1.Nguồn luật

Pháp luật Việt Nam điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bao gồm các quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự 2004 (sau đây gọi là ‘Bộ luật tố tụng dân sự’), Luật trọng tài thương mại 2010 (sau đây gọi là ‘Luật trọng tài thương mại’), Luật thương mại, Luật đầu tư 2005 (sau đây gọi là ‘Luật đầu tư’) và các văn bản dưới luật có liên quan.

2.Định nghĩa tranh chấp thương mại và phân loại tranh chấp thương mại

Hiện nay, không có định nghĩa chính thức về tranh chấp thương mại trong pháp luật Việt Nam. Có thể hiểu khái niệm tranh chấp thương mại một cách gián tiếp là tranh chấp phát sinh giữa các bên trong hoạt động thương mại, hoặc phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại như quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 2 Luật trọng tài thương mại. Đồng thời, khoản 1 Điều 3 Luật thương mại mô tả hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Như vậy, tranh chấp phát sinh giữa các bên liên quan đến hoạt động mà ít nhất một trong các bên vì mục đích lợi nhuận là tranh chấp thương mại. Những tranh chấp này có thể được giải quyết tại toà án hoặc trọng tài, tùy thuộc vào điều khoản chọn nơi giải quyết tranh chấp trong hợp đồng thương mại quốc tế.

Hoạt động kinh doanh, thương mại luôn tồn tại hoặc phát sinh những tranh chấp như một tất yếu khách quan. Những quan hệ thương mại càng đa dạng và phức tạp thì khả năng phát sinh tranh chấp càng lớn. Chính vì vậy, việc nắm rõ từng loại tranh chấp thương mại cũng là điều kiện để đưa ra những biện pháp giải quyết tranh chấp phù hợp.

Trước hết, cần hiểu thế nào là tranh chấp thương mại. Có nhiều cách hiểu khác nhau về dạng tranh chấp này, song từ góc độ pháp lý, có thể định nghĩa tranh chấp thương mại như sau: Tranh chấp thương mại là sự bất đồng quan điểm giữa các bên về việc một hoặc một số bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ mà mình cam kết trong hoạt động thương mại gây thiệt hại tới lợi ích chính đáng của một hoặc một số bên khác. Từ thuật ngữ “tranh chấp thương mại” có thể thấy, bản chất của nó chính là một loại tranh chấp đặt trong quan hệ lĩnh vực thương mại. Tranh chấp này được thể hiện bằng sự bất đồng quan điểm giữa các bên, được hiểu là sự nhìn nhận các vấn đề trái ngược nhau từ phía – gắn với các chủ thể (ví dụ, bên bán cho rằng bên mua đã giao hàng cho mình không đúng chất lượng theo hợp đồng đã được ký kết, song bên mua thì không thừa nhận điều đó).

Ở đây, chúng tôi không đi sâu phân tích việc hiểu thế nào cho đúng về tranh chấp thương mại, mà tập trung phân tích việc phân loại các tranh chấp thương mại và ý nghĩa của việc phân loại đó. Theo Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, các tranh chấp thương mại được chia ra làm 05 loại. Đó là: (i) Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; (ii) Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; (iii) Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty; (iv) Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty; (v) Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

3.Hệ thống toà án Việt Nam và thẩm quyền

Hệ thống toà án Việt Nam gồm ba cấp. Cấp thấp nhất là toà án nhân dân cấp quận, huyện trực thuộc tỉnh, cao hơn là toà án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Toà án cấp cao nhất ở Việt Nam là Toà án nhân dân tối cao. Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân tối cao có các toà chuyên trách. Toà án nhân dân cấp quận, huyện trực thuộc tỉnh không phân chia các toà chuyên trách. Các toà chuyên trách bao gồm toà dân sự, toà hình sự, toà lao động, toà hành chính, toà kinh tế. Các tranh chấp thương mại sẽ do toà kinh tế thuộc toà án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Toà án nhân dân tối cao giải quyết. Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: . Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là toà án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây: … b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại … … . Những tranh chấp, yêu cầu theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho toà án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án nhân dân cấp huyện. Điều 33 đã loại bỏ thẩm quyền của toà án nhân dân cấp huyện giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế. Những tranh chấp này sẽ thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của toà án nhân dân cấp tỉnh. Ngoài ra, khoản 1 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự cũng quy định tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa các cá nhân, tổ chức có đăng kí kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Như vậy, nếu một bên tham gia hợp đồng không nhằm mục đích lợi nhuận, tranh chấp giữa bên đó với bên kia sẽ không được coi là tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền của toà án. Chúng sẽ trở thành các tranh chấp dân sự thông thường. B. Nguyên tắc xét xử Nguyên tắc xét xử tại toà án được quy định từ Điều 3 đến Điều 24 của Bộ luật tố tụng dân sự. Bên cạnh những nguyên tắc chung giống như pháp luật của các nước khác, pháp luật Việt Nam cũng có một số nguyên tắc đặc thù. Về nguyên tắc, toà án xét xử công khai. Tòa án chỉ xét xử kín trong những trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật. Toà án có trách nhiệm tiến hành hoà giải và tạo điều kiện để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này. Trong quá trình xét xử, toà án không tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ. Các bên có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh cho yêu cầu của mình. Nhìn chung, toà án xét xử và quyết định theo đa số, tức là hội đồng xét xử gồm 1 hoặc 3 đến 5 thẩm phán. Tiếng nói và chữ viết sử dụng trong tố tụng dân sự là tiếng Việt. Nghĩa là, bên nước ngoài trong tranh chấp phải tự thuê phiên dịch và biên dịch tài liệu cho mình. Toà án thực hiện chế độ hai cấp xét xử. Bản án/quyết định sơ thẩm của toà án có thể bị kháng cáo. Nếu bản án/quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời gian do Bộ luật tố tụng dân sự quy định, thì có hiệu lực pháp luật. Nếu bản án/quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án/quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật. Nếu bản án/quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới, thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo quy định của pháp luật.

4.Thủ tục tố tụng

Việc khởi kiện được thực hiện khi một bên gửi đơn kiện bằng văn bản đến toà án. Đơn kiện có thể do đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, ví dụ, Luật sư của LVN Group, hoặc bản thân nguyên đơn nộp. Nguyên đơn phải tạm ứng án phí. Thời gian trung bình để giải quyết một vụ tranh chấp khoảng một năm, tùy thuộc vào từng vụ tranh chấp cụ thể. Trong trường hợp pháp luật không quy định khác về thời hiệu khởi kiện, thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu toà án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm.

5.Công nhận và cho thi hành bản án/quyết định của toà án nước ngoài ở Việt Nam

Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án/quyết định của toà án nước ngoài ở Việt Nam phải được gửi đến Bộ tư pháp Việt Nam. Bộ tư pháp, trong thời hạn bảy ngày, phải chuyển hồ sơ đến toà án có thẩm quyền cùng toàn bộ tài liệu có liên quan. Toà án có thẩm quyền là toà án nhân dân cấp tỉnh như quy định tại Điều 352 và khoản 1(b) Điều 34 và Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Bộ tư pháp chuyển đến, toà án có thẩm quyền phải thụ lí và thông báo cho viện kiểm sát cùng cấp biết. Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, toà án có quyền yêu cầu người gửi đơn hoặc toà án nước ngoài đã ra bản án phải giải thích những điểm chưa rõ trong hồ sơ. Văn bản yêu cầu giải thích và văn bản trả lời phải được gửi thông qua Bộ tư pháp. Việc xét đơn yêu cầu được tiến hành tại phiên họp do một hội đồng xét đơn yêu cầu gồm ba thẩm phán, trong đó một thẩm phán làm chủ tọa theo sự phân công của chánh án toà án. Lưu ý rằng kiểm sát viên của viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên họp. Nếu kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên họp. Cơ sở từ chối đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án/quyết định của toà án nước ngoài tại Việt Nam bao gồm: (i) Bản án/quyết định chưa có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật của nước có toà án đã ra bản án/quyết định đó; (ii) Người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đã vắng mặt tại phiên toà của toà án nước ngoài do không được triệu tập hợp lệ; (iii) Vụ án thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của toà án Việt Nam; (iv) Cùng vụ án này, đã có bản án/quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của toà án Việt Nam, hoặc của toà án nước ngoài đã được toà án Việt Nam công nhận, hoặc trước khi cơ quan xét xử của nước ngoài thụ lí vụ án, toà án Việt Nam đã thụ lí và đang giải quyết vụ án đó; (v) Đã hết thời hiệu thi hành án theo pháp luật của nước có toà án đã ra bản án/quyết định dân sự đó hoặc theo pháp luật Việt Nam; và (vi) Việc công nhận và cho thi hành bản án/quyết định dân sự của toà án nước ngoài tại Việt Nam trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Luật LVN Group( sưu tầm và biên tập)