Cơ quan Toà án, Viện kiểm sát là các cơ quan tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng nên việc thực thi pháp luật trong các hoạt động của mình phải được đặt lên hàng đầu vì đó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo thực hiện công lý, thực hiện pháp chế xã hội chủ nghĩa. Là các cơ quan tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời lại là các cơ quan hành chính sự nghiệp nên các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát vừa phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật tố tụng, Luật tổ chức Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của Toà án, Viện kiểm sát và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước. Như vậy, công tác theo dõi thi hành pháp luật trong các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát cũng đồng nghĩa với việc quản lý, theo dõi các hoạt động của hai cơ quan này.

          Vì có đặc thù vừa là cơ quan tiến hành tố tụng, vừa là cơ quan hành chính sự nghiệp nên cơ quan Toà án và Viện kiểm sát phải thường xuyên quan hệ với các cơ quan, tổ chức để thực hiện pháp luật tố tụng và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động của Toà án, Viện kiểm sát.

          I. Công tác theo dõi thi hành pháp luật trong hệ thống cơ quan Toà án, Viện kiểm sát

          1. Một số căn cứ pháp lý

          – Điều 126 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 quy định:

          ” Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong phạm vi chức năng của mình, có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể; bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân”

          – Điều 127 Hiến pháp 1992 quy định:

          ” Toà án nhân dân tối cao, các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự và các Toà án khác do luật định là những cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.

          – Điều 137 Hiến pháp năm 1992 quy định:

          ” Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

            Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong phạm vi trách nhiệm do luật định”.

          Các quy định nêu trên của Hiến pháp năm 1992 là cơ sở pháp lý quan trọng và được cụ thể hoá trong Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2002, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002; một số Pháp lệnh khác như Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Toà án, Pháp lệnh Kiểm sát viên; một số văn bản quy định có tính nội bộ của ngành như Quy chế hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, các quy định của ngành Toà án nhân dân và một số quy chế phối hợp của Toà án, Viện kiểm sát với các cơ quan, tổ chức khác trong việc thực hiện một số quy định của pháp luật.

 Công tác theo dõi thi hành pháp luật trong hệ thống cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát và mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện công tác này

Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

          2. Việc thi hành pháp luật trong hệ thống cơ quan Toà án, Viện kiểm sát

          2.1. Thi hành pháp luật trong hoạt động tố tụng

          Với chức năng là các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan Toà án và Viện kiểm sát phải đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ, chính xác các quy định của pháp luật tố tụng trong hoạt động giải quyết, xét xử các vụ án. Công tác giải quyết, xét xử các vụ án luôn được coi là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của Toà án và Viện kiểm sát. Thi hành pháp luật trong hoạt động giải quyết, xét xử là việc các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng của các cơ quan này phải đảm bảo áp dụng đúng các quy định của pháp luật để giải quyết, xét xử các vụ án cụ thể. Thực tiễn giải quyết, xét xử các vụ án cho thấy việc áp dụng pháp luật để giải quyết, xét xử các vụ án cũng còn gặp không ít khó khăn do hệ thống pháp luật của Nhà nước chưa hoàn chỉnh, thậm chí không ít văn bản pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc một số quy định của pháp luật không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; nhận thức về một số quy định của pháp luật chưa thống nhất, dẫn tới việc áp dụng pháp luật để giải quyết, xét xử không thống nhất. Điều đó lý giải vì sao các cơ quan tư pháp có những quan điểm khác nhau về một vẫn đề nào đó và vì sao Toà án cấp trên lại sửa, huỷ bản án, quyết định của Toà án cấp dưới. (Tất nhiên, việc sửa, hủy bản án, quyết định của Toà án cấp dưới còn nhiều nguyên nhân khác, trong đó có không ít trường hợp do lỗi chủ quan của Thẩm phán chứ không phải là do nhận thức chưa thống nhất về quy định của pháp luật). Để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án, vấn đề đặt ra là phải đảm bảo có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đặc biệt là phải nhanh chóng, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật. Hướng dẫn áp dụng pháp luật của các cơ quan tư pháp càng cụ thể, rõ ràng, rành mạch bao nhiêu thì nhận thức và áp dụng pháp luật càng thống nhất bấy nhiêu. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ, tư cách, phẩm chất, đạo đức của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký Toà án, chuyên viên pháp lý trong các cơ quan này là một đòi hỏi cấp thiết trong tình hình hiện nay.

          Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình đã quan tâm đến việc tổng kết thực tiễn công tác giải quyết, xét xử các vụ án để ban hành các văn bản của từng ngành hoặc của liên ngành hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong công tác xét xử và thi hành án hình sự.

          Theo số liệu thống kê của ngành Toà án nhân dân thì số lượng các vụ án mà ngành Toà án nhân dân phải giải quyết hàng năm trung bình khoảng 300.000 vụ. Mỗi năm, số vụ án mà các Toà án đã thụ lý, giải quyết tăng trung bình từ 7% đến 10%. 6 tháng đầu năm 2009, các Toà án đã thụ lý 169.143 vụ, giải quyết 115.439 vụ, tăng 12.110 vụ (bằng 8%) so với cùng kỳ năm trước. Về chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án cơ bản được đảm bảo. Tỷ lệ các vụ án bị huỷ chiếm khoảng 1,10%, bị sửa chiếm 4,10%.

          Trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình, các Viện kiểm sát đã làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có Toà án. Hàng năm, Viện kiểm sát đã ban hành ngàn quyết định kháng nghị và các văn bản kiến nghị đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là các hoạt động trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án dân sự, hình sự.

          2.2. Thi hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước, điều hành hoạt động của cơ quan

          Các cơ quan Toà án và Viện kiểm sát luôn gương mẫu, đi đầu trong việc thi hành pháp luật hành chính. Các văn bản pháp luật hành chính có liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát đều được chú ý phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh. Cán bộ, công chức của Toà án, Viện kiểm sát nhận thức rõ vị trí, địa vị pháp lý của mình trong hệ thống chính trị nên đã tích cực chấp hành quy định của Nhà nước. Một số văn bản pháp luật quan trọng như Bộ luật lao động, Pháp lệnh cán bộ, công chức, Luật Ngân sách, Luật giao thông, Luật phòng chống tham nhũng, lãng phí… đều được các ngành Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cụ thể hoá bằng các văn bản hướng dẫn áp dụng hoặc các quy định dưới hình thức Quy chế nội quy của cơ quan, đơn vị. Các văn bản có tính chất nội bộ của ngành vừa là cụ thể hoá các quy định của Nhà nước trong các văn bản quy phạm pháp luật, vừa là sự điều hành, quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo việc thi hành pháp luật của các đơn vị, tập thể, cá nhân trong ngành và đó cũng là một biện pháp nhằm đưa pháp luật vào đời sống của cán bộ, công chức và hoạt động hành chính của cơ quan.

          II. Mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện công tác thi hành pháp luật

          1. Mối quan hệ trong thực hiện pháp luật tố tụng

          Pháp luật tố tụng hình sự, Pháp luật tố tụng dân sự, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã quy định rõ chức năng, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thiết lập các mối quan hệ trên cơ sở các quy định của luật tố tụng để giải quyết, xét xử vụ án.

          Các Viện kiểm sát nhân dân có quan hệ mật thiết với cơ quan điều tra trong việc khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án hình sự; quan hệ rất mật thiết với Toà án trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát công tác xét xử, thi hành án hình sự của Toà án; quan hệ mật thiết với các cơ quan tư pháp trong việc kiểm sát quá trình thi hành án dân sự (cơ quan thi hành án dân sự); quan hệ mật thiết với Bộ Công an trong việc kiểm sát giam giữ, cải tạo phạm nhân (người bị kết án); kiểm sát các hoạt động khác của các cơ quan tư pháp…

          Các Toà án thực hiện chức năng xét xử “độc lập, chỉ tuân theo pháp luật” nhưng phải chịu sự kiểm sát của Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên đối với không chỉ là công tác giải quyết xét xử mà còn đối với công tác thi hành án hình sự và các hoạt động khác. Trong quá trình thực hiện chức năng giải quyết, xét xử các vụ án, các Toà án còn phải thiết lập các mối quan hệ với cơ quan Công an trong việc thay đổi các biện pháp ngăn chặn, trích xuất bị cáo đến đến phiên toà, tống đạt cho bị can những quyết định của Toà án, thực hiện công tác giảm án, tha tù hàng năm và phối hợp thực hiện chủ trương, quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá…

          Ngoài ra, để giải quyết tốt một vụ án, các Toà án còn phải thiết lập mối quan hệ với các cơ quan bổ trợ tư pháp để nhận được sự giúp đỡ, phối hợp hoặc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan này trong các hoạt động bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đương sự, bị cáo của Luật sư, bào chữa viên nhân dân; các cơ quan giám định, phiên dịch; các cơ quan, tổ chức khác trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Toà án…

          Cơ quan Toà án, Viện kiểm sát và Công an còn thường xuyên phối hợp để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án; tổ chức các phiên toà lớn hoặc xét xử lưu động các vụ án trọng điểm của trung ương hoặc của địa phương. Thông qua các vụ án điểm, xét xử lưu động, các cơ quan tư pháp phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, phát huy hiệu quả của công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm và các vi phạm pháp luật.

          Phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc chuyển giao các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để thi hành; giải thích, đính chính những sai sót, trả lời các yêu cầu của cơ quan thi hành án, quyết định việc hoãn thi hành án dân sự…

          Theo quy định của pháp luật, Toà án phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức tham gia tố tụng, nhất là khi các cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

          Các Toà án nhân dân địa phương phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để quản lý các trường hợp bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo, phải chấp hành các hình phạt bổ sung hoặc các trường hợp có đủ điều kiện để được Toà án xét giảm thời gian thử thách của án treo, xoá án tích…

          2. Mối quan hệ trong thi hành các quy định khác của pháp luật

          Đây là những mối quan hệ mang tính chất hành chính nhằm tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động của các Toà án, Viện kiểm sát theo đúng quy định của pháp luật. Chẳng hạn, Toà án nhân dân tối cao phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước ban hành quy chế công tác về việc giải quyết các vụ án tử hình; Toà án nhân dân tối cao phối hợp với Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành quy chế trong việc phối hợp thực hiện pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân; Toà án nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản về quản lý các Toà án quân sự…

          Bên cạnh đó, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao còn phối hợp với các cơ quan hữu quan để ban hành các văn bản liên tịch hướng dẫn thực hiện một số lĩnh vực về chế độ chính sách về cán bộ, về tài chính, về đãi ngộ… đối với cán bộ, công chức của các cơ quan này.

          III. Cơ chế theo dõi thi hành pháp luật trong hệ thống cơ quan Toà án, Viện kiểm sát

          1. Cơ chế tự kiểm tra việc áp dụng pháp luật hoặc thi hành pháp luật

          Kiểm tra việc thực hiện pháp luật, áp dụng pháp luật trong giải quyết, xét xử các vụ án là một yêu cầu, một đòi hỏi thường xuyên của các Toà án, Viện kiểm sát. Chẳng hạn, lãnh đạo Toà án các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao phải thường xuyên kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao có đảm bảo đúng yêu cầu của lãnh đạo không, đặc biệt là có đúng quy định của pháp luật không. Thông qua kết quả giải quyết, lãnh đạo các đơn vị phải tự đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cá nhân, tập thể, đơn vị. Kết quả công việc không phải do đơn vị tự nhận, tự đánh giá mà phải căn cứ vào các kết luận có tính chất “thẩm định” như kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền đối với các hoạt động mang tính hành chính của đơn vị; kết quả giải quyết, xét xử của Toà án cấp trên đối với Toà án nhân dân cấp dưới; các kết luận về công tác kiểm tra giám đốc của Toà án cấp trên với Toà án cấp dưới. Kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cá nhân, tập thể, đơn vị và một số tiêu chí khác về phẩm chất, đạo đức, tác phong, ý thức tổ chức kỷ luật… là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời cũng là cơ sở, căn cứ để đánh giá việc thi hành pháp luật của cá nhân, tập thể, đơn vị.

          Ví dụ một số tập thể hoặc một cá nhân luôn luôn để các vụ án quá thời hạn xét xử thì không thể đánh giá tập thể, cá nhân đó đã thi hành tốt pháp luật.

          2. Cơ chế kiểm tra của cấp trên với cấp dưới

          Thông qua công tác kiểm tra của các hoạt động của Toà án, Viện kiểm sát cấp dưới, Toà án, Viện kiểm sát cấp trên phát hiện những sai sót, sai lầm trong áp dụng pháp luật của cấp dưới để giải quyết, xét xử lại các vụ án hoặc kiểm tra để phát hiện việc thi hành không nghiêm, không đúng quy định của pháp luật trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị. Từ những phát hiện đó Toà án, Viện kiểm sát cấp trên kịp thời rút kinh nghiệm hoặc có những biện pháp phù hợp, đúng quy định của ngành, của pháp luật để sửa chữa sai lầm (Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, kỷ luật, kiến nghị…).

          3. Thông qua dư luận xã hội, các phản ánh qua tiếp xúc cử tri, tiếp dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân các Toà án, Viện kiểm sát tự kiểm tra hoặc tổ chức kiểm tra để xác định việc thực hiện pháp luật của đơn vị mình hoặc cấp dưới đúng hay không. Những trường hợp đúng như phản ánh, phải sửa chữa kịp thời và trả lời công luận hoặc người khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của Luật khiếu nại, tố cáo. Những trường hợp không đúng hoặc có thể là vu khống, thì tuỳ từng vụ việc cụ thể để giải quyết và cũng không loại trừ trường hợp phải yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi cố tình xuyên tạc, vu khống nghiêm trọng.

          4. Cơ chế báo cáo

          Toà án, Viện kiểm sát các cấp đều phải thực hiện chế độ báo cáo công tác theo định kỳ hoặc đột xuất. Theo quy định của Luật tổ chức Toà án nhân dân và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân thì Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải báo cáo kết quả hoạt động trước Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước; các Toà án, Viện kiểm sát địa phương phải báo cáo kết quả công tác với Hội đồng nhân dân cùng cấp. Kết quả hoạt động của các ngành Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cũng chính là kết quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực mà các cơ quan này được Đảng, Nhà nước giao phó.

          5. Cơ chế giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân

          Thông qua các báo cáo của ngành Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân địa phương, Quốc hội; Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát thi hành pháp luật đối với các cơ quan này. Quốc hội, Hội đồng nhân dân có thể tổ chức hoạt động giám sát đối với toàn bộ hoạt động của Toà án, Viện kiểm sát trong một khoảng thời gian nào đó, nhưng cũng có thể chỉ giám sát một lĩnh vực hoạt động nhất định (theo chuyên đề); cũng có thể các Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát bằng các yêu cầu trả lời chất vấn. Các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát phải có trách nhiệm báo cáo, trả lời hoặc phối hợp để Quốc hội, các ban của Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện tốt quyền giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

          6. Giám sát của cơ quan Viện kiểm sát

          Theo qui định của pháp luật, Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có Toà án. Việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử, giải quyết các vụ án là một chức năng quan trọng của cơ quan Viện kiểm sát. Thông qua việc thực hiện chức năng này, Viện kiểm sát có quyền ban hành các văn bản kiến nghị Toà án, cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp khác kịp thời sửa chữa những sai sót, khuyết điểm trong hoạt động của các cơ quan này; kháng nghị những bản án, quyết định của Toà án nếu Viện kiểm sát cho rằng có những vi phạm pháp luật tố tụng hoặc áp dụng không đúng quy định của pháp luật trong việc giải quyết, xét xử vụ án.

          Pháp luật tố tụng hình sự cũng có những quy định về chức năng, thẩm quyền của Viện kiểm sát đối với việc kiểm sát công tác điều tra của cơ quan điều tra (Công an nhân dân, Quân đội, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm) (xem các Điều 111, 112, 113 Bộ luật tố tụng hình sự).

          7. Cơ chế phối hợp của các cơ quan, tư pháp

          Trong hoạt động của mình, các cơ quan tư pháp thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các cơ quan tư pháp vẫn thường xuyên phối hợp hoạt động. Cơ chế phối hợp này được quy định trong các Thông tư liên tịch, Quy chế liên ngành. Theo đó, các cơ quan tư pháp bố trí lịch họp thường xuyên để giải quyết các vấn đề phát sinh, các vướng mắc trong hoạt động, đồng thời cũng thực hiện việc kiểm điểm, giám sát các hoạt động và đôn đốc thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

          Ví dụ như tổ chức họp để bàn hướng giải quyết một vụ án trọng điểm; họp để rà soát, đối chiếu danh sách các bị cáo tại ngoại nhưng chưa bắt thi hành án; họp để chuẩn bị tổ chức các phiên toà lớn; họp để giải quyết các vướng mắc trong thi hành án dân sự (đối với các trường hợp bản án tuyên không rõ ràng, không có tính khả thi hoặc cần phải đính chính, giải thích rõ hơn…).

          8. Cơ chế lãnh đạo của Đảng

          Hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có Toà án và Viện kiểm sát không tách rời sự lãnh đạo của Đảng. Các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát không tổ chức và thực hiện cơ chế Đảng đoàn ngành nên các cơ quan Viện kiểm sát, Toà án nhân dân chịu sự lãnh đạo của Cấp uỷ Đảng địa phương. Thông thường, Cấp uỷ Đảng địa phương cử một          đồng chí trong thường vụ phụ trách công tác nội chính. Các hoạt động của các cơ quan tư pháp đều phải báo cáo và đặt dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ Đảng. Những trường hợp có ý kiến không thống nhất giữa các cơ quan tư pháp về một vấn đề cụ thể nào thì đều xin ý kiến chỉ đạo của cấp uỷ Đảng. Như vậy, cấp uỷ Đảng (hiểu theo nghĩa rộng là bao gồm cả cấp uỷ Đảng ở chính cơ quan Toà án, Viện kiểm sát) vừa trực tiếp chỉ đạo hoạt động của các cơ quan tư pháp, vừa kiểm tra, giám sát các hoạt động của các cơ quan này.

          IV. Một số vướng mắc và kiến nghị

          1. Một số vướng mắc

          – Hệ thống pháp luật của Nhà nước ta chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chưa hoàn chỉnh, thậm chí còn rất nhiều quy định chồng chéo nhưng không được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Đó là những vướng mắc rất lớn trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết, xét xử các vụ án.

          Ví dụ 1: Mâu thuẫn giữa một số quy định trong Luật khiếu nại, tố cáo với Luật đất đai. Luật khiếu nại, tố cáo quy định trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong tất cả các lĩnh vực thuộc quản lý hành chính nhà nước, nhưng Luật đất đai thì quy định các khiếu nại về quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực đất đai được giải quyết theo cơ chế riêng, không thống nhất với Luật khiếu nại, tố cáo.

          Ví dụ 2: Khoản 2 Điều 138 Luật đất đai quy định: “Trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Toà án nhân dân hoặc tiếp tục khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong trường hợp khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định giải quyết cuối cùng”. Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành đã sửa cụm từ “Quyết định này là quyết định có hiệu lực thi hành”. Như vậy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết khiếu nại tiếp theo về đất đai là quyết định có hiệu lực thi hành, chứ không phải là quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ hai như quy định tại đoạn 2, khoản 3, Điều 63 Nghị định 84/2007/NĐ-CP “… Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh là quyết định giải quyết lần thứ hai…” Quy định này của Nghị định 84/2007/NĐ-CP đã thay thế quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 163 Nghị định 181/2004/NĐ-CP và mâu thuẫn với quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 138 Luật đất đai.

          – Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự có hiệu lực thi hành án cách đây gần 10 năm, nhưng rất nhiều quy định trong các Bộ luật này chưa được hướng dẫn áp dụng. Chẳng hạn như các dấu hiệu, tình tiết định khung tăng nặng ở nhiều tội danh như vật phạm pháp có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn; thu lợi bất chính lớn, rất lớn, đặc biệt lớn; hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng… Vì vậy, nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng khác nhau và áp dụng pháp luật cũng khác nhau. Vướng mắc này khá phổ biến và cần được sớm tháo gỡ.

          – Các cơ quan pháp luật chưa chỉ rõ và đề nghị Quốc hội giải thích những vướng mắc, mâu thuẫn hoặc chồng chéo trong các văn bản pháp luật. Văn bản pháp luật thì rất nhiều nhưng không được hệ thống, tản mạn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, khi áp dụng không biết văn bản nào còn hoặc hết hiệu lực pháp luật…

          – Pháp luật quy định cho công dân, đương sự có quyền khiếu nại đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng không quy định những nghĩa vụ cụ thể, chẳng hạn như nghĩa vụ nộp tiền lệ phí khi khiếu nại, nghĩa vụ chấp hành giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền… Vì vậy, việc khiếu nại tràn lan, vượt cấp và gần như không có điểm dừng.

          – Chế định Hội thẩm Toà án đã được thực hiện từ khi có Toà án nhưng chưa bao giờ có sự tổng kết, đánh giá hiệu quả đích thực của chế định này. Thực tế chế định Hội thẩm Toà án cũng có những hiệu quả to lớn, nhưng cũng phát sinh không ít những bất cập, hạn chế, mà điển hình là năng lực, trình độ của đội ngũ Hội thẩm, tính hình thức trong xét xử.

          – Việc giám đốc, kiểm tra công tác xét xử của Toà án được thực hiện qua nhiều cơ chế khác nhau nhưng thực chất công tác này chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng công tác kiểm tra rất hạn chế do nhiều nguyên nhân như đội ngũ làm công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu. Các thẩm tra viên hầu hết là những cán bộ mới tuyển dụng, chưa có thực tiễn xét xử, giải quyết vụ án nhưng lại kiểm tra bản án, quyết định của các Thẩm phán, trong đó có cả các Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; tư tưởng nể nang, né tránh hoặc “bệnh thành tích” cũng làm cho hiệu quả của công tác này thấp; công tác kiểm tra giám đốc không được làm thường xuyên. Ví dụ như có Toà án nhân dân  cấp tỉnh hàng chục năm không được kiểm tra nên các sai sót trong nghiệp vụ giải quyết, xét xử các vụ án không được sửa chữa mà lặp đi, lặp lại những sai sót vốn có.

          – Công tác thi hành án hình sự chưa được quan tâm đúng mức tại các Toà án. Không tổ chức một bộ phận chuyên trách về công tác này từ Toà án nhân dân tối cao đến Toà án nhân dân địa phương, do đó việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra gần như bị buông lỏng.

          – Việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp còn nhiều bất cập, ngay ở Toà án nhân dân tối cao cũng chưa có một đầu mối tiếp nhận, xử lý, quản lý, theo dõi đối với công tác này. Tình trạng đơn chạy vòng vèo qua các đơn vị, chậm giải quyết còn nhiêu.

          – Chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, kiểm sát các hoạt động của các cơ quan tư pháp chưa thật tốt. Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà chưa làm hết trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ quyền kháng nghị khi thấy Toà án áp dụng không đúng pháp luật trong giải quyết, xét xử vụ án; chưa làm tốt công tác kiểm sát điều tra để kiến nghị cơ quan điều tra sửa chữa các sai sót trong thi hành pháp luật…

          – Ở một vài nơi, tổ chức Đảng “can thiệp” quá sâu vào công tác chuyên môn, thậm chí tổ chức các Đoàn kiểm tra công tác xét xử của Toà án và đưa ra những kết luận đánh giá, nhận xét đúng, sai của từng vụ án, từ đó có các quyết định xử lý cán bộ, thẩm phán không đảm bảo chất lượng xét xử theo kết luận của đoàn kiểm tra.

          2. Một số kiến nghị

          – Quốc hội cần tăng cường công tác xây dựng pháp luật và giải thích pháp luật. Những vướng mắc trong áp dụng pháp luật phải do các cơ quan áp dụng, thi hành pháp luật tổng kết và đề xuất, trên cơ sở đó Quốc hội giải thích pháp luật.

          – Các cơ quan có thẩm quyền phải khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, Quốc hội cần quy định rõ thời gian hướng dẫn áp dụng pháp luật của các cơ quan này, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm và kéo dài vô thời hạn như hiện nay.

          – Các ngành tư pháp cần có quy chế phối hợp công tác để cùng giám sát việc thực hiện pháp luật của từng ngành.

          – Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, phổ cập kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức nhất là những người giữ các cương vị lãnh đạo, điều hành. Đây cũng là một trong những vấn đề rất quan trọng để xây dựng và thực thi Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

          – Nhà nước cần quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc và đội ngũ cán bộ cho các cơ quan tư pháp, đặc biệt là Toà án để đảm bảo thực hiện tốt chiến lượng cải cách tư pháp. Bên cạnh đó Nhà nước cần sớm củng cố, hoàn thiện các cơ quan hỗ trợ tư pháp để đáp ứng yêu cầu của công tác xét xử hiện nay.

          Kết luận:    Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân là các cơ quan tiến hành tố tụng nên thi hành pháp luật, áp dụng đúng pháp luật trong các hoạt động của mình là một yêu cầu hết sức quan trọng. Không thể chấp nhận được nếu như các cơ quan thực thi pháp luật lại vi phạm pháp luật. Vì thế, việc theo dõi thi hành pháp luật, áp dụng thống nhất pháp luật và phối hợp với các cơ quan, tổ chức để thi hành pháp luật là điều kiện tất yếu để đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa được thực hiện

Th.s Nguyễn Quang Lộc

Thẩm phán – Vụ trưởng Vụ tổng hợp – TANDTC

Nguồn: TANDTC

 (LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)