Thực hiện Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 08/6/2018 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 28/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và các cơ quan có liên quan tiến hành xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 18/6/2020, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

1. Cơ sở chính trị, pháp lý sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Dự án Luật được xây dựng trên các cơ sở chính trị, pháp lý sau đây:

 Theo chỉ đạo của Ban Bí thư thì cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy trình xây dựng pháp luật theo hướng nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác và sự phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, thông qua, ban hành luật; thống nhất đề xuất cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng pháp luật.

– Trên cơ sở Kết luận của Ban Bí thư, ngày 08/9/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 1362/TTg-PL về việc nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu về sự cần thiết để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

 Theo Nghị quyết số 57/2018/QH14 thì dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.

 Quyết định số 792/QĐ-TTg giao Bộ Tư pháp nhiệm vụ trình Chính phủ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào tháng 7/2019.

2. Cơ sở thực tiễn sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

2.1. Về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sau đây gọi là Luật năm 2015) đã có một số quy định để bảo đảm đường lối, chủ trương của Đảng được thể chế hóa thành quy định pháp luật và bảo đảm các quy định pháp luật phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng được xác định là yêu cầu đầu tiên và có tính tiên quyết trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do đó đã được tuân thủ và bảo đảm thực hiện nghiêm túc. Các cơ quan liên quan đã chú trọng đến việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và sự phù hợp của chính sách trong dự án, dự thảo với chủ trương, đường lối của Đảng. Khi đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan đều bám sát và thể hiện rõ thứ tự ưu tiên cho các dự án nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng. Đối với một số dự án, dự thảo có tác động lớn, phức tạp, nhạy cảm, các cơ quan đã chủ động xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Cán sự Đảng, các cấp ủy Đảng. Nội dung các văn bản văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, ban hành thời gian qua đã thể chế hóa tương đối đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng.

Tuy nhiên, đi vào cụ thể nhận thấy rằng, Luật năm 2015 chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan trong việc nghiên cứu, chủ trương, đường lối của Đảng trước khi lập đề nghị xây dựng văn bản, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản… Do đó, để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng văn bản quy phạm pháp luật thì cần thiết phải quy định cụ thể, trực tiếp nguyên tắc và các nội dung cụ thể về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong toàn bộ quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2.2. Về một số khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật năm 2015

Qua 03 năm thi hành Luật năm 2015 cho thấy, công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đã có chuyển biến tích cực, chất lượng văn bản pháp luật đã được nâng cao hơn, nhiều văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc thi hành Luật năm 2015 trong thời gian qua đã nổi lên một số vấn đề cần phải xử lý, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Về nâng cao trách nhiệm và bảo đảm phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan trình và các cơ quan có liên quan trong xây dựng luật, pháp lệnh

Theo quy định của Luật năm 2015 thì trách nhiệm chủ trì chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh được giao cho Hội đồng Dân tộc hoặc các Ủy ban của Quốc hội đã thẩm tra dự án, còn cơ quan trình có trách nhiệm phối hợp chỉnh lý. Quy trình này đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và nay là Luật năm 2015. Tuy nhiên, do công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình chỉnh lý một số dự án luật, pháp lệnh còn hạn chế nên đã dẫn đến một số sai sót trong thực tiễn áp dụng. Điều này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung quy định của Luật năm 2015 theo hướng xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh.

Thứ hai: Về một số khó khăn, vướng mắc khác trong thi hành Luật

a) Về lập đề nghị xây dựng văn bản theo quy trình chính sách

Luật năm 2015 bổ sung quy trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (xây dựng, đánh giá tác động, thẩm định, thông qua chính sách) trước khi soạn thảo đối với một số loại văn bản. Trong quá trình thực hiện quy định này, nhiều bộ, ngành, địa phương cho rằng phạm vi các loại văn bản quy phạm pháp luật cần phải lập đề nghị theo quy định của Luật năm 2015 là quá rộng. Nhiều nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh chỉ quy định cụ thể về biện pháp tổ chức thi hành văn bản của cấp trên, không quy định chính sách mới, nhưng vẫn phải lập đề nghị xây dựng văn bản, làm hạn chế khả năng phản ứng nhanh của Chính phủ và chính quyền địa phương đối với những vấn đề cấp bách của xã hội.

b) Về xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn

Luật năm 2015 quy định việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn nhưng không quy định trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc ban hành văn bản để bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật; ban hành văn bản để tạm ngưng hiệu lực của một văn bản khác hoặc kéo dài hiệu lực của văn bản quy định thực hiện thí điểm các chính sách. Nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương cho rằng, quy định này của Luật năm 2015 là chưa phù hợp với thực tiễn ban hành văn bản bản trong thời gian vừa qua.

c) Về ban hành thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật

Theo quy định của Luật năm 2015 thì chỉ được quy định thủ tục hành chính trong thông tư, thông tư liên tịch và văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương khi được giao trong luật. Trong quá trình áp dụng quy định này, các bộ, ngành, địa phương còn gặp một số khó khăn, lúng túng trong việc:

(1) Xác định các trường hợp được quy định thủ tục hành chính trong thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và văn bản quy phạm pháp luật của địa phương;

(2) Sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục hành chính trong các thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật của địa phương đã được ban hành;

(3) Quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về biện pháp đặc thù của địa phương thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật năm 2015.  

Tại Thông báo số 26-TB/TW ngày 19/4/2017 về Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Bí thư yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy trình xây dựng pháp luật theo hướng nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác và sự phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, thông qua, ban hành luật; thống nhất đề xuất cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng pháp luật.

Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật năm 2015 nêu trên, đồng thời để thực hiện các văn bản của Ban Bí thư, Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tình hình mới, thì việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là cần thiết.

3. Mục đích sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

– Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, hiệu lực, hiệu quả phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

– Xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh.

– Tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thời gian qua.

4. Quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật

– Tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Kết luận của Ban Bí thư, Báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ về việc nâng cao trách nhiệm, bảo đảm sự phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng pháp luật.

– Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật năm 2015 cho hợp lý, sát thực tế, cụ thể hơn về hình thức văn bản quy phạm pháp luật; lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách đối với một số loại văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; ban hành thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh đối với bộ, ngành, địa phương trong thực tiễn xây dựng pháp luật thời gian qua.

5. Bố cục của Luật

Luật năm 2020 gồm 02 điều. Cụ thể:

Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13.

Điều 2: Hiệu lực thi hành.