp kiểm soát rủi ro, quy trình kiểm soát rủi ro, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân và bộ phận trong việc thực hiện quy trình kiểm soát rủi ro.
b) Định kỳ hàng năm thực hiện rà soát, đánh giá lại, bảo đảm tính hiệu quả và hiệu lực của biện pháp kiểm soát rủi ro và quy trình kiểm soát rủi ro.
– Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro, quy trình kiểm soát rủi ro đối với đối tượng bảo hiểm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong đó cần thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, bảo vệ môi trường; quy chuẩn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp do cơ quan có thẩm quyền ban hành và những quy định khác của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm.
– Các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức triển khai, giám sát, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp thực hiện công tác kiểm soát rủi ro trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; tổ chức thông tin, tuyên truyền về công tác kiểm soát rủi ro trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
3.3. Đề phòng, hạn chế tổn thất liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp
– Đề phòng, hạn chế tổn thất trong bảo hiểm nông nghiệp là việc áp dụng các biện pháp để tránh, hạn chế những tổn thất có thể xảy ra đối với đối tượng bảo hiểm.
– Đề phòng, hạn chế tổn thất trước hết là trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm chủ động thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; phòng, chống dịch bệnh và khắc phục thiệt hại sau dịch bệnh theo quy định pháp luật; thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm; thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm (nếu có).
– Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện đề phòng, hạn chế tổn thất trong bảo hiểm nông nghiệp theo quy định sau:
a) Các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất bao gồm:
– Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, giáo dục; hỗ trợ công tác tổ chức tập huấn, tuyên truyền chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp của chính quyền địa phương;
– Tài trợ, hỗ trợ các phương tiện, vật chất để đề phòng, hạn chế rủi ro;
– Hỗ trợ xây dựng các công trình nhằm mục đích đề phòng, giảm nhẹ mức độ rủi ro cho các đối tượng bảo hiểm;
– Thuê các tổ chức, cá nhân khác giám sát, đề phòng, hạn chế tổn thất.
b) Doanh nghiệp bảo hiểm được chi tối đa 10% doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp thu được để chi cho các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất quy định tại điểm a Khoản này.
– Các cơ quan chức năng có liên quan hướng dẫn thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất trong sản xuất nông nghiệp, trong đó thực hiện giám sát phát hiện sớm và thông báo tình hình dịch bệnh động vật, dự báo, cảnh báo dịch bệnh động vật; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; tổ chức chống dịch, thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra dịch hại thực vật; chỉ đạo thực hiện các biện pháp để nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch; tổ chức công tác ứng phó thiên tai, hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức tuyên truyền về công tác đề phòng, hạn chế tổn thất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
3.4. Phòng, chống gian lận bảo hiểm nông nghiệp
– Phòng, chống gian lận bảo hiểm trong bảo hiểm nông nghiệp là việc thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế các hành vi gian lận trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp nhằm chiếm đoạt một số tiền từ doanh nghiệp bảo hiểm.
– Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, giảm thiểu các hành vi gian lận bảo hiểm; tổ chức công tác tuyên truyền phòng, chống gian lận bảo hiểm.
– Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm chủ động tham gia vào công tác phòng, chống gian lận bảo hiểm. Trường hợp phát hiện các hành vi gian lận bảo hiểm, kịp thời thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
– Các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm tổ chức công tác phòng, chống gian lận bảo hiểm tại địa bàn, bảo đảm ổn định trật tự xã hội trong quá trình triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
4. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp
– Giải thích và cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp khi bên mua bảo hiểm xác nhận đã hiểu rõ các nội dung liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm nông nghiệp.
– Thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bảo đảm nguyên tắc số đông bù số ít và chủ động thực hiện phân tán, chia sẻ rủi ro thông qua các phương thức đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm nông nghiệp.
– Chủ động thực hiện kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định 58/2018/NĐ-CP.
– Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, kịp thời cử cán bộ tiếp cận đối tượng bảo hiểm và hướng dẫn người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp hạn chế tổn thất (nếu có). Chi trả các chi phí cần thiết, hợp lý để hạn chế tổn thất.
– Tổ chức công tác giám định tổn thất để xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất công khai, minh bạch theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật. Trường hợp bảo hiểm theo chỉ số, thu thập công bố, xác nhận của cơ quan chức năng về sự kiện bảo hiểm (nếu có thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm); tổ chức công tác xác định mức độ chênh lệch chỉ số thực tế so với chỉ số được bảo hiểm đã thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
– Trường hợp xác định tổn thất thuộc trách nhiệm bồi thường, cử cán bộ hướng dẫn người được bảo hiểm các hồ sơ, tài liệu cần cung cấp để phục vụ công tác giải quyết bồi thường.
– Trả tiền bồi thường đầy đủ cho người được bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật.
– Thực hiện các trách nhiệm khác theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật.
MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.