Hiến pháp qui định công dân có quyền tự do ngôn luận

Nội dung chính ý kiến trả lời của Bộ Tư pháp như sau: (tên bài và tên các tiểu mục do Ecolaw đặt dựa theo ý chính trả lời)

Ngày 24-7-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg (QĐ 97) ban hành Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ.

Ngày 6-8-2009, Hội đồng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng, cho rằng việc ban hành QĐ 97 đã vi phạm trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có một số nội dung trái với Hiến pháp và Luật Khoa học và Công nghệ, gây cản trở đến việc thực hiện quyền tự do nghiên cứu khoa học của tổ chức và cá nhân.

Bộ Tư pháp xin trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp của IDS và của cá nhân Giáo sư Hoàng Tụy và trả lời như sau:

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  – 1900.0191

1. Không cần phải đăng dự thảo Quyết định

Dự thảo QĐ 97 được Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai từ đầu năm 2008. Toàn bộ các bước soạn thảo có lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân … theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đã hoàn tất trong năm 2008.

Những việc được thực hiện trong năm 2009 chỉ là nghiên cứu ý kiến tham gia, cân nhắc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo QĐ để ký ban hành. Ở giai đoạn này, ngay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 cũng không quy định cơ quan soạn thảo phải đăng tải dự thảo Quyết định trên trang thông tin điện tử của Chính phủ hoặc của cơ quan soạn thảo. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành QĐ 97 là đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục.

2. Công dân có quyền tự do ngôn luận theo qui định của pháp luật
* Danh mục đã được cân nhắc kỹ, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay
Theo IDS thì việc QĐ 97 không ban hành Danh mục lĩnh vực cấm là cách làm không đúng, gây khó khăn cho các tổ chức khoa học và các nhà khoa học, trái với Điều 60 của Hiến pháp và Luật Khoa học và Công nghệ.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng việc làm như vậy là phù hợp. Cụ thể, khoản 1 Điều 17 Luật Khoa học và Công nghệ quy định cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có quyền “thành lập tổ chức khoa học và công nghệ trong một số lĩnh vực theo quy định của Chính phủ” và khoản 2 Điều 11 Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ giao “Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xác định những lĩnh vực cụ thể mà các cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định”.

Thực tiễn xây dựng pháp luật cho thấy có nhiều cách thức để xác định lĩnh vực hoạt động mà tổ chức, cá nhân được làm, trong đó cách thức phổ biến là ban hành danh mục cấm hoặc ban hành danh mục được phép. Việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn cách thức nào là tùy thuộc vào đặc điểm của từng lĩnh vực hoạt động cần điều chỉnh bằng pháp luật, vào trình độ và khả năng quản lý của mỗi nước trong từng thời kỳ nhất định. Danh mục các lĩnh vực cá nhân được phép thành lập tổ chức khoa học và công nghệ được ban hành kèm theo QĐ 97 đã được cân nhắc kỹ, phù hợp với tình hình thực tế của đất nước hiện nay.

Vì cách thức quy định Danh mục nói trên phù hợp với Nghị định của Chính phủ, Luật của Quốc hội nên cũng phù hợp với Điều 60 Hiến pháp.

* Quyết định này chỉ ràng buộc trách nhiệm của cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ

IDS cho rằng, khoản 2 Điều 2 Quyết định số 97 quy định trách nhiệm cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ, là trái với Điều 69 của Hiến pháp.

Điều 69 Hiến pháp quy định như sau: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin… theo quy định của pháp luật”. Bộ Tư pháp cho rằng, QĐ 97 không trái với Hiến pháp bởi vì Quyết định này chỉ ràng buộc trách nhiệm của cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, không ràng buộc trách nhiệm của cá nhân- công dân nghiên cứu khoa học và công nghệ trong việc công bố ý kiến của mình về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các nhà khoa học có quyền công bố công khai kết quả nghiên cứu của mình với tư cách cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.

Viện nghiên cứu phát triển (IDS) đã tự giải thể ?
Theo tìm hiểu của Ecolaw.vn thì trước đó, ngày 15-9-2009, hãng tin Anh BBC đưa tin Viện nghiên cứu phát triển (IDS) đã quyết định tự giải thể để phản đối QĐ 97 nói trên.

Theo BBC, thông cáo đăng trên trang mạng của IDS viết: ” Ngày 14/09/2009, Hội đồng Viện IDS đã họp phiên toàn thể, quyết định tự giải thể để biểu thị thái độ dứt khoát của Viện đối với Quyết định 97″.

Được biết Viện nghiên cứu phát triển IDS được thành lập vào cuối năm 2007 tại Hà Nội. Đây là một Viện nghiên cứu 100% tư nhân và do các nhà khoa học, các thành viên sáng lập tư nhân, góp vốn xây dựng. Nguyên tắc của Viện được nói là hoạt động trên cơ chế độc lập và mở.

Hội đồng IDS gồm 16 vị, bao gồm các tên tuổi trí thức lớn tại Việt Nam hiện nay như Hoàng Tụy, Nguyễn Quang A, Phan Đình Diệu, Tương Lai, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Nguyễn Trung, Nguyên Ngọc…

Trong hai năm hoạt động, IDS đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm khoa học về chính sách, chiến lược trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế tới giáo dục, y tế … Các thành viên IDS đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến trong quá trình phản biện cho cải cách giáo dục Việt Nam và dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên.

Ban lãnh đạo Viện tự đánh giá là đã ” làm được một số việc có ích cho đất nước, đóng góp ý kiến xây dựng đối với một số vấn đề hay chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước”.

————————————————————————

Qui định của pháp luật :

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật.

( Điều 69 Hiến Pháp nước CHXHCN Việt nam)

Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.

Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật.

Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.

( Điều 71 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam)

Submitted by admin on Sun, 09/20/2009 – 15:12(Nguồn: Ecolaw.vn)

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

——————————————————————————–

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3.Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;