I. Nền kinh tế năng động và những nhân tố của nó
Trước khi nói về vai trò của nguồn lực con người trong một nền kinh tế, ta phải nói đến tính năng động của nền kinh tế. Tính năng động vô cùng quan trọng như thế nào trong điều kiện kinh tế thị trường, có lẽ không cần nhắc lại. Điều này được phản ánh phần nào trong thái độ của xã hội khi sử dụng tính từ “năng động” để nói về các doanh nhân giỏi hay tần số xuất hiện thường xuyên trên báo chí của cụm từ “chuyển đổi cơ cấu kinh tế”. Tuy nhiên, thế nào là một nền kinh tế năng động và làm sao để đạt được tính năng động của nền kinh tế lại chưa được nghiên cứu phân tích thấu đáo. Hơn thế nữa, theo chúng tôi, nhận thức của chúng ta về vấn đề này còn chứa đựng nhiều sai lầm. Chẳng hạn, làm sao chúng ta có thể coi việc năm nào chúng ta cũng sản xuất gạo và bán gạo với giá cả và chất lượng như nhau, như là dấu hiệu năng động của nền kinh tế
Một nền kinh tế có thể coi là năng động nếu nó dễ thích ứng với đòi hỏi của cơ chế thị trường, đó là dấu hiệu hình thức. Nhưng nói thế vẫn chưa đủ. Mọi nền kinh tế năng động đều có những tiêu chuẩn và cơ sở của nó. Theo chúng tôi, có ba nhân tố chính khiến một nền kinh tế trở nên năng động là:
Nhân tố thứ nhất: Một nền kinh tế muốn năng động thì trước hết các bộ phận cấu thành, hay nói cách khác là cơ cấu của nó dễ dịch chuyển.để thích ứng với các đòi hỏi của cơ chế thị trường.
Tại sao xã hội chúng ta lại chậm phát triển? Tại sao những mong muốn chuyển đổi cơ cấu kinh tế của chúng ta vẫn dẫm chân tại chỗ? Nguyên nhân nằm ngay ở quan niệm của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta luôn cho rằng chỉ những người sản xuất mới vinh quang, bởi vì họ làm ra của cải vật chất. Nhưng nếu sản xuất theo lối biến các nguyên liệu chất lượng tốt nhập khẩu bằng ngoại tệ mạnh thành loại hàng hóa không bán được, cũng có nghĩa là phế phẩm, thì đó là thứ sản xuất phản động, thứ sản xuất tội phạm. Chủ nghĩa duy vật thô sơ khiến chúng ta quan niệm rằng thành phẩm là những gì dùng được, trong khi nền kinh tế chỉ chấp nhận những gì bán được mà thôi.
Nếu một nền kinh tế không có khả năng thay đổi cấu trúc của nó thì nó không thể hiệu quả. Nó không thể năng động. Thậm chí, có thể nói rằng nó chưa phải là một nền kinh tế. Theo nghĩa đó, trên một số khía cạnh, chúng ta có thể nói rằng Việt Nam vẫn chưa thực sự có một nền kinh tế của mình. Những gì chúng ta đang chứng kiến hôm nay thực chất chỉ là sự pha trộn giữa nền kinh tế tự cung tự cấp đơn sơ trước kia với một số yếu tố hiện đại của nền kinh tế vãng lai trên lãnh thổ Việt Nam.
Nhân tố thứ hai: Đó là tính dễ lưu chuyển của lực lượng lao động. Nhân tố này liên hệ chặt chẽ với nhân tố thứ nhất, bởi vì muốn địch chuyển cơ cấu kinh tế thì trước hết phải dịch chuyển lao động.
Sự lưu chuyển lực lượng lao động phải diễn ra tương đối tự do. Nó không thể bị khóa cứng bởi các tổ chức cũng như bởi sự khu trú mang tính hành chính hay tâm lý của lực lượng lao động trong các vùng sản xuất khác nhau. Tính chất dễ lưu chuyển ấy phải là và phải được xem là một tính chất tự nhiên của lực lượng lao động. Lâu nay các nhà chính trị hay kêu ca về ‘sự dịch chuyển lao động ở nông thôn, họ không biết rằng những quá trình lưu chuyển như vậy tạo ra một thuộc tính quan trọng để hình thành nền kinh tế năng động. Sự lưu chuyển như vậy bù đắp, lấp đầy các lỗ hổng về lực lượng lao động, nó tự điều chỉnh sự phân bố lực lượng lao động. Đó là quy luật muôn đời của các nền kinh tế và cũng chính là dấu hiệu của nền kinh tế năng động. Thực ra, nhìn sâu hơn nữa, lực lượng lao động không chỉ dịch chuyển về mặt địa lý. Trong thời đại của chúng ta, một nền kinh tế năng động đòi hỏi phải có một lực lượng lao động cực kỳ năng động cả về kinh nghiệm sản xuất lẫn trí tuệ khoa học và công nghệ. Bản chất của nền kinh tế năng động là tạo ra sự phát triển, dựa trên sự thải hồi những kinh nghiệm không còn thích ứng với đòi hỏi của thị trường lao động.
Nhân tố thứ ba: Đó là cách thức tập hợp lao động và tổ chức sản xuất. Cần phải khẳng định rằng, hiện nay, cách thức tập hợp lao động và tổ chức sản xuất ở nước ta cũng như ở hầu hết các nước Thế giới thứ ba còn rất lạc hậu. Nhưng cũng phải nói thêm rằng đó không phải là vấn đề của riêng các nước nghèo. Người Nhật Bản chẳng hạn, trước đây thường tự hào về hiện tượng có tới ba, bốn đời của một gia đình cùng làm trong một xí nghiệp. Họ cho rằng nhờ vậy có thể tận dụng được những kinh nghiệm và truyền thống lao động có tính chất gia đình. Ngày nay trong xu hướng toàn cầu hóa, người Nhật mới nhận thấy đó là sai lầm. Bởi vì sự hòa hợp giữa các lực lượng lao động cùng những kinh nghiệm khác nhau trên thế giới và trong nước không những tạo ra cái mà Marx gọi là “giai cấp công nhân công nghiệp” mà còn xoá bỏ những mối liên hệ ngàn đời của người lao động với gia đình, làng xóm, quê hương… Một khi còn bị trói buộc, dù về chính tri, văn hóa hay tâm lý, người lao động sẽ không thể đáp ứng được những đòi hỏi của nền sản xuất mới.
Cách thức tập hợp lao động của chúng ta hiện nay vẫn theo kiểu bao cấp, và phải nói rằng, đó là một trong những yếu tố đổi mới chậm nhất trong nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta vẫn tiếp tục quan niệm “giai cấp công nhân công nghiệp” như một động lực của sự phát triển xã hội. Chúng tôi cho rằng giai cấp công nhân công nghiệp là và chỉ là một bộ phận phục vụ nền kinh tế. Việc trang bị cho giai cấp công nhân quá nhiều vũ khí chính trị làm cho họ trở nên không còn là một lực lượng lao động thuần túy Định kiến chính trị, thậm chí, đôi lúc khiến họ lạm dụng quyền lực chính trị, tạo ra sự hợp tác không đầy đủ và không hiệu quả với giới sử dụng lao động. Cuộc sống, với những bài học thành công và thất bại mà chúng ta đã trải qua, giúp chúng ta nhận thức rằng giới chủ không phải bao giờ cũng là giới bóc lột Giới chủ hầu hết là những người tập hợp các lực lượng lao động theo những dự án kinh tế khác nhau. Và một nền kinh tế, dù trên phương diện lý thuyết hay thực tế, đều dựa trên cơ sở là quan hệ bền vững và có trách nhiệm giữa người sử dụng lao động với người lao động.
II .Con người – tiền đề của sự phát triển
Như vậy, cả ba yếu tố đều gắn liền với vấn đề con người. Vì lẽ đó, để xây dựng một nền kinh tế năng động, chúng ta không còn con đường nào khác là bắt đầu từ chính con người – con người với tư cách vừa là mục đích, vừa là chủ nhân vừa là người tổ chức và thực hiện các quá trình phát triển.
Trước hết, chúng tôi muốn nói đến giáo dục. Nên xem người lao động là hàng hóa thì giáo dục cũng là một ngành sản xuất hàng hóa. Hiện nay, chúng ta đang chống thương mại hóa giáo dục, cũng như chống thương mại hóa báo chí. Nhưng chống thương mại hóa báo chí có nghĩa là chống thượng mại hóa trao đổi thông tin, và chống thương mại hóa giáo dục nghĩa là chống lại sự lưu chuyển của hàng hóa lao động theo những phương thức thích hợp với nền kinh tế thị trường.
Đã có một nửa thế kỷ, thậm chí hàng thế kỷ chúng ta phải đấu tranh để giành độc lập dân tộc. Chúng ta buộc phải đối đầu với các cường quốc về kinh tế, chính trị và quân sự. Vì thế, chúng ta cũng buộc phải dạy dỗ làm sao để con người chúng ta có đủ sức đề kháng chính trị cần thiết, nhằm tập hợp toàn dân tộc giải quyết các vấn đề của dân tộc vào thời điểm ấy. Bây giờ tình thế đã thay đổi, nhận thức của con người cũng đã thay đổi, và vì thế chương trình giáo dục cũng phải thay đổi. Nếu chương trình giáo dục vẫn không được cải thiện, vẫn không nhằm vào mục tiêu đào tạo ra người lao động theo yêu cầu của cuộc sống mà vẫn chạy theo những yêu cầu chính trị, thì chúng ta sẽ không thể nâng cao sức cạnh tranh của dân tộc.
Nói về yếu tố con người, chúng ta không thể bỏ qua vấn đề đội ngũ trí thức. Trí thức bao giờ cũng là chiếc anten, là bộ não của lực lượng lao động. Thế nhưng ở rất nhiều quốc gia, đội ngũ trí thức đang có vấn đề. Đội ngũ trí thức khoa học công nghệ thì mải mê đuổi theo những thành tích khoa học cá nhân lẻ tẻ mà quên mất phải làm thế nào phổ biến nhanh chóng và ngắn gọn những phát hiện của họ, để tạo ra chất lượng từ thức cho lực lượng lao động. Do vậy, giới trí thức luôn luôn đứng ngoài, hay nói cách khác, các thành tựu của họ phải đi qua một đội ngũ trung gian thuộc đủ loại hình dịch vụ mới đến được với lực lượng lao động. ở Việt Nam, chúng ta có một nửa thế kỷ hình thành đội ngũ trí thức, nhưng vì nhiều nguyên nhân, đội ngũ này ngày càng mang tính phụ họa, lệch lạc và xa rời nhân dân, vì thế, chức năng hướng dẫn lực lượng lao động không còn nữa.
Tất cả mục tiêu trình bày ở trên không thể thực hiện được nếu không có vai trò của Chính phủ. Muốn có một nền kinh tế năng động phải có một Chính phủ năng động. Chính phủ là cơ quan hành pháp, có chức năng giám sát, tổ chức và cung cấp dịch vụ quản lý xã hội để xã hội phát triển ổn định. V vậy, một chính phủ tết phải có đủ năng động, đủ hiểu biết, đủ khả năng tổ chức xã hội tiếp cận thông tin, từ đó dễ dàng lựa chọn một hướng đi đúng đắn. Chính phủ có chức năng định hướng, nhưng đối với các hoạt động kinh doanh hay đối với quyền tự do của người dân, cần phải rất hạn chế trong việc can thiệp. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì quan niệm Chính phủ như là công cụ của một nền chuyên chính, chúng ta sẽ lạc lõng, sẽ rất khó thích ứng để có thể xây dựng một nền kinh tế năng động. Phát triển là một trạng thái không ổn định, nhưng đó là một trạng thái không ổn định tốt lành.
Cuối cùng tà môi trường chính tri – xã hội. Để một nền kinh tế trở nên năng động, chúng ta phải có những điều kiện hạ tầng thích ứng, trước hết là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Các hệ thống này cần phải thay đổi để thực sự là hệ tuần hoàn lành mạnh của đời sống xã hội. Một nền kinh tế năng động phải có một đội ngũ cung cấp địch vụ có thể thích ứng với các thay đổi tế vi của đời sống kinh tế. Chúng ta đã phải mất một nửa thế kỷ mới chấp nhận dịch vụ như là một phần hữu cơ của đời sống kinh tế. Chúng ta ngày nay lại đang chậm trễ trong việc xây dựng một cơ sở hạ tầng các dịch vụ có thể bôi trơn, thúc đẩy quá trình dịch chuyển cơ cấu của đời sống kinh tế.
Tuy nhiên, các điều kiện hạ tầng chỉ là một phần của vấn đề Mọi quá trình kinh tế xã hội đều là kết quả của sự tương tác giữa lực lượng lao động với lực lượng tổ chức lao động trong một môi trường nhất định. Một môi trường linh hoạt, cho phép các quá trình tương tác cũng như sự luân chuyển của các nguồn lực diễn ra một cách tự do, sẽ đóng vai trò không chỉ là bối cảnh mà còn là chất xúc tác cho sự phát triển. Một môi trường như vậy chúng ta vẫn thường gọi là dân chủ. Ngược lại, một môi trường bị phân rã bởi những lợi ích cục bộ, nhất thời hoặc tự bó hẹp do định kiến và ý thức hệ sẽ là vật cản, thậm chí, có thể nói là phản động, đối với quá trình phát triển. Vì thế, cần phải khẳng định rằng không thể xây dựng đời sống kinh tế chuyên nghiệp mà chưa chuyên nghiệp hóa đời sống xã hội, chuyên nghiệp hóa khái niệm công dân, trên cơ sở đó chuyên nghiệp hóa khái niệm lực lượng lao động, bao gồm cả Chính phủ, công nhân, trí thức…
Tóm lại, để xây dựng một nền kinh tế năng động, chúng ta cần phải bắt đầu từ con người, và việc đó lại phải bắt đầu từ việc khôi phục lại trạng thái lành mạnh của quá trình nhận thức. Chúng tôi nhớ một lần làm việc với một quan chức cao cấp của ngân hàng Trung Quốc, ông nói một câu, đại ý rằng: Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc phải mất nửa thế kỷ mới nhận thức ra được một chân lý đơn giản: không có sự khác nhau giữa tiền bạc của Chủ nghĩa tư bản với tiền bạc của Chủ nghĩa xã hội. Đó là một nhận xét chua xót nhưng dũng cảm. Những thành công của Trung Quốc có lẽ đã bắt đầu từ lòng dũng cảm của những nhà lãnh đạo.
Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
Nguồn: Sách Suy tưởng
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)