>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191
Trong thời kỳ trước đổi mới, ở nước ta cũng như các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây, chế độ sở hữu dường như đã được giải quyết. Đó là chúng ta đã xây dựng xã hội chủ nghĩa với hai hình thức sở hữu toàn dân và tập thể. Cùng với chế độ công hữu, mô hình kế hoạch hóa tập trung ra đời và thống trị trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Chủ nghĩa xã hội dựa trên cơ sở công hữu, lúc đầu đã phát huy tương đối tốt trong việc thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần to lớn vào công cuộc bảo vệ an ninh, chủ quyền đất nước. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của tình hình thế giới và trong nước, chế độ công hữu với mô hình cũ đã tỏ ra không còn phù hợp, gây nên sự khủng hoảng kinh tế – xã hội, nên chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới.
Trong quá trình đổi mới, việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tập trung, bao cấp sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang đặt ra nhiều vấn đề về sở hữu. Nếu không có cách nhìn và giải quyết đúng đắn về sở hữu khó có thể thực hiện được những mục tiêu mà công cuộc đổi mới đặt ra. Việc xây dựng nền kinh tế thị trường đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đa dạng hóa các hình thức sở hữu. Sự đa dạng hóa các hình thức sở hữu là một chủ trương đúng đắn, song để biến chủ trương đó thành những chính sách cụ thể, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao, chúng ta cần phải có sự đầu tư nghiên cứu về lý luận và thực tiễn nhiều hơn nữa.
Trong quá trình đổi mới, Đảng ta đã đưa ra chủ trương phải đa dạng hóa các hình thức sở hữu. Đây là một chủ trương đúng đắn. Từ thực tiễn phát triển của thế giới thời gian qua, có thể khẳng định rằng: Đa dạng hóa các hình thức sở hữu là một yêu cầu khách quan, là quy luật tất yếu trong sự phát triển kinh tế – xã hội của thời đại hiện nay. Điều này không chỉ đúng với các nước xã hội chủ nghĩa đang tiến hành đổi mới mà cả ở những nước tư bản chủ nghĩa.
Ở các nước tư bản chủ nghĩa, xu hướng đa dạng hóa các hình thức sở hữu thể hiện ngày càng rõ nét – do tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất quy định. Ở những nước này, vào thời điểm đầu tiên của sự phát triển chủ yếu tồn tại hai hình thức sở hữu: sở hữu tư nhân chiếm ưu thế và sở hữu nhà nước. Đến nay, ngoài hình thức sở hữu tư nhân thuần túy, còn có hình thức sở hữu hỗn hợp cổ phần hóa và cũng xuất hiện hình thức sở hữu rất mới – sở hữu tập thể – ESOP. Chẳng hạn, sở hữu tập thể đã xuất hiện ở một loạt nước tư bản phát triển như: Anh, Tây Ban Nha, Mỹ, Ca-na-đa, Nhật Bản… Ở Mỹ có trên 500 doanh nghiệp lớn và vừa do các tập thể cổ đông tự quản. Xu hướng chung ở các nước này không phải là phát triển sở hữu tư nhân thuần túy mà là sự phát triển đa dạng hóa các hình thức sở hữu như sở hữu hỗn hợp, sở hữu tập thể. Các hình thức sở hữu này có quan hệ chặt chẽ với hình thức cổ phần mà cổ đông hết sức đa dạng, từ nhà nước, chính quyền các địa phương, các nhà doanh nghiệp đến các cá nhân trong xã hội.
Ở các nước xã hội chủ nghĩa tiến hành công cuộc đổi mới cải cách, sự kém hiệu quả của sở hữu công cộng khi mà lực lượng sản xuất còn ở trình độ thấp, đặt ra yêu cầu phải thay đổi hình thức công hữu đã có bằng sự đa dạng hóa các hình thức sở hữu. Đa dạng hóa các hình thức sở hữu trở thành một quyết sách có hiệu quả để phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ở những nước này, trong lĩnh vực công nghiệp, tính hiệu quả của kinh tế nhà nước đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới các doanh nghiệp nhà nước mà cổ phần hóa là một phương tiện có hiệu quả.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, mô hình hợp tác kiểu cũ đã tỏ ra không có hiệu quả. Từ thực tiễn đổi mới ở những nước này, khoán hộ đã tỏ rõ sức sống so với làm ăn tập thể trước đây. Cũng từ đó kinh tế hộ gia đình, trong các vùng nông thôn đang hình thành các hợp tác xã kiểu mới, kinh tế hợp tác xã cổ phần đang hình thành và phát triển.
Như vậy, đa dạng hóa các hình thức sở hữu không chỉ diễn ra ở các nước xã hội chủ nghĩa đang tiến hành công cuộc đổi mới mà còn diễn ra trên phạm vi thế giới. Xu hướng vận động sự đa dạng hóa này có khác nhau, song nó cùng chung một mục đích là tạo ra sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội hơn nữa ở mỗi nước.
Để thực hiện đa dạng hóa các hình thức sở hữu có thể có nhiều cách thức khác nhau, với mỗi loại hình kinh tế, mỗi nước lại có những biện pháp khác nhau. Nhìn một cách tổng thể, có thể khẳng định rằng: cổ phần hóa là một trong những phương tiện cơ bản để thực hiện sự đa dạng hóa các hình thức sở hữu. Sự phân tích xu hướng hình thành và phát triển của sự đa dạng hóa các hình thức sở hữu sẽ minh chứng cho tính đúng đắn của khẳng định trên.
Ở các nước tư bản chủ nghĩa, sự đa dạng hóa các hình thức sở hữu được thực hiện theo hai con đường: Một là, cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước; cổ phần hóa các doanh nghiệp tư nhân; Hai là,sự liên kết giữa các doanh nghiệp lớn hơn mà các cổ đông chính là các nhà doanh nghiệp tư nhân tham gia liên kết.
Đối với các nước tiến hành công cuộc đổi mới và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, sự đa dạng hóa các hình thức sở hữu thông qua cổ phần hóa chủ yếu được thực hiện nhờ hình thức cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, xây dựng các doanh nghiệp, các hợp tác xã cổ phần.
Ngoài cổ phần hóa là một phương thức để đa dạng hóa các hình thức sở hữu, cũng còn các phương thức khác. Chẳng hạn, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước – chủ yếu diễn ra ở các nước tư bản phát triển; sự hình thành các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ ở các nước tư bản chủ nghĩa và ở các nước xã hội chủ nghĩa tiến hành đổi mới, cải cách; sự hình thành các hợp tác xã kiểu mới – chủ yếu diễn ra ở các nước xã hội chủ nghĩa tiến hành đổi mới, cải cách. Tuy nhiên, bài viết này chỉ tập trung xem xét sự đa dạng hóa thông qua hình thức cổ phần hóa như là một trong những phương tiện quan trọng nhất của quá trình đa dạng hóa các hình thức sở hữu.
Ở Việt Nam thời gian qua, cổ phần hóa là phương tiện có hiệu quả thực hiện đa dạng hóa các hình thức sở hữu để tiến hành sự nghiệp đổi mới, mà một trong những điểm mấu chốt là phải biến nền kinh tế dựa trên sở hữu công cộng là chính thành nền kinh tế với sự đa dạng hóa các hình thức sở hữu. Trong đó, việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm 100% vốn trở thành các doanh nghiệp cổ phần có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hơn nữa, trong điều kiện chuyển đổi từ chế độ công hữu trước đây sang chế độ đa dạng hóa các hình thức sở hữu hiện nay, cổ phần hóa còn bảo đảm cho sự ổn định về xã hội, không xáo trộn, không tạo nhiều khe hở làm thất thoát tài sản của Nhà nước, đời sống kinh tế của nhân dân được cải thiện.
Chính vì vậy, chúng ta cần xem cổ phần hóa như một phương tiện hàng đầu trong việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước, kể cả các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả.
Tuy nhiên, một vấn đề bức xúc đặt ra khi tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là làm thế nào để cổ phần hóa không dẫn tới việc đi chệch hướng. Cũng có nghĩa là, làm sao để quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước không ảnh hưởng đến việc giữ vững sự phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để tìm lời giải đúng đắn cho vấn đề này, cần phân tích bản chất của quá trình cổ phần hóa, nhất là hậu quả kinh tế – xã hội của quá trình cổ phần hóa.
Ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, trước mắt chủ yếu phải chú ý tới sự chuyển đổi về tính chất sở hữu của các doanh nghiệp sau khi đã được cổ phần hóa. Trên bình diện chung, thế giới hiện có nhiều cách đánh giá khác nhau về loại hình kinh tế của các doanh nghiệp được cổ phần hóa, trong đó có một số quan điểm như sau: 1 – Cổ phần hóa là một hình thức kinh tế theo chế độ sở hữu công cộng. 2 – Cổ phần hóa là một hình thức kinh tế theo chế độ sở hữu tập thể. 3 – Cổ phần hóa là một hình thức kinh tế theo chế độ sở hữu tư nhân. Theo chúng tôi, việc xếp các doanh nghiệp đã cổ phần hóa vào loại hình kinh tế nào phụ thuộc vào chính quá trình thực hiện cổ phần hóa, vào sự quản lý các doanh nghiệp cổ phần hóa của Nhà nước.
Nếu cổ phần hóa chủ yếu được thực hiện ở các doanh nghiệp nhà nước, cổ phần được bán tự do cho tư nhân thì quá trình cổ phần hóa thực chất là quá trình tư nhân hóa. Điều này chủ yếu xảy ra ở các nước tư bản chủ nghĩa. Nếu cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước mà cổ phần của nhà nước chi phối và do Nhà nước điều tiết thì cổ phần hóa vẫn thuộc chế độ công hữu. Nếu cổ phần hóa các doanh nghiệp mà cổ phần được bán cho cán bộ, công nhân và các cá nhân ngoài xã hội thì doanh nghiệp cổ phần hóa theo hình thức sở hữu tập thể.
Ở Việt Nam hiện nay, cổ phần hóa chủ yếu được thực hiện theo ba hình thức sau:
Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực then chốt có khả năng điều tiết nền kinh tế quốc dân, chúng ta thường tiến hành phương thức cổ phần hóa mà trên 50% cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước. Trên thực tế, ở các doanh nghiệp này, tồn tại bốn loại cổ phần: cổ phần của Nhà nước đóng vai trò chi phối; cổ phần tập thể của các xí nghiệp; cổ phần của cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp; cổ phần của các cá nhân trong xã hội. Do cổ phần của Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn, nên nó đóng vai trò chi phối, định hướng sự phát triển của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này kinh doanh dưới sự quản lý, điều tiết chặt chẽ của Nhà nước.
Như vậy, nhờ vị trí chi phối của mình, cổ phần của Nhà nước lại chi phối một khối lượng lớn tài sản xã hội (cổ phần của các thành phần kinh tế khác) vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội do Nhà nước xã hội chủ nghĩa quản lý, điều tiết. Chính vì vậy, có thể xem các doanh nghiệp loại này là các doanh nghiệp dựa trên cơ sở công hữu và chúng nằm trong thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp không giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế quốc dân) mà Nhà nước có tham gia cổ phần, nhưng không chiếm tỷ trọng lớn, không giữ vị trí chi phối. Với doanh nghiệp loại này, Nhà nước chỉ tham gia quản lý, điều tiết ở một mức độ nhất định. Về mặt sở hữu, cũng có thể xem như một loại doanh nghiệp dựa trên cơ sở công hữu, nhưng thuộc thành phần kinh tế tư bản nhà nước. Chúng sẽ phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa không có sự tham gia của cổ phần nhà nước. Với những doanh nghiệp loại này ngoài việc quản lý theo pháp luật, Nhà nước khó điều tiết được khuynh hướng phát triển của nó. Về mặt sở hữu có thể xem các doanh nghiệp này dựa trên cơ sở sở hữu tập thể và thuộc thành phần kinh tế tập thể. Các doanh nghiệp loại này, có thể phát triển theo hai khuynh hướng tùy thuộc vào sự điều tiết của Nhà nước. Nếu để việc mua bán cổ phần tự do, chúng có thể biến thành các doanh nghiệp tư nhân đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, nếu điều tiết việc mua bán cổ phần chúng có thể là doanh nghiệp dựa trên sở hữu tập thể và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để bảo đảm cho sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần có chính sách quản lý, điều tiết có hiệu quả đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa, nhất là các doanh nghiệp thuộc loại thứ ba.
Từ phân tích trên có thể khẳng định rằng, nhìn chung cổ phần hóa không hề đồng nghĩa với tư nhân hóa (như một số người đã nghĩ). Cổ phần hóa càng không có nghĩa là hướng tới sự phát triển không theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cổ phần hóa sẽ đi tới đâu chủ yếu phụ thuộc vào việc thực hiện quá trình cổ phần hóa như thế nào, vào sự quản lý, điều tiết của Nhà nước ra sao. Việt Nam và Trung Quốc là những nước lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa chúng ta có đủ khả năng để hướng quá trình cổ phần hóa phát triển một cách lành mạnh, giữ vững được sự phát triển của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Cũng từ sự phân tích trên đây, cổ phần hóa đã trở thành động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và để không đi chệch hướng, chúng tôi xin nêu một số kiến nghị sau đây:
1 – Cổ phần hóa là một phương tiện có hiệu quả để thực hiện đa dạng hóa các hình thức sở hữu trong điều kiện nước ta hiện nay. Chính vì vậy phảiđẩy mạnh việc thực hiện cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp nhà nước, nhất là đối với các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Tuy đã có chủ trương cổ phần hóa, song trong thời gian qua, việc thực hiện cổ phần hóa còn chậm. Có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Song, theo chúng tôi không thể vì các nguyên nhân này mà làm chậm tiến độ cổ phần hóa. Đây phải được xem là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong quá trình đổi mới nền kinh tế – từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Trong điều kiện mở cửa, hội nhập, chúng ta không thể chậm trễ hơn trong việc phát triển nền kinh tế thị trường. Cổ phần hóa là khâu đột phá trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
2 – Việc thực hiện cổ phần hóa phải bảo đảm sự phát triển của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ việc phân tích các loại hình cổ phần hóa trên đây, có thể nói cổ phần hóa không đồng nhất với tư nhân hóa. Tuy nhiên, không có nghĩa nó sẽ không thể dẫn tới tư nhân hóa, sẽ không tự phát đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa.
Như đã phân tích tính chất và xu hướng vận động của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa phụ thuộc vào quá trình thực hiện cổ phần hóa và sự quản lý, điều tiết của Nhà nước đối với doanh nghiệp. Ba loại hình doanh nghiệp cổ phần hóa đã trình bày ở trên bước đầu tạo điều kiện cần thiết để giữ vững sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, sự vận động của các doanh nghiệp cổ phần hóa là khá phức tạp, nhất là ở loại hình thứ ba – không có cổ phần của Nhà nước trong doanh nghiệp. Không loại trừ khả năng loại hình này (và xa hơn cả ở hai loại hình còn lại) có thể vận động tự phát theo hướng tư nhân hóa. Chúng ta cần thông qua các biện pháp quản lý, điều tiết để chống việc biến quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thành quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Cho nên sự điều tiết, quản lý của Nhà nước không chỉ dừng lại ở khâu thực hiện cổ phần hóa mà cả ở sự vận động, phát triển tiếp theo của doanh nghiệp đã cổ phần hóa.
3 –Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nướcđối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung, đối với quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước nói riêng.
Quá trình cổ phần hóa không thể tách rời bối cảnh chung của sự phát triển kinh tế – xã hội. Ở nước ta, các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp này, một mặt sẽ là động lực cho sự phát triển kinh tế đất nước, nhưng cũng là một nhân tố dẫn tới sự phát triển tự phát sang chủ nghĩa tư bản. Chính vì vậy, cùng với sự quản lý, điều tiết các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, việc quản lý điều tiết các doanh nghiệp này cũng hết sức quan trọng. Song sự quản lý, điều tiết các doanh nghiệp không đơn giản, mà điều quan trọng bậc nhất là phải bảo đảm lợi ích của các chủ doanh nghiệp. Chúng ta cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật vừa làm chỗ dựa cho các doanh nghiệp phát triển, vừa bảo đảm cho sự phát triển các doanh nghiệp không đi chệch con đường mà chúng ta đã lựa chọn.
Quản lý theo pháp luật là yêu cầu và cũng là tiền đề để hướng sự phát triển của các doanh nghiệp với các hình thức sở hữu khác nhau vào mục đích chung phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần đặc biệt tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của mình thông qua hệ thống pháp luật.
Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên các mặt trận văn hóa, tư tưởng, chính trị… Chính những việc làm này sẽ góp phần quan trọng xây dựng ý thức hệ trong cộng đồng và đó cũng là nhân tố quan trọng, bảo đảm cho sự phát triển theo định hướng đã lựa chọn.
Thực tiễn đã chỉ rằng, đa dạng hóa các hình thức sở hữu là yêu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cổ phần hóa trong đó cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là phương tiện quan trọng để thực hiện quá trình đa dạng hóa các hình thức sở hữu ở nước ta. Việc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước với sự quản lý, điều tiết chặt chẽ của Nhà nước sẽ là một trong những động lực cho sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa thời gian tới.
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 85 NĂM 2005 – PGS.TS. VŨ VĂN VIÊN – Phó viện trưởng Viện Triết học